La La Land – khúc đoản ca dang dở…

22:11 29/08/2021

La La Land giống như một khúc jazz buồn man mát… trôi vô định trên bầu trời đêm đầy sao, lặng lẽ nhìn những giấc mơ, những khát khao của tuổi trẻ… hoặc đã tan vỡ, hoặc… rẽ đi theo những hướng khác nhau.

La La Land giống như một khúc jazz buồn man mát… trôi vô định trên bầu trời đêm đầy sao, lặng lẽ nhìn những giấc mơ, những khát khao của tuổi trẻ… hoặc đã tan vỡ, hoặc… rẽ đi theo những hướng khác nhau.

 

 

“La La Land” như một khái niệm tượng trưng cho vùng đất ước mơ của những kẻ khát khao về nghệ thuật, đắm chìm trong âm nhạc, điện ảnh, hội họa… Nó gần như là một vùng đất mơ hồ, vùng đất của những kẻ mơ mộng trong mắt người đời. Trong đó, có giấc mơ, niềm kiêu hãnh với nhạc jazz của Sebastian, có giấc mơ diễn xuất của Mia, và những giấc mơ khác của tuổi trẻ trôi tuột qua một cuộc đời hững hờ… có cái trụ lại, có cái biến mất…

 

Có thể nói lựa chọn thể loại nhạc kịch là một quyết định khá can đảm của La La Land, bởi đây là một thể loại phim kén người xem, đòi hỏi người xem có cảm âm nhất định, biết phiêu theo điệu nhạc và miên man với ca từ.

 

Jazz là tinh thần, là linh hồn của bộ phim, nhưng nó cũng cực kì kén khán giả bởi tính chất sâu lắng mà ngẫu hứng của những người chơi nhạc. Nó kén chính nhân vật trong phim khi Sebastian phải tìm đủ mọi cách để giải thích cho Mia hiểu cái hay của Jazz nằm ở đâu.

 

 

Jazz trong phim cũng như jazz ngoài đời, vẫn phải đấu tranh giữa chuyện giữ lấy cái tự tôn của mình hay biến đổi, “chiều” lòng thị trường hơn. Với người ngoại đạo, đây là một cơ hội tốt để họ hiểu thêm về Jazz bởi dần theo bước hành trình của Mia, họ sẽ dần thấm, hiểu về Jazz khi nghệ thuật trong Jazz không chỉ nằm ở người sáng tác, nó còn nằm trong một chút “phiêu” với tiếng trumpet, tiếng gõ chập chã, tiếng cello, tiếng piano đều đặn… Đó là thứ nhạc không dễ cảm thụ nhưng La La Land đã mạnh dạn dành rất nhiều đất cho Jazz cất tiếng hát trong trẻo của mình. Không ít những khung hình thậm chí còn không có nổi một lời hát, chỉ có hình ảnh sinh động đan xen với tiếng ban nhạc Jazz chơi sôi nổi, để mặc khán giả thả hồn theo tiết tấu.

 

    

Không chỉ đơn thuần là một phim nhạc kịch,  La La Land còn gởi gắm rất nhiều thông  trong từng câu thoại, lẩn khuất trong ca từ, ngôn ngữ âm nhạc. Đó là kiểu kể chuyện ẩn dụ rất khó cảm thụ với nhiều người, nhưng nếu bạn nghe ra được, nó sẽ là những lời buốt giá, thấm thía, sâu đậm.

 

Đó là nỗi trăn trở của những người đam mê nghệ thuật, được lồng ghép trong bài “city of stars” mà Sebastian đàn rất nhiều lần trong cả phim, trong cả đoạn dạo đầu : “City of stars, are you shining just for me?”, trong cả câu chuyện ẩn dụ về người dì của Mia ở Paris thích lao người xuống dòng nước lạnh giữa mùa đông của Mia (bài The Fool Who Dream), trong cả những tiếng đệm piano đều đặn, vô thức như có một nỗi niềm đang run rẩy…

 

 

“City of Stars” cũng là bản tóm tắt chuyện tình của Sebastian và Mia, hai con người theo đuổi hai con đường nghệ thuật khác nhau, từng trăn trở cùng nhau, từng tìm thấy và hạnh phúc bên nhau, từng hứa hẹn, từng mơ mộng… nhưng đời nào có bao giờ được như một khúc ca?

 

“City of stars
Are you shining just for me?
City of stars
You never shined so brightly”

 

Dĩ nhiên đó là một chuyện tình, nhưng đời không cho ai tất cả… rồi sẽ đến lúc Mia hay Sebastian chạy theo những ước mơ của riêng mình mà bỏ sót một điều gì đó…

 

 

Điều gì đó thiếu sót và mất đi nằm rải rác, khắc khoải trong 5 phút cuối phim.

 

Không một lời thoại, không một tiếng hát nhưng khó ai có thể kiềm được nước mắt trong đoạn cao trào nhất của bộ phim…

 

Những con người khát khao theo đuổi giấc mơ về một ngôi sao… cuối cùng, họ đã biến thành những ngôi sao, tỏa sáng đến vô ngần… nhưng họ vốn không biết rằng, những ngôi sao chỉ có thể tỏa sáng khi nó đứng một mình giữa bầu trời đêm lạnh lẽo…

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích