Cô gái viết nỗi cô đơn

22:11 29/08/2021

“Viết, có phải chính là như thế? Chừng nào còn viết thì chừng đó sẽ không bao giờ có thời gian nào là thời gian đã qua?”.

Share social

“Viết, có phải chính là như thế? Chừng nào còn viết thì chừng đó sẽ không bao giờ có thời gian nào là thời gian đã qua?”.

 

Cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện của Shin Kyung-Sook là lời đáp nhiều trăn trở nhưng kiên định cho câu tự vấn day dứt ấy của chính nhà văn: Cô gái viết nỗi cô đơn. Tác phẩm khắc họa vô cùng rõ nét và chân thực bức tranh sinh hoạt của người lao động Hàn Quốc nghèo tại các khu công nghiệp vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 với nhiều biến động về chính trị và xã hội như tổng thống Park Chung Hee bị ám sát, các cuộc chính biến, Phong trào Dân chủ Gwangju, cũng như lý do nhà văn cầm bút.

 

Cô gái viết nỗi cô đơn

 

Nhân vật chính của Cô gái viết nỗi cô đơn là một thiếu nữ mười sáu tuổi, sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo. Vì không đủ điều kiện để học tiếp trung học, cô phải lên Seoul lao động kiếm sống. Cuộc sống trên thành phố của cô gói gọn trong bức tranh sinh hoạt một khu công nghiệp đầu thập niên 80, nơi cô sống trong một căn phòng trọ chật hẹp, hiu quạnh với anh cả và chị họ; nơi cô sáng làm việc bên dây chuyền nhà máy, tối đến trường học theo chương trình đặc biệt dành cho nữ công nhân; nơi cô đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời và không ít biến động của thời cuộc; nơi cô đã gặp gỡ nhiều người, nếm trải nhiều mất mát, dần trưởng thành hơn, nhưng có những vết thương vẫn mãi không thể nào nguôi ngoai. Cũng chính từ những ngày sống trong bức tranh sinh hoạt u ám ấy, cô đã ấp ủ và cố gắng từng bước thực hiện mơ ước trở thành nhà văn.

 

Tác phẩm đan xen, biến chuyển liên tục giữa hiện tại và quá khứ; xoay quanh cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo giữa những biến động lịch sử của xã hội công Hàn Quốc thập niên 80, với trung tâm là tình cảm gia đình, mối liên hệ giữa người với người và đặc biệt là nỗi cô đơn cùng nỗi đau không dễ gì khỏa lấp của những năm tháng trưởng thành.

 

Cô gái viết nỗi cô đơn là tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện, khi đọc ta không chỉ biết thêm về quãng đời niên thiếu của Shin Kyung-Sook mà còn có thể hiểu lý do và động lực cầm bút viết của nhà văn.

 

VỀ TÁC GIẢ:

 

Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện học tiếp trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống và nuôi mơ ước viết văn. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Seoul, cô khởi nghiệp sáng tác và giành giải Văn học mới của tạp chí Văn nghệ trung ương với tác phẩm Ngụ ngôn mùa đông. Tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ ra mắt năm 2008 của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giúp cô gây được tiếng vang lớn trên thế giới.

 

Với những tác phẩm ấp ủ niềm hy vọng “nói ra những điều không thể nói, chạm đến những thứ không thể đến gần” trong những câu văn buồn và đẹp rất đặc trưng, Shin Kyung-Sook đã không chỉ trở thành gương mặt tiêu biểu cho văn học Hàn Quốc hiện đại mà còn là nhà văn được đông đảo độc giả khu vực và quốc tế quan tâm, đón nhận nồng nhiệt.

 

Các tác phẩm của Shin Kyung-Sook đã được Nhã Nam xuất bản: Hãy chăm sóc mẹ, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, Cô gái viết nỗi cô đơn,...

 

ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO CHÍ/KHEN NGỢI:

 

“Shin Kyung-Sook viết về những quãng thời gian và khoảng không gian có thể là xa lạ, nhưng bằng nhiều cách, các chi tiết trong tác phẩm của cô lại rất phổ quát; mỗi chúng ta ai cũng có một con quái vật vô diện mà bản thân luôn muốn trốn tránh. Shin Kyung-Sook đã vẽ cho chúng ta thấy con quái vật của chính cô.” 

 

 

New York Times

Theo Báo Người tiêu dùng

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan