Biến tấu gỏi gà miền Nam

22:11 29/08/2021

Có hai loại rau gia vị “chết danh” với món gà luộc là lá chanh (theo miền Bắc) và rau răm (của người miền Nam). Nếu như theo cách ăn của miền Bắc thì chỉ là gà chặt, trộn thêm ít muối lá chanh chấm với muối tiêu chanh thì người miền Nam chuộng gà xé trộn gỏi hơn. Theo đó, các loại rau trộn đi kèm cũng phong phú vô cùng.

Có hai loại rau gia vị “chết danh” với món gà luộc là lá chanh (theo miền Bắc) và rau răm (của người miền Nam). Nếu như theo cách ăn của miền Bắc thì chỉ là gà chặt, trộn thêm ít muối lá chanh chấm với muối tiêu chanh thì người miền Nam chuộng gà xé trộn gỏi hơn. Theo đó, các loại rau trộn đi kèm cũng phong phú vô cùng.

 

Nếu bạn là tín đồ của gỏi gà xé miền Nam thì hẳn bạn đã thưởng thức qua một vài trong số những kiểu gỏi gà đi kèm “rau ghém” sau

 

Bắp chuối, chuối cây non

 

Bắp chuối (chuối xiêm, chuối sáp hay chuối hột) tách bớt phần lớp hoa già bên ngoài, bỏ hạt rồi bào mỏng, ngâm vào nước có vắt chanh cho ra bớt nhựa và trắng. Thân chuối là thân cây non (cũng chọn thân của ba loại chuối trên), mọc lên từ bụi chuối to, vừa nhón có khoảng hai lá thì chặt đi, bóc tách hết bẹ già, chỉ giữ lại phần ruột nõn rồi bào, ngâm như cách ngâm hoa chuối. Trước khi trộn gỏi, chuối được vớt ra, rửa lại lần nữa rồi để ráo, xắt thêm rau thơm trộn vào, bóp với chanh đường cho xèo, xong cho thịt gà vào trộn cùng. Đây là loại rau trộn được người miền Tây đặc biệt ưa thích.

 

 

Bắp chuối, thân chuối non bào là nguyên liệu lý tưởng để trộn gỏi gà

 

 

Hành tây, hành tím, củ kiệu

 

Loại “rau ghém” này là giải pháp cho những khi không thể tìm thấy loại rau trộn phù hợp nào khác và khi bạn muốn hoàn thành món ăn nhanh lẹ nhưng vẫn đảm bảo ngon. Thường thì hành tây, hành tím trước khi trộn sẽ được bào mỏng, ngâm với giấm đường một lúc cho chua ngọt, vừa phải, bớt hăng nồng rồi mới vớt ra trộn cùng thịt gà. Củ kiệu thì được ngâm giấm sẵn, có thể chẻ đôi rồi trộn cùng một thể. Món gỏi này được trộn toàn bằng hành nên có thể khiến nhiều người cảm thấy khó ăn nếu “dị ứng” với vị hanh cay nhưng nếu thích thì sẽ thấy rất ưng vì bản thân hành cũng rất giòn, ngọt.

 

 

Rau má

 

Rau má mà trộn gỏi gà thì ăn vừa thanh, vừa mát, tạo cảm giác lạ miệng độc đáo. Để trộn gỏi ngon, rau má cần chọn loại rau má vườn, cọng không quá dài, lá mảnh, nhỏ và có mùi thơm đặc trưng. Khi trộn, không nên bóp rau quá mạnh, tránh bị giập đen.

 

 

Rau tiêu

 

Rau tiêu hay còn gọi là càng cua mà trộn gỏi gà thì vừa ngon, vừa lạ. Vị rau thanh thanh, có phần hơi nhân nhẩn, thân mọng nước giòn rụm đi với miếng gà xé cũng được cho là hợp. Thường vào mùa mưa thì rau sẽ xanh tốt và mướt mát hơn, ít bông, ít hạt nên đỡ công nhặt. Gà trộn gỏi rau tiêu nên chan thêm ít dầu hành phi cho “bóng bẩy” và thơm ngon hơn.

 

 

Ngó sen

 

Nếu đi tiệc miền Tây, để ý, bạn sẽ thấy, món gỏi gà được dọn ra thường trộn với các loại rau có phần “hoa mỹ” như ngó sen, củ cải đỏ, dưa leo bào mỏng, thỉnh thoảng có thêm cổ hũ dừa ngâm chua, được trang trí với ớt tỉa hoa cầu kỳ. Đĩa gỏi vì thế cũng có màu sắc bắt mắt và hài hòa. Thật sự thì món gỏi này, “nguyên bản” thường được trộn với tôm, thịt nhưng người Nam Bộ đôi khi cũng thích biến tấu, thay bằng thịt gà ta cho có phần ngon và lạ miệng hơn.

 

 

Bắp cải nồi

 

Bắp cải nồi cũng là loại rau rất thông dụng để trộn gỏi gà. Bắp cải chỉ cần rửa sơ trước, chẻ đôi rồi dùng dao bào bào mỏng thành sợi nhỏ, ngâm với nước muối cho “nhả” bớt dư chất rồi rửa kỹ nhiều lần, vớt ra để ráo và trộn với gà bình thường như các kiểu rau trộn khác.

 

 

Rau lang, rau muống

 

Rau lang vốn rất mát nhưng người ta thường luộc trước khi ăn thay vì ăn sống nhưng có lẽ, cách để ăn rau lang sống tốt nhất là trộn với gà làm gỏi. Khi trộn, chỉ nên dùng đọt non, bóp xả thật kỹ với muối để rau “nhả” bớt nhựa, rau sẽ bớt hăng và chát hơn. Thông dụng hơn rau lang là rau muống bào và thường đi kèm với cả bắp chuối.

 

 

    

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích