Đón Tết với những món ăn truyền thống

22:11 29/08/2021

Ở thời điểm này, đề cập đến Tết nhất có vẻ là quá sớm, nhưng biết về một phong tục hay món ăn truyền thống ngày Tết của một số quốc gia châu Á ở thời điểm nào cũng là cần thiết và thú vị...

 

 

“ĐÓN TẾT” VỚI NHỮNG MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG

Ở thời điểm này, đề cập đến Tết nhất có vẻ là quá sớm nhưng biết về một phong tục hay món ăn truyền thống ngày Tết của một số quốc gia châu Á ở thời điểm nào cũng là cần thiết và thú vị. Đương nhiên, Tết ở đây là Tết cổ truyền, mang nét đặc trưng rất Á Đông chứ không phải là ngày Tết dương lịch của những quốc gia phương Tây. Yes24 sẽ cùng bạn khám phá.

 

Trung Quốc


Trung Hoa có món Dim sum mang hương vị truyền thống và làm nên bản sắc của quốc gia này nhưng đến ngày Tết, người ta phải ăn sủi cảo. Đây là món ăn phổ biến, được giới doanh nhân ưa chuộng nhất vì họ tin rằng, món ăn sẽ mang đến điều may mắn. Một điều quan trọng là loại gạo được chọn để làm món sủi cảo phải là gạo trắng và gạo nếp vì với giới kinh doanh, ăn hai loại gạo trên sẽ gặp được nhiều cơ hội giao thương trong năm mới. Ngoài ra, với lớp bột mỏng tang bao quanh bên ngoài, người ăn sẽ có thể nhìn “xuyên thấu” bên trong, điều này tương ứng với ý niệm “ước gì được nấy”.

 


Món sủi cảo với nhân thịt băm

 

Hàn Quốc


Kim chi là món ăn cổ truyền, đồng thời cũng là món ăn thường ngày của người Hàn Quốc vẫn được dùng đến trong ngày tết. Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn bắt buộc trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Sau bữa ăn, mọi người thường uống rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn. Thông thường, người phụ nữ trong gia đình sẽ tự tay chế biến để món ăn thực sự mang lại điều tốt lành cho cả nhà.


 
Kim chi


 

Nhật Bản


Ngày Tết của người Nhật cũng không thiếu cá và hải sản. Ngoài ra, người dân Nhật Bản cũng tâm niệm rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người. Các loại bánh này được gọi là omochi, được trình bày bắt mắt và nhiều màu sắc.

 


Bánh bột gạo omochi nhiều màu sắc

 

Campuchia


Tết của người Campuchia rơi vào thời điểm tháng Tư dương lịch hàng năm và được gọi là Bon Chol Chnam. Món ăn không thể thiếu trong ngày tết Bon Chol Chnam của người Campuchia là món cari. Món ăn thơm lừng, có màu vàng bắt mắt cũng là một thông điệp may mắn trong ngày này.


 


Cà ri thơm lừng

 

Indonesia


Sự đa tôn giáo và sắc tộc đã khiến những món ăn trong ngày Tết của người Indonesia cũng hết sức phong phú. Người Indonesia theo đạo Hồi đón Tết với món bánh tựa như bánh tét của người Việt Nam. Gạo thơm được gói trong lá dừa rồi đem hấp chín. Các món của người Indonesia có đặc điểm chung là cay, nồng và cơm luôn là thực phẩm chính, cho dù đó là ngày Tết.
Cũng như ở Việt Nam, tại một số nước trên thế giới người dân rất chú trọng tới văn hóa ẩm thực ngày Tết. Ăn Tết làm sao cho an toàn, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa, thức ăn còn mang đến cho họ nhiều hy vọng thành công trong năm mới.


 

 

 


Món Indonesia thường cay và lúc nào cũng kèm cơm


Lào


Ngày tết của người Lào không thể thiếu món lạp xưởng, nó được xem là "linh hồn" của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc...
Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị và thường được ăn kèm với xôi nóng.

 


Món lạp của người Lào rất giống lạp xưởng của người Việt

 

Bài: Vương Minh

 

 

Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của Hansae Yes24 Vina Co.,Ltd


Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích