Nhân mùa Halloween nói về phim kinh dị

22:11 29/08/2021

Sách kỉ lục thế giới đã ghi nhận ma cà rồng xuất hiện nhiều nhất trên phim kinh dị là Dracula với hơn 160 lần, đến nay những “hậu duệ” của ông như Twilight, True Blood vẫn tiếp tục là mỏ vàng của Hollywood...

NHÂN MÙA HALLOWEEN NÓI VỀ PHIM KINH DỊ

 


Máu me, nội tạng rơi vãi khắp nơi, những thây ma hôi thối, những con quái vật hung tợn… vốn là “đặc sản” của thể loại phim kinh dị mà đi kèm với nó là những tình huống, âm thanh có thể khiến bạn giật nẩy cả người, rơi khỏi ghế. Điều kì lạ là có những người sau khi xem phim xong thì đắp chăn run cầm cập cả đêm không dám ngủ, hôm sau lại lật đật đi tìm vài phim kinh dị nữa để xem tiếp. Ngày nay, phim kinh dị đã là một thể loại phim trụ cột phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người, đặc biệt là trong lễ Halloween.

 

 Những phim kinh dị đầu tiên

Phim kinh dị đầu tiên có tựa Le Manoir Du Diable (hay Lâu đài của quỷ) do nhà làm phim Pháp Georges Melies quay chỉ kéo dài 3 phút vào năm 1896. Tuy nhiên, bộ phim đáng nhớ nhất trong những ngày đầu của lịch sử phim kinh dị là phim câm của đạo diễn Đức tên Robert Wiene có tựa Das Kabinett des Doktor Caligari (1919). Phim về một nhà thôi miên có tên Caligari. Phim đáng nhớ do những cảnh mờ ảo, như trong một giấc mơ hãi hùng với những ngõ hẹp quanh co, cửa xiêu vẹo, phòng chật hẹp được quay trong phim trường.


Alonso Chaney được xem là diễn viên góp phần không ít vào nền móng của phim kinh dị tại Mỹ. Vai diễn đáng nhớ nhất của Lon Chaney là nhân vật Erik cuồng loạn, một nhà soạn nhạc đầy cay đắng của Paris Opera trong phim cổ trang Phanthom of the Opera. Cảnh nổi tiếng trong phim nhất là khi cô ca sĩ lấy ra mặt nạ của Lon Chaney để lộ ra một khuôn mặt như sọ người ,miệng không môi và mắt lồi.

Tiếp đó, những con mà cà rồng bắt đầu kéo nhau lên màn ảnh. Đầu tiên là phim câm của đạo diễn người Đức có tựa Nachte Dé Graunes quay năm 1916 với những nhân vật người như ma cà rồng . Phim về ma cà rồng Dracula thật sự theo sát cốt truyện nhất là phim Noferatu, A Symphony of Terror quay vào năm 1922 của đạo diễn F. W. Murnau. Phim do không có bản quyền của Stoker nên phải đổi tên Dracula thành Count Graf Orlok và địa danh từ vùng Transylvania thành Bremen. Nam diễn viên chính trong phim là Max Schrek với bề ngoài xanh xao, ốm yếu, đầu trọc, ánh mắt đầy ma quái, lỗ tai nhọn chĩa như dơi, móng tay dài và hai hốc má hõm với một đàn chuột theo đuôi của ông.
Sách kỉ lục thế giới đã ghi nhận ma cà rồng xuất hiện nhiều nhất trên phim kinh dị là Dracula với hơn 160 lần, đến nay những “hậu duệ” của ông như Twilight, True Blood vẫn tiếp tục là mỏ vàng của Hollywood.

 

 Thập niên 1930: thời của những con quái vật kinh điển

 

Những công ty sản xuất phim tận dụng các truyền thuyết của Châu Âu về Dracula, những hồn ma, những nhà bác học bị cuồng loạn và tạo ra những nhân vật bất hủ trong lịch sử phim kinh dị. Tiếp bước Dracula, lần lượt những Frankenstein, Dracula, xác ướp, ma sói... lần lượt gieo rắc nỗi kinh hoàng trên màn ảnh.  Những phim kinh dị kinh điển khác trong giai đoạn này gồm có King Kong và Freaks. Đạo diễn Tod Browning sau khi thành công với phim Dracula trong năm 1931 đã quay bộ phim gây tranh cãi có tựa Freaks (Những người quái dị). Những diễn viên trong phim là những người thật không cần hóa trang. Phim nói về một người lùn tên Hans đem lòng yêu một cô nghệ sĩ xinh đẹp Cleopatra, bề ngoài xinh đẹp nhưng chỉ để che dấu một trái tim hiểm độc giối trá.

Cô và bạn trai của mình lập ra kế hoạch làm đám cưới với Hans để đoạt gia tài của anh và đầu độc anh tuy nhiên kế hoạch không thành khi trong đám cưới Cleopatra đã không thể che giấu được sự khinh bỉ và ngạo báng Hans ngay tại tiệc cưới trước bao nhiêu người bạn của Hans. Cảnh cuối phim làm cho người xem ghê sợ và không thể quên được khi cả đoàn người quái dị đuổi theo Cleopatra trong mưa, vừa đuổi vừa hô vang "Chúng tao sẽ làm cho mày trở thành một trong số chúng tao ....".

 

 


Phim gởi đến khán giả một thông điệp rằng hãy chấp nhận người khác, cho dù họ có khác với mình, nhưng hãy chấp nhận họ như bạn muốn bản thân bạn được người khác chấp nhận. Tuy nhiên, ko may cho Tod Browning là khán giả không hề có những suy nghĩ như vậy về phim, thậm chí phim còn bị cấm chiếu tại Anh đến 30 năm.

 

Thập niên 1940 : chiến tranh thế giới và những công thức cũ

 

Phim kinh dị trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, các hãng phim ko muốn mạo hiểm với những ý tưởng mới nên đã dùng lại những công thức cũ .
Phim kinh dị trong giai đoạn này thường lấy chủ đề về nguồn cội của con người, bản năng thú tính trong mỗi một con người, điển hình nhất là qua phim "Wolf Man" (Người sói)Phim Người sói được quay năm 1941 với nam diễn viên Lon Chaney Jr (con trai của nam diễn viên Lon Chaney) xuất hiện lần đầu tiên trong vai Larry Talbot trở về nhà cũ thì bị một dân du mục tên Bela cắn và trở thành người sói. Cảnh Larry đổi từ người sang hình hài sói rất thật (người hóa trang dùng lông bò và mũi bằng nhựa).

 

Thập niên 50: Bước lùi của dòng phim kinh dị

 

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc để lại một hậu quả tàn khốc với hàng chục triệu người chết và nỗi ám ảnh khốn cùng cho những người còn sống. Con người sống thường trực trong nỗi sợ hãi chiến tranh, chết chóc, mất mát… nên những con quái vật trên phim không còn đủ sức làm họ sợ nữa. Thập niên 50 cũng là thời gian khi mà phim kinh dị thật sự bị đưa vào hạng B của phim điện ảnh, bao gồm những phim làm với kinh phí rẻ tiền, những phim làm tiếp nối không nội dung, khán giả chủ yếu là tuổi teens trong các trạm chiếu phim ngoài trời không cần biết về nội dung, nhân vật ....

 

Thập niên 60: Thời hoàng kim của những thây ma (zombies)

Đạo diễn George Romero được biết đến như là "Sư phụ của phim zombie". Zombies là những xác chết biết đi, thường da thịt đã bị rữa và thường chỉ có một mục đích chung là ăn thịt người. Vào tháng 6 năm 1967, George Romero bắt tay vào thực hiện phim "Night of the living dead" với kinh phí khiêm tốn 114000 USD và 6 tháng quay, tuy nhiên phim đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Nội dung phim đơn giản, chỉ về những xác chết hồi sinh sau khi bị nhiễm một loại virut lạ và trở về chỉ muốn ăn thịt người. Phim đã tạo ra những giây phút ghê sợ cho người xem, những xác chết thối rữa lê lết khập khiễng rồi cắn xé khắp nơi

Sau thành công của phim này thì Romero sản xuất một loạt phim về người chết ăn thịt người như: Dawn of the Dead (1978), Day of the Dead (1985). Cùng thời với Romero phải kể đến đạo diễn Alfred Hitchcock. Phim do Hitchcock đạo diễn tạo ra một sự thay đổi trong thể loại phim kinh dị. Yếu tố gây sợ hãi ám ảnh chính trong phim bây giờ là tâm hồn đen tối của con người. Phim gây nhiều tiếng vang nhất trong giai đoạn này là phim Psycho. Psycho được quay vào năm 1960 với kinh phí rất ít và phong cách làm phim còn nghiêng về phim truyền hình tuy nhiên cảnh ấn tượng nhất trong phim là cảnh nữ nhân vật chính do Janet Leigh đóng bị giết chết một cách thảm khốc trong phòng tắm . Phim cũng mở đầu cho phong trào phim những tên giết người dã man sau này.

 

Thập niên 1970: Những đứa trẻ bắt đầu lên phim

 

Mặc dù thập niên 1970 là giai đoạn Hollywood gặp khó khăn về kinh phí, nhưng đây lại là thập niên đem lại nhiều điểm cao trong sự sáng tạo nhất. Những điều luật về ngôn ngữ, hình ảnh liên quan đến tình dục và bạo lực trong phim dần dần được nới bớt và không còn khắt khe. Hollywood như được hồi sinh với thế hệ những nhà làm phim trẻ thích tìm tòi hướng đi mới .Đây cũng là giai đoạn mà nét ngây thơ của những đứa trẻ trở thành nỗi ám ảnh của khán giả bởi sự ma quái lẩn khuất đằng sau các gương mặt ấy.

 

Chủ đề thường thấy là sự đổ vỡ của gia đình dẫn đến những nỗi sợ hãi và nghi ngờ, giờ đây những "kẻ thù" không còn là những con vật từ những hành tinh lạ hay những con quái thú mà là chính những người trong gia đình. Đã qua rồi thời kỳ mà phim kinh đị được xếp vào loại hạng B và còn có những tình tiết hài hước xen vào trong phim. Điển hình của phim kinh dị trong giai đoạn này là phim "The Exorcist" (Quỷ ám)

 

Thập niên 1980 và đầu thập năm 1990: thời của những phim làm lại

 

Thời kì mà Hollywood bắt đầu thấy đuối sức và nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương với luồng gió mới đến từ châu Á . Chỉ với một cuốn băng sọc trắng sọc đen mà Ringu đã đem lại không biết bao nỗi ám ảnh cho khán giả Nhật nói riêng và Châu Á nói chung khi phim được trình chiếu vào năm 1998. Dĩ nhiên là hiện tượng hồi sinh này của phim kinh dị tại Châu Á đã không lọt qua được con mắt thương mại của các nhà làm phim Hollywood và hãng DreamWorks đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội và mua lại bản quyền để quay lại phim Ringu với tựa The Ring do Naomi Watts vào vai chính năm 2002.

Sự thành công bất ngờ tại phòng vé của phim đã mở ra một con đường đi mới cho các nhà làm phim kinh dị Hollywood. Hàng loạt các phim kinh dị Châu Á ăn khách được Hollywood nhanh chóng mua kịch bản và làm lại với hy vọng lập lại được sự thành công của phim The Ring, thậm chí dùng lại cả đạo diễn của phim như giao phim Ju - On: The Grudge cho đạo diễn Takashi Shimizu chỉ đạo . Hãng phim của Tom Cruise cũng đã mua lại bản quyền phim The Eye (Kiến Quỷ) của anh em nhà Pang để làm lại với Renee Zellweger vào vai chính trước đây do Lâm Tâm Khiết thủ diễn. Robert De Niro cũng đã quyết định làm lại phim Chaos của đạo diễn Nakata của Nhật và chính ông sẽ vào vai chính.

Sự thành công của những phim kinh dị nêu trên cho thấy khán giả tại Hollywood đã thay đổi sở thích. Họ không còn cảm thấy hứng thú với những cảnh giết người hàng loạt, những tên sát nhân tàn nhẫn vô lý. Khán giả ngày nay chọn lọc hơn, họ muốn được xem những phim nghiêng về tâm lý hơn, gợi hình ảnh và đánh vào tiềm thức hơn là những cảnh máu me nhàm chán. Phim kinh dị Châu Á đáp ứng đúng yêu cầu này. Không những chỉ làm lại phim kinh dị Châu Á, các nhà làm phim Hollywood cũng lôi các phim từng ăn khách một thời ra làm lại. Sau đây là một vài phim đang được quay hoặc có kế hoạch được quay lại: The Omen, Evil Dead (Ma Cây), Halloween…

Ngày nay, việc tạo ra một phim kinh dị thành công thực sự khó khăn hơn rất nhiều cho các nhà làm phim bởi khán giả vốn đã quá quen với những cảnh máu me và càng khó “giật mình” hơn. Tuy nhiên, yêu cầu ngày càng tăng là xu thế tất yếu của sự phát triển, nó đòi hỏi các nhà làm phim phải vận dụng tài năng nhiều hơn nữa để đáp ứng thứ nhu cầu “đặc biệt” này của con người.

 

 

Bài: Hoàng Hưng

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích