Rau quê thanh mát

22:11 29/08/2021

Sống ở phố thị lâu ngày, thỉnh thoảng người ta lại “nổi hứng” thèm vài cọng rau quê thanh mát. Nói là rau quê thì không hẳn ở thành không có nhưng rau đúng chất quê thì lành hơn, ngon hơn. Khi ăn, người ta không phải thấp thỏm lo độc này, độc nọ.

Sống ở phố thị lâu ngày, thỉnh thoảng người ta lại “nổi hứng” thèm vài cọng rau quê thanh mát. Nói là rau quê thì không hẳn ở thành không có nhưng rau đúng chất quê thì lành hơn, ngon hơn. Khi ăn, người ta không phải thấp thỏm lo độc này, độc nọ. Trong số ấy thì có nhiều loại rất mát, rất ngọt, lại có tính bài thuốc hay. Chả trách, ông bà ta xưa có câu: “Cơm không rau như đau không thuốc”.

 

Rau quê thì có nhiều loại nhưng ở đây, chỉ xin điểm qua vài loại đúng chất quê kiểng, thỉnh thoảng hiếm có khó tìm nhưng ăn vào thì thôi rồi rất mát, rất ngon.

 

Chùm ngây

 

Cây này trước đây vốn mọc hoang, người ta hay gọi là cây ba đậu dại, chỉ người dân quê mới biết hái ăn. Nhưng giờ đây, người dân thành phố cũng bắt đầu “săn lùng” chùm ngây và giá của loại rau này không hề rẻ, tương đương với 1 ký thịt heo. Lá chùm ngây có vị ngọt thơm giống lá bồ ngót, có thể ăn sống, luộc, nấu canh hay xào đều ngon. Cây chùm ngây nếu phát triển tốt, có thể trở thành “đại thụ” và hễ chặt nhánh, cây lại ra lá non xanh mướt. Người ta đã nghiên cứu rằng, tất cả các bộ phận cây chùm ngây chứa nhiều đạm, vitamin C và các khoáng chất khác nên không những lá mà hoa, trái chum ngây đều ăn được. Chùm ngây chế biến rất đơn giản, nấu canh thì có thể nấu với tôm, thịt băm, làm gỏi thì trộn tôm, thịt luộc. Hoặc đơn giản nhất là cứ ăn sống hoặc luộc lên là xong. Vì giá trị kinh tế của nó mà hiện nay, rất nhiều người trồng chùm ngây để bán.

 

 

Cây chùm ngây

 

 

Lá chùm ngây thơm mát như rau ngót

 

 

Canh chùm ngây nấu thịt

 

Sầu đâu

 

Loại lá đắng “thấu trời thấu đất” này vậy mà có thể làm mê mẩn biết bao người. Bởi thoạt đầu khi vừa ăn thì vị đắng có thể lấp chiếm hết vị giác nhưng nếu bắt đầu nhẩn nha nhai dần nhai dần thì đọng lại nơi cổ họng là vị ngọt thanh tao lạ lùng. Sầu đâu có nhiều ở vùng biên giới Tri Tôn – An Giang và nó gắn liền với món gỏi khô cá sặc hay cá lóc. Khô nướng lên, thơm lừng, gỡ lấy thịt, trộn gỏi chua ngọt với lá sầu đâu, ai kiểu cách thì thêm ít thịt luộc, ăn một lần, là nhớ cả đời.

 

 

Lá sầu đâu

 

 

Gỏi khô sầu đâu

 

Rau sam

 

Loại rau này hay có trong rổ rau tập tàng, dùng để nấu canh của mấy bà nội trợ quê. Nhưng ít ai biết thứ rau thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm mát ven vườn cây, bờ ruộng này lại là một loại thảo dược vô cùng quý giúp ngăn ngừa hay điều trị bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn hệ thống thần kinh, các bệnh chức năng…. Ngoài ra, trong lá rau sam có nhiều chất chống oxy hóa. Rau sam có thể dùng nấu canh, làm gỏi hay xào đều ngon. Khi xưa, rau sam còn mọc nhiều, người ta thậm chí không ăn, mà để cho… heo nhưng ngày nay, không dễ để tìm thấy rau sam nếu không sống ở khu vực nhiều bờ ruộng hay đất vườn ẩm.

 

 

Rau sam hay mọc hoang ở bờ ruộng

 

 

Thỉnh thoảng, người ta hay cắt rau sam cho… heo ăn

 

 

Rau sam luộc chấm mắm cũng là món ăn ngon

 

Cải trời

 

Có lẽ, tên loại cải này xuất hiện từ lời câu ca: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Cũng có thể, đây là loài cải mọc hoang, sinh sự phó mặc cho trời nên người ta gọi thế. Trong số các loại họ “cải” thì chắc không có thứ cải nào mà có mùi thơm đặc trưng như cải trời. Mùi của nó hơi hăng nhưng ngửi kỹ thì đầy vị thuốc, thấy thơm và ấm. Cải thường mọc hoang ở vườn, nơi nào đất ẩm thì cải càng tốt, càng xanh um. Cải gần như mọc quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Nếu cải mọc hoang không ai hái, để một thời gian, cải sẽ cao nhong, lá tóp đi và trổ hoa vàng rất đẹp. Cải này dùng ăn sống, luộc hay nấu canh, nhất là nấu với tôm khô rất hợp. Ở quê tôi, may là cải này mọc dại còn nhiều lên lần này về nhà cũng tranh thủ hái cho cả rổ. Mà hễ cải mọc được ở khu nào thì dù hái nhiều lần, cải vẫn mọc lại tốt tươi, đúng ở vị trí ấy.

 

 

Cải trời mọc ở vườn nhà

 

 

Thỉnh thoảng, ở siêu thị, người ta vẫn có bán cải trời

 

Rau đắng đất

 

Chắc chắn, hình ảnh rau đắng mọc sau hè trong bài hát cùng tên là chỉ loài rau đắng đất. Cũng chẳng hiểu sao, loại rau này cứ chọn bờ hè nhà mà mọc và chỉ khi mọc ở nơi ấy thì rau mới tốt, mới xanh. Mà lạ lắm, rau này ưa mùa nắng, cứ độ thời gian này là mọc tốt tươi, sau đó trổ hoa nhiều rồi tự “rụi” và cứ đến mùa thì đúng chỗ ấy mà mọc lại. Gọi là rau đắng thì cũng bởi, nó đắng thật, chắc là đắng nhất trong các loại rau ăn được. Mà rất lạ, khi ăn kèm với cháo cá thì dường như, vị đắng dịu hẳn đi. Ngoài ăn kèm món cháo, người ta còn dùng rau nấu canh, ăn sống. Rau mà đem nấu thì tránh nấu chín quá, bỏ vào, vừa sôi là nhắc xuống vì nếu để lâu, chất đắng càng “tiết” ra nhiều, càng khó ăn.

 

 

Rau đắng mọc tự nhiên

 

 

Rau tốt, đọt non mướt

 

 

Rau đắng mà ăn với cháo cá thì ngon hết sẩy.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích