The Transporter Refueled - Thách thức một tượng đài

22:11 29/08/2021

“Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời mình chính là bản thân mình”, triết lý này không chỉ đúng với những thách thức mà con người phải tự vượt qua, mà còn đang rất ứng nghiệm những bộ phim đang “vật vã” để vượt qua cái bóng của chính mình như Người vận chuyển 4 (The Transporter Refueled).

“Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời mình chính là bản thân mình”, triết lý này không chỉ đúng với những thách thức mà con người phải tự vượt qua, mà còn đang rất ứng nghiệm những bộ phim đang “vật vã” để vượt qua cái bóng của chính mình như Người vận chuyển 4 (The Transporter Refueled).

 

 

The Transporter Refueled tạm dịch là Người vận chuyển – tiếp nhiên liệu. Đây là một cách đặt tên khá thú vị với một series vốn gắn liền với xe cộ này, hơn nữa, nó còn thể hiện ý ngầm của các nhà sản xuất khi muốn làm lại hoàn toàn series nổi tiếng này.

 

Cách đây đúng 13 năm, được truyền cảm hứng từ loạt quảng cáo The Hire của hãng BMW, Luc Besson  đã viết kịch bản The Transporter và bắt đầu tạo nên hành trình huyền thoại cho anh chàng lái xe Frank Martin.

 

 

Loạt phim ngắn The Hire của BMW là nguồn cảm hứng tạo ra Transporter

 

Frank là một gã tài xế xuất sắc, sẵn sàng chuyển thuê bất cứ món đồ gì và luôn đúng hẹn. Gã có ba luật lệ tự đặt ra cho bản thân là: “Một khi đã thỏa thuận thì phải tuân theo”, “Không tiết lộ tên” và “Không bao giờ mở món hàng được giao”. Chính nhờ những nguyên tắc khô cứng cùng với khả năng lái xe tuyệt vời của mình, Frank đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong thế giới ngầm, cho tới khi anh “phá luật” vì một cô gái (vâng, phụ nữ, một nguyên nhân ưa thích cho mọi cuộc chiến trong điện ảnh).

 

Giữa một thị trường phim ảnh bội thực với điệp viên, siêu nhân, cựu quân nhân v.v… thì Người vận chuyển đột nhiên trở nên nổi trội bởi tính chất lạ về nội dung và phong cách cực ngầu của nhân vật. The Transporter mở ra một “ngành nghề” nổi tiếng khác cho lịch sử điện ảnh, còn thế giới đón chào một ngôi sao hành động mới – cựu vận động viên lặn quốc gia của Anh – diễn viên Jason Statham.

 

 

Sự kết hợp thú vị giữa anh chàng lạnh lùng, đánh võ cực đỉnh Jason kết hợp với vẻ đẹp châu Á của Thư Kỳ tạo nên một cú hích mới. Với kinh phí 21 triệu USD, bộ phim thu về 43 triệu USD dù không được lòng giới phê bình nhưng đã gióng lên một hồi chuông báo hiệu cho các nhà sản xuất phim về “một mỏ vàng mới” đã xuất hiện. The Transporter tiếp tục khai thác đến hai phần vào các năm 2005 và 2008 và đạt tổng doanh thu lên đến gần 200 triệu USD và rồi Jason Statham bỏ đi.

 

 

Series 3 phần của Người vận chuyển

 

Sau nhiều vụ thương thuyết bất thành với Jason Statham, hãng Europa quyết không thể để “con gà đẻ trứng vàng” của mình ngủ yên quá lâu, thế là phần thứ 4 lục đục được sản xuất với cái tên The Transporter – Refueled : Người vận chuyển – tiếp nhiên liệu. Một cái tên thú vị hàm ý sự vận chuyển tiếp tục của thương hiệu Transporter sau khi được “tiếp nhiên liệu” bằng những diễn viên mới hoàn toàn. Và đó là lúc Người vận chuyển bắt đầu cuộc viễn chinh thách thức cái bóng khổng lồ của chính mình bắt đầu.

 

 

Khách quan mà nói, The Transporter – refueled đã có một sự kì công khi tái khởi động lại thương hiệu người vận chuyển đắt giá này. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, dưới sự trợ giúp của khoa học kĩ thuật và công nghệ CGI, bất kỳ diễn viên nào cũng có thể đạt được những pha hành động không tưởng trên phim ảnh, chính vì vậy, một sự lặp lại sẽ lập tức gây nên sự nhàm chán cho khán giả, thế là hãng Europa đầu tư kĩ vào nội dung. Họ mời các nhà biên kịch của loạt phim ăn khách Taken tham gia viết kịch bản và chúng ta có thể dễ dàng thấy được dấu ấn của họ trong phần này.

 

 

Người vận chuyển 4 bắt đầu với khung cảnh chiếc Audi quen thuộc trong hầm để xe, khi hình ảnh Jason Statham ngồi yên bên vô lăng chờ đến thời điểm khởi hành trở thành khung hình kinh điển của loạt phim Transporter. Nhưng lần này, anh chàng Frank không ngồi yên trong xe mà từ tốn bước đến xe, dùng chiếc smart phone của mình mở cửa, khóa xe và rất nhiều thứ khác trước con mắt kinh ngạc của đám người định chôm xe của anh. “Công nghệ luôn luôn thay đổi mà đúng không” – câu nói của Frank Martin (lần này do diễn viên Ed Skrein thủ vai) như một lời ôn cố tri tân bởi cùng một khung cảnh cũ, hơn mười năm trước chàng Frank không thể có thiết bị cầm tay ưu việt như thế. Khung cảnh mở đầu này hứa hẹn cho khán giả có thể chiếc xe mới của Frank sẽ còn nhiều thứ hay ho và hiện đại hơn nữa, nhưng không, kể từ thời điểm đó, có lẽ họ sẽ thấy nhớ Jason Statham nhiều hơn…

 

Dấu ấn của các nhà biên kịch Taken khá rõ khi Người vận chuyển 4 không chỉ có các màn đua xe, võ thuật quen thuộc mà bao trùm trên cả là những kế hoạch xoay chàng Frank như chong chóng của ba cô gái thuê anh. Lần này cũng dính líu tới phụ nữ, nhưng  anh chàng Frank Martin bị ép phải phá luật của mình bởi những cô gái mà anh vận chuyển đã dở trò bắt cóc người cha cựu điệp viên của anh (yeah, dấu ấn của series Taken luôn là bắt cóc).

 

    

 

Tóm tắt kịch bản của phần này có thể tóm gọn trong điệp khúc : cướp tiền – bắt cóc – lại cướp tiền – tiếp tục bắt cóc – lại cướp tiền. Một nhóm các cô gái nằm trong đường dây gái gọi nổi tiếng của Pháp sau 15 năm nhịn nhục đã lên một kế hoạch lớn nhằm trả thù tất cả những kẻ cầm đầu trong đường dây này thông qua sự giúp đỡ của Frank Martin. Lẽ dĩ nhiên để anh chàng cứng đầu, nguyên tắc này tham gia, họ buộc lòng phải bắt cóc cha của anh ấy, để rồi anh chàng buộc phải sống dở chết dở cùng họ đến cuối hành trình.

 

Đó là một kịch bản tốt khi có những điểm thắt, có gợi mở, có mưu kế chằn chịt và có lẽ sẽ được lòng giới phê bình, nhưng đại chúng có lẽ thì không. Khi người ta đến rạp để xem một phim như Người vận chuyển, người ta cần thụ hưởng bằng mắt nhiều hơn chứ không cần động não nhiều, và hơn hết, ai cũng đã lỡ mang hình bóng Jason Statham quá ấn tượng vào đầu khi bắt đầu xem phần này.

 

 

Sự khác biệt trong cái thần của các pha hành động giữa hai phiên bản

 

Ed Skerin là một người mẫu, cao đến 1m85 với thân hình vạm vỡ có vẻ như là một sự thay thế hoàn hảo cho Jason Statham nhưng hóa ra mọi chuyện lại ngược lại. Jason có một thân hình không phải là hoàn hảo nhưng đó là cơ bắp săn chắc đến từ một vận động viên đẳng cấp quốc gia. Với sự yêu thích võ thuật và sự chăm chỉ rèn luyện, trong mỗi cú đấm hay cú đá xoay vòng của Jason có những dấu ấn đậm nét – vốn đã in hằn trong lòng công chúng về người vận chuyển – thì rất khó thay thế.

 

Jason Statham từng tâm sự rằng: “Tôi đã dành nhiều năm tập luyện những kỹ năng. Khi tôi bước vào trường quay, bản năng thích cạnh tranh của đàn ông đã trỗi dậy. Tôi luôn muốn tự mình thực hiện những pha hành động. Những người đã ảnh hưởng tới tôi là Lý Tiểu Long và Thành Long, họ thực sự tuyệt vời. Khi xem những bộ phim của họ ngày trước, tôi luôn cảm thấy mình được sống trong bộ phim. Ngày nay với công nghệ CGI, đến cả bà tôi cũng thành một ngôi sao hành động được. Nhưng mà hành động thì phải thật, bởi chẳng thứ nào hoàn toàn thay thế được nó cả”.

 

Đó có thể nói là cái “thần” của nhân vật Frank Martin mà Jason đã lột tả được, còn Ed Skerin mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong mỗi khi anh tung cước, sử dụng gậy ngắn hay dây (những vũ khí đặc trưng của series Người vận chuyển), tất cả đều không đanh gọn, tốc độ và hung hiểm như Jason. Đó là yếu tố đầu tiên khiến người ta thấy nhớ hơn về Jason trong từng pha hành động của phần này.

 

 

Một người vận chuyển nghiêm nghị, lạnh lùng và một tay chơi

 

Yếu tố thứ hai khiến các fan ruột thất vọng vì nội dung. Người vận chuyển của Jason là một kẻ ít lời, hiếm khi cười, thậm chí có phần cù lần, chăm chỉ, sống kĩ lưỡng và cô độc. Người vận chuyển của Ed được chuyển thành trở nên gắn bó với người cha cựu điệp viên của anh trong phần mới này. Người vận chuyển mới này cười mỉm nhiều người, thích bông đùa và đôi lúc tự phụ khi được ai đó khen gợi, trong khi Jason là kẻ chỉ chăm chăm vào vô lăng, mặc kệ mọi thứ bên ngoài. Vì vậy, những khán ruột có thể cảm thấy như đang xem một Người vận chuyển khác trong tập đoàn “vận chuyển ngầm” chứ không phải Frank Martin ngày xưa, dù tên nhân vật không đổi.

 

 

Frank và người cha cựu điệp viên của mình

 

Có thể thấy đây là bước lùi của phần biên kịch khi thay đổi một tượng đài đã định hình như Người vận chuyển của Jason Statham. Sự thay đổi này có thể thấy được yếu tố tác động của mẫu người hành động mới bây giờ, phải giỏi, hóm hỉnh, biểu lộ cảm xúc hơn một chút. Tuy nhiên, thay vì mạnh dạn tạo ra một nhân vật mới hoàn toàn, các nhà làm phim cố níu kéo quá khứ vẫn giữ lại cái tên Frank Martin và bị tác dụng ngược bởi cái bóng quá lớn của hình tượng cũ.

 

 

Hậu quả thể hiện rõ trên các con số khi The Transporter: Refueled dù có mặt tại 3.434 cụm rạp nhưng rốt cuộc chỉ thu về 7,1 triệu USD trong tuần đầu tiên, bị cả đại chúng lẫn giới phê bình quay lưng, khán giả tới rạp chỉ cho phim điểm B- theo điều tra của Cinema Score, còn kết quả tổng hợp từ các bài phân tích trên Rotten Tomatoes hiện chỉ là 18%.

 

    

Không chỉ thay đổi về tạo hình, kịch bản mặc dù đã được đầu tư chất xám nhiều hơn nhưng với tiết tấu dài dòng, xen lẫn một vài tình tiết tương đối khó hiểu, Người vận chuyển 4 đánh mất những ưu thế đặc trưng của mình và tiếp tục đi theo vết xe đổ của các phim làm lại trong năm nay.The Transporter – refueled khách quan mà nói là một phim khá, chỉ là nó đã mang cái tên Người vận chuyển lẫy lừng và không thể vượt qua cái bóng khổng lồ đó.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích