Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

22:11 29/08/2021

Có thể nói, với các bà nội trợ ngày nay, việc lo bữa cơm cho gia đình có phần vất vả. Vất vả ở đây không hẳn là phải cân đong đo đếm số tiền, cân bằng lượng dinh dưỡng mà còn nằm ở việc chọn thực phẩm.

Share social

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

 

 

Có thể nói, với các bà nội trợ ngày nay, việc lo bữa cơm cho gia đình có phần vất vả. Vất vả ở đây không hẳn là phải cân đong đo đếm số tiền, cân bằng lượng dinh dưỡng mà còn nằm ở việc chọn thực phẩm. Khi mà thực phẩm Trung Quốc được bày bán tràn lan, đi kèm với hàng loạt những cảnh báo không an toàn thì người nội trợ càng thon thót lo sợ.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Cách đây hơn 10 năm trở lại, hoặc lâu hơn là 20 năm, đi chợ, thấy củ hành to, mớ rau tốt là ham, lựa cho bằng được. Vì xung quanh toàn rau sâu, ẹo ọ, khẳng khiu thì mớ rau tốt bỗng dưng là hàng hiếm gặp khó tìm. Thế nhưng, rồi chuyện dùng thuốc dưỡng để rau tốt, căng mẩy tới tai người nội trợ. Họ trở nên e dè hơn với những loại rau trồng nhìn khá ưng mắt. Tuy vậy, điều đó cũng chẳng đáng lo bằng việc người ta biết thực phẩm Trung Quốc đang được bán tràn lan ở chợ. Và biết thì cũng đến mãi sau này vì trước đó, người ta chuộng hàng này lắm. Ví như cà rốt trơn bóng không chút bùn đất mà người bán bảo là cà rốt Hà Nội, rồi củ hành to bằng cái chum, trụi lủi chứ không kết chùm như hành Việt. Tuy nhiên, khi dân trí nâng cao, cộng với việc tuyên truyền tích cực về mức độ độc hại của thực phẩm Trung Quốc, người dân đã biết cách… né. Nhưng đến lúc này thì có vẻ, mọi chuyện đã quá muộn khi mà hàng Trung Quốc tràn lan, lấn lướt hàng nội, chẳng cách gì tránh khỏi.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Trước câu chuyện về thực phẩm độc hại, nhiều người chọn cách tự trồng rau ăn

 

Người nội trợ chỉ còn cách dựa vào mắt thường và theo kinh nghiệm mà tự phân biệt. Và chuyện này cũng hoàn toàn… hên xui. Tuy nhiên, dù không biết mức độ độc hại của thực phẩm Trung Quốc tới đâu nhưng những thứ để hàng mấy tháng trời vẫn “trơ trơ” thì quá đáng lo. Đến sâu bọ, vi khuẩn, côn trùng không thể tấn công nó thì người ăn vào liệu sẽ như thế nào? Thôi thì hãy “thủ” sẵn vài bí quyết phân biệt một số loại rau củ phổ biến, cái nào là “hàng nội”, cái nào là “hàng ngoại” để trước mắt là an toàn, sau đó là an tâm.

 

Phân biệt bằng kinh nghiệm

 

Dấu hiệu nhận biết chung là thường hàng ta không to khỏe, bóng bẩy như hàng Trung Quốc. Xét về hình thức thì hàng Việt thật không thể bì. Nhưng để cho chắc chắn, các bà nội trợ khi mua rau nên tranh thủ mua các loại rau vườn cho an toàn. Tuy vậy, một số mặt hàng cần thiết khác thì phải chịu khó phân biệt

 

Gừng: Gừng ta thường có hai loại, một loại trồng ở môi trường đất trấu tự nhiên và loại trồng bầu. Loại trồng bầu thường củ to và láng hơn, thoạt nhìn cũng giông giống gừng Trung Quốc. Do đó, để tránh nhầm lẫn, nên chọn gừng Việt rặt (trồng tự nhiên) khi mua. Củ gừng ta nhỏ, vỏ sần sùi, thường bám đất rất dơ, bẻ đôi củ gừng sẽ thấy có nhiều xơ, màu vàng hơi đậm và đặc biệt rất thơm. Trong khi đó, gừng Trung Quốc rất to, mọng, vỏ căng mỏng, trông như chứa nhiều nước, bẻ đôi thấy gãy gọn, thớ gừng không có vân rõ ràng và hoàn toàn không xơ. Gừng ta mua về để vài hôm là rất dễ đâm chồi. Trong khi đó, gừng Trung Quốc để vẫn “trơ trơ”, đến hàng vài tháng trời vẫn không suy suyển.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Gừng ta (bên trái) và gừng Trung Quốc

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Củ gừng ta nhỏ, ốm, thường chia nhiều nhánh

 

Cà rốt: Cũng như gừng, phải dựa vào độ to, bóng để phân biệt cà rốt. Cà rốt ta khi bán, thường được nhổ nguyên, còn có cả lá chứ không trụi lủi như cà rốt Trung Quốc (để tiện đóng thùng và bảo quản). Cà rốt ta thường sần sùi, dài, thậm chí còn bám đất đỏ do không được vệ sinh sau thu hoạch. Trong khi đó, cà rốt Trung Quốc thường to, mập, củ đồng nhất, thẳng tắp và rất trơn láng. Nếu chịu khó ngửi, sẽ thấy cà rốt ta cũng có mùi thơm đặc trưng, trong khi cà rốt Trung Quốc thì rất… vô vị.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Cà rốt ta củ dài, sần sùi, khi bán được giữ nguyên cả chùm, màu cam tươi trong khi cà rốt Trung Quốc trơn nhẵn, láng mịn, màu đỏ.

 

Bông cải: Bông cải Trung Quốc nhập vào Việt Nam thường được cho vào túi lưới, cắt bỏ gốc gọn gàng. Bông cải Việt thì ngược lại. Tuy nhiên, hiểu được tâm lý này của người mua, tiểu thương thường bỏ bao lưới và để cải trơ trọi lúc bán. Tuy nhiên, bông cải ta khi thu hoạch vẫn được chừa nhiều phần lá, có cuống dài. Xét về độ nở của bông cải thì bông cải ta tuy cải tốt, hoa vẫn xếp tầng, bề mặt có độ lồi lõm, trong khi bông cải Trung Quốc, thoạt nhìn thì bề mặt cải có vẻ bằng phẳng hơn và bắp cải cũng rất to.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Nếu được bán còn lá, lá bông cải Trung Quốc cũng sẽ xanh thẫm và dầy hơn

 

Tỏi: Khi mua tỏi, nên chịu khó tìm những nơi bán tỏi Bắc hoặc chuyên tỏi Lý Sơn. Tỏi Bắc rất dễ phân biệt với tỏi Trung Quốc. Củ tỏi thường nhỏ, múi tỏi được bao bọc bởi nhiều lớp vỏ, trông sần sùi. Bên cạnh đó, độ to của củ cũng không đồng nhất. Nếu chú ý thì quanh củ tỏi sẽ có nhiều múi bị hư hại, có múi có vỏ màu tim tím. Bóc tỏi ra, bẻ đôi, thơm cay nặc nồng. Tỏi Trung Quốc thường to, rất bóng, vỏ vàng sáng, củ đồng nhất, trông rất đều và đẹp mắt.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Tỏi ta (bên trái) tuy xấu mà ngon

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Hành ta được bó thành bó sau khi thu hoạch

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Trong khi hành Trung Quốc lúc nào cũng nhẵn nhụi, vỏ không có màu tím sẫm mà là nâu vàng

 

Khoai tây: Khoai tây chính gốc Đà Lạt vỏ thường mỏng, mắt khá nhỏ và có thể thấy được ruột khoai khá vàng. Củ khoai cũng khá nhỏ, đôi củ rất sần sùi. Trong khi đó, khoai tây Trung Quốc vỏ dày, củ to, dài, mắt to, nhìn rất đồng đều, trông rất sạch sẽ. Tuy nhiên, hiện có nhiều thủ thuật biến khoai tây Trung Quốc thành Đà Lạt bằng cách tẩm đất cho lấm lem nên người mua hãy cẩn thận. 

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

Khoai tây Đà Lạt (trái) đương thu hoạch và khoai tây Trung Quốc đang được “phù phép”, tẩm thêm đất cát cho… chân thật

 

Các cách phân biệt trên cũng chỉ mang tính chất tương đối. Nếu có điều kiện, hãy trồng thêm các loại rau dễ trồng tại nhà như cải, giá, hành, gừng… để chất lượng bữa ăn được cải thiện và không phải nơm nớp vì hàng Trung Quốc bán đầy chợ. Ngoài ra, dù là hàng Việt đi nữa thì nhiều loại thực phẩm cũng được nuôi trồng không đảm bảo nên chưa chắc an toàn.

 

Bên cạnh các loại rau củ thì nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt bò, ếch, cá tầm, gà cũng của Trung Quốc cũng được tuồn sang Việt Nam và hô biến thành bò úc, cá tầm Nga, ếch Thái, gà thả vườn. Để bảo vệ chính mình thì người tiêu dùng khi mua thực phẩm lạ, cần đến các cửa hàng chuyên cung ứng các mặt hàng này hoặc những siêu thị lớn, hàng có niêm yết và ghi xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, những người thành thị có điều kiện cũng hay tìm về quê để mua những loại đặc sản chắc chắn về nguồn gốc như các loại rau vườn, trái cây vườn hay gà nhà…

 

Thiết nghĩ, trong thời buổi vàng thau lẫn lộn thì hơn ai hết, những tiểu thương buôn bán đừng vì hám lợi mà bán loại hàng độc hại, đầu độc hàng triệu người.

 

Thực phẩm độc, tránh đâu cho khỏi?

 

 

Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,Ltd

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan