Thiên đường bún Việt (P.2)

22:11 29/08/2021

Lại nói về chuyện bún, càng kể càng thấy thú vị. Từ cọng bún cỏn con, người ta nghĩ ra biết bao nhiêu cách để ăn kèm, bún nước hay bún khô đều có cả. Trong các món bún kể ra lần trước, nếu bạn vẫn chưa tìm được loại mà mình muốn ăn nhất thì hôm nay, thử xem tiếp xem sao nhé.

Share social

Lại nói về chuyện bún, càng kể càng thấy thú vị. Từ cọng bún cỏn con, người ta nghĩ ra biết bao nhiêu cách để ăn kèm, bún nước hay bún khô đều có cả. Trong các món bún kể ra lần trước, nếu bạn vẫn chưa tìm được loại mà mình muốn ăn nhất thì hôm nay, thử xem tiếp xem sao nhé.

 

Bún thang

 

Là một món bún cầu kỳ của người Hà Nội với rất nhiều nguyên liệu như: thịt gà, chả lụa, trứng gà, nấm đông cô, thỉnh thoảng có thêm tôm, đó là chưa kể hành, rau răm các loại. Điều đặc biệt là tất cả các nguyên liệu này đều được thái sợi hoặc giã nhỏ để khi ăn, xếp lên tô trông thật đẹp mắt. Nước dùng bún thang cũng được ninh từ xương, hớt bọt thường xuyên để trong veo, không lắng cặn. Khi ăn bún, phải có thêm 1 muỗng mắm tôm để đậm vị.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún đậu mắm tôm

 

Món này thì gần như oanh tạc Sài Gòn nhiều năm nay dù “quê gốc” của nó ở Hà Nội. Mẹt bún dọn ra phải có thịt luộc, đậu rán, đôi khi có cả lòng, chả hấp hoặc chiên, dưa, rau sống và tất nhiên không thể thiếu bún (bún lá) và mắm tôm. Không biết diễn tả sao cho đặng cái ngon khi ăn món này, thịt quyện với mắm, với rau, với bún ăn hoài không chán.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún riêu

 

Có một chút khác biệt giữa món bún riêu nấu theo kiểu Bắc và món bún riêu nấu theo kiểu Nam. Bún riêu theo kiểu Bắc vị hơi lơ lớ, thường có nhiều ốc, chả các loại và khi ăn, chan kèm giấm bổng chua chua. Bún riêu miền Nam thì vị hơi ngọt hơn một chút, đậm mùi mắm, đặc biệt có thêm da đầu heo hoặc giò heo, huyết. Nhưng bún nấu theo kiểu nào thì cũng ăn kèm thật nhiều rau: bắp chuối, rau muống bào, giá, rau sống.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún cá rô

 

Người ta cho rằng, đây là món đặc trưng của Hải Dương. Cách nấu bún cũng không có gì khó, chỉ cần tìm được cá rô ngon, luộc rồi gỡ sạch xương, có thể để không hoặc chiên vàng trước khi cho vào tô bún. Nước dùng bún được nấu từ xương cá, xương heo hoặc xương gà, thêm cà chua cắt múi cau cho có màu vàng đẹp và vị chua tự nhiên. Bún thường được ăn kèm với rau muống luộc, thỉnh thoảng có thêm cần nước, thì là.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún ốc nguội

 

Đây là một món ăn đặc biệt, có lẽ chỉ có người Hà Thành mới biết và tương tư. Đúng như tên gọi, món bún này thường được ăn nguội. Ở Hà Nội, bún ốc nguội được bán ở phố Lương Ngọc Quyến, Ô Quan Chưởng, Bùi Thị Xuân. Nếu chưa từng nghe qua, bạn không thể tưởng tượng được món này hay ho ra sao. Ốc ở đây là ốc bươu hoặc ốc lác, luộc lấy nước rồi gỡ lấy thịt. Nước luộc ốc cũng sẽ được nấu kèm với xương heo rồi pha với giấm, thêm chút ít gia vị làm thành nước dùng. Khi bán, người ta cho nước dùng vào chum sành chứ không cho vào nồi và dùng chiếc vá bằng ống tre để múc. Khi ăn, chỉ cần cho ốc vào bát, chan nước vào, thêm ít sa tế, rồi bún, rồi rau.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún măng

 

Bún măng thì có bún măng vịt hoặc bún măng gà, nấu với loại thịt nào cũng hợp. Măng dùng để nấu bún là măng khô, luộc kỹ, xé sợi. Thịt gà, thịt vịt thì cứ luộc mềm rồi chặt. Khi ăn, trụng sơ bún, cho ra tô, xếp thịt lên rồi chan nước dùng, rắc thêm rau răm, ăn kèm với bắp chuối, rau muống bào. Món ăn đơn giản, người ta có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều gì cũng được.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún cà ri

 

Thường thì ở các đám tiệc, người miền Tây hay nấu cà ri (gà, vịt, heo hoặc bò) có nước cốt dừa. Món cà ri có thể ăn kèm bánh mì hoặc bún. Chan cà ri vào bún, cứ thế mà “lùa”, béo ngậy ngon lành. Tuy nhiên, món này thì không ăn nhiều được vì mau ngán.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún dọc mùng

 

Dọc mùng người miền Nam gọi là bạc hà, hay dùng để nấu canh chua, người miền Bắc thì nấu bún. Bún dọc mùng có vị cũng khá giống bún mọc, có chả viên làm từ thịt và nấm, thịt sườn hoặc giò nhưng nhờ có thêm dọc mùng mà ngon và lạ miệng hơn.

 

Thiên đường bún Việt (P.2)

 

Bún Việt cũng đã điểm qua gần 20 loại nhưng vẫn chưa gọi là đủ so với kho tàng món ăn phong phú của xứ ta. Đó là chưa kể bún dùng để làm món cuốn các loại, kể ra lại thèm.

 

 

 

 

Vương Thị Minh Thư

Theo Người tiêu dùng

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan