Bánh tráng

22:11 29/08/2021

Chỉ đơn thuần làm từ gạo, bánh tráng Việt cũng vô cùng phong phú, muôn hình, đủ loại. Khi kết hợp món ăn sẽ cho ra những hương vị, cảm nhận khác nhau, góp phần làm món ăn thêm ngon, trọn vẹn.

BÁNH TRÁNG

 

 

 

Chỉ đơn thuần làm từ gạo, bánh tráng Việt cũng vô cùng phong phú, muôn hình, đủ loại. Khi kết hợp món ăn sẽ cho ra những hương vị, cảm nhận khác nhau, góp phần làm món ăn thêm ngon, trọn vẹn.

 

Bánh tráng nếu xét về độ dày mỏng thì có loại dùng để cuốn, loại để nướng ăn chơi. Hơn nữa, tùy vùng miền mà người ta đặc biệt thích những loại bánh tráng khác nhau. Miền Nam có bánh tráng dùng để cuốn, miền Trung, miền Bắc có bánh tráng (đa) nướng ăn kèm nhiều món ăn khác nhau. Hãy cùng khám phá một số loại bánh tráng đặc sản nhé.

 

Bánh tráng phơi sương

 

Đây là loại bánh nổi tiếng của đất Tây Ninh, xuất xứ từ vùng Trảng Bàng. Bánh mềm, dẻo quánh và có vị mằn mặn rất đặc trưng. Bánh này khi cuốn không cần phải nhúng nước làm mềm. Để làm bánh tráng này, các công đoạn chọn, vo gạo, xay, tráng, hấp và phơi đều rất tỉ mỉ, để bánh thật dẻo khi khô. Sau đó, bánh được nướng sơ qua than cho phồng nhưng không vàng, cháy. Thêm một công đoạn quan trọng và nó cũng góp phần làm nên tên gọi của loại bánh tráng này là đem phơi sương. Hơi sương ươn ướt vừa đủ thấm khiến bánh mềm, dẻo và kết thành từng tấm. Người phơi phải canh sao cho bánh ngậm sương vừa đủ rồi xếp ngay vào bao để giữ cho bánh luôn mềm.

 

Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc Trảng Bàng với đủ loại rau non mướt, đủ vị chua ngọt, chấm kèm nước mắm hoặc mắm nêm, đảm bảo người ăn cứ thế mà cuốn, không dừng được.

 

 

Bánh tráng lề

 

Là loại bánh tráng mỏng dính, chuyên dùng để cuốn ram (chả giò) và đặc biệt là dùng làm gỏi cuốn theo kiểu người trong Nam. Ngày xưa, bánh này được làm rất mặn vì chính lượng muối nhiều sẽ làm bánh dẻo đúng ý. Tuy nhiên, bánh ngày nay là loại bánh lạt, khi được làm ướt sẽ rất dẻo, cuốn chắc tay. Khác với bánh tráng Trảng Bàng, loại bánh này khi cuốn cần được làm mềm, có thể bằng cách ủ khăn ướt hoặc có thể nhúng ngay vào nước.

 

Rau dùng kèm cho loại bánh cuốn này không phải là rau rừng chan chát như bánh tráng phơi sương Trảng Bàng Với món ăn này, rau là một thực phẩm không thể thiếu được. Khác với bánh tráng phơi sương Trảng Bàng mà đó là các loại rau sống như rau quế, diếp cá, rau thơm, tía tô; chuối chát, dưa leo. Tùy sở thích mà có thể cuốn thịt, tôm hay cá.

 

 

Bánh tráng mè

 

Là loại bánh đặc sản của vùng Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh khác dọc dải đất miền Trung. Bánh có hai loại: mè đen và mè trắng. Để làm loại bánh này, đầu tiên, người ta sẽ ngâm gạo vào nước cho đến khi bẻ được hột gạo làm hai. Sau đó ta sẽ xay gạo thành bột mịn vào mang trộn với nước, bột mì và mè (mè đen hoặc mè trắng) rồi đem tráng trên chảo hơi và phơi nắng cho khô. Thoạt nhìn, bánh thoạt trông hơi dầy, xù xì những lớp mè kín mít, đen đặc, trông không mấy đẹp mắt nhưng hễ ăn là phải thấy ghiền. Bánh được nướng sao cho phồng giòn, bẻ là gãy gọn, ăn vào thấy thơm xốp, béo bùi. Người ta có thể dùng bánh tráng để xúc các món gỏi ăn kèm, thậm chí là bỏ vào lẩu hay bất kỳ một món nước nào đó như Mì Quảng chẳng hạn.

 

 

 

 

Bánh đa chợ Kế

 

Nếu như người miền Trung xem bánh đa là loại “lương thực” không thể thiếu và có mặt trong hầu hết các món ăn thì với người miền Bắc, vị trí bánh đa không mấy quan trọng, có chăng thỉnh thoảng người ta lại nhắc đến bánh đa chợ Kế mà thôi. Bánh đa miền Bắc có vị ngọt của đường và vị béo của mè, chỉ dùng để ăn chơi chứ không kết hợp với nhiều món ăn theo kiểu miền Trung. Người Bắc còn có thú nấu hạt kê phết lên bánh đa rắc đường, đậu rồi bẻ gập lại và ăn như một món bánh thông thường nào đó.

 

 

Từ Bắc tới Nam, bánh tráng luôn có một đời sống riêng trong đời sống ẩm thực Việt. Và cũng thật dễ hiểu, món Việt sao phong phú vô cùng.

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích