Whiplash (2014): Dấu triện cho sự vĩ đại

22:11 29/08/2021

Đối với những vận động viên đô vật, điểm chung của những người thi đấu lâu năm là những đôi tai với vành tai biến dạng vì họ thường xuyên bị đè nén phần đầu xuống đất trong các tư thế khi luyện tập, thi đấu.

Có những thứ xấu xí làm người ta tự hào.

 

Đối với những vận động viên đô vật, điểm chung của những người thi đấu lâu năm là những đôi tai với vành tai biến dạng vì họ thường xuyên bị đè nén phần đầu xuống đất trong các tư thế khi luyện tập, thi đấu. Với các diễn viên múa ballet, đó là đôi bàn chân xấu xí chai sạn và phồng rộp ẩn giấu phía sau đôi giày vải xinh xắn, biểu trưng cho hàng ngàn giờ luyện tập với những ngón chân đau buốt như đi trên lưỡi dao.

 

Tất cả những thứ xấu xí ấy chỉ những người có đam mê và dám hành động vì ước mơ mới có được. Nó xứng đáng là dấu triện đánh dấu cho những gian khổ, những đớn đau, những hy sinh thầm lặng và cả những khát khao nung nấu cháy bỏng đáng được tự hào. Whiplash (2014) là câu chuyện về một dấu triện cũng đầy đau đớn và tự hào như thế của một chàng thanh niên thích cầm dùi trống…

 

 

-Say xỉn và chết với heroin ở tuổi 34 thực sự không phải là hình mẫu của bố.
-Con thà chết ở tuổi 34 mà mọi người vẫn nhắc đến con trong bữa ăn. Hơn là tỉnh táo và giàu có ở tuổi 90 mà chẳng ai nhớ đến cả!

 

Andrew cầm đĩa thức ăn của mình bỏ đi sau khi cãi nhau với bố và những người họ hàng về nhạc công thiên tài Charlie Parker – thần tượng của cậu. Không nhiều người trong chúng ta có được một hình mẫu lý tưởng mà ta mong muốn được trở thành bởi đã là con người thì không hoàn hảo, còn con người lý tưởng mà chúng ta muốn dĩ nhiên mọi thứ phải luôn vẹn toàn. Với Andrew thì khác, một người có một sự nghiệp hơn người là đủ. Bởi với cậu, cả thế giới này chỉ có trống, chỉ có niềm say mê vô tận của cậu mà thôi.

 

 

 

Andrew có người bạn tri kỷ luôn ở bên cậu là niềm đam mê với bộ trống. Từ những ngày thơ bé bỡ ngỡ với bộ trống đồ chơi cho đến những giờ khuya khoắc trong phòng tập tối đèn, lúc nào tiếng trống cũng ở trong tim, trong trí óc cậu.

 

Rồi trong một buổi tập khuya, Andrew giật nảy mình nhìn thấy Terrence Fletcher – giảng viên, chỉ huy trưởng nổi tiếng cả về sự nổi tiếng và cả sự nghiêm khắc nhất trường đứng nhìn mình. Hôm sau, cậu được gia nhập ban nhạc hàng đầu của trường. Kể từ đó, niềm say mê không còn người bạn tri kỷ của Andrew, nó trở thành một nỗi ám ảnh.

 

 

 

“Đừng quên lau sạch máu khỏi bộ trống của tôi”

 

Chút hân hoan khi trở thành người được chọn của Andrew dần vụt tắt khi bước vào buổi tập đầu tiên với Fletcher. Khác với những cuộc trò chuyện thoải mái ngoài hành lang, Fletcher bước vào phòng tập không trễ 1 giây với gương mặt và thái độ của một bạo chúa khiến người ta nghẹt thở. Những lời sỉ nhục cay độc nhất, những nỗi đau riêng tư cũng bị tận dụng để khiêu khích, những màn la hét và cả bạo lực như ném ghế vào tường… tất cả làm vụt tắt nụ cười hài lòng cũng chàng trai trẻ, thay vào đó là gương mặt sợ hãi, những giọt nước mắt. Hóa ra, lời nói cũng là một thứ nguy hiểm, nó ám ảnh, dày vò và có sức sát thương con người ta như một loại vụ khí vô hình.

 

 

 

-Tớ sẽ theo đuổi những gì tớ muốn theo đuổi. Nó sẽ mất rất nhiều thời gian của tớ và tớ không thể dành thời gian cho cậu. Và khi ở bên cậu tớ chỉ nghĩ đến trống, tớ sẽ nghĩ về jazz, bản nhạc và những thứ khác. Rồi cậu sẽ cảm thấy bực bội, rồi cậu sẽ bảo tớ bỏ trống mà tớ thì không thể làm điều đó. Rồi tớ bắt đầu bực bội và chúng ta sẽ ghét nhau. Mọi thứ sẽ trở nên rất tồi tệ và đó là lý do mà tớ muốn mọi thứ kết thúc ở đây một cách tốt đẹp nhất. Bởi vì tớ muốn tốt hơn. Tớ muốn trở thành tay trống vĩ đại.

-Và cậu biết chắc là tớ sẽ ngăn cậu làm điều ấy sao?
-Ừ

 

Andrew quyết định chia tay cô bạn gái mới yêu của mình và đổ mọi tâm sức của mình vào việc tập luyện. Hàng giờ liền luyện tập đến đổ máu tay rồi lại nhúng cả bàn tay đầy máu đó vào xô nước lạnh cho tê buốt, băng bó chằng chịt các đốt tay để lại luyện tập tiếp. Mọi thứ dần diễn ra như một cuộc đuổi bắt giữa hình và bóng: Andrew có được vị trí tay trống chính, Fletcher lại tăng cường những câu sỉ vả và những quy định ngang ngược hơn, Andrew lại luyện tập nhiều hơn, tự đẩy giới hạn của mình đi xa hơn và Fletcher lại càng hà khắc hơn nữa,… Rồi đến một giới hạn sát bờ vực của sự chịu đựng, khi Andrew bị xe đâm, người bê bết máu chạy đến trường thi với tiếng trống văng vẳng trong đầu. Sức mạnh lý trí giúp cậu gắng gượng được trên sân khấu nhưng không thể biểu diễn như một người nghệ sỹ đang tận hưởng âm nhạc. Rồi dùi trống rơi xuống đất, tiếp đó là ánh mắt khinh miệt của Fletcher, Andrew nhào đến đánh cho Fletcher một trận ngay giữa sân khấu.

 

Andrew và Fletcher cùng rời khỏi trường, một người bị đuổi học, một người bị gia đình một sinh viên đã tự tử tố cáo vì bạo lực học đường.

 

 

Khi những người có chức trách đến hỏi Andrew để lấy thêm chứng cứ buộc Fletcher chịu trách nhiệm, Andrew lựa chọn sự im lặng.
Đó không phải là sự khiếp sợ hay e dè, Andrew đã xé bỏ những poster thần tượng Charlie Parker, dẹp cả bộ trống vào nhà kho thì bây giờ, Fletcher với cậu cũng chỉ là một người bình thường. Đó chắc hẳn phải là một sự thấu hiểu.

 

Có một sự tương đồng giữa những con người mâu thuẫn nhau như Andrew và Fletcher: họ đều hướng tới sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Với Fletcher, một kẻ hung thần có thể nói chuyện với cô bé tiểu học mới tập đàn piano một cách vô cùng dịu dàng thì những tiếng mắng chửi với dàn nhạc của mình vốn chỉ là một cách làm việc. Fletcher cho rằng công việc của ông không phải là chỉ huy dàn nhạc mà là thúc đẩy những nhạc công biết nỗ lực để vượt qua giới hạn của mình. Andrew có lẽ đã cảm nhận được điều đó bởi cậu cũng nguyện bị cuốn theo cái cung cách huấn luyện khắc nghiệt đó của Fletcher để đạt được sự hoàn hảo, đánh đổi cả tình yêu, tuổi trẻ để có được những vết thương trên bàn tay mình, mong muốn biến những vết hằn xấu xí đó thành dấu triện riêng của một tay trống vĩ đại. Phàm là những điều vĩ đại thì nào có dễ dàng.

 

 

Và rồi trong một buổi biểu diễn tái ngộ của cả hai người, Fletcher chẳng diễn tròn vai của một ông thầy trong nóng ngoài lạnh để cuối phim người ta thấm thía khâm phục như những phim khác, Andrew cũng chưa đạt được thành tựu gì giống như những bộ phim làm về tiểu sử của những người nổi tiếng, bộ phim lại cho chúng ta thấy một điểm tương đồng lớn lao hơn: tình yêu âm nhạc.

 

Fletcher vẫn bộc lộ đúng bản chất ưa thù hằn khi gài bẫy Andrew vào biểu diễn một bản nhạc khác với dự tính ban đầu của cậu còn Andrew thì quậy tung mọi thứ không theo chỉ huy và hất mặt ngang ngược: “Tôi chỉ huy ông!”. Mọi cảm xúc của một cuộc ẩu đả bỗng chốc diễn tả trọn vẹn trong một bản nhạc. Ban đầu vẫn là những thù hằn đậm đặc trong mắt, nhưng rồi khi cả dàn nhạc đồng điệu, khi những tiếng kèn lúc cao vút, lúc thâm trầm, khi Andrew chơi solo đầy ngẫu hứng đến quên mất mình đang trả thù, Fletcher cũng quên mất rằng mình đang bực tức, giận dữ với một thằng oắt con, tất cả chỉ còn nhớ tới âm nhạc. Thì ra âm nhạc thực sự mạnh mẽ và đẹp đẽ như vậy.

 

Whiplash đang vinh dự được đề cử Oscar cho hạng mục phim hay nhất. Nhưng dù bộ phim có đoạt giải hay không có lẽ cũng không quá quan trọng, nó đã có giải thưởng riêng cho mình trong lòng rất nhiều người yêu thích điện ảnh.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích