Gam màu nào cho tuổi già?

22:11 29/08/2021

Nỗi sợ lớn nhất của con người không phải là những nỗi đau hay cái chết, nỗi sợ lớn nhất là việc mất đi những thứ quý giá của bản thân mình. Đáng buồn thay, những thứ quý giá nhất của một con người,...

Nỗi sợ lớn nhất của con người không phải là những nỗi đau hay cái chết, nỗi sợ lớn nhất là việc mất đi những thứ quý giá của bản thân mình. Đáng buồn thay, những thứ quý giá nhất của một con người, sức khỏe, mơ ước, sắc đẹp, tình yêu,... lại sẽ bị đánh cướp bởi một thứ nhãn tiền chờ đợi mỗi chúng ta phía trước: tuổi già! Ấy vậy mà dường như những nhà làm phim không đồng tình với nhận định đó. Họ cho chúng ta thấy tuổi già trên phim ảnh không hề u ám, mờ mịt mà lại rực rỡ, phong phú rất nhiều sắc màu...

 

 

 

 

Ở độ tuổi 78 và với một ngoại hình không thể cổ lỗ sỉ hơn, ông cụ Carl Fredricksen trong phim Up (2009) cho người ta thấy rằng những ước mơ không bao giờ là quá trễ để thực hiện. Carl rời khỏi thành phố đã quá cô quạnh từ khi người vợ ông yêu thương ra đi, bắt đầu cuộc phiêu lưu đến Nam Mỹ, nơi có dòng thác Paradise bằng một cách huyền ảo và mộng tưởng nhất: trong chính ngôi nhà đang lơ lửng trên không bằng vô vàn những chiếc bóng bay đủ màu sắc. Có lúc rượt đuổi hụt hơi với bầy chó dữ, có lúc dịu dàng với cậu nhóc Russell hiếu động hay phá phách, có lúc lại vừa dũng cảm chiến đấu với kẻ xấu vừa chống hông thở dốc khi mấy cái đốt sống lưng vẫn kêu lên “răng rắc!”,... Trong hình dáng của một ông dù thấp bé, chống nạng, lãng tai, trong thời điểm mà những gì có ý nghĩa nhất của cuộc đời ông đã bị đánh mất, Carl nói cho ta nghe rằng hãy quên hết những điều tủn mủn đáng buồn đó đi bởi có hàng vạn cách để ta tìm thấy niềm vui và bắt đầu những cuộc phiêu lưu khi mỗi ngày mới đến.

 

 

 

 

Cho bất kỳ ai đang mãi ám ảnh với những ngày tháng vùn vụt trôi qua và tuổi già buồn chán đang chờ đợi phía trước, bộ phim Last Vegas (2013) chỉ thẳng một liều thuốc cải lão hoàn đồng chẳng tốn một xu nhưng quý giá hơn mọi thứ bạc vàng trên đời: tình bạn! Có người thành đạt, giàu có, phong lưu cả đời nhưng chưa bao giờ có được người mình yêu, có người bị giam hãm trong sự bảo bọc thái quá đến gần như cầm tù của con cái, có người chán ghét những hoạt động giải trí người ta vẫn áp đặt cho những ông bà già, có người lại sống một mình cô đơn,... Ấy vậy mà khi ông già 70 tuổi Billy sắp kết hôn bừa với một cô gái trẻ và mời Pappy, Sam, Archie đến Las Vegas hoa lệ để cùng nhau trải qua một bữa tiệc độc thân, mấy ông già lại hoạt bát, tươi vui đi cùng nhau hệt như những cậu bé tinh nghịch 60 năm trước. Hóa ra, tình bạn có sức mạnh làm tươi trẻ con người, để người ta đủ dũng cảm leo lên tàu lượn siêu tốc, để người ta ăn chơi thỏa sức hơn cả lũ trẻ, để người ta vượt qua nỗi đau vẫn chôn giấu mấy mươi năm nay và lại bồi hồi, xao xuyến khi hương vị tình yêu lại lặng lẽ ngấm vào tâm hồn...

 

 

 

 

Nếu bạn muốn nghe một câu chuyện tình yêu, đủ đầy và chân thực nhất, hãy hỏi những vợ chồng cụ ông Georges và cụ bà Anne trong bộ phim Amour thành công vang dội năm 2012. Đó không phải là thứ tình yêu nồng nhiệt được thể hiện bằng những nụ hôn mà cái vuốt má khi người bạn đời bị đột quỵ nằm liệt trên giường. Đó cũng không phải là những giận hờn, ghen tuông vô cớ mà là sự cáu giận với chính bản thân mình vì trở thành gánh nặng của người kia, vì phải để người ấy lo liệu cho mình cả những chuyện tắm rửa, đi vệ sinh, thay quần áo,... Đó hoàn toàn không phải là một tình yêu có quá nhiều thời gian để ta hồ nghi, để lựa chọn, để phản bội hay để dối trá, tình yêu đó là sự tin tưởng tuyệt đối khi cụ ông dùng hết sức lực từ đôi tay, đôi chân run rẩy của mình để đỡ vợ mình dậy khỏi xe lăn và hứa sẽ không bao giờ làm bà ngã. Tình yêu không thể hiện sự sâu đậm của nó như cách mà những người trẻ thường chết vì nhau. Georges và Anne cho ta thấy tình yêu là cách mà những những người già sống bên nhau đến khi bệnh tật, già yếu, đến khi xấu xí, vô dụng, đến khi trút đi hơi thở cuối cùng. Amour chỉ là chuyện của một cặp vợ chồng già và nó đơn giản, dung dị chỉ là tình yêu như thế thôi. 

 

 

 

 

Ngày hôm nay chúng ta có thể lãng phí rất nhiều thời gian để ghen ghét nhau, hãm hại nhau, dè bỉu nhau chỉ vì sự khác nhau về màu da, tôn giáo, quốc tịch hay đơn giản là sở thích, thú vui, quan điểm sống,... Có vẻ như khi trẻ chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian vì những khác biệt đó và rồi đến khi già đi và sắp chết, chúng ta nhận ra ta chẳng khác gì nhau! Cùng mắc bệnh ung thu và vô tình được sắp đặt nằm cạnh nhau trong bệnh viện, nhà tỷ phú Edward và ông thợ máy già Carter đã nhìn nhau như hai con người đơn thuần, không hế có ranh giới của tầng lớp xã hội hay chủng tộc. Một người cả đời hiếm khi được thực hiện những sở thích của mình vì thiếu tiền còn một người có quá nhiều tiền đến mức chẳng biết được cái gì là sở thích của mình. Vậy là Edward và Carter cùng nhau thực hiện những ý tưởng điên rồ nhất, cùng nhau tận hưởng từng phút từng giây cuối cùng thay vì nằm chờ chết! Săn sư tử ở châu Phi, nhảy dù từ không trung, đua xe Mustang, đi xăm mình, chinh phục đĩnh Everest,... Một đời dằn vặt kiếm ăn từng bữa, một đời đeo đuổi theo những giá trị xa hoa, cuối đời thử hết mọi thú vui xa sỉ nhất của con người, đi khắp mọi miền trên thế giới, đến khi gần ra đi, hai con người từ hai thế giới đó dần nhận ra niềm hạnh phúc thật sự, nơi chốn bình yên nhất của riêng mình!

 

Có thể bạn vẫn còn lo ngại tuổi già, có thể bạn cho rằng những con người trên phim với một tuổi già rất nhiều màu sắc ấy chỉ là ngụy tạo, là tưởng tượng viễn vông. Nhưng điều đó thì có gì là quan trọng?! Lựa chọn màu sắc cho tương lai của mình là do chính bạn quyết định và chẳng phải từ bây giờ, bạn vẫn còn thời gian để chuẩn bị vẽ nó thật đẹp sao?!

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích