Những quán ăn có thâm niên ở Sài Gòn

22:11 29/08/2021

Chỉ là những quán ăn nhỏ, thậm chí vỉa hè, bán độc một món nhưng tất cả đều đông khách. Đặc biệt là, quán nào cũng có “thâm niên” ngót nghét vài ba chục năm, truyền đến mấy thế hệ. Để có thể trụ vững trong lòng khách sành ăn thì bí quyết luôn nằm ở hương vị của món ăn.

Chỉ là những quán ăn nhỏ, thậm chí vỉa hè, bán độc một món nhưng tất cả đều đông khách. Đặc biệt là, quán nào cũng có “thâm niên” ngót nghét vài ba chục năm, truyền đến mấy thế hệ. Để có thể trụ vững trong lòng khách sành ăn thì bí quyết luôn nằm ở hương vị của món ăn.

 

Bánh mì Hòa Mã

 

Người Sài Gòn ít nhiều cũng biết đến quán bánh mì ở địa chỉ 53 Cao Thắng có từ những năm 60. Ngoài bánh mì dồn ổ thì kiểu bánh mì đặc trưng ở đây là bánh mì chảo với trứng ốp la, các loại chả, xúc xích, thịt nguội, ăn kèm đồ chua rất ngon lành, lạ miệng. Chủ quán đã hơn 80 tuổi, bảng hiệu đã cũ kỹ úa vàng nhưng tiệm lúc nào cũng đông khách. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người thì giá cho một phần bánh mì chảo đầy đủ ở đây không hề rẻ, có thể lên đến 50.000 đồng/phần nhưng vì hương vị độc đáo, thơm ngon của nó mà ngày ngày, quán vẫn đắt khách ra vào. Nếu chưa một lần ăn bánh mì Hòa Mã thì bạn cũng nên thử cho biết.

 

 

Bánh mì đặc trưng ở Hòa Mã là bánh mì chảo

 

 

Một phần bánh mì đầy đặn ở đây có thể có giá lên đến 50.000 đồng

 

Bò viên Lý Chính Thắng

 

Quán ở địa chỉ 146A Lý Chính Thắng, quận 3, vốn rất nổi tiếng. Đặc trưng của món phở bò ở đây là dùng bò viên nên người ta gọi tắt là bò viên Lý Chính Thắng. Quán bán từ 2h chiều đến 9h tối với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/tô, có thâm niên trên dưới 50 năm. Điều làm nhiều người mê mẩn khi ăn ở đây là những viên bò viên giòn sựt được làm thủ công. Tức là để có những viên bò dai giòn đúng chất, chủ quán, vốn là người Hoa gốc Quảng phải dậy từ rất sớm, đến các lò mối để lấy thịt sống còn nóng hổi rồi mới đem về quết để cho ra viên bò ngon dai đúng điệu, lại an toàn và tốt cho sức khỏe. Đặc biệt nếu thích, bạn có thể gọi thêm một phần gân ăn cho đã thèm.

 

 

Bò viên ở đây được làm từ thịt bò tươi xay quết cẩn thận nên rất dai, giòn

 

 

Mì cải chua Minh Phụng

 

Quán nằm ở đầu hẻm 311 đường Minh Phụng, quận 11 đã có thâm niên hơn 50 năm, trước đây bán ở Chợ Lớn, hơn 20 năm nay mới chuyển về địa chỉ mới này. Mì này thực chất là một kiểu mì của người Tiều, có thể là mì khô, đi kèm một bát nước dùng thập cẩm có tôm, mực, thịt, cật, phèo ngon lành hoặc mì nước được với giá khoảng 45.000 đồng. Người dân địa phương vốn quen gọi là "mì cải chua" do cách ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt. Tuy nhiên, nếu ăn đúng theo kiểu người Tiều thì cải chua phải được hầm trong nồi nước lèo để hãm béo. Quán mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa.

 

 

Sở dĩ có tên gọi là mì cải chua vì mì được ăn kèm với cải chua, dưa giá

 

Xôi Tám Cẩu

 

Nằm khiêm tốn ở góc đường Điện Biên Phủ và Cao Thắng, quận 3, xe bán xôi nhỏ với tên Tám Cẩu với thâm niên trên 60 năm đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều người mê xôi.  Quán hiện tại đã được truyền cho thế hệ thứ hai trong gia đình nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon vốn có với hạt xôi mềm, dẻo thơm. Đặc biệt, xôi vẫn được người bán gói lá chuối bên trong nên vẫn giữ được cái “hồn xôi” ngon lành vốn có. Xôi được bán với giá khoảng 15.000/phần là xôi thập cẩm gồm pate, trứng, chả nhưng ngon nhất vẫn là phần thịt ram tỏi “gia truyền”. Thịt được chọn là thịt nách và ba rọi còn tươi, mang về ướp muối với tỏi, sau đó nấu để thịt đảm bảo thịt thấm và có màu đẹp.

 

 

Xôi Tám Cẩu đặc trưng nhờ phần thịt được làm rất ngon

 

Cháo lòng bà Út Cô Giang

 

Hơn 80 năm nay, gánh cháo lòng Cô Út trên đường Cô Giang, quận 1 vẫn luôn luôn đông khách. Gánh cháo này đã được truyền qua 4 thế hệ, hiện cháo bà Út là người bán chính. Điểm ấn tượng ở gánh cháo là người nấu nấu cháo trong một cái “nồi” đặc biệt, giống như nồi nấu rượu của người miền Tây (gồm 2 thau to được ụp chồng lên nhau và gò hàn chắc chắn) nên hương vị cháo cũng có phần thơm ngon hơn. Quán tuy nhỏ với vài chừng chục chiếc bàn, chiếc ghế nhưng lúc nào cũng có khách ra khách vào và đặc biệt là quán vô cùng sạch sẽ. Chỉ cần nhìn mâm lòng được luộc ngon lành, kỹ lưỡng là biết người bán công phu đến mức nào. Để có lòng ngon, người bán phải dậy từ lúc 2h sáng để lấy lòng mối mới mổ còn nóng, đem về sơ chế thật kỹ rồi mới luộc. Nồi cháo lòng cô Út đúng là kiểu cháo lòng miền Tây dẻo mịn, béo ngậy, có huyết hậu sanh sánh. Nhưng bí quyết của gánh cháo này có lẽ nằm ở món dồi được làm từ thịt băm cùng với sụn, ướp sả thơm ngon sần sật, luộc rồi chiên vàng thơm tho rất bắt mắt. Bạn có thể ăn cháo kèm quẩy với đầy đủ lòng, nếu thèm quá có thể gọi thêm một đĩa dồi ăn kèm.

 

 

 

Phần lòng trông khá ngon mắt

 

    

Tô cháo đầy đủ lòng với cháo béo thơm, sánh mịn

 

Phở Hòa Pasteur

 

Quán phở Hòa trên đường Pasteur chủ yếu bán cho khách nước ngoài và Việt kiều, có từ những năm 60 – 70, rất nổi tiếng và được nhiều khách nước ngoài biết tới. Quán mở cửa hầu như cả ngày, từ 6h sáng đến 10h tối. Một tô phở ở đây có giá từ 65.000 đồng nhưng cực chất lượng và bán theo 1 phong cách riêng, thịt và phở rất nhiều. Phở ở đây được nấu theo phong cách miền Nam, thường đi kèm thịt tái, bò viên với nước phở béo ngậy.

 

    

Phở Hòa là địa chỉ quen thuộc của nhiều khách nước ngoài

 

 

Phở Hòa có nước dùng trong, béo

 

Bánh Đúc Phan Đăng Lưu

 

Những ai trót mê bánh đúc thì hầu như đều biết đến quán bánh đúc ở con hẻm 116 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Quán bắt đầu bán từ những năm 70 của thế kỷ trước, được rất nhiều người biết đến bởi loại bánh đúc ngon, giá cả bình dân. Người ăn có thể thưởng thức tại quán hoặc mua hộp mang về. Tuy nhiên, có lẽ do quá đông khách mà quán thường hay bị phê bình về thái độ phục vụ nhưng không vì thế mà người ta ngưng tìm đến đây để được thưởng thức chén bánh đúc ngon đúng điệu.

 

    

Không cần thương hiệu đình đám, không cần phô trương bề thế, những quán ăn nhỏ nhưng món ăn ngon thì có thể trường tồn qua nhiều thế hệ, người ăn vẫn tấp nập tìm đến ngày ngày.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích