Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

22:11 29/08/2021

Đó là một câu chuyện ở tương lai không xa, nhưng nó không kể những câu chuyện xa vời, mà ngược lại, gần như là một thước phim hoàn hảo cho con người chiêm nghiệm lại chính những giá trị nhỏ bé mà cao quý đã góp nhặt nên thành khái niệm “loài người”...

Share social

BICENTENNIAL MAN : NHỮNG GIÁ TRỊ VĨNH CỬU

 

 

 

Đó là một câu chuyện ở tương lai không xa, nhưng nó không kể những câu chuyện xa vời, mà ngược lại, gần như là một thước phim hoàn hảo cho con người chiêm nghiệm lại chính những giá trị nhỏ bé mà cao quý đã góp nhặt nên thành khái niệm “loài người” thông qua cái nhìn và cuộc đời của Andrew.

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

-Andrew, anh là độc nhất vô nhị. Và tôi tự cảm thấy có trách nhiệm phải giúp anh trở thành thứ mà anh có thể trở thành.
-Tôi sẽ trở thành thứ gì thưa ngài?
-Tôi cũng không biết. Nói sao nhỉ, con người trưởng thành theo thời gian mà. Nhưng thời gian với anh nó lại mang một ý nghĩa khác. Với con người, thời gian là hữu hạn, nhưng với anh, Andrew à, thời gian là vô tận.

 

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Cuộc đời của Andrew có lẽ đã được sắp xếp theo một định mệnh dị thường mà định mệnh ấy gắn liền với gia đình Richard Martin. Andrew có thể chỉ là một con robot chăm chỉ, quần quật với công việc nhà cho đến ngày máy móc hao mòn và bị vứt vào thùng rác như những con robot khác, nhưng Andrew may mắn khi gặp được Richard – ông chủ của anh. Ban đầu Richard cũng nghĩ Andrew là một cỗ máy được lập trình sẵn, cho đến khi Andrew lỡ tay làm vỡ chú ngựa thủy tinh của con gái anh, thế là Andrew tự tay đọc các cuốn sách về điêu khắc, và tự tay tạo nên một chú ngựa gỗ để chuộc lỗi với “cô chủ nhỏ”. Trong những buổi đêm khó ngủ, Richard lại phát hiện ra chú robot lại đang tự ngồi nghe nhạc dưới tầng hầm nhà mình và ông nhận ra mình đang sở hữu một thứ “độc nhất vô nhị”, giống như một người cha vô tình phát hiện ra tài năng của con mình.

 

-Andrew này, ngoài những công việc bình thường ra, tôi muốn anh dành một phần thời gian để làm những việc khác, như điêu khắc hay làm đồng hồ chẳng hạn. Ngoài ra, tôi cũng sẽ dành một buổi để hướng dẫn anh làm những công việc mà anh không được lập trình.

 

Khi người ta phát hiện ra một thứ khác thường thì người ta sẽ làm gì? Tránh xa nó hay tìm hiểu và phát triển nó? Andrew có lẽ đã bị gởi lại vào nhà máy sửa chữa, hoặc đóng gói lại trong những lô hàng “hỏng” nếu chủ anh không phải là Richard. Nhà sản xuất sau khi biết Andrew “khác biệt” đã định đổi lại một con robot khác cho Richard, thậm chí là dùng tiền mua chuộc vì họ sợ tin đồn về những con robot dị thường lan ra sẽ làm giảm doanh số kinh doanh nhưng may mắn cho Andrew là Richard có hứng thú trong việc giúp anh trở thành một cái gì đó hơn là nhận những tờ đô la kia.

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Thế là từ đó, bên cạnh công việc nhà, Andrew có thời gian được đọc sách, trao đổi cùng Richard về những giá trị của con người, được có thời gian sáng tạo thứ gì mà anh thích, tiếp tục là người bạn bên “cô chủ nhỏ” mà anh rất thích, chìm đắm trong những đĩa nhạc mà anh nghe hay hòa mình trong những bản hòa tấu piano với cô chủ nhỏ. Thời gian với Andrew là một khái niệm hoàn toàn khác, 20, 30 hay cả trăm năm sau, anh vẫn sẽ như thế, vẫn sẽ cứ vui vẻ, tận tụy với công việc như vậy cho đến khi những người thân xung quanh anh, ông chủ, cô chủ nhỏ đều đã âm thầm thay đổi mà anh không ngờ đến. 

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Có lẽ thời gian không thể tác động trực tiếp đến anh, nhưng nó cũng không để anh yên bình trong những giấc mộng đẹp của mình. Andrew học cách chấp nhận sự chia ly khi các cô chủ của anh lần lượt lập gia đình, chấp nhận thứ cảm giác kì lạ khi biết cô chủ nhỏ yêu quý của mình không còn sống chung với mình nữa, chấp nhận sự chia ly với người cha, người thầy của đời mình – Richard – khi sự hữu hạn của thời gian gọi tên ông.

 

Xem tâm tư, sự thay đổi tâm lí của Andrew là sự thú vị khi chúng ta có dịp chiêm ngưỡng lại sự thú vị của một con người trong quá trình “học làm người” của một chú robot. 

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

-Cô chủ nhỏ này, làm sao để tôi có được tự do?
-Anh muốn bỏ chúng tôi sao?
-Không hẳn thế cô chủ, tôi chỉ muốn được tuyên bố là tự do.
-Nhưng tại sao? Ở đây anh có tự do mà?
-Cho tới khi tôi được ra lệnh làm gì đó.
-Andrew, nhiều năm rồi đâu có ai ra lệnh cho anh nữa ! Chúng tôi đã xem anh là một phần của gia đình và mỗi lời nói chỉ là đề nghị chứ không còn là “lệnh” nữa. Thế vẫn chưa đủ với anh ư ?
-Cô biết đấy… - Andrew trầm tư – Tôi đã học lịch sử của loài người. Hàng trăm năm qua có hàng ngàn cuộc chiến nổ ra và hàng triệu người đã chết trong những cuộc chiến đó, và họ đã chết vì một lý tưởng: tự do. Và tôi nghĩ rằng, đó là một khái niệm có rất nhiều ý nghĩa đối với con người… và tôi cũng muốn… có thứ ấy…

 

Hành trình phát triển của Andrew dường như cũng chính là lịch sử tiến hóa của loài người. Con người sinh ra, tìm hiểu mọi thứ xung quanh, tìm hiểu về bản thân mình, học cách thích ứng, học cách tồn tại, đòi hỏi nhiều hơn, nhu cầu cao hơn, cả những thứ tưởng như vô hình gọi là tự do… Andrew muốn mua sự “tự do” của mình bằng tất cả tài sản mà anh tạo ra được từ việc bán các tác phẩm của anh, lẽ dĩ nhiên, Richard không hài lòng, không phải vì ông không ưa các con số trong tài khoản mà chính ông đã lập ra cho một con robot, chỉ là… Richard nhận ra mình đang trải nghiệm lại khoảnh khắc buồn khi chia tay những đứa con đã trưởng thành của mình như những lần ông tiễn con gái về nhà chồng, nay lại không còn được thấy Andrew quanh quẩn bên ông… Nhưng điều gì đến cũng phải đến, ông cho Andrew sự tự do mà không lấy một đồng nào… dĩ nhiên rồi, những thứ mà Richard đã cho Andrew không gì trên thế gian này có thể mua được, thứ tình cảm mà chỉ cha mẹ dành cho con cái như thế…

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Andrew bắt đầu hành trình đi tìm lại tất cả các chủng robot cùng loại với anh với hy vọng mong manh rằng sẽ tìm được một robot giống như mình. Hàng chục năm nữa đã trôi qua, Andrew vẫn miệt mài tìm kiếm trong những bãi phế liệu, những nhà kho, những nơi mà chủng robot như anh bị vứt đi… ở cuối hành trình dài đó, Andrew nhận ra mình là duy nhất, suýt nữa đã tuyệt vọng cho đến khi anh tìm ra Rupert Burns, con trai của kĩ sư trưởng trong một chương trình phát triển robot bị lãng quên của chính công ty đã sản xuất ra anh. Andrew quyết định tiến hành hơn việc biến bản thân mình thành một con người bằng việc tài trợ cho những hoạt động nghiên cứu của Rupert, đổi lại, Rupert cho anh những kết cấu về da, tóc, cơ thể như một con người.

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Càng gần với con người hơn, Andrew càng nhận ra sự đáng thương của mình, như trong lần cuối gặp “cô chủ nhỏ” khi cô đang hấp hối… Nhìn những dòng lệ của cô cháu gái mà Andrew càng buồn cho chính mình hơn “thật tàn nhẫn khi cô có thể khóc còn tôi thì không. Có một nỗi đau to lớn mà tôi không thể diễn tả, thật tàn nhẫn…”. Khóc tưởng chừng như là một biểu hiện bình thường, nhưng qua đôi mắt của Andrew ta mới thấy nó là biểu hiện quý giá mà anh không thể đạt được…

 

Andrew bắt đầu nhận ra những người thân rồi cũng sẽ lần lượt bỏ rơi anh khi giới hạn thời gian của họ đã hết, thế là anh lao vào nghiên cứu và chế tạo cùng Rupert, những thiết bị hoàn hảo để thay thế những cơ quan nội tạng bị hao mòn theo thời gian của con người… Andrew cũng bắt đầu nhận ra thứ tình cảm của anh, được chấp chứa suốt thời gian gắn bó cùng cô chủ nhỏ, lớn dần trong nhận thức của anh, để rồi kết tinh khi anh gặp được cô cháu gái giống hệt cô chủ nhỏ và những rung động cho lần đầu biết yêu ai đó…

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Tình cảm của Andrew và cô cháu gái dần thăng hoa như một cái kếtcó hậu cho cả một vòng tròn cuộc đời lẩn quẩn, một mối quan hệ dang dở của chính Andrew và “cô chủ nhỏ”. Với sự giúp đỡ của Rupert, Andrew thậm chí đã có thể nếm thức ăn, biết biểu hiện các cảm xúc của con người, thậm chí có thể “sinh hoạt” bình thường với người yêu của mình, nhưng cũng giống lần đòi được tự do, Andrew cần một bước nữa cho số mệnh của mình: anh muốn được công nhận như một con người.

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

-Chúng ta phải đối mặt với một việc rõ ràng là: cho dù ông giống con người đến đâu đi nữa thì ông không thuộc bộ gen di truyền của con người. Ông hoàn toàn nằm ngoài nó, ông là một thứ gì đó rất khác. – Viên chủ trì của Liên Hiệp Quốc nói với Andrew trong Hội đồng xem xét yêu cầu của anh.

 

-Thưa ngài, thế thì còn chuyện mỗi con người có bộ gen ấy lại mang trong người những bộ phận cơ khí mà tôi tạo ra thì sao? Mỗi vị ở đây đều có ít nhất một sản phẩm của tôi, vậy thì chúng ta có gì khác nhau? Và nếu các vị vẫn là con người thì tôi ít nhất cũng là một con người… theo từng phần.

 

-Andrew à, anh vẫn còn bộ não positron đó. Khi nào còn nó anh vẫn sẽ bất tử. Andrew, xã hội vẫn chấp nhận một robot bất tử, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chịu được một con người bất tử. Nó đánh thức sự giận dữ và ganh tỵ Tôi xin lỗi Andrew, phiên tòa này không thể công nhận anh là một con người.

 

Bước đi này của Andrew có thể là ngớ ngẩn nhưng nó chỉ khẳng định thêm phần “người” trong anh. Khi con người ta đầy đủ về vật chất sẽ luôn hướng tới những giá trị khác cao cả hơn, vô giá hơn, mà đối với Andrew được công nhận là một con người còn lớn hơn tất cả. Cho tới phút cuối cùng, Andrew không nghe được phán quyết về việc công nhận anh là một con người của tòa án. Trước đó anh đã đề nghị Rupert tiêm một loại hóa chất vào người, để các bộ phận của anh cũng bị hao mòn, hỏng hóc dần và rồi anh cũng có thể… qua đời. Với Andrew, việc được công nhận là con người có lẽ cũng không quan trọng bằng việc anh được trải nghiệm đủ mọi tính chất của một đời người, dù đó là bước cuối cùng: cái chết. Andrew có lẽ cũng không làm việc đó nếu như vợ anh không khăng khăng giữ nguyên từng cơ quan nội tạng đã hỏng hóc của mình, vợ anh muốn sống hết một quy trình của một con người vì cô tin rằng mọi thứ đều có một quy luật của nó.

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Có thể cái chết là một cái gì đó rất tồi tệ, là nỗi sợ của nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử hình thành của con người, nhưng nếu không có cái chết, liệu con người có quý trọng và tận dụng khoảng thời gian mà mình đang có? Liệu con người có biết tranh thủ từng phút từng giây để hoàn thiện ước mơ hay đơn giản nhất là sống hạnh phúc bên những người mà họ yêu thương không nếu không có cái chết? Cuộc đời là hữu hạn, nhưng chính vì hữu hạn nên cuộc sống mới đáng quý, đáng để ta làm nhiều thứ ý nghĩa vì ai cũng chỉ sống một lần…

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

Xem Bicentennial Man (tên tiếng Việt là người hai trăm tuổi) để chiêm nghiệm, để suy tư và tự hào về những phẩm chất của con người, loại sinh vật phức tạp, đa cảm, đa sầu, có một cơ thể yếu ớt nếu được đặt trước tự nhiên, một thực thể mong manh trong dòng chảy của thời gian, một khái niệm đầy khiếm khuyết, nhưng chính tất cả những điều đó tạo nên những tính chất thiêng liêng rất người

 

Bicentennial Man: những giá trị vĩnh cữu

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan