The Shawshank Redemption: chuyện về một đôi cánh lấp lánh
22:11 29/08/2021
- Công ty Sey Solutions - Giải pháp xây dựng phần mềm
- "Sai lầm to lớn" khi chấm nước bọt vào nốt muỗi đốt
- 4 việc nên làm vào buổi tối để có được một body thon gọn
Trong biên niên sử của thế giới điện ảnh, chưa có bộ phim nào được người ta gọi là “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất mọi thời đại” như The Shawshank Redemption. Năm 1994, bộ phim này được hãng Columbia phát hành và trở thành một dự án...
Trong biên niên sử của thế giới điện ảnh, chưa có bộ phim nào được người ta gọi là “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất mọi thời đại” như The Shawshank Redemption. Năm 1994, bộ phim này được hãng Columbia phát hành và trở thành một dự án phim lỗ nặng ở phòng vé, một ứng cử viên quá xui xẻo khi được đề cử ở 7 hạng mục quan trọng nhất ở Oscars nhưng lại hoàn toàn mất trắng 7 giải về tay Forrest Gump cũng ứng cử cùng năm đó.
Ấy vậy mà sau ngần ấy năm, người ta lại nhìn nhận lại The Shawshank Redemption và trân trọng đưa nó vào hàng kiệt tác, ngất ngưỡng ở hạng 1 trong danh sách 250 bộ phim vĩ đại nhất trên trang IMDb nổi tiếng. Có lẽ rằng, chỉ những bộ phim đặc sắc hiếm có, dữ dội và cũng sâu lắng hiếm có mới có thể tạo nên một sự mâu thuẫn giữa một sức sống bền bỉ với thời gian đi ngược lại thị hiếu của người xem và những khuôn khổ đánh giá của giới phê bình. Cuộc sống này thú vị cũng chính nhờ vào những mâu thuẫn như thế!
-Hắn chết rồi. Hadley đánh vào đầu hắn khá nặng, quá khuya và bác sĩ không còn ở đó. Tội nghiệp, hắn nằm đó đến tận sáng.
-Tên anh ta là gì?
Xen vào giữa câu chuyện của hai tù nhân về một kẻ mới vào nhà tù Shawshank đã bị quản ngục đánh chết đêm qua là giọng nói của một tên tù nhân mới vào khác. Đó là Andy Dufresne, tên phó giám đốc ngân hàng lãnh 2 án tù chung thân, kẻ duy nhất còn cảm thấy chút day dứt, còn thấy xót thương cho một người chết đi mà chẳng ai biết tên, kẻ duy nhất còn biết kinh ngạc trước một cái chết trong khi những người khác đã thấy quá quen thuộc đến mức lạnh lùng, vô cảm rồi. Đó là Andy với ánh mắt có gì cay đắng những lúc nào cũng rực sáng, kẻ luôn giữ im lặng, ưa trầm ngâm “như thể anh ta có một cái áo khoác tàng hình bảo vệ anh ta trong thế giới này”.
Thật nực cười rằng ở nơi mà công lý biểu hiện sức mạnh của mình như nhà tù Shawshank, nơi mà những kẻ phạm tội phải trả giá lại là nơi mà cái thiện – cái ác, cái vô lý và hữu lý trở nên nhập nhằng, khó phân biệt nhất. Ở đó, những kẻ đại diện cho pháp luật để cải tạo, giáo dục tù nhân lại là những kẻ có quyền đánh người, giết người vô cớ. Còn tù nhân, những kẻ bị cướp đi tự do, vô hình chung cũng bị cướp đi quyền làm người. Tưởng như cả thế giới đang vận động hướng về tương lai còn những con người này thì vẫn đang bì bõm, trôi ngược để trả giá cho những lỗi lầm trong quá khứ. Niềm vui lớn nhất của họ có lẽ là không bị quản ngục đánh đập, mục đích sống mỗi ngày có khi cũng chỉ là những bao thuốc, bánh xà phòng cá cược với nhau mà Red – kẻ khéo sắp xếp tuồn được từ bên ngoài vào. Trong cái nền phim sáng sủa, nhà tù Shawshank hiện ra những con người sống như những cái bóng, những con người “tồn tại” chứ không thực sự “sống”,…
“Ở đây, ai cũng tự tìm đến một cách riêng để làm tâm trí mình bận rộn”
Ấy vậy mà lần đầu tiên, trong một ngày mặt trời oi ả, tên cai ngục tàn nhẫn nhất khét tiếng đã nhất đồng ý thết đãi những tù nhân làm nhiệm vụ trải nhựa lại nóc nhà máy một chầu bia. Lần đầu người ta thấy những tù nhân quen khúm núm, sợ sệt ngồi bình thản uống những chai bia mát lạnh mà họ đã quên mất mùi vị từ hàng chục năm trước, nghỉ ngơi và mỉm cười như những người tự do. Tất cả là nhờ có Andy Dufresne – kẻ đang ngồi trong bóng râm, không đụng đến một giọt bia và nhìn những người khác với một nụ cười rất lạ.
Bằng sự am hiểu về ngành tiền tệ của mình, Andy vô tình giúp được một tên quản ngục bảo vệ món tiền thừa kế của hắn để đổi lấy một chầu bia cho những tù nhân khác mà anh gọi là “co-worker” với mình. Rồi từ sự ưu ái đó, Andy trở thành cố vấn tài chính cho những quản ngục và giám đốc nhà tù Shawshank, đổi lại, người ta tưởng anh sẽ xin lấy một bữa ăn thịnh soạn hay một bàn bi-da nhưng không, Andy xin được mở một thư viện trong nhà tù. Và cũng là một điều chưa bao giờ có trong nơi tối tăm, tù ngục ấy, một khoảnh khắc khi những tù nhân đang làm việc đều buông cuốc đứng lại, những tù nhân trong bệnh xá đồng loại tung chăn mền hướng ra cửa sổ, hết thảy bất động. Đó là khi trong căn phòng phát thanh của nhà tù đang được khóa trái, bên ngoài những cai ngục điên tiết đập cửa, bên trong là Andy Dufresne đang duỗi chân, nhắm mắt thưởng thức một bài hát Opera phát chung cho cả nhà tù thưởng thức. Hóa ra, bốn bức tường kiên cố của nhà tù Shawshank vẫn chưa đủ cao để ngăn một giọng ca vang vọng, hóa ra hết thảy mọi sự tàn nhẫn vẫn chưa đủ sức giam cầm một tâm hồn hào sảng hướng về tự do.
“Những bức tường này có sức ảnh hưởng lạ lùng. Ban đầu anh căm ghét chúng, rồi dần quen với chúng, thời gian qua đi, anh lại dần phụ thuộc vào chúng.”
Những tù nhân ở nhà tù Shawshank gọi “hy vọng” là một thứ nguy hiểm, có khi lại là một thứ xa xỉ, một thứ làm người ta đau đớn. Không biết từ bao giờ, cái khao khát bước ra khỏi tù của những con người này dần bị bỏ quên bởi họ đã dần thích nghi, thấy thoải mái với cuộc sống tù ngục, thấy mình là một con người có chỗ đứng, có giá trị khi ở trong tù còn thế giới ngoài kia thì quá đỗi xa lạ, đáng sợ. Sự thoải mái, bằng lòng quá dễ dãi đó giống như một thứ axit, ăn mòn hết thảy mọi nhu cầu được công nhận, được đối xử cho xứng với quyền làm người, mọi khát khao, ước muốn tốt đẹp cho cuộc đời của chính họ. Điển hình của cái cơ chế tàn bạo đó chính là cuộc đời của ông già Brooks. 50 cô đơn trong tù chỉ có con chim nhỏ trong túi áo làm bạn, khi vào tù chỉ là một thằng nhóc, đến khi được ân xá đã trở thành một ông già vô dụng, hai tay bị viêm khớp run run cầm dao dí vào cổ một bạn tù khác để được tiếp tục ở lại nhà tù.
Và chính Andy Dufresne, người bước vào nhà tù Shawshank và sống 20 năm ở đó để trở thành huyền thoại chính là người đã đem đến cho những tù nhân ở đó những thứ nhắc nhớ họ về cảm giác của một người bình thường: một chai bia mát lạnh hay cảm giác được hưởng thụ cuộc sống hơn là chịu đựng nó, tri thức, âm nhạc hay là những thứ đẹp đẽ nhất, xúc động nhất, cao xa và cũng sâu lắng nhất mà không có nhà tù nào có thể giam cầm được.
Thật khó mà lý giải hết kế hoạch vượt ngục được chuẩn bị suốt hơn 20 năm của Andy Dufresne nhưng tự do có lẽ vốn đã luôn chờ đợi anh như một lẽ tất yếu, giống như những cánh chim chỉ có ý nghĩa khi nó sải rộng giữa bầu trời. Chính cánh chim tự do ấy, trong nơi lao tù tối tăm và khổ đau cùng cực, đã hát lên khúc ca về tình người, về hy vọng một cách thống thiết và hào sảng nhất.
THÔNG TIN MUA SẮM
-
Những điểm trang điểm cần tránh khi đi phỏng vấn
Ngoài kiến thức chuyên môn nghề nghiệp thì khi trang điểm cho khuôn... Xem thêm >
-
LÀM TRẮNG RĂNG ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ TẠI NHÀ
Có được một hàm răng trắng sáng luôn là đều mà mọi người mong muốn, nó... Xem thêm >