Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

22:11 29/08/2021

Có những diễn viên sinh ra chỉ để cho một vai diễn duy nhất, cũng có những đạo diễn chỉ một lần rạng danh cho một bộ phim duy nhất. Đó là vinh quang ngắn ngủi, là sự rực sáng rồi chợt tắt của đội ngũ làm phim The Gods Must Be Crazy...

Share social

ĐẾN THƯỢNG ĐẾ CŨNG PHẢI CƯỜI :

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN BỀN LỀ TIẾNG CƯỜI

 

 

 

 

Có những diễn viên sinh ra chỉ để cho một vai diễn duy nhất, cũng có những đạo diễn chỉ một lần rạng danh cho một bộ phim duy nhất. Đó là vinh quang ngắn ngủi, là sự rực sáng rồi chợt tắt của đội ngũ làm phim Đến thượng đế cũng phải cười (The Gods Must Be Crazy).

 

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

 

Từ sau phần 1 ra đời năm 1980, Đến thượng đế cũng phải cười giờ đã có đến phần 4, 5 nhưng dấu ấn mà khán giả nhiều nhất chính là phần đầu tiên của bộ phim, là lúc mà cái dáng hình gầy gò, đen đúa và nụ cười sáng bừng của anh thổ dân Xi được biết đến trên khắp thế giới.


Phần đầu của loạt phim được quay tại Botswana và Nam Phi kể về câu chuyện chàng thổ dân Xi, một thành viên của bộ tộc Sho cư ngụ tại sa mạc Kalahari và chưa từng biết đến sự tồn tại của thế giới văn minh. Xi và bộ lạc của mình từ lâu đã sinh sống yên bình tại sa mạc Kalahari, họ luôn cảm thấy hài lòng bởi Thượng Đế đã cho họ tất cả và không ai có ham muốn sở hữu. Cho đến ngày một chai coca bằng thủy tinh đã bị một tay phi công ném xuống sa mạc. Xi và bộ lạc của mình đã tìm được rất nhiều sự hữu ích từ chai coca và từ đó tất cả mọi người đều nảy ra một ham muốn sở hữu đồ vật này. Họ từ một cộng đồng yên bình sống chung và chia sẻ lẫn nhau nay bắt đầu có xung đột, giành giật chỉ vì “món quà” từ trên trời rơi xuống này. Xi thấy rằng chai Coca-cola là ngọn nguồn của mọi vấn đề, nó như một lời nguyền của quỷ dữ thế là anh quyết định mang vật “xấu xa” này đến tận cùng của thế giới để vứt bỏ.

 

 Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

 

Những tình huống cười đến vỡ bụng trong phim đã tạo nên một thương hiệu Đến Thượng đế cũng phải cười. Bộ phim trở thành một hiện tượng tại quốc gia này và mang lại cho hãng phim Ster Kinekor một khoản lợi nhuận khổng lồ cũng như phá vỡ mọi kỷ lục về doanh thu tại đây. Tại thị trường nước ngoài, phải sau 6 năm, vào khoảng giữa tháng 11 năm 1986 thì Đến Thượng Đế cũng phải cười mới đến được thị trường phim Bắc Mỹ nhờ hãng CBS/Fox và được phát hành dưới dạng băng video.


Bộ phim được thực hiện với kinh phí rất ít nhưng lại đạt doanh thu không ngờ trên toàn thế giới và vẫn được chiếu đi chiếu lại ở hơn 45 quốc gia trên thế giới cho đến tận bây giờ. Theo lẽ thường, sau một thành công là một cú hích lớn cho những diễn viên, đạo diễn bước lên đỉnh cao mới, nhưng lạ thay, những con người của phần đầu tiên dường như được sinh ra chỉ để đóng mỗi phim này, vì sau thành công vang dội đó, họ gần như mất tích khỏi thế giới điện ảnh.
Đến Thượng Đế cũng phải cười đạt hơn 100 triệu đô la trên toàn thế giới nhưng ít ai biết nam diễn viên chính của bộ phim, N!xau thủ vai Xi chỉ được trả chưa đến 2.000 đô la cho vai diễn này. Trước khi ông qua đời, đạo diễn Jamie Uys đã bổ sung cho ông khoản trợ cấp 20 ngàn đô la mỗi tháng. N!xau xuất thân là một nông dân ở Namibian. N!xau là một thành viên của bộ lạc Bushmen, ông có thể nói được rất nhiều ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số như tiếng Jul’hoan, Otjiherero và Tswana. N!xau không biết tuổi chính xác của mình và trước khi xuất hiện trong Đến Thượng Đế cũng phải cười thì ông cũng rất ít khi được tiếp xúc với cuộc sống văn minh và mới chỉ được gặp 3 người da trắng.

 

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười


 
N!xau cũng không có nhiều khái niệm về tiền giấy vào thời điểm này, khi nhận được số tiền thù lao đầu tiên cho vai diễn Xi, ông thậm chí đã vô tư để những tờ tiền bằng giấy bay đi trong gió. Vào ngày 1/7/2003, ông qua đời bởi bệnh lao mãn tính trong khi đang đi săn.


Hai diễn viên nữ và nam chính của phim là Sandra Prinsloo (Vai Kate Thomson-cô giáo trong phim) và Marius Weyers (Vai Andrew Steyn-nhà khoa học) gần như không có thành tựu nào nổi bật từ sau bộ phim này. Sandra chủ yếu xuất hiện trên một vài chương trình truyền hình cũng như sân khấu kịch Nam Phi. Còn Marius cũng xuất hiện trong rất nhiều phim của Mỹ tuy nhiên đều là vai phụ. Đến Thượng Đế cũng phải cười giúp đạo diễn Jamie Uys đã nhận được một giải thưởng vào năm 1981 tại LHP Hài Quốc tế Vevey. Sau đó Jamie cũng tham gia đạo diễn một số phim nhưng lại không gây được tiếng vang cho đến khi qua đời vì suy tim vào năm 1996.

 

Đến Thượng Đế cũng phải cười trở thành một bộ phim kinh điển cho những phim hài sau này. Phim cũng có súng đạn, có thú dữ, có truy đuổi gay gắt nhưng không hề hồi hộp mà trái lại, khán giả sẽ không biết lúc nào sẽ bị… đau bụng vì cười.

 

Bên cạnh tiếng cười, đạo diễn Jamie Uys cũng đã khéo léo lồng ghép một tư tưởng nhân văn vào trong tác phẩm này. Cuộc hành trình của anh thổ dân Xi phản biện lại cái gọi là cuộc cách mạng, truyền bá văn minh nhân loại của các nước lớn đối với các nước nhỏ. Xi và bộ tộc của mình là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Với người ngoài, họ cho rằng những người như bộ tộc của Xi còn sống gian khổ, không điện nước, máy tính, không học hành nhà cửa. Với con mắt của Xi, những người da trắng thật lạ khi cứ rượt đuổi, bắn giết nhau và làm những trò vô ích ngay cả khi không phải vì cái ăn, cái mặc.

 

Một thông điệp được phát ra từ bộ phim đầy ắp tiếng cười này: đừng đánh giá cuộc sống của người khác qua con mắt của bạn, hãy thử hoà nhập vào cuộc sống của người ta, để rồi hãy phán xét xem ai văn minh hơn.

           Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

 

Hình ảnh chai Coca-Cola là một ẩn dụ cho cái gọi là văn minh mà các nước tiên tiến đang cố truyền bá vào các bộ lạc ít người như bộ tộc của Xi. Một chút văn minh vào chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ, có tiện ích hơn nhưng cũng đi kèm theo những thứ xấu, chưa chắc cuộc sống đã tốt đẹp hơn. 

 

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười

 

Chai Coca-Cola trong phim này trở thành bài học kinh điển về quảng cáo sản phẩm trong phim. Không chỉ nhắc đến tên tuổi của thương hiệu, chai Coca-Cola còn trở thành nhân vật chính tạo thành mạch dẫn và xuất hiện xuyên suốt từ đầu cho đến cuối phim, đó là chưa kể màn “quảng cáo” những công dụng khác của vỏ chai Coca-Cola thông qua đoạn các thổ dân sử dụng nó.


Đến Thượng đế cũng phải cười giờ vẫn được bao thế hệ khán giả theo dõi và ôm bụng cười nghiêng ngả cho đến tận giờ. Đó là lời khẳng định cho sức sống của một bộ phim, khẳng định tài năng, sự sáng tạo của những người làm phim. Cuộc đời của những người theo nghiệp điện ảnh đôi khi chỉ được tỏa sáng một lần rồi lại biến mất trong lặng lẽ, nhưng chỉ một lần tỏa sáng ấy, họ đã sống mãi trong tâm trí của khán giả, đã có một chỗ đứng vững trãi trong những trang lịch sử của thế giới điện ảnh.

 

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười


 

Bài: Hoàng Hưng
 

Đến thượng đế cũng phải cười: Những câu chuyện bên lề tiếng cười


 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan