Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

22:11 29/08/2021

Cuộc chiến thành Troy là một trong những bản trường ca bất hủ của nhân loại, được viết bởi nhà thơ mù Homer, một cuộc chiến đầy máu và cát cho những tham vọng quyền lực điên cuồng của con người,

Share social

TROY - NHỮNG TRIẾT LÝ BÊN LỀ MỘT CUỘC CHIẾN

 

 

 

Cuộc chiến thành Troy là một trong những bản trường ca bất hủ của nhân loại, được viết bởi nhà thơ mù Homer, một cuộc chiến đầy máu và cát cho những tham vọng quyền lực điên cuồng của con người, cho cả những dại khờ của tình yêu và cả những vọng tưởng về danh tiếng.

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Cuộc chiến thành Troy mà Homer miêu tả mang đậm màu sắc thần thoại từ mâu thuẫn cho đến những diễn biến chính đều có dính dáng đến các vị thần. Năm 2004, câu chuyện thần thoại này được tái hiện theo chiều hướng hiện thực bởi đạo diễn Wolfgang Petersen.

 

Câu chuyện xảy ra ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại, cách nay đã trên 7000 năm. Một câu chuyện mà trăm mối can qua chỉ vì một người đàn bà: Helen. Trong hành trình đi thương lượng hòa bình giữa Troy và Hy Lạp, hoàng tử Paris của thành Troy lại vô tình yêu Helen vợ của Menelaus và dụ nàng theo chàng về Troy. Thế là Menelaus nổi giận cùng anh trai là vua Agamemnon kéo đội quân hùng hậu của mình đến trừng phạt thành Troy. Hạm đội Hy Lạp nổi tiếng là đội quân bách chiến bách thắng. Nếu như Hy Lạp có một Achilles dùng mãnh bất khả chiến bại thì Troy cũng có một Hector mưu lược và can trường. Hy Lạp dựa vào số đông hùng hậu với đội quân giàu kinh nghiệm chinh chiến ở khắp nơi thì Troy dựa vào bờ thành vững chắc, đội cung thủ giỏi nhất thế giới và quân đội có chiến lược bài bản đã tạo nên thế cân bằng giữa hai bên. Đã 10 năm tiến đánh, nhưng thành Troy vẫn sừng sững hiên ngang tồn tại trước những vòng vây trùng điệp của quân thù.

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Con ngựa thành Troy - một hình ảnh đầy tính triết lý

 

Cuộc chiến chỉ ngã ngũ khi Odysseus - một vị tướng thông thái – bày kế cho quân Hy Lạp phá thuyền lấy gỗ làm ra con ngựa khổng lồ rồi cho một toán quân chui vào bụng. Để ngựa trước cổng thành Troy, quân Hy Lạp xuống thuyền giả vờ lui quân. Họ giấu quân ở một đảo gần đó. Sáng ra, quân Troy thấy quân Hy lạp đã rút sạch, chỉ còn lại con ngựa gỗ trước thành. Vua quan thành Troy cho rằng quân Hy Lạp đã thua trận. Dân chúng tò mò, hè nhau kéo ngựa gỗ vào thành. Tiệc mừng thắng trận suốt ngày đêm. Rượu chảy như suối. Mọi người say mèm. Màn đêm buông xuống. Toán quân Hy lạp từ trong bụng ngựa chui ra mở cổng thành và đốt lửa làm hiệu. Quân Hy Lạp ở ngoài xông vào và cướp được thành, kết thúc một cuộc chiến dài đăng đẳng.

 

Một Troy được giữ nguyên ở cốt truyện và diễn biến chính, nhưng cách kể về Troy của đạo diễn Wolfgang vẫn khiến người ta có nhiều suy nghĩ đọng lại ngay cả khi đó là một câu chuyện quá quen thuộc.

 

Đó là câu chuyện về thần thánh khi ở trong phim này các vị thần chỉ hiện hữu qua lời đồn, qua những câu chuyện mua vui bên ấm trà, quán nước, con người mới là nhân vật chủ đạo nắm giữ vận mệnh của chính mình như chính tính khí của nhân vật Achilles:

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

-Chuyện đó có thật không? - Một cậu bé hỏi Achilles.
-Chuyện gì ?
-Rằng ngài có một cơ thể bất hoại, không gì có thể đâm xuyên qua ?
-Nếu thế thì ta cần mặc áo giáp làm gì nữa ? – Achilles cười khỉnh trả lời cậu bé trước khi quất ngựa ra trận.

 

Achilles của Wolfgang là một chiến tướng có khả năng chiến đấu siêu phàm nhưng không nhuốm đầy màu sắc thần thánh như trong thần thoại của Homer. Achilles là hiện hình của sự phản kháng, sự bốc đồng của con người trước mọi sự ràng buộc của bất kì ai, dù là thần thánh hay vua chúa. Nhưng Achilles sinh ra trong những điều kiện tốt nhất của thời đại cũng chỉ là con người, mà đã là con người thì nhất định có tham vọng. Anh có thể thích chống đối với vua Agamemnon của mình, nhưng không cưỡng lại bậc thang cuối cùng trong tháp nhu cầu của con người: danh tiếng.

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Achilles dũng tướng của Hy Lạp

 

-Con có nên đến Troy không? – Achilles hỏi mẹ của mình.
-Ta không biết câu trả lời nào là đúng đắn nhất nhưng ta có thể nói với con thế này. Nếu con không đi đến Troy, con vẫn sẽ là người hạnh phúc nhất Hy Lạp, tài năng giỏi giang, giàu có, rồi con sẽ có vợ, sinh ra một đàn con. Khi con chết đi, vợ con, con cháu của con sẽ khóc thương con rất nhiều. Nhưng rồi qua ba bốn chục năm sau khi cháu chắt của con và bạn bè của nó không biết nhiều về con, rồi con sẽ chìm dần vào quên lãng. Nhưng nếu con đến Troy… hàng thế kỉ sau người ta vẫn sẽ nhắc đến tên con: dũng tướng Achilles.

 

Achilles cuối cùng đã lên đường đến Troy như thế. Danh tiếng chỉ là một trong số ít nhỏ những dục vọng mà con người thường hay thèm thuồng để rồi tạo ra những điều tồi tệ cho cả đồng loại của mình. Paris và Helen vì tình yêu mà tạo ra một cuộc chiến đẫm máu cho cả hai đất nước của họ. Menelaus - người chồng bị phản bội - đến Troy vì lòng hận thù và cũng vì danh dự và anh trai của ông – Agamemnon – cũng có đầy mục đích khi tiến đến Troy qua một câu nói đầy thẳng thắn với em trai mình : “Anh đến đây vì Troy chứ đâu phải vì cô vợ xinh đẹp của em”. Tham vọng của Agamemnon là tấm gương phản chiếu cho Priam – vua của thành Troy – khi ông ân cần đón con trai Paris và con dâu bất đắc dĩ Helen vào thành. Sự thông thái của ông đã soi rõ đường đi cho một Hector đang bực tức vì hành động ngu ngốc của em trai mình…

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Vua Priam của thành Troy

 

-Con nghĩ là mình nên trả Helen lại cho họ, như vậy có thể ngăn được cả một cuộc chiến. – Hector nói với Priam.
-Agamemnon không kéo cả trăm ngàn quân lính đến đây để rồi ra về tay không. Hắn đã thèm muốn Troy của chúng ta từ rất lâu rồi, và Helen chỉ là một cái cớ tuyệt vời để hắn làm rõ dã tâm của mình. Dù có trả Helen lại hay không, hắn vẫn sẽ san bằng thành Troy cho bằng được. – Priam ôn tồn đáp lại con trai.

 

Lí giải của Priam cũng là tiếng nói của Wolfgang. Trong suốt chiều dài chiến tranh của nhân loại, đàn bà thường hay được xem là cái cớ khởi đầu cho rất nhiều cuộc chiến chỉ để che đậy lòng tham về quyền lực của cánh đàn ông. Đó là chính kiến sáng suốt của vua Priam, một vị vua trầm tĩnh, thông minh và đầy tình bao dung đó với con cái, một vị vua đau lòng đến tận cùng khi chứng kiến Achilles giết chết Hector của mình, rồi âm thầm lẻn vào trại quân địch để xin mang xác con về và đó là một trong những đoạn đối thoại hay nhất của phim…

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

-Ông là ai?- Achilles hỏi.
-Ta đã chịu đựng điều mà chưa ai trên đời phải chịu đựng. Ta đã hôn đôi tay kẻ đã giết con trai ta – Vua Priam đáp..
-Priam?
Vua Priam: (gật đầu)
- Sao ngài vào đây được?
- Ta rành đất nước của ta hơn người Hy Lạp.
- Ông là một người tài giỏi. Tôi có thể lấy đầu ông bằng một nhát kiếm trong nháy mắt.
- Ngươi nghĩ lúc này ta còn sợ cái chết nữa sao? Ta đã chứng kiến cái chết của con trai cả và cảnh ngươi kéo xác nó sau xe. Cho ta xin nó về. Nó phải được chôn cất theo đúng nghi thức và người cũng biết vậy. Hãy trả nó cho ta.
- Con trai ông đã giết em họ ta.
- Hector đã nghĩ đó là ngươi. Người đã giết bao nhiêu người em họ của kẻ khác, bao nhiêu người anh, người em, người cha, người chồng. Bao nhiêu người hỡi Hector tài giỏi? Ta biết cha của ngươi. Ông ấy chết quá sớm nhưng ông ấy đã có diễm phúc là không phải chứng kiến cảnh con trai mình chết.
Ngươi đã lấy hết của ta, kẻ kế thừa ngai vàng, người bảo vệ vương quốc của ta. Không thể thay đổi việc đã xảy ra, đó là ý muốn thần linh. Nhưng hãy ban cho ta một ân huệ nhỏ đó.
Ta đã thương yêu con ta từ lúc nó mở mắt chào đời cho đến khi nguời làm nó nhắm mắt. Hãy để ta tắm rửa xác của nó, cầu nguyện cho nó, đặt hai đồng tiền lên mắt của nó để đưa nó qua thế giới bên kia.
- Nếu tôi có để ông ra về an toàn, có để ông mang xác Hector về thì điều đó cũng không thay đổi được gì. Ngày mai ông vẫn là kẻ thù của tôi.
- Ngay đêm nay ngươi đã là kẻ thù của ta rồi. Nhưng ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng nhau. 

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Achilles trốn ra một góc và bật khóc trước lời lẽ của Priam, sau đó để ông đưa xác Hector về với Troy. Câu nói của vua Priam phản ánh những điều sâu sắc nhất trong tâm can của Achilles hay thậm chí của Hector quá cố, hai kẻ thù nhưng luôn tôn trọng nhau như những chiến tướng thực thụ.

 

Nhưng dũng tướng thực thụ phải hùng dũng nên sa trường, thà chết không hàng, không để mất danh dự của mình ? Paris có một kiểu lí giải khác về lòng dũng cảm. Đó là khi chàng tâm sự với Helen sau khi thua trong trận thách đấu tay đôi với Menelaus…

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

-Ta biết có thể lúc đó nàng đã khinh bỉ ta cũng như bao người chứng kiến trận đấu hôm nay. Lẽ ra ta phải để Menelaus giết chết mình sau khi đã thua hoàn toàn trước hắn trong một cuộc đấu tay đôi, nhưng phút cuối cùng ta bỗng nhớ tới nàng, rằng nếu ta chết lúc bấy giờ, ta sẽ không bao giờ còn gặp lại được nàng, vì thế ta vùng dậy và bỏ chạy… chỉ cần còn được sống được gặp nàng, danh dự của ta cũng có thể vứt bỏ…

 

Với những kẻ sống dày vò qua bao cuộc chiến, chém giết chỉ để tìm kiếm thanh danh cho mình như Achilles thì tư tưởng của Paris là rất đáng suy ngẫm. Đó có thể là một hành động hèn nhát của một kẻ yếu hèn, nhưng cũng có thể là hành động dũng cảm nhất thời đại đó, chiến tướng trong thiên hạ có ai dám chà đạp lên danh tiếng của mình? Chỉ có kẻ coi tình yêu cao hơn hết tất cả mới có đủ dũng khí để làm những chuyện mà cả thiên hạ khinh bỉ…

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Thành Troy cuối cùng cũng thất bại bởi con ngựa của Odysseus, một điển tích quá nổi tiếng nhưng cũng là một cái kết đầy thông điệp cho bộ phim. Con ngựa thành Troy mang đến thắng lợi cho Hy Lạp là một lời khẳng định cho sức mạnh của đầu óc trước sức mạnh cơ bắp. Sự dũng mãnh của Achilles hay cả ngàn quân Hy Lạp cũng không thể bằng bộ óc của Odysseus, đó là lời tôn vinh cho giá trị của bộ óc - thứ đã giúp con người tồn tại và vượt lên tất cả. Con ngựa thành Troy cũng là một vật tiêu biểu cho những bài học về chủ quan cho con người trong mọi tình huống, quân thành Troy đã chủ quân và hả hê ăn mừng quá sớm ngay khi tình hình chưa ổn định dẫn đến thất bại toàn cục và đó là lời nhắc nhở không hề thừa trong bất kì thời đại nào. 

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

Cuối cùng là một bài học khác về tôn giáo. Chính những vị giáo sĩ của Troy một mực khẳng định quân Hy Lạp đã bị thần linh trừng phạt và phải rút lui, đồng thời làm nên con ngựa to lớn này để chuộc tội, nên họ xúi giục vua Priam kéo con ngựa vào thành để dâng lên cho thần linh như một biểu tượng của chiến thắng. Và một kết cục tàn khốc nhất đã đến với thành Troy chỉ vì phút sai lầm của Priam, nhưng đó cũng là một lời cảnh tỉnh: tôn giáo có thể là liều thuốc tốt làm cho binh sĩ tin tưởng và chiến đấu hết mình nhưng cũng là một con dao hai lưỡi khi nó có thể lật ngược cả cuộc chiến chỉ vì những điều huyễn hoặc vô định của nó.

 

Một chiến từ hàng ngàn năm trước nhưng Troy và con ngựa huyền thoại vẫn là những bài học đắt giá cho con người trong hành trình đấu tranh và phát triển mãi sau này.

 

Troy - những triết lý bên lề một cuộc chiếc

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan