Những món mứt độc đáo trong ngày Tết

22:11 29/08/2021

Tết mà thiếu mứt thì coi như cũng thiếu… Tết. Do đó, Tết đến, nhà nào cũng phải “trữ” một vài loại mứt trong nhà để thếch khách hay buồn miệng lấy ra nhâm nhi. Nhưng mứt thì quanh đi quẩn lại chỉ một số loai cơ bản mà bạn thường làm...

Tết mà thiếu mứt thì coi như cũng thiếu… Tết. Do đó, Tết đến, nhà nào cũng phải “trữ” một vài loại mứt trong nhà để thếch khách hay buồn miệng lấy ra nhâm nhi. Nhưng mứt thì quanh đi quẩn lại chỉ một số loai cơ bản mà bạn thường làm hoặc mua như mứt khoai, mứt bí, mứt hạt sen, mứt chuối, mứt đậu…, ăn nhiều sẽ ngấy. Vậy thì, hãy thử nghĩ ra một số loại mứt mới hơn và thử xem sao nhé.

 

Mứt hoa bụp giấm

 

Hay còn gọi là mứt hoa atiso đỏ hay hoa hồng. Loài hoa này được cho là món ăn bài thuốc rất tốt cho sức khỏe, giúp lợi tiểu, nhuận tràng, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, giảm cân, điều trị ho và sốt... Không chỉ làm mứt, bụp giấm còn dùng để nấu si rô rất ngon. Màu đỏ tự nhiên bắt mắt của hoa nhìn thôi đã gợi thèm. Làm mứt bụp giấm cũng không khó. Nguyên liệu chỉ bao gồm bụp giấm, đường, ít nước. Bụp giấm rửa sạch, dùng dao tách đài, cho hoa vào lọ, cứ một lớp hoa một lớp đường cho đến hết, để khoảng từ 3 đến 5 ngày cho đường tan hết, lấy hoa ra, xào lại trên bếp cho khô. Phần nước đường còn có thể đun sánh, để tủ lạnh dùng dần như si rô.

 

 

Hoa bụp giấm

 

 

Mứt hoa bụp giấm

 

Mứt vỏ cam, bưởi

 

Mứt có vị the the, dai sừn sựt, ăn mãi không ngán. Nguyên liệu làm mứt lại là thứ… bỏ đi, đó là vỏ cam và vỏ bưởi. Làm hai loại mứt này thì khá cực nhưng bù lại, độ ngon của nó cũng xứng đáng với công bỏ ra. Cái cực của hai loại mứt này là ở khâu sơ chế vì vỏ bưởi hay cam đều rất the. Vỏ (bao gồm cả 1 ít phần vỏ trắng) sau khi ngâm muối, vắt, xả, đun sôi nước rồi chần, vắt nhiều lần để đảm bảo vỏ bớt đi chất the, ngâm vào đường để qua đêm, đến khi thấy sợi vỏ trong veo là được. Cuối cùng, bắc hỗn hợp này lên bếp sên riu riu, đảo đều đến khi cạn, thấy lớp đường trắng bám quanh thành chảo là được. Ngoài ra, để món mứt có thêm vị chua chua ngon miệng, bạn có thể cho vào ít nước cốt chanh hay tắc. Món mứt thành phẩm the giòn sừn sựt, rất ngon và không ngán.

 

 

Vỏ cam thái sợi

 

 

Mứt vỏ cam

 

 

Mứt vỏ bưởi

 

Mứt khế

 

Mứt khế có thể làm dạng dẻo hoặc khô đều ngon. Vị ngon thơm tự nhiên của khế khi sên thành mứt sẽ tạo nên hương vị lạ miệng, đỡ ngấy hơn nhiều loại mứt ngọt gắt khác. Làm mứt khế thì nên chọn khế chua, rửa sạch, cắt bỏ diềm cứng xung quanh cái múi khế rồi cắt thành từng múi dọc theo khía. Sau đó, ngâm khế vào nước vôi trong trong khoảng 7-8 tiếng đồng hồ để giúp khế không bị nát khi sên và giữ được hình dáng đẹp. Sau khi ngâm nước vôi, rửa sạch cho hết mùi nồng rồi ép múi khế hơi dẹp, còn khoảng 1/3 để khế bớt chua rồi cho đường vào ngâm khoảng 2, 3 tiếng cho tan hết nước đường. Cuối cùng, bắc khế lên bếp sên riu riu, gần cạn thì cho gừng đập giập vào, sên đến khi nào đường cạn, mứt dẻo quánh là được. Muốn có mứt khế khô thì bạn chỉ cần thêm một công đoạn là sau khi xào dẻo xong, đem sấy mứt hoặc phơi nắng là được.

 

 

Mứt khế dẻo

 

 

Mứt khế khô

 

Mứt cóc

 

Mứt cóc gây “ấn tượng” bởi vị chua cay, mặn ngọt hài hòa vô cùng lạ miệng. Để có món mứt cóc cực chuẩn, bạn nên tự làm tại nhà sẽ ngon hơn. Các công đoạn làm mứt không quá cầu kỳ, chỉ cần bạn nhín chút thời gian chăm chút thì sẽ có ngay món mứt vô cùng lạ miệng. Cóc sau khi gọt vỏ, tách múi, ngâm muối và xả kỹ thì ngâm với đường, muối, ớt giã nhuyễn. Cứ 1 ký cóc bạn dùng 1 ký đường, 50g muối và 10g ớt. Ngâm cho đến khi hỗn hợp ra nước rồi bắc lên bếp, sên lửa riu riu cho đến khi cạn, gỡ rời từng múi mứt, vắt lên thành chảo, đợi nguội cho vào lọ thủy tinh. Mứt này để được rất lâu, càng ăn càng ghiền mà không sợ ngấy.

 

 

Cóc ngâm đường trước khi sên

 

 

Mứt cóc thành phẩm

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích