Tình éo le mà lý oái oăm

22:11 29/08/2021

Đó là một trong hai quyển sách rất thú vị của tác giả Lê Minh Quốc đang được nhiều bạn đọc tìm kiếm. Ở đó, người ta có thể nhìn thấy tâm tư, tình cảm, cả những “thói hư, tật xấu” của cả đôi bên vợ - chồng.

Share social

Đó là một trong hai quyển sách rất thú vị của tác giả Lê Minh Quốc đang được nhiều bạn đọc tìm kiếm. Ở đó, người ta có thể nhìn thấy tâm tư, tình cảm, cả những “thói hư, tật xấu” của cả đôi bên vợ - chồng.

 

Tình éo le mà lý oái oăm là sự tiếp nối của những tập sách Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà và Khi tổ ấm nhảy Lambada. Tiếp nối cái gì? Tiếp nối sự “éo le” thú vị khi một nhà thơ độc thân lại “cả gan” lạm bàn chuyện đôi lứa. Độc giả dù đã quen với Lê Minh Quốc hay chưa vẫn sẽ bất ngờ với những tình huống đầy “oái oăm” mà tác giả đã nghe ngóng, “lụm lặt” trong quá trình… nhìn người ta xây tổ ấm. Từ cái thời còn Đắng lòng… tình phí đến lúc Ra mà xem, họ cưới nhau kìa, hay những khi Hục hặc trên giường, nếu không có duyên thì lại Đi bước nữa…, đời sống muôn màu muôn vẻ của lứa đôi, vợ chồng được phác họa bằng những nét rất nhẹ nhàng, tế nhị nhưng cũng rất sinh động, đầy hài hước, đủ khiến cho “người trong cuộc” phải suy ngẫm, còn “người ngoài cuộc” thì có cơ hội… hiểu thêm ít nhiều về đời sống hôn nhân.

 

Tình éo le mà lý oái oăm

 

Là một “người ngoài cuộc” nhưng lại đầy kinh nghiệm trong mối quan hệ “muôn thuở”, tác giả như thấu rõ tâm tư, tình cảm, cả những “thói hư, tật xấu” của cả đôi bên vợ - chồng. Thế mà anh lại thú nhận ở phần cuối sách rằng “mọi thứ hay ho nhất trên đời này, từ thơ ca, nhạc, họa đến điêu khắc kiến trúc v.v... cũng đều lấy cảm hứng từ phụ nữ”. Mọi thứ ở đây, có lẽ không ngoài quyển sách nhỏ này. Bởi vì dù có lúc than phiền rằng thế giới này “Rắc rối từ khi có… đàn bà”, nhưng tác giả lại không tưởng tượng ra rằng “một ngày kia thức giấc, trên trái đất này không còn một bóng hồng nào.Sự tệ hại ấy là một hiểm họa khủng khiếp không khác gì từ trời cao đã đổ xuống trận mưa, mà mỗi hạt mưa giấu trong đó một mầm bom nguyên tử”.

 

Mà có lẽ hiếm người đàn ông… độc thân nào có thể hiểu phụ nữ đến mức tự tin rằng: “Đọc xong những tập sách này, đã có đến 99, 99% độc giả nữ cười toe toét mà rằng: “Ông nhà thơ Lê Minh Quốc viết thuyết phục quá ta”. Còn đàn ông thì sao?Nếu có thấy làm sao thì xin mời cứ việc tranh luận vậy”.Vâng, cứ đọc rồi sẽ thấy, là đàn ông có thể sẽ liên tục… chột dạ, còn phụ nữ thì mát dạ vô cùng.

 

Trái với văn phong hài hước, hóm hỉnh khi kể và góp ý “chuyện của người”, Lê Minh Quốc trở nên đầy suy tư và chiêm nghiệm khi nói về chính mình. Gần 500 trang Ngày trong nếp ngày là gần 500 trang nhật ký của một nhà báo, nhà thơ, nhà văn, gọi chung là một y lúc nào cũng nặng lòng với nghề viết. Hơn 100 tản văn là hơn 100 ngày đầy những gì y viết, y đọc, y nghĩ, y làm. Lắm lúc, y muốn thoát ra khỏi cái nếp ngày chỉ có đọc và viết, chỉ có đối diện với trang sách, trang báo hay màn hình máy tính, nhưng rồi y vẫn nặng lòng đặt bút để những con chữ tuôn ra.

 

Tình éo le mà lý oái oăm

 

Cảm hứng đến từ khắp nơi, từ những gì rất nhỏ nhặt, tủn mủn hằng ngày. Một mẩu tin trên báo, một trang sách bất kỳ y đọc, một ngày kỉ niệm, một người còn sống, một người đã khuất, những chuyến đi… cũng đủ khiến y ngơ ngẩn, suy tư, nhớ về những gì đã qua, nghĩ về những gì sắp tới. Bắt đầu đọc một tản văn của ygiống như leo lên một con thuyền không biết đâu là bến đỗ. Y là người chèo chống, y sẽ dẫn mình đi đâu đây. Cuối cùng, thuyền cập bến,sẽ thấy tâm trí lăn tăn một chút vì hóa ra những gì mình nghĩ lại không phải như thế, sẽ thấy lòng rộng hơn một chút khi nghĩ về những điều nhỏ nhặt, đáng yêu xung quanh mình, hay lại thấy lòng nặng hơn một chút khi nghĩ về đời sống từng ngày thay đổi thì “con người hiện đại ngày càng cô đơn hơn”…

 

Tình éo le mà lý oái oăm

 

Cũng giống như y nói: “Cái thú đọc sách là chỗ đó. Cứ đọc lan man nhiều thông tin và tự mình tìm cho mình câu trả lời theo cách suy luận của mình. Đúng sai chưa rõ nhưng ít ra nó cũng buộc mình phải nghĩ ngợi đôi điều”, thì có thể coi quyển tản văn của y là một cuốn sổ tay ghi lại những sự kiện đang diễn ra, có những trang điểm sách, ghi lại một vài điều tâm đắc lẫn cần phải… suy nghĩ, lý giải, có những trang hồi tưởng về thời xa xưa, có những trang là nhật ký hành trình... Chung quy là những trang nhật ký của một người có trách nhiệm, những trang viết “gắn với cái chung của đời sống, sự quan tâm chung của mọi người, nếu không cũng chỉ là những ghi chép vụn vặt, tầm thường. Bạn đọc không cần những kể lể tầm thường đó, huênh hoang đó.Vậy y viết để làm gì?Thưa, chỉ là cách ghi lại những suy nghĩ trong một ngày.Suy nghĩ ấy có thể giúp ích người đọc một điều gì đó.Bằng không, cũng là lúc giúp họ giết thời gian vậy”.

 

Nếu có duyên bước lên thuyền, hãy trả lời y: “Trên thuyền tôi em có nghe không/Tiếng đời vỗ đục trong róc rách” (Thơ Cao Thoại Châu).

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan