Món "tái chế"

22:11 29/08/2021

Đó là những món ăn được chế biến lại trên nền nguyên liệu cũ. Điều đáng nói là món mới khác hẳn hoặc có mùi vị ngon và đỡ ngán hơn món cũ rất nhiều, nhất là trong thời điểm lễ tết thịt cá ê hề.

 

Món “tái chế”

 

 

Đó là những món ăn được chế biến lại trên nền nguyên liệu cũ. Điều đáng nói là món mới khác hẳn hoặc có mùi vị ngon và đỡ ngán hơn món cũ rất nhiều, nhất là trong thời điểm lễ tết thịt cá ê hề. Đó cũng vừa là cách tiết kiệm, vừa thể hiện sự sáng tạo trong việc biến tấu món ăn.

 

Bánh chao

 

 

Bạn có biết bánh chao được nhào nặn lại từ bánh trung thu cũ? Bánh trung thu bóp cho nát ra, trộn chung với một ít bột vỏ bánh trung thu và gia vị. Cán mỏng ra rồi cắt thành từng miếng vừa phải, đem nướng trong lò chừng 10 phút cho bánh hanh vàng rồi thoa trứng lên mặt nướng tiếp chừng 5 phút nữa cho bánh vàng là được. Rõ ràng, hương vị của bánh sẽ khác đi bởi có sự hòa trộn giữa nhân và bột hài hòa, không quá ngán ngẩm, lại giòn giòn, xốp khô vừa phải, đồng thời giữ được lâu hơn. Đương nhiên, bánh được sử dụng vẫn không bị “hết đát” quá lâu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh ngộ độc. Món này thường chỉ là thứ quà vặt thôn quê của trẻ con nhưng dễ ghiền.

 

Bánh chưng chiên

 

Người dân xứ Bắc chẳng ai không biết món bánh chưng chiên sau Tết. Khi ấy, bánh được cắt thành từng miếng vừa phải và đem chiên vàng, ăn kèm đồ mặn, đồ chua. Đừng nghĩ bánh chưng khi chiên lại sẽ ngán hơn bình thường bởi khi này, bánh vừa giòn vừa dẻo, vừa miệng ăn nên cứ thế dễ vơi. Cộng thêm với các món dùng kèm nên chẳng mấy chốc sẽ hết sạch dù nhiều thứ thịt cá ê hề vẫn còn.

 

 

Xà bần

 

Món này của người Nam, là tổ hợp của nhiều món thừa khác nhau thường là trong một bữa đại tiệc với hằng hà sa số những món ngon không dùng hết. Thay vì đổ đi, người ta trút tất cả vào một cái nồi, lọc bớt những nguyên liệu dễ gây thiu rồi thêm muối, đường, đặc biệt là phải có ít nước mắm vào, nấu sôi và hơi sắc lại để dùng dần, mỗi lần ăn phải hâm thật sôi lại. Nồi xà bần chẳng bao giờ có vị giống nhau bởi cơ bản, thành phần kết hợp luôn khác nhau nhưng nếu ai tinh ý, sẽ nhận ra cái mùi đặc trưng, tuy hơi “ô hợp” nhưng đôi khi gợi thèm. Thịt cá ê hề riêng từng món một đôi khi gây ngán, thế mà chỉ cần cho vào nấu chung có thêm tí mằn mặn dễ ăn là dễ chịu ngay. Xà bần vì thế được cho là món hậu đám tiệc.

 

 

Bánh tổ

 

Cũng được làm từ bột nếp và đường là chủ yếu nhưng loại bánh tổ được đề cập ở đây không phải được chuẩn bị hẳn hoi như ở xứ Quảng ngày tết mà thực ra từ phần bột thừa của ơ bánh ít Nam Bộ. Người miền Tây hay gói bánh ít nhân dịp giỗ lễ, thường bột và nhân sẽ được cân đong đo đếm vừa vặn nhưng không loại trừ trường hợp bột dư. Khi ấy, người ta sẽ cho thêm đường vàng vào bột, pha loãng bột ra và đem hấp chín. Bánh chín, chẳng ai ăn ngay mà phải để nguội cong, bánh đanh lại thành tảng, sờ thấy cứng nhưng ấn vào vẫn dẻo thì mới được. Bánh khi ấy vàng ươm, có mùi thơm lạ lẫm, tuy ngọt đấy nhưng không ngán, tuy bằng bột nếp nhưng không dính. Bánh càng để lâu càng ngon nhưng phải để tự nhiên, không tủ lạnh tủ nóng gì thì mới ra chất bánh tổ.

 

 

Bánh mì nướng

 

Bánh mì thường chỉ sau vài ngày là khô cứng, khi ăn cảm giác mất ngon nhưng nếu tận dụng thêm vài gia vị là sẽ có món mới ngay. Lạ miệng và cực nhanh. Một trong những món đó là bánh mì nướng bơ tỏi. Chỉ cần vài lát bánh mì cũ, bơ, tỏi tươi, nếu muốn hương vị đỉnh hơn thì thêm lá oregano. Bằm nhỏ tất cả, cho bơ vào, đánh nhuyễn rồi trộn đều, phết lên măt bánh mì, nướng chừng 3 phút ở nhiệt độ 2000 C là đã có một món ngon giòn thơm đúng chất. Ngoài cách này ra, có thể dùng bánh mì cũ phết bơ đường rồi nướng hoặc bánh mì cắt miếng vuông, nướng giòn để rắc súp, trộn salad.

 

 

Chắc chắn rằng, bạn sẽ còn tìm thấy nhiều món “tái chế” khác nếu thích món ăn và thử nghiệm nấu nướng. Nhưng với những món dân gian mà chúng tôi nêu trên, chúng đã đi sâu vào nền tảng ẩm thực Việt.

 

 

 

Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,l

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích