Cho tôi một vé đi tuổi thơ

22:11 29/08/2021

Cái thời ấy là lúc mà 50 đồng còn mua được cục kẹo the, 200 đồng có thể mua cốm hay cà rem ăn. Bây giờ, những món đó chỗ còn bán, chỗ không nhưng nếu còn, trẻ con cũng không mặn mà lắm. Và với không ít người, nó là cả một miền ký ức đầy vơi.

Cho tôi một vé đi tuổi thơ

 

 

 

Cái thời ấy là lúc mà 50 đồng còn mua được cục kẹo the, 200 đồng có thể mua cốm hay cà rem ăn. Bây giờ, những món đó chỗ còn bán, chỗ không nhưng nếu còn, trẻ con cũng không mặn mà lắm. Và với không ít người, nó là cả một miền ký ức đầy vơi.

 

Trẻ con thành thị ngày nay biết nhiều đến trà sữa, thức ăn nhanh, các loại thức uống smoothy nhanh gọn, nhiều chất béo. Bánh trái thì cũng đắt tiền và thượng lưu hơn. Đó là sự thay đổi tất yếu và biết đâu, mai này, nó lại vẫn chỉ còn lại là những sản phẩm của ký ức.

 

Nhưng nếu bạn có ký ức tuổi thơ giống tôi hoặc chí ít là có chút tương đồng, hãy cùng nhớ lại vì sợ một lúc nào đó nó sẽ trôi tuột mất.

 

Cà rem

 

Những xe cà rem di động, cọc cạch len lỏi từ xóm nhỏ đến trường học, có gắn quả chuông bằng đồng thật to thay cho lời rao là món quà mà mọi trẻ con đều thích. Xóm tôi ngày ấy có bác bán cà rem già, người ốm nhom, đội nói vải, cứ tầm 12 giờ trưa là đến. Hôm nào ăn cơm xong, tôi cũng ngồi canh, xin mẹ tiền mua cà rem mà mút. Tôi nhớ, có 500 đồng mà mua được những 3 cây, hai cây 200 đồng và 1 cây 100 đồng rồi đem về chia. Bác bán cà rem lấy ra 1 cây thật dài, đông cứng ngắc, bên ngoài có bọc miếng giấy mỏng như giấy gói thuốc lá rồi cẩn thận cắt thành từng khúc to xứng với tiền mua, xiên qua que tăm rồi đưa chúng tôi. Tôi nhớ, hôm nào mua đươc nguyên cây 500 đồng là oách với mấy đứa còn lại lắm vì sẽ được cây thật dài. Mà con nít nghèo ăn cà rem cũng tội, cứ sợ cà rem hết, chỉ dám mút chứ không dám cắn, mút đến khi tan hết thì thôi.

 

Có hai loại cà rem, loại sữa béo và loại si rô màu sắc. Loại si rô màu sắc thì to lắm vì cây kem chỉ toàn nước đá đông, hút sột một cái là hết nước ngọt, chỉ còn lại cây đá trong veo. Những hôm trời nắng, được ăn cà rem giải khát thì thích lắm, mặc dù nguyên liệu làm lúc ấy cũng chẳng bổ béo gì và người ta hay sử dụng đường hóa học. Nhưng có lẽ, vị tuổi thơ thì món nào cũng ngon.

 

 

Ai cà rem hông?

 

 

Ăn cà rem phải mút từ từ nhé, kẻo hết bây giờ

 

Cốm

 

Không phải là cốm dẹp mà là cốm nếp, cốm bắp đủ loại. Cốm bắp được bung rất to, ăn thơm thơm tuy không có vị gì đặc sắc. Thỉnh thoảng ăn nhầm hạt hư còn có vị nhân nhẫn nhưng hễ ăn là đâm ghiền. Cốm nếp thì ngon lành hơn vì nếp sau khi được bung nở, còn được ngào đường vàng, có thêm gừng, cơm dừa beo béo và đóng thành gói vuông vức. Một gói cốm to cỡ nửa bàn tay đâu cũng chỉ có 200 đồng. Loại cốm này giờ cũng còn bán ở miền quê, thậm chí ở Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng bắt gặp trên các xe bán rong. Tuy nhiên, không biết bây giờ do khẩu vị thay đổi hay do cách làm không đúng mà ăn mãi cũng chẳng ra vị ngày xưa.

 

 

Cốm bắp bung

 

 

Cốm nếp ngào đường

 

Siro bào

 

Trẻ con bây giờ, nói đến bàn bào đá chắc cũng khó hình dung khi mà thiết bị làm si rô, sinh tố bây giờ quá hiện đại, có thể cho ra đá mọi kích cỡ. Đó là chiếc bàn tự chế bằng gỗ, ngang khoảng 5, 7 cm, dài cỡ 30 cm. Ở giữa người ta khoét một lỗ ngang thân dùng để gắn lưỡi bào. Muốn bào được đá, người ta chặt đá cây thành tảng to vừa, dùng 2 nắp chai nước ngọt cố định hai bên rồi kéo trượt dọc theo dân bàn bào và bên dưới để một thau hứng đá. Kêu một ly si rô, người bán sẽ ém đá đầy ly rồi chế nước cốt si rô đủ màu lên, thường là si rô dâu màu đỏ (thật ra đó là nước đường, bỏ thêm màu thực phẩm, dầu chuối và ít va ni tạo mùi mà thôi). Cứ thế mà múc cả đá cả nước nhai rạo rạo hoặc túm túi ni lông rồi gắn ống hút vào hút ngon lành.

 

Si rô thì ngày nay vẫn còn, bàn bào đá vẫn có nhưng là dụng cụ xay bằng máy, vừa nhanh vừa tiện. Tôi nhớ lúc xưa khi tan học, đám học sinh bu trước xe si rô, hối giục đông đúc, làm cô bán hang bào đá mỏi cả tay.

 

 

Si rô đá bào mát lạnh

 

Kẹo kéo

 

Kẹo kéo ngày nay có phần “biến tướng” khi mà người bán bày đủ chiêu trò ca hát câu khách và chủ yếu bán tại các quán nhậu bình dân. Kẹo kéo ngày xưa cũng có chiêu trò nhưng là trò dụ dỗ con nít. Người bán kẹo có một chiếc bàn quay như “chiếc nón kỳ diệu” trên đó có số và những ô trống. Nếu muốn mua bán sòng phẳng, đưa tiền 1 cây mua 1 cây thì thôi, nếu muốn thử vận may thì cứ quay. Mỗi lượt quay giá 1 cây kẹo, quay trúng số 2, số 3… thì được tăng kẹo lên, vào ô trống thì coi như… mất tiền. Cái trò đó hút con nít vô cùng nhưng cái chính cũng vì kẹo kéo quá ngon. Kẹo được bọc 1 khối to trong túi ni lông quấn dầy nhiều lớp, mua bao nhiêu người bán sẽ kéo bấy nhiêu. Cây kẹo trắng giòn, cắn vào nghe rôm rốp và thơm lừng đậu phộng béo vốn rất quyến rũ. Nhiều khi ăn kẹo nhai đơ cả hàm mà vẫn còn thèm.

 

 

Rồi nào thì bánh tai mèo, kẹo sừng trâu, kẹo the đủ màu, bánh tráng nêm mặn chát…, món nào khi nhắc đến cũng thấy giật mình. Thời gian có vẻ trôi nhanh quá…

 

 

Bánh tai mèo

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích