Tuyển tập Bức xúc không làm ta vô can của tác giả Đặng Hoàng Giang

22:11 29/08/2021

Chúng ta sẽ nói chuyện gì với nhau? Ai đó mà ta quen vừa đi phẫu thuật thẩm mỹ về? Hay các chương trình truyền hình thực tế dạo gần đây thật tệ, khiến ta không thấy một chút hài lòng? Một ngôi sao ca nhạc nổi tiếng vừa gặp sự cố “đạo đức” gì đó? Hay chỉ đơn giản là nên dạy con theo phương pháp nào...

Chúng ta sẽ nói chuyện gì với nhau? Ai đó mà ta quen vừa đi phẫu thuật thẩm mỹ về? Hay các chương trình truyền hình thực tế dạo gần đây thật tệ, khiến ta không thấy một chút hài lòng? Một ngôi sao ca nhạc nổi tiếng vừa gặp sự cố “đạo đức” gì đó? Hay chỉ đơn giản là nên dạy con theo phương pháp nào, cho con ăn dặm kiểu Nhật, kiểu Mỹ hay kiểu Do Thái thì mới là tốt nhất? Những nội dung, câu chuyện ta vẫn trao đổi, tranh luận hàng ngày, vẫn tung lên “phây” khi thì dưới dạng những status đầy tự hào, mãn nguyện, lúc lại tràn ngập bức xúc tưởng chừng có thể nhờ thế mà cứu được cả nhân loại khỏi lầm lạc, tối tăm; nhưng có khi nào ta lùi lại một vài bước, tự vấn xem các tranh cãi, bức xúc ấy có thực sự đi về đâu và hữu ích cho ai ngoài việc giải tỏa các cảm xúc cá nhân, để nhận ra một điều gì đó, suy cho cùng lại hết sức giản đơn?

 

 

Bức xúc không làm ta vô can là tuyển tập gồm 26 bài viết chia thành ba phần tương ứng với ba chủ đề: phần 1 tập hợp các bài viết xoay quanh chủ đề đám đông và cá nhân; phần 2 nêu lên các quan sát của tác giả trước các vấn đề kinh tế, phát triển, luật pháp, chính sách; và phần 3 bàn đến các hiện tượng văn hóa.

 

Điểm chung của các bài viết này là thường xuất phát từ một sự kiện, hiện tượng cụ thể trong đời sống xã hội hàng ngày tại Việt Nam, được đông đảo người dân và giới truyền thông quan tâm mổ xẻ, để đưa ra quan điểm của tác giả, khi thì sắc sảo gay gắt, lúc lại vị tha và đầy cảm thông, nghiêm túc mà hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà sâu sắc, đầy trí tuệ mà vẫn gần gũi, dễ tiếp cận, đặc biệt có những kết luận và những cách nhìn hết sức thẳng thắn, bất ngờ. Nếu trong “Khi Louis XIV về làng”, tác giả kịch liệt phê phán phong trào xây chung cư, biệt thự nhái phong cách kiến trúc Pháp; hay trong “Từ thiện câu like”, tác giả bày tỏ cái nhìn ái ngại với những hoạt động thiện nguyện không hẳn vì mục đích thiện nguyện và cũng chẳng hẳn có tác động tích cực với xã hội, với đối tượng được nhận, từ đó đề xuất các thái độ, cách làm khác với hoạt động này… thì trong “Bia, thịt chó và ấn đền Trần”, từ các phân tích hóm hỉnh đầy sức thuyết phục, tác giả đi đến một kết luận không khỏi khiến người đọc bật cười nhưng vẫn ngậm ngùi ngẫm nghĩ: “Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc”; hay trong “Bi kịch của sự hào nhoáng”, tác giả đặc biệt chia sẻ những cái khó của người nổi tiếng, thay vì chỉ nhìn thấy mặt tồi tệ ở họ như đa phần đám đông và báo chí…

 

 

 

Truyền hình thực tế và Từ thiện câu like là những vấn đề thực tế được tác giả nhắc đến

 

Các bài viết này, tuy đa phần đã được đăng rải rác trên một số tờ báo, nhưng khi tập hợp lại trong một cuốn sách, lại có sức sống mạnh mẽ riêng không thể chối từ: chúng tạo nên bức tranh nhỏ về đời sống hàng ngày ở Việt Nam, với những mặt ta có thể thấy rõ và những mặt ẩn giấu phía sau, nhờ những phân tích thông minh, những so sánh sinh động và đầy thuyết phục của tác giả mà dần lộ diện và giúp người đọc có được cái nhìn xâu chuỗi, toàn diện hơn, từ đó cũng trở nên vị tha hơn với cuộc sống này và những người ở quanh mình.

 

VỀ TÁC GIẢ

 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.

 

 

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và bảo vệ tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Anh trở về Việt Nam sau hai mươi năm sống và làm việc ở châu Âu.

 

- “Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả đã mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng. Đây thật sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ "nhà phê bình nghệ thuật", "nhà phê bình văn học") mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Và khi xã hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại Việt Nam thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta. Tôi đặc biệt tâm đắc với lựa chọn chủ đề của Chương I về tâm lý đám đông, một chủ đề đến nay vẫn chưa được mổ xẻ kịp thời và đủ sâu và trúng tại Việt Nam.”

 

Tôn Nữ Thị Ninh

 

- “Ngày trước, tôi yêu một cô gái học trường Y. Cô thần tượng những con dao mổ. Chúng nhỏ bé, tinh xảo và toát lên vẻ nghiêm khắc của nghề chữa bệnh. Là một thứ biểu tượng của tinh thần khoa học. Dao mổ đắt tiền, sinh viên không dễ mà mua được. Cô ấy tìm mua đâu được một con dao mổ cũ cho thỏa cơn thèm. Tôi nhớ có lần, chúng tôi chơi đùa, tôi đã thử ấn ngón cái vào lưỡi dao xem sao. Nó đúng là thứ chẳng mang một tý lãng mạn nào.

 

Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề, như chính tôi, bạn đã thấy: chỉ làm cho bi thương trở thành một thứ lãng mạn và dễ đọc, dễ bán. Bản thân tôi khi ăn sushi cũng hay cười nói rổn rảng với tư cách một người chiến thắng của nền xuất bản. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm.”

 

Đinh Đức Hoàng

 

Tác giả  Đặng Hoàng Giang cùng với các khách mời, gồm biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh và tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, sẽ chia sẻ cách nhìn, quan điểm, cảm xúc và thái độ ứng xử trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống hiện đại ngày nay trong buổi giao lưu ra mắt sách BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN. Thời gian: 9h30 sáng thứ Bảy ngày 31/10/2015. Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích