Phim truyền hình Việt : Đằng sau sự phát triển

22:11 29/08/2021

Năm 2010 là một năm nữa chứng kiến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, tiêu biểu là thể loại phim truyền hình. Nếu như cách đây không lâu, khán giả truyền hình Việt Nam vốn chỉ biết “đổi món” giữa hai “ông lớn” trên sóng truyền hình là phim Trung Quốc, Hàn Quốc … thì nay, họ có thêm món “cây nhà lá vườn”...

Phim truyền hình Việt: Đằng sau sự phát triển

 

 

 

 

 

 

 

Năm 2010 là một năm nữa chứng kiến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, tiêu biểu là thể loại phim truyền hình. Nếu như cách đây không lâu, khán giả truyền hình Việt Nam vốn chỉ biết “đổi món” giữa hai “ông lớn” trên sóng truyền hình là phim Trung Quốc, Hàn Quốc … thì nay, họ có thêm món “cây nhà lá vườn” với “thực đơn” ngày càng đa dạng. Với tiêu chí phải chiếu ít nhất 30% phim Việt trên sóng, phim truyền hình Việt Nam đã có sự vùng lên mạnh mẽ. Ước tính, mỗi ngày có... gần chục tập phim truyền hình do các hãng nhà nước và tư nhân sản xuất. Hầu như tuần nào cũng có một dự án phim mới được khởi động. Phim Việt bùng nổ với cường độ mạnh, tốc độ cao và lan trên diện rộng theo mức độ tăng dần trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các hãng phim tư nhân.

 

Những “Bỗng dưng muốn khóc”, “Lập trình cho trái tim” hay “Cổng mặt trời” cũng đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, làm thay đổi phần nào những đánh giá mà người ta hay gán cho phim Việt bấy lâu nay. Và thế là, các hãng tư nhân làm không xuể các phim theo đơn đặt hàng, các lớp diễn viên trẻ nô nức mở ra và người ta cứ chen chút nhau trong các lớp còn chưa được thẩm định về chất lượng ấy.

 

Cứ thế người người làm phim, nhà nhà làm phim để phục vụ nhu cầu của các đài truyền hình trong cả nước. Thế nhưng, trong cái khí thế ồ ạt sản xuất hàng loạt như thế, dường như các nhà sản xuất đã quên mất hoặc lờ đi tính chất quan trọng nhất trong công việc của họ: hồn Việt.


Cái hồn của người Việt không phải là cái gì cao xa, diệu vợi, nó thể hiện trong từng hành động, lời thoại của người Việt Nam ta.

 

Chúng ta có thể bắt gặp những tình huống na ná nhau trong những bộ phim khác nhau, có thể nhận ra một số diễn viên quen thuộc cứ xuất hiện hàng ngày mà không định hình được họ đang đóng phim gì, những câu thoại khiêm cưỡng, đôi khi sáo rỗng vẫn cứ xuất hiện nhan nhản trên truyền hình. Nhưng điều quan trọng là những tình huống đó dường như cứ na ná một phim truyện nước ngoài nào đó…
 

Người ta đổ lỗi hết cho cái “cơn đói” của các nhà đài khiến các guồng quay vẫn đang chạy hết công suất mà vẫn không kịp đáp ứng thì lấy đâu ra thời gian mà đầu tư cho kĩ lưỡng. Số lượng phim Việt trên truyền hình đang tăng với tốc độ ồ ạt trong khi đội ngũ chính làm phim như biên kịch, đạo diễn, diễn viên chưa kịp có sự bổ sung. Bản thân các đạo diễn cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lối làm phim cẩu thả, kết quả của việc cố gắng "trụ vững" trong guồng quay đủ định mức. Và rồi, những sai lầm nghiêm trọng lộ ra…

 

 

 

 

Khi đã cạn nguồn ý tưởng, các nhà sản xuất quay sang giải pháp Việt hóa phim nước ngoài, nhưng xem ra, họ chỉ mới làm tốt phần “hóa”. Thỉnh thoảng, khán giả lại phải tự hỏi : mình đang xem phim Việt hay phim của nước nào khác? Đôi lúc lại phải phì cười trước những tình huống, câu thoại vốn không tồn tại trong đời sống người Việt mà các diễn viên cứ nói ra rả trên phim. Đơn cử như phim “Ngôi nhà hạnh phúc” phiên bản Việt Nam đình đám một thời, thậm chí còn bê nguyên xi kịch bản gốc, chỉ thay đổi tên nhân vật, địa điểm cho gọi là có “Việt hóa”. Hậu quả là sau bao háo hức ban đầu, khán giả quay lưng đi vì nội dung chả có gì mới lạ, đó là chưa kể, diễn xuất của diễn viên nhà vốn chưa thể sánh bằng những thần tượng nước ngoài đã quen thuộc trong lòng công chúng.


Hãy nhìn cái cách mà văn hóa Hàn Quốc chiếm cảm tình của khán giả Việt Nam. Diễn viên của họ mặc rất sành điệu, nhưng nghi phục truyền thống luôn có một thời lượng nhất định trong phim, họ ăn đồ ăn truyền thống một cách ngon lành chứ không phải động tí là ăn món Tây như phim ta.

 

Mà bản thân phim Hàn Quốc cũng có lúc cạn đề tài thì khi họ chuyển thể kịch bản nước ngoài lại càng đáng nể hơn. Boys Over Flowers, bộ phim Hàn chuyển thể từ Vườn Sao Băng của Đài Loan, dành được thành công vang dội nhưng vẫn đậm nét Hàn Quốc. Tiêu biểu như cảnh cậu con trai nhà giàu sung sướng như thế nào khi được cùng gia đình người yêu làm món kim chi truyền thống, vốn không có trong nguyên tác lại khiến người xem có thể thòm thèm dù chỉ nhìn bằng mắt. Đó là cách mà họ dùng phim ảnh để ca ngợi những nét văn hóa của dân tộc, đồng thời truyền bá nó đến những nước mà phim công chiếu. Trong khi đó, những nét văn hóa độc đáo của chúng ta lại bị các nhà làm phim lờ đi, hoặc chỉ nói qua cho có lệ, chưa bao giờ gây được hứng thú cho người Việt thì nói chi tới việc truyền bá văn hóa.

 


 

Hãy nhìn về lễ vật mà chúng ta định dâng lên ông bà trong ngày đại lễ Ngàn năm, phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long. Một phim mà từ đạo diễn, biên kịch, hóa trang, phục trang, cảnh quay cho đến diễn viên quần chúng… đều là của Trung Quốc ! Hãy cứ đổ lỗi cho đội ngũ của chúng ta chưa chuyên nghiệp, nhưng lẽ nào cảnh quay, trang phục mà cũng phải đi vay mượn thì chả trách có người chua chát gọi đây là “phim Tàu nói tiếng Việt”.

 

Trong dịp đại lễ để bày tỏ lòng biết ơn mà chúng ta dâng lên một “dị vật” như vậy thử hỏi ông bà tổ tiên, những bậc khai quốc công thần của chúng ta sẽ nghĩ gì?

 

Xét về trí tuệ, tiềm lực, khát vọng thì những nhà làm phim nước ta hoàn toàn có đủ khả năng đưa điện ảnh nước nhà lên một tầm cao mới, nhưng xin đừng đổ lỗi cho sự gấp gáp mà dễ dàng buông thả, đừng vì lợi nhuận mà lãng quên những gía trị Việt, tinh thần Việt, và đừng để mắc lỗi với cha ông đi trước, những người đã hy sinh xương máu để gìn giữ cái gọi là bản sắc Việt Nam của chúng ta.

 

Bài: Hoàng Hưng

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích