Phim Việt Tết 2011: Bình cũ liệu rượu có mới?

22:11 29/08/2021

Mùa Tết, mùa mà mọi người có thừa tiền bạc lẫn sự phóng khoáng, sẵn sàng bỏ tiền ra để mua "tiếng cười", đó cũng là dịp mà các nhà làm phim xuất xưởng sản phẩm của mình.

PHIM VIỆT TẾT 2011: BÌNH CŨ LIỆU RƯỢU CÓ MỚI?

 

 

Đến hẹn lại lên, mùa Tết luôn là mùa mà các hãng phim lớn của Việt Nam thi nhau trình làng các tác phẩm của mình. Năm nay, những cái tên quen thuộc như: hãng Thiên Ngân, Phước Sang, BHD, Chánh Phương… vẫn đang háo hức chờ đợi thành quả từ “đứa con tinh thần của mình” trong mùa “thu hoạch” này.

 

Tết hay không Tết?

 

Trước đây, để đánh giá về “hình hài” của nền điện ảnh Việt Nam, người ta chỉ cần nhìn vào thị trường phim Tết là rõ. Mùa Tết, mùa mà mọi người có thừa tiền bạc lẫn sự phóng khoáng, sẵn sàng bỏ tiền ra để mua “tiếng cười”, đó cũng là dịp mà các nhà làm phim xuất xưởng sản phẩm của mình. Và như một thông lệ, cứ phim Tết là có phim hài. Tiếng cười như một biểu trưng cho sự đảm bảo của cả một nền điện ảnh trước giờ làm phim vốn chỉ cầu mong “đừng lỗ” là được. Nhưng lẽ nào, xã hội Việt Nam chỉ quẩn quanh mãi những tiếng cười?

Sự trỗi dậy của các hãng phim tư nhân góp phần không nhỏ trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Năm 2010 đánh dấu một bước tiến lớn nữa khi các nhà làm phim đã mạnh dạn trình làng “đứa con” của mình mà không cần đợi đến Tết. "Hiện tượng" Ðể Mai tính mở màn cho cú hít này vào đầu dịp hè với doanh thu khoảng 30 tỷ.


“Tiếng cười” vẫn là phong cách chủ đạo, nhưng Để Mai Tính còn mang đến những góc quay rất Hollywood, một kịch bản gợi nhiều suy nghĩ đã mang đến thắng lợi cho phim. Tiếp đó, Vũ điệu đam mê, Long Thành cầm giả ca, Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng Long... và gần nhất là Em hiền như ma xơ  lần lượt ra rạp cũng ít nhiều đều gây được tiếng vang, thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoại trừ “nghi án” Giao lộ định mệnh bị phát giác giống như đúc từ một khuôn với phim Mỹ Shattered (1991) thì bức tranh phim Việt không đợi mùa tết đã khá đa dạng, hứa hẹn một nền điện ảnh thật sự đang khởi sắc.


"Ngay khi làm Cánh đồng bất tận, chúng tôi đã muốn hướng đến thị trường phim không phải là mùa tết. Với phim này, chúng tôi tin sẽ có khán giả không cần đợi mùa. Quan trọng nhất là chất lượng phim, khi đó sẽ có nhiều mùa phim chứ không chỉ riêng mùa phim tết". Đại diện hãng phim BHD đã phát biểu đầy tự tin với doanh thu 15 tỉ đồng mà Cánh đồng bất tận đã mang lại chỉ sau một tháng công chiếu.
Không chỉ tăng về số lượng, thời điểm phát hành, mà điện ảnh Việt Nam giờ không còn bó hẹp trong “tiếng cười” mà đã đa dạng, phong phú về đề tài: hình sự, kinh dị (Giao lộ định mệnh), âm nhạc (Vũ điệu đam mê), chuyển thể văn học (Cánh đồng bất tận) … phản ánh bức tranh toàn diện đầy màu sắc của đất nước hơn 80 triệu khán giả. Sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam không chỉ giúp các nhà làm phim đầu tư mạnh mẽ hơn mà còn khiến khán giả háo hức hơn khi chờ đợi một mùa phim Tết 2010 đầy hứa hẹn sắp đến.

 

Thành công = người đẹp + hài hước


Mùa phim Tết 2009, Hãng Phước Sang trình làng bộ phim nghệ thuật “Huyền thoại bất tử” và lỗ thảm thương. Quá sợ hãi, năm 2010, Phước Sang tung ra một bộ phim được đánh giá là lộn xộn, chả giống ai mang tên “Công chúa teen và ngũ hổ tướng” thì lại thắng đậm về doanh thu. Sau những thử nghiệm phá cách với các thể loại phim liêu trai, ca nhạc…, các nhà làm phim dường như đã đúc kết được công thức tốt nhất cho mùa phim Tết: danh hài và chân dài. Và xu hướng phim tết năm nay thể hiện rõ nét điều đó. 

 

 

  

Vẫn với đề tài kinh dị nhưng với cái “mác” phim 3D đầu tiên của Việt Nam, Bóng ma học đường (hãng Thiên Ngân)bắt đầu gây cơn sốt khi Tết đến gần.

 

Đề cập tới một số vấn đề “nghiêm trọng” của giới trẻ hiện nay dưới một góc nhìn vừa mang tính trách nhiệm, vừa hài hước, bộ phim Bóng ma học đường hứa hẹn nhiều màn tạo cảm giác “mạnh”, hồi hộp cho người xem, như là những cảnh ma lao về phía khán giả. Trong Bóng ma học đường, bên cạnh danh hài Hoài Linh và diễn viên Hoàng Sơn, những Wanbi Tuấn Anh, Trương Quỳnh Anh, Tim, Elly Trần là những cái tên đảm bảo thắng lợi cho phim. 


Không chịu thua kém, Thiên sứ 99 (hãng Phước Sang) hy vọng lập lại kỳ tích về doanh thu như Công chúa teen và ngũ hổ tướng Tết năm ngoái. Phim do Minh Cao đạo diễn dựa theo kịch bản của Diệu Như Trang với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên trẻ đẹp Huỳnh Anh, Diễm My, Khổng Tú Quỳnh, Ngô Kiến Huy... cùng với Chí Tài, Tấn Beo, Kim Thư, Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường, Huỳnh Anh Tuấn... Phim khởi quay tại Đà Lạt từ cuối tháng 10 với kinh phí khoảng 8 tỉ đồng. Câu chuyện phim là một chuyện tình lãng mạn, hài hước, pha chút thần thoại.

 


 

Hãng BHD trình làng Tết 2011 bằng phim Cô dâu đại chiến do Victor Vũ đạo diễn. Một cái tên dễ gây nhầm lẫn với phim Mỹ Bride wars (2009 - đã được Galaxy phát hành ở VN dưới tên Ðại chiến cô dâu), nội dung thì lại “hao hao” một phim Mỹ khác là John Tucker must die (2006), cộng thêm nghi án đạo phim Giao lộ định mệnh của chính Victor Vũ, chắc chắn phim sẽ bị “soi” một cách kĩ lưỡng.

 

Phim kể về một chàng Don Juan lừa tình 5 cô gái trẻ, cuối cùng phải trả giá cho chính hành động của mình là nội dung chính của Cô dâu đại chiến. Phim có sự góp mặt của Huy Khánh, Ngân Khánh, Phi Thanh Vân, Ngọc Diệp, Quách Ngọc Ngoan...

 

 

Trong khi đó,  Saigon Yo! của Hãng Chánh Phương chọn lối đi riêng khi khai thác đề tài Hip hop trong đời sống giới trẻ Việt. Mang phong cách của của Step Up, Street Dance phim hứa hẹn sẽ chiếm được cảm tình của những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật hip hop ở Việt Nam. 

 


 
Một mùa phim Tết nữa lại đến, là lúc các hãng phim thi tài cùng nhau, khán giả lại có dịp được thưởng thức những thước phim đa dạng, đầy màu sắc và chắc chắn là rất hài hước. Thành hay bại? Bình cũ nhưng rượu có mới hay không? Câu trả lời chỉ có khi các phim chính thức công chiếu ở các rạp.

 

Bài: Hoàng Hưng

 

 


Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích