Rau dại - dại mà khôn

22:11 29/08/2021

Thời nay, sơn hào hải vị chưa chắc quý bằng những thứ quà quê đạm bạc. Thế cho nên mới có chuyện, ăn bát canh nhân sâm yến sào mà chẳng mát lòng bằng thứ canh rau tập tàng đơn sơ ở quê

Rau dại - dại mà khôn

 

 

 

Thời nay, sơn hào hải vị chưa chắc quý bằng những thứ quà quê đạm bạc. Thế cho nên mới có chuyện, ăn bát canh nhân sâm yến sào mà chẳng mát lòng bằng thứ canh rau tập tàng đơn sơ ở quê.

 

Cơm không rau như người đau không thuốc

 

Người xưa đúc kết câu nói này không phải lấy cảm hứng từ những loại rau phong phú như ngày nay mà đa phần là những loại rau quen thuộc, mọc hoang hoải ngoài vườn, đồng ruộng hay bờ rào. Ấy mới đích thị là rau lành, rau mát. Đó là rau càng cua (hay còn gọi là rau tiêu) hay mọc vào mùa mưa ẩm, ăn vừa giòn mát, vừa chữa được ho, hạ cholesterol… Đó là mớ rau dền cơm nấu canh ngọt xớt lại chứa nhiều vitamin hơn cả bắp, đậu. Hay như rau đắng đất, đắng thấu tim gan nhưng mát thì khó gì sánh bằng, dùng trị kinh phong, nhuận gan, thông tiểu… Không thể kể hết “công năng” của từng loại nhưng hầu như loại nào cũng mang trong mình ít nhiều dược tính. Chẳng trách, người từ quê ra phố, người vốn ở phố lâu đời, vẫn cứ kiếm tìm các loài rau dại, phần vì nhớ, phần thì tránh được cái mớ hóa chất ì xèo của các loại rau trồng bán nhan nhản. Thế mới thấy, dại mà không dại. Những gì từ tự nhiên vẫn là tinh túy nhất

 

 

Càng cua ưa mát, mọc nhiều vào mùa mưa

 

 

Dền cơm tuy nhỏ mà bổ.

 

Những món ngon mát lòng

 

Không vì có tính bài thuốc mà rau dại mất ngon. Ngược lại, rau dại khi kết hợp với một số loại nguyên liệu đúng bài sẽ cho ra món ăn ngon quên trời đất. Một số loại rau dại có thể kể ra như: đọt choại, rau ráng, cải trời, rau dền, càng cua, rau dừa, lá cách, cát lồi, rau sam, rau đay, nhãn lồng, rau má, bồn bồn, đọt nhãn lồng, cứt quạ, rau ngổ, đắng đất… hẳn luôn gắn liền với một phần tuổi thơ của nhiều người.

 

 

Đọt choại

 

 

Nhãn lồng

 

 

Rau dừa nước

 

 

Đọt ráng

 

Món ăn đặc trưng chất “dại” nhất không thể không kể đến là canh rau tập tàng. Nồi canh là sự pha trộn “xà bần” giữa nhiều loại rau như: rau má, rau dền, rau sam, cải trời, đọt choại, mồng tơi, đọt nhãn lồng, bình bát… nấu kèm với tép hoặc nhiều khi chả cần kèm gì, chỉ “khơi khơi” toàn rau là rau, chan thêm tóp mỡ vẫn ngon như thường. Ấy vậy mà, nồi canh ấy vẫn trở thành nỗi nhớ day dứt của nhiều người, lắm lúc thèm mà chẳng được ăn. Hoặc cũng chả cần nấu canh chi cho hẳn hoi, cải trời, đọt nhãn lồng, đọt cứt quạ, rau ráng, rau choại, rau ngổ… sẵn đấy hái về luộc, chấm thịt hoặc cá kho cũng đủ đầy quá thể. Còn nói về loại rau ăn sống phải kể đến càng cua, rau dừa nước, bông súng, điên điển, kèo nèo…, mấy loại này bóp giấm thì ngon mát trời ông địa, có thêm nồi lẩu mắm là quá đúng điệu, ăn mà không vỗ đùi không được. Riêng tôi, tôi ấn tượng mãi cái loài đắng đất. Nhiều người nghe tên thôi đã nhăn mặt vì cái đắng của nó khổ qua cũng chả bằng, phải nói là đắng ngắt đắng ngư. Thế nhưng, khi ăn kèm cháo cá lóc, cháo cá kèo thì thôi rồi nó… ngọt, kiểu ngọt hậu, nhẩn nha mới cảm nhận được. Còn nói về rau để làm dưa thì bồn bồn là ngon nhứt xứ, vừa giòn vừa dai, chấm món nào cũng thấm. Và đặc biệt, khi nhắc đến bánh xèo thì người miền Tây chẳng thể bỏ qua lá cách, cát lồi dù vốn không thiếu các loại rau sống, cải khác ăn kèm.

 

 

Canh tập tàng

 

 

Cải trời

 

 

Đắng đất

 

 

Bồn bồn

 

 

Gỏi bồn bồn

 

 

Thịt kho chấm đọt nhãn lồng

 

 

Càng cua trộn thịt bò

 

Ngày xưa, rau dại mọc hoang, chẳng ai buồn trồng nhưng ngày nay, những giống rau dại dần được gầy. May thay, đã là rau dại thì cứ tự nhiên mà tốt tươi, chẳng cần phân thuốc, mọc đến chán thì thôi. Ăn rau dại âu cũng là “mốt” của dân sành ẩm thực ngày nay.

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích