Xuôi dòng Hương Giang

22:11 29/08/2021

Từ lâu sông Hương là hình ảnh được nhiều nhà văn, nhà thơ sử dụng khi nói đến Huế. Sở dĩ như vậy là vì sông Hương giống như linh hồn của Huế vậy, nhờ có dòng chảy của sông Hương mà Huế trở nên thơ mộng và hiền hòa.

Tôi đã từng đọc một câu thơ là: 

 

"Nếu như chẳng có dòng Hương
 Câu thơ Xứ Huế giữa đường đánh rơi"

 

Từ lâu sông Hương là hình ảnh được nhiều nhà văn, nhà thơ sử dụng khi nói đến Huế. Sở dĩ như vậy là vì sông Hương giống như linh hồn của Huế vậy, nhờ có dòng chảy của sông Hương mà Huế trở nên thơ mộng và hiền hòa. Ai đã từng đến Huế thì không thể không nhớ đến dòng sông này bởi không chỉ góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Huế mà dòng sông này còn ẩn chứa nhiều huyền thoại.

 

Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn với hai dòng chính là Tả Trạch và Hữu Trạch.  Đến ngã ba Bằng Lãng thì hai dòng hợp lại thành sông Hương. Với non nước hữu tình, là nơi gặp gỡ của mây trời và núi, cùng với dòng nước hiền hòa ngã ba này cũng níu chân nhiều lữ khách đi ngang qua đây.

 

 

Ngã ba Bằng Lãng

 

Tiếp tục xuôi dòng Hương hình ảnh các bạn bắt gặp đó chính là hình ảnh của Phật bà Quan Âm ở trên ngọn đồi Tứ Tượng. Nơi đây hàng năm thu hút rất nhiều người dân Huế đến thắp nhang và cầu mong những điều tốt đẹp. Nhiều người có người thân hay ốm đâu bệnh tật hay các mẹ có con nhỏ khó nuôi cũng lên đây khấn nguyện và xin một chai nước về uống với mong muốn xua đi muộn phiền, bệnh tật. Các em học sinh thì lên đây với mong muốn thi đỗ đại học hay thuận lợi trong học tập. Mỗi người đều có một đức tin riêng và dù có lên đây với tâm nguyện gì thì đều rất đáng trân trọng và không nên lên án.

 

 

 

Địa điểm tiếp theo đó chính là điện Hòn Chén. Ngôi điện này tọa lạc tại núi Ngọc Trản, bao bọc xung quanh là cây cối xanh um, trước mặt là dòng Hương thơ mộng. Điện này rất linh thiêng, đây là một di tích tôn giáo và thắng cảnh nổi tiếng ở Huế. Hàng năm ở đây thường tổ chức lễ tế Thánh Mẫu Yana thu hút rất nhiều người ở khắp cả nước đến tham dự.

 

 

Điện Hòn Chén

 

 

Lễ tế Điện Hòn Chén

 

Một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Huế đó chính là chùa Thiên Mụ (hay Linh Mụ). Đây là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê. Tương truyền ngày xưa chúa Nguyễn Hoàng đi tìm đất để định đô thì gặp một bà lão tóc bạc. Chúa hỏi thăm đường thì bà lão đưa cho chúa một nén hương và dặn: "Ngươi hãy cầm nén hương này xuôi theo dòng sông, đến nơi nào mà nén hương này cháy hết, thì nơi đó chính là nơi mà ngươi đang cần đến." Nghe theo lời bà, chúa đã xuôi theo dòng Hương đến địa phận kinh thành Huế ngày nay thì nén hương cháy hết. Chúa dừng lại đó và mở đất, xây thành, dựng lên triều đình nhà Nguyễn. Nhớ ơn bà cụ đã chỉ đường, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng một ngôi chùa tại nơi gặp bà lão và đặt tên là chùa Thiên Mụ (tức bà mụ nhà trời). Ngoài ra còn rất nhiều giai thoại khác về ngôi chùa này, nếu có cơ hội mọi người hãy tự mình tìm hiểu và khám phá nhé.

 

 

 

 

Một số hình ảnh về chùa Thiên Mụ

 

Qua khỏi chùa Thiên Mụ, đi thêm khoảng 5km là đến trung tâm thành phố Huế, mọi người sẽ bắt gặp ba cây cầu đường bộ bắc ngang sông Hương là cầu Dã Viên, cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền. Cầu Trường Tiền thì chắc ai cũng biết, vì đây giống như biểu tượng của Huế với một cây cầu sáu vài, mười hai nhịp. Ở chân cầu Trường Tiền còn có phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (hay còn gọi là Phố Đêm), đây cũng là một nét văn hóa của Huế, gọi là phố đêm vì ở đây thường tụ họp vào ban đêm, phục vụ nhu cầu ăn uống và mua sắm của người dân mà chủ yếu là các bạn trẻ ở Huế.

 

 

Cầu Dã Viên, hai bên cầu có các vọng lâu để ngắm cảnh

 

 

Cầu Trường Tiền được tô điểm với hoa phượng vào mùa hè

 

 

Cầu Trường Tiền về đêm với sắc màu lung linh huyền ảo

 

Đi dọc sông Hương qua khỏi cầu Trường Tiền mọi người sẽ bắt gặp hai địa điểm ăn uống, giải trí là Nhà hàng nổi Sông Hương và cà phê Nón Huế. Nhà hàng nổi Sông Hương được xây dựng theo tạo hình của bông hoa Sen. Vào ban đêm nhà hàng giống như một bông hoa khoe sắc bên cạnh cầu Trường Tiền, tô điểm thêm vẻ đẹp cho dòng sông Hương. Nhà hàng được thiết kế rộng rãi với 350 chỗ ngồi, phục vụ đầy đủ các món ăn Huế và các món Á, Âu, Trung. Đây là sự lựa chọn cho những ai yêu thích không gian sông nước hữu tình.

 

 

 

 

Nhà hàng nổi Sông Hương

 

Cà phê Nón Huế được xây dựng tại Bãi bồi Đập Đá, thành phố Huế. Nơi đây được thiết kế theo nét kiến trúc độc đáo mang đặc trưng của Huế đó là những chiếc nón lá khổng lồ. Với khung cảnh xanh mát với những hàng tre, cà phê Nón Huế thật sự thu hút nhiều người đến để thưởng thức giọt cà phê thơm ngon và ngắm cảnh sông Hương.

 

 

 

Cà phê Nón Huế

 

Địa điểm cuối cùng mà tôi muốn đưa các bạn đến đó là Cồn Hến. Cồn Hến là vùng đất bồi ra giữa sông Hương phía tả hoàng thành, chia sông Hương ra làm hai nhánh. Nhánh phía Đông là ranh giới giữa Vĩ Dạ và cồn Hến, nhánh phía Tây là ranh giới giữa cồn Hến và phường Phú Cát. Đến đây các bạn còn được thưởng thức món bún hến, cơm hến ngon nổi tiếng của xứ Huế. Ngoài món cơm hến, bún hến thì cồn Hến còn món chè bắp cũng nổi danh không kém, được làm từ bắp Cồn được trồng ở bãi bồi màu mỡ ven sông Hương.

 

 

Cồn Hến

 

 

Cơm Hến

 

 

Chè bắp

 

Nếu có dịp đến Huế, xin mời bạn đừng quên ra nơi này để thưởng thức mùi thơm béo của những bát nước hến trắng đục được lấy từ dòng Hương và vị ngọt của những bát chè bắp hôi hổi nóng được trồng từ vùng đất nổi giữa lòng sông. Nhìn bao quát, vùng cồn Hến như một hòn đảo, tô điểm thêm cho nét tươi đẹp của dòng Hương hiền hòa, thơ mộng.

 

Dù nhìn ở góc độ nào thì dòng Hương Giang thật sự có vai trò quan trọng đối với Huế, vừa cung cấp nước và điều hòa khí hậu cho thành phố, vừa là điểm khám phá du lịch cho các du khách và tạo thêm điểm nhấn cho thành phố, để bất kì ai đến Huế cũng sẽ nhớ đến dòng sông này.

 

 

Bài viết được viết bởi Thành viên: Nguyễn Hiền Thư

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích