Phim hoạt hình - Một chặng đường hưng thịnh
22:11 29/08/2021
- Công ty Sey Solutions - Giải pháp xây dựng phần mềm
- "Sai lầm to lớn" khi chấm nước bọt vào nốt muỗi đốt
- 4 việc nên làm vào buổi tối để có được một body thon gọn
Mùa phim hè 2012 được đánh giá là mùa hè của các siêu anh hùng khi lần lượt các Avengers, Spider Man, Batman… tung hoành trên màn ảnh. Tuy nhiên, các siêu anh hùng vẫn có những đối thủ đáng gờm đến từ thể loại vốn được xem là dành cho trẻ em như: Madagascar 3, Brave, Ice Age 4…
PHIM HOẠT HÌNH – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HƯNGTHỊNH
Mùa phim hè 2012 được đánh giá là mùa hè của các siêu anh hùng khi lần lượt các Avengers, Spider Man, Batman… tung hoành trên màn ảnh. Tuy nhiên, các siêu anh hùng vẫn có những đối thủ đáng gờm đến từ thể loại vốn được xem là dành cho trẻ em như: Madagascar 3, Brave, Ice Age 4… vốn rất được cả khán giả người lớn trông đợi. Đó là minh chứng cho sự thành công của thể loại phim hoạt hình, vốn đã thoát khỏi cái mác “chỉ dành cho trẻ em” để trở thành phim cho mọi đối tượng.
Âm thanh xuất hiện trên phim và sự xưng bá của Walt Disney
Lịch sử phát triển của phim hoạt hình cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Trong khi cả thế giới trầm trồ trước những hình ảnh đời thực của cuộc sống được đưa lên trên màn ảnh với những phát minh mới của công nghiệp, thì thầm lặng hơn, các họa sĩ cũng bắt đầu vào để đưa một thế giới của trí tưởng tượng lên màn ảnh.
Hoạt họa truyền thống bắt đầu với từng hình ảnh đã được vẽ và tô màu rồi sau đó mới chụp chúng vào phim. Trong thập niên kỷ 1910, hai ông John Randolph Bray (1879-1978) và Earl Hurd (1880-1940) đã tạo dựng nên kỹ thuật hoạt hình trên phim xenluloit (celluloid animation) để tăng nhanh tốc độ quá trình làm phim bằng cách vẽ các nhân vật phim trên các miếng nhựa trong, hầu cho nhân vật có thể được chuyển động mà không cần phải vẽ lại cảnh đằng sau cho mỗi hình một. Thuở ban đầu, phim hoạt hình chỉ mang tính giải trí và nghiên cứu chứ chưa mang tính thương mại vì kinh phí để sản xuất một phim khá lớn, đòi hỏi đội ngũ làm phim phải tỉ mỉ, cẩn trọng trong suốt một thời gian dài hoàn toàn làm bằng tay.
Trong khi đó, đến 1927, sự ra đời của của phim có âm thanh đặt các hãng phim vào tình thế “đổi mới hay là chết”, và nó cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến phim hoạt hình. Và một trong những hãng tiên phong đưa âm thanh vào phim, Walt Disney, đã liều lĩnh tiến hành một dự án được coi là canh bạc tài chính lớn bằng cách sản xuất Steamboat Willie - bộ phim hoạt hình đầu tiên có âm thanh đồng bộ hoàn toàn. Sự táo bạo này mang đến cho hãng số tiền vé kỷ lục, lôi kéo hàng triệu người đến rạp, đồng thời nâng danh tiếng của Walt Disney lên một tầm cao mới.
Steamboat Willie - bộ phim hoạt hình đầu tiên có âm thanh
Trong những năm đầu thập niên 30, thế giới phim hoạt hình dường như bị chia thành hai phần: Walt Disney và phần còn lại. Sự nổi tiếng mang tính hiện tượng của chuột Mickey đưa các nhân vật hoạt hình vào hàng ngũ những diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất trên thế giới (nổi tiếng chẳng kém gì vua hề Charlie Chaplin). Trong một thời gian dài, dường như tất cả những gì mà hãng Walt Disney chạm vào đều hóa thành vàng. Tập đoàn này đã khởi xướng sự phát triển của kỹ thuật phối màu – gọi là Technicolour – trong phim nhựa. Bộ phim hoạt hình đa màu đầu tiên trên thế giới - Flowers and Trees (1932) – cũng là sản phẩm của họ.
Walt Disney cũng phát triển ý tưởng “hiện thực hóa cuộc sống” trong phim hoạt hình đến một mức độ mà các chuyên gia cho rằng, cho đến tận ngày nay, chưa có công ty nào qua mặt được họ. Đội ngũ sản xuất phim hoạt hình của ông, bao gồm cả các chuyên gia kỹ thuật, đã chế tạo ra loại máy quay đặc biệt (multiplane camera) có khả năng tạo ra hiệu ứng không gian 3 chiều trong phim hoạt hình trái ngược với những bức vẽ hai chiều được dùng để sản xuất phim hoạt hình truyền thống. Chiến lược chú trọng tới phát triển cốt truyện và nhân vật dẫn tới sự ra đời của một “quả bom tấn” mới của Disney: Three Little Pigs (1933). Đây được coi là bộ phim hoạt hình đầu tiên trong đó nhiều nhân vật thể hiện những tính cách độc đáo mang tính cá nhân.
Đương nhiên là Disney phải đối mặt với hàng loạt đối thủ cạnh tranh, mặc dù chẳng ai trong số họ đủ khả năng hất xưởng phim của ông khỏi vị trí thống trị trong ngành công nghiệp phim hoạt hình trong suốt thập niên 30. Xét về chất lượng thì đối thủ xứng tầm nhất so với Walt Disney là Max Fleischer, chủ tịch xưởng phim Fleischer (chuyên sản xuất hoạt hình cho hãng Paramount Pictures). Xưởng phim này tiếp tục theo đuổi những cải tiến và ý tưởng sáng tạo mà họ từng phát triển trong kỷ nguyên của phim câm, và thu được nhiều thành công vang dội với phim Betty Boop (nói về một cô gái xinh đẹp có lối sống phóng khoáng) và series phim Popeye The Sailor (kể về những cuộc phiêu lưu của chàng thủy thủ Popeye).
Popeye – nhân vật thành công nhất của hãng Fleischer
Sự nổi tiếng của chàng thủy thủ Popeye trong những năm 30 có thể sánh ngang với chuột Mickey, và câu lạc bộ những người hâm mộ Popeye mọc lên như nấm khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm đầu thập niên 30, sự phản đối của công chúng đối với những hành vi “trái đạo đức” trong các tập phim về Popeye cũng lên tới đỉnh điểm. Kết quả là chính quyền phải áp dụng Đạo luật về sản xuất phim vào năm 1934 nhằm quét sạch “sự đồi bại, khiếm nhã” trong các bộ phim. Đạo luật này cũng được áp dụng đối với phim hoạt hình và ngay cả chuột Mickey cũng buộc phải thay đổi hành vi ứng xử. Xưởng phim Fleischer được các nhà làm luật quan tâm “đặc biệt” và nhân vật Betty Boop đã bị thay đổi khá nhiều, từ hành vi cho tới trang phục. Chính vì thế mà sự sáng tạo và đột phá trong những bộ phim của họ giảm hẳn.
Trong khi đó, mất vai trò đầu tàu ở Warner Bros., hai nhân vật tên tuổi khác là Harman và Ising chuyển tới xưởng phim hoạt hình của MGM, nơi họ được cấp những khoản kinh phí lớn hơn để sản xuất phim hoạt hình. Hai ông cho ra đời những bộ phim hoạt hình sống động, trong đó các nhân vật thường có tính cách khác thường. Nhưng phong cách sáng tạo của họ khiến các phim hoạt hình của MGM có một đặc điểm: hình ảnh rất sống động, nhưng cốt truyện chẳng có gì đáng nhớ. Các sản phẩm của MGM đi theo mô tuýp đó trong suốt thập niên 30, mặc dù phim của họ thường được đề cử cho giải Oscar.
Phim hoạt hình dài và sự thống trị của Walt Disney
Tuy nhiên, tất cả các đối thủ tiếp tục chậm chân khi Walt Disney tiến thêm một bước mới bằng việc phát hành phim hoạt hình dài đầu tiên vào năm 1937: Snow White And The Seven Dwarfs . Disney cho rằng những phim hoạt hình ngắn sẽ không đem đến lợi nhuận cho xưởng phim của ông trong tương lai dài hạn, vì thế ông lại tiếp tục thực hiện một canh bạc nữa trong sự nghiệp. Ngay từ khi Snow White And The Seven Dwarfs còn trong quá trình sản xuất, giới phê bình đua nhau chỉ trích dự án đó, cho rằng nó sẽ giáng một đòn chí tử vào uy tín của Walt Disney. Nhưng họ lại nhầm, Snow White And The Seven Dwarfs không chỉ thu được số tiền vé kỷ lục trên toàn thế giới, mà còn đặt nền móng cho sự xuất hiện của một thể loại phim mới tại kinh đô điện ảnh thế giới. Kể từ đó trong phim hoạt hình bắt đầu xuất hiện những bản hòa tấu của cả một dàn nhạc giao hưởng vốn là đặc điểm chung của phim hoạt hình dài thời kì đầu.
Snow White And The Seven Dwarfs – phim hoạt hình dài đầu tiên
Cũng trong lúc đó, xưởng phim Fleischer được hãng Paramount đề nghĩ sản xuất một phim hoạt hình dài. Mặc dù không chắc chắn về khả năng tạo ra được phim có chất lượng, nhưng Fleischers vẫn đồng ý và cho dời hãng về thành phố Miami, bang Florida vào năm 1938. Tại đây, Fleischer cho ra đời phiên bản hoạt hình của phim Gulliver's Travels vào năm 1939. Phim có được thành công nhất định về mặt doanh thu thế là Fleischers mạnh dạn sản xuất Mister Bug Goes To Town vào năm 1941 nhưng ông thất bại thảm hại và buộc phải bán xưởng phim cho hãng Paramount. Hai sản phẩm của Fleischers cùng với Snow White And The Seven Dwarfs của Walt Disney là những phim hoạt hình dài một tập duy nhất của điện ảnh Mỹ cho tới tận năm 1959. Tuy nhiên, ngay sau đó, Walt Disney tiếp tục thành công với một loạt phim hoạt hình dài như: Pinocchio, Bambi, Fantasia… và khẳng định vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực hoạt hình.
Vào thập niên 40, hai sự kiện lớn đã khởi nguồn cho những thay đổi ngoạn mục ở Hollywood: chiến tranh thế giới và cuộc đình công lớn tại Walt Disney. Cuộc đình công của của nhân viên hãng Walt Disney đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Disney với bộ máy do chính ông xây dựng, đồng thời tạo động lực cho nhiều thành viên của xưởng phim ra đi để tìm bến đậu mới.
Private Snafu – một trong những phim hoạt hình phục vụ cho chiến tranh
Sau khi Mỹ tham chiến, các hãng phim hoạt hình cũng khá tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền. Chẳng hạn, chàng thủy thủ Popeye tham gia hải quân và đánh nhau với phát xít Đức, Nhật hay hãng Warner Bros cho ra đời series phim hoạt hình Private Snafu, một ấn phẩm sớm trở thành món ăn tinh thần ưa thích của binh lính Mỹ ngoài chiến trường.
Sau một thập kỷ tìm cách lật đổ Walt Disney khỏi ngôi vị thống soái nhưng không thành, xưởng phim MGM bỗng dưng được hưởng hai cơ hội trời cho. Thứ nhất là việc bộ phim hoạt hình ngắn Puss Gets The Boot được đề cử Oscar. Ngay sau đó, họ bắt tay vào sản xuất series phim nhiều tập Tom And Jerry. Những cuộc rượt đuổi bất tận của 2 nhân vật này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay và vẫn đều đặn mang lợi nhuận về cho MGM.
Tom and Jerry – series thành công nhất của MGM
Cùng lúc đó thì đạo diễn Tex Avery rời bỏ Warner Bros. sau một tranh chấp với Leon Schleisinger. Ông tới MGM và tạo ra một cuộc cách mạng trong xưởng phim hoạt hình của hãng – điều ông từng làm được khi mới đến Warner Bros. Xen kẽ những tập trong series Tom and Jerry là những tác phẩm mang phong cách hoang dã, siêu thực của Tex Avery. Series phim Red Hot Riding Hood do ông chỉ đạo đã đặt ra những chuẩn mới cho phim hoạt hình dành cho người lớn. Nhờ có Tom And Jerry cùng với Tex Avery, cuối cùng MGM cũng có thể cạnh tranh ngang ngửa với Walt Disney và Warner Bros trong lĩnh vực phim hoạt hình.
Red Hot Riding Hood – phim hoạt hình đầu tiên hướng đến người lớn
Sự xuất hiện của Pixar và Dreamworks
Dẫu bị 2 cú đấm mạnh nhưng Walt Disney vẫn là ông vua trong lĩnh vực phim hoạt hình cho đến khi có 2 cái tên mới xuất hiện: Pixar và Dreamworks. Pixar lúc đầu chỉ là một món đồ chơi không sinh lợi được nuôi dưỡng bởi túi tiền của ông chủ hãng Apple: Steve Jobs. Hoạt động lỗ lã của Pixar thời kì đầu nhiều lúc đã khiến Steve Jobs gần như bỏ cuộc, mãi cho đến khi hãng này cho ra đời Toy Story vào 11/1995. Bộ phim không chỉ mang lại danh tiếng cho hãng, những khoản tiền khổng lồ mà còn mở đầu cho kỉ nguyên hoạt hình mới sản xuất hoàn toàn bằng máy vi tính, chuẩn bị kết thúc thời kì hoạt hình vẽ tay truyền thống của Walt Disney.
Dreamworks và những sản phẩm thành công của mình
Trong khi đó, Dreamworks là đứa con cưng của bộ ba tài năng trong thế giới điện ảnh gồm : đạo diễn Steven Spielberg – thương hiệu của những phim đạt doanh thu cao như E.T, Jurassic Park; cựu trưởng bộ phận sản xuất phim của Walt Disney Jeffrey Katzanberg và David Geffen, một phù thủy của kỹ nghệ thu âm. Thời gian đầu, Dreamworks không mấy nổi tiếng và cũng ít chú trọng đến mảng phim hoạt hình cho đến khi phim Saving Private Ryan của họ giành giải Oscar năm 1998. Trước đó DreamWorks từng dốc hết sức mình để cho ra đời bộ phim Hoàng tử Ai Cập, với tuyên bố lịch sử chấm dứt phim hoạt hình 2D vẽ tay của Walt Disney. Phong cách vẽ của tác phẩm này mạnh mẽ và tinh tế với nguồn cảm hứng đến từ những bức bích họa đầy linh thiêng của Ai Cập, một sự trái ngược hoàn toàn với thế giới cổ tích thần thoại tràn đầy phong cảnh hữu tình lãng mạn của phim hoạt hình trước đây. Về mặt chất lượng, có thể nói Hoàng tử Ai Cập có ưu thế vượt trội hơn so với bộ phim Hercules của Walt Disney được ra mắt cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, cả Hoàng Tử Ai Cập lẫn các phim sau này của Dreamworks đều không đủ sức đánh bật Walt Disney cho đến khi Pixar xuất hiện. Sự thành công trong công nghệ 3D mà Pixar áp dụng vào phim hoạt hình đã gợi mở một hướng đi mới cho Dreamworks trong cuộc chiến chống lại Disney. Shrek ra đời năm 2001, bắt đầu đưa Dreamworks lên thành đại gia trong lĩnh vực phim hoạt hình 3D, đồng thời chính thức khai tử hoạt hình 2D truyền thống.
Pixar và những tác phẩm đình đám
Sự trỗi dậy của Dreamworks buộc lòng Disney phải cầu tới sự giúp đỡ của Pixar mà trên thực tế, quan hệ giữa Pixar và Disney chưa bao giờ yên bình vì những tranh cãi bất tận về lợi nhuận. Pixar chịu trách nhiệm sáng tạo và sản xuất, Disney lo phần marketing và phát hành. Chi phí sản xuất và lợi nhuận chia đôi nhưng Disney giữ bản quyền và nhận được phí phát hành. Sau nhiều cãi cọ, mâu thuẫn giữa hai bên lên đến đỉnh điểm khi Steve Jobs tuyên bố Pixar đang tìm đối tác khác ngoài Disney, nên Disney đã buộc phải nhượng bộ trong một thoả thuận hợp tác mới. Bắt đầu bằng Toy Story, 11 bộ phim hoạt hình ra đời sau đó đem về cho Pixar doanh thu hơn 6 tỷ USD tiền vé trên toàn thế giới, đạt được 22 giải Oscar trong đó có 5 giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất kể từ khi hạng mục này ra đời vào năm 2001, 4 giải Quả Cầu Vàng, 3 giải Grammy và hơn 250 các giải thưởng điện ảnh khác. Tất cả đều xuất sắc, tất cả đều thành công cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật, tất cả buộc Walt Disney phải nhanh chóng mua lại Pixar vào năm 2006 với giá 7,4 tỉ USD, hơn rất nhiều so với số vốn 10 triệu USD ban đầu của Steve Jobs bỏ ra.
Cuộc cạnh tranh lành mạnh của Disney và Dreamworks đến nay vẫn diễn ra không ngừng nghỉ và làm cho phim hoạt hình tiến bộ lên theo từng ngày. Mỗi bộ phim hoạt hình mới được xuất xưởng đều trông chờ là kỳ quan của nền điện ảnh thế giới. Các bộ phim hoạt hình ngày nay không chỉ chinh phục khán giả bằng những ý tưởng bất ngờ đầy tính sáng tạo, những nhân vật hoạt hình thật đáng yêu, những khoảnh khắc tuyệt vời, những khung hình được xử lý một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết… mà nó còn chinh phục khán giả bởi những câu chuyện rất nhân bản.
Ngày nay phim hoạt hình không chỉ dành riêng cho trẻ em hay thanh thiếu niên mà là cho tất cả mọi người. Người ta đã không còn bất ngờ khi thấy các cặp tình nhân rủ nhau vào rạp để xem Wall-E, không ngạc nhiên khi nhiều chàng trai khóc thút thít khi xem cảnh cuối của Toy Story 3, không lạ gì những phút bần thần xúc động của những người lớn tuổi khi xem Up và trên hết người ta vẫn có thể vui cười với những tình tiết trong Shrek, Madagascar 3 hay Ice Age 4 sắp phát hành… Gần một thế kỉ đã trôi qua, phim hoạt hình lại phát triển thêm một bậc trong lĩnh vực giải trí và chắc chắn nó sẽ không dừng lại trên con đường chinh phục khán giả nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nhiều hương vị đặc sắc cho nền nghệ thuật của thế giới.
|
|
THÔNG TIN MUA SẮM
-
Những điểm trang điểm cần tránh khi đi phỏng vấn
Ngoài kiến thức chuyên môn nghề nghiệp thì khi trang điểm cho khuôn... Xem thêm >
-
LÀM TRẮNG RĂNG ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ TẠI NHÀ
Có được một hàm răng trắng sáng luôn là đều mà mọi người mong muốn, nó... Xem thêm >