Thời trang qua cái nhìn điện ảnh

22:11 29/08/2021

Có thể đối với một vài người, chuyện ăn mặc cũng chỉ là chuyện thiết yếu bình thường nhưng với nhiều người khác, chuyện ăn mặc được gọi là “thời trang” của bản thân mình, là cá tính,...

Có thể đối với một vài người, chuyện ăn mặc cũng chỉ là chuyện thiết yếu bình thường nhưng với nhiều người khác, chuyện ăn mặc được gọi là “thời trang” của bản thân mình, là cá tính, là niềm đam mê, là khát vọng hoàn thiện bản thân và còn là một niềm vui sống. Dĩ nhiên các nhà làm phim chẳng thể nào bỏ qua một niềm vui sống thú vị và đầy sắc đó khi tái hiện cuộc sống lên ảnh. Kết quả là từ phim ảnh, chúng ta có những diễn viên trở thành những biểu tượng thời trang trong lịch sử và cả những câu chuyện thời trang mang đến niềm cảm hứng cho cuộc sống cứ tưởng là buồn tẻ, chán chường.

 

 

Tôi không thể lý giải được lý do vì sao mình lại mua sắm. Chỉ là mỗi lần mua thứ gì đó, tôi lại thấy thế giới này tuyệt vời hơn”.

 

Trong bộ phim Confession of a shopaholic (2009), Rebecca Bloomwood (Isla Fisher) thực sự là một “con nghiện” thời trang. Những tạp chí thời trang, những bộ cánh hàng hiệu đắt tiền, những bộ sưu tập mới,… tất cả những thứ đó đều khiến Rebecca lóa mắt đến mất kiểm soát và lao vào mua sắm không ngừng. Kết quả là bên cạnh gia tài quần áo, phụ kiện chất cao như núi, Rebecca lại lãnh luôn một món nợ khổng lồ không thể thanh toán nổi. Ừ thì có vẻ là cô ấy hơi thái quá, hơi điên cuồng nhưng chẳng phải điều đó cũng rất may mắn sao: có một việc gì đó trên đời này làm tim bạn tràn ngập niềm vui. Thật quá buồn tẻ và khốn khổ nếu như bạn sống cuộc đời mình theo một cách quá thông minh, quá hợp lý hay khoa học mà chẳng có chút gì ngu ngốc, nông nổi, chẳng được cùng lúc mừng rỡ như được lên thiên đường vừa rơi vào cảnh khốn khổ vì một điều gì đó. Cuộc đời chỉ có một thôi, yêu thích cái gì đó và yêu nó điên cuồng, sẽ thú vị hơn rất nhiều đấy.

 

 

Tuy vậy Confession of a shopaholic không dừng lại ở đó, câu chuyện mở ra một tình cảnh éo le rằng Rebecca bị mất việc và một người vỡ nợ vì chi tiêu quá đà như cô phải nhận một chuyên mục tư vấn cho người đọc cách tiết kiệm chi tiêu của tạp chí tài chính Successful Savings. Một người phóng khoáng đến mức hời hợt, đam mê làm việc cho một tạp chí thời trang như Rebecca giờ phải đối mặt với các thông tin cứng nhắc, với các báo cáo tài chính quả là bi kịch. Nhưng bi kịch đó chẳng phải vẫn diễn ra hằng ngày với chúng ta đó sao? Hãy nói thật là có phải bạn nhiều lần gục ngã trong văn phòng và mơ tới việc thám hiểu đại dương hay các dốc núi cheo leo? Có phải khi bạn ngồi nghỉ trong lúc đi tư vấn sản phẩm hết nơi này đến nơi khác vẫn mơ về lúc mình được đứng dưới ánh đèn sân khấu và cất cao tiếng hát? Cũng chính trong thời điểm éo le và chán chường này, Rebecca đã chỉ cho chúng ta thấy cách tô màu cho cuộc sống tẻ nhạt bằng chính niềm đam mê của mình và cách để không bao giờ bỏ rơi niềm đam mê đó. Chuyển thể từ cuốn cuốn sách cùng tên của tác giả Sophie Kinsella, Confession of a shopaholic thực sự là một câu chuyện thông minh, dí dỏm và giàu cảm xúc cho bất kỳ ai yêu thích thời trang và cho cả những ai yêu quý cuộc sống này.

 

 

Bộ phim Coco before Chanel hay Coco avant Chanel ra đời năm 2009 đã làm nức lòng không ít khán giả đam mê thời trang khi tái hiện lại tuổi trẻ của một huyền thoại, người đã sáng lập ra thương hiệu thời trang Chanel: Gabriella Coco Chanel. Từ cuộc đời và cá tính tuyệt vời của Chanel, bộ phim cho chúng ta thấy một người phụ nữ có thể mạnh mẽ đến nhường nào. Xuất thân là một đứa bé bị bỏ rơi và lớn lên ở trại trẻ mồ côi bên cảnh các tu sĩ, Chanel được học may vá. Lớn lên, Chanel phải đi hát ở những quán bar để kiếm tiền trước khi dũng cảm “tháo củi xổ lồng”, khởi nghiệp bằng việc kinh doan mũ do mình thiết kế và bắt đầu cuộc đời vẻ vang của mình như một người dùng thời trang để khơi màu sức mạnh và sự tự tin của phụ nữ trong một thế giới mà đàn ông đang là người ngự trị.

 

 

 

Chanel được xem như một trong những nhà thiết kế hàng đầu thế giới khi đơn giản hóa thời trang dành cho phụ nữ, tôn vinh hai màu đen trắng, phụ kiện vòng cổ ngọc trai và mũ, khởi xướng cơn sốt về màu da rám nắng đồng thời biến “the little black dress” trở thành trang phục không thể thiếu của mỗi ngừơi phụ nữ hiện đại. Qua diễn xuất của nữ diễn viên người Pháp Audrey Tatou, chân dung Gabriella Coco Chanel hiện ra vô cùng sống động là gây đồng cảm. Cũng giống như Chanel, ở Audrey Tatou toát lên vẻ đẹp rất Pháp của một quý cô vừa lạnh lùng, ngạo mạn vừa điềm tĩnh, thông minh, vừa ấn khuất sự quyến rũ của một tâm hồng sôi nổi, nồng nàn ít người có được. Sự chịu đựng, sự hy sinh, những nỗi đau xót dằn xé, những khát vọng thiêng liêng của một người phụ nữ vĩ đại hay những mong mỏi giản đơn trong sáng của một người phụ nữ bình thường, tất cả đều được Audrey diễn tả xuất sắc. Bộ phim đã có được thành công to lớn khi được đề cử nhiều giải thưởng danh giá như 4 giải BAFTA, 3 giải European Film Awards, 6 giải César và 1 giải Oscar.

 

 

Dựa theo nội dung cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lauren Weisberger đã được dịch ra 27 thứ tiếng, The Devil Wears Prada (2006) sẻ cho bạn một cái nhìn cận cảnh và sinh động hơn về thế giới thời trang. Bộ phim dẫn dắt người xem đến với thành phố New York – kinh đô nhộn nhịp của thời trang thế giới với tốc độ cập nhật, thay đổi xoành xoạch và khắt khe đến mức đôi khi chỉ vì một chiếc áo lỗi mốt mà bạn có thể bị đuổi việc. Đó chính là Andy Sachs (Anne Hathaway), cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đang đứng thẫn thờ khi bị người phỏng vấn của mình – Miranda Priestley (Meryl Streep), người phụ nữ quyền lực của tạp chí thời trang Runaway loại thằng tay chỉ vì ăn mặc quá xấu. Nhưng Andy dũng cảm và đáng yêu khi ngờ khi ngẩng cao đầu đáp trả: “Phụ nữ đẹp là người phụ nữ thông minh!”. Vậy là Andy trở thành trợ lý cho bà chủ biên khó tính như một mụ phù thủy với bao nhiêu là thử thách khó nhằn với mục đích là tống khứ cô đi. Rồi khi Andy hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, cô dần dần trở thành một quý cô xinh đẹp hơn, con người bà sếp Miranda không còn khó hiểu nữa và thế giới thời trang với đủ loại hàng hiệu đắt tiền dường như cũng không còn là một thiên đường hào nhoáng nữa…

 

 

 

Andy và Miranda, một trẻ trung đầy nhiệt huyết, thông minh và tốt bụng, một sành sõi và khôn ngoan như một người đàn bà thép có thể đánh bại mọi chướng ngại chống đối lại mình. Họ là đại diện cho những phụ nữ hiện đại tự tin, cầu tiến, thường phải đối mặt với áp lực và cũng là những người phụ nữ cô đơn, lạnh lùng khi quá chú tâm vào công việc. Hành trình Andy dần quen với công việc đồng thời là hành trình khám phá nội tâm của một con người điển hình trong giới thời trang như Miranda dần hé lộ bức tranh sống động về cuộc sống của những con người làm công việc này. Chẳng phải lúc nào cũng lấp lánh đẹp đẽ, chẳng phải lúc nào cũng đầy ắp ánh đèn flash và những lời tán dương, công việc trong giới thời trang đòi hỏi sự tột cùng của sự nghiêm túc, trách nhiệm, chuyên nghiệp mà đôi lúc con người ta phải đánh đổi bằng chính bạn bè, gia đình và cuộc sống hạnh phúc của mình. The Devil Wears Prada không chỉ là câu chuyện về hai người phụ nữ, đó còn là câu chuyện về cách chúng ta lựa chọn sẽ sống cuộc đời mình như thế nào: sống với thành công nhưng vô cảm hay là sống hạnh phúc?

 

 

 

Những đại diện tiêu biêu trên đây và nhiều bộ phim khác nữa, chúng ta dần có cái nhìn đầy đủ hơn về cụm từ “thời trang”. Dĩ nhiên đó không còn đơn thuần là chuyện ăn mặc,  các nhà làm phim chỉ cho ta thấy đó có thể là lẽ sống của một ai đó, là cách một người khẳng định cá tính và tài năng của mình, là cách ta đến gần hơn với sự khao khát được hoàn mỹ, là một cách để ta yêu hơn cuộc sống này và yêu hơn chính bản thân ta.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích