The Curious Case Of Benjamim Button: chiếc đồng hồ đếm ngược

22:11 29/08/2021

Con người chúng ta đôi lúc lại là một sinh vật rất tham lam. Có người mong muốn vẻ đẹp của mình sẽ được trường tồn, muốn tình yêu của mình sẽ chẳng bao giờ thay đổi và có khi lại ước ao được “cải lão hoàn đồng” mà sống cuộc đời vô tận.

THE CURIOUS CASE OF BENJAMIN BUTTON: CHIẾC

ĐỒNG HỒ ĐẾM NGƯỢC

 

 

 

Con người chúng ta đôi lúc lại là một sinh vật rất tham lam. Có người mong muốn vẻ đẹp của mình sẽ được trường tồn, muốn tình yêu của mình sẽ chẳng bao giờ thay đổi và có khi lại ước ao được “cải lão hoàn đồng” mà sống cuộc đời vô tận. Bộ phim The curious case of Benjamin Button (2008) sẽ cho bạn thấy rằng giá trị của cuộc sống này được tạo nên từ những điều không hoàn hảo, những giọt nước mắt đau khổ và rằng đời người được tính từ những khoảnh khắc chứ không phải là năm tháng.

 

 

Nhà văn Mark Twain từng chiêm nghiệm rằng: “Cuộc đời có lẽ vui vẻ hơn nếu con người ta sinh ra ở tuổi tám mươi và đi đến dần tuổi 18”. Cậu bé Benjamin, nhân vật chính của bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald,  chính là một ví dụ cụ thể cho giả thuyết đó, nhưng xem chừng cuộc đời Benjamin cũng chẳng phải vui vẻ, dẽ dàng hơn gì…

 

“Tôi chưa từng thấy trường hợp nào như vậy. Gần như bị mù vì đục nhân mắt. Tôi không chắc là nó có thể nghe được hay không, xương bị viêm khớp nghiêm trọng. Da của nó đã mất hết tính đàn hồi còn tay và chân thì chỉ có xương mà thôi. Nó cho thấy tất cả những biểu hiện của việc thoái hóa, yếu ớt không phải của một đứa trẻ sơ sinh mà là của một ông già 80 tuổi sắp xuống mồ.”

 

 

Khi mới lọt lòng, Benjamin mang thể trạng của một ông già 80 tuổi bao bọc bởi làn da nhăn nheo. Tưởng như cậu là một dị bản của Thượng đế khi hoàn toàn đi ngược lại thuyết tiến hóa: được sinh ra như một ông lão và trẻ lại theo thời gian. Benjamin có tầm vóc, trí não bình thường như những đứa trẻ khác nhưng vẻ ngoài thì già nua xấu xí và cơ thể thì ruệ rã như một cỗ máy sắp bị vứt vào bãi phế liệu. Cậu biết cách di chuyển bằng xe lăn trước khi học cách bước đi bằng đôi chân mình, cậu chập chững bước những bước đầu tiên với hai chiếc nạn khi những đứa trẻ khác chơi cút bắt ngoài phố, cậu ngồi uống trà giữa những người già trong viện dưỡng lão, nơi cậu bị bố ruột bỏ rơi khi mới lọt lòng, trong khi những bạn cùng trang lứa đang ở trường học tập cùng nhau, bắt nạt nhau hay thi thố với nhau trong vô vàn trò chơi của tuổi nhỏ. Nhưng nhờ vào Queenie- người mẹ nuôi có trái tim bằng vàng, Benjamin vẫn có được tuổi thơ của mình. 

 

 

Lần đầu tiên nhìn thấy Benjamin bị bỏ rơi trên bậc cửa, Queenie khóc thét hoảng sợ khi nhìn thằng bé nhăn nhúm xấu xí. Nhưng rồi bà lại rớt nước mắt, bế thằng bé trên tay mình và thì thầm rằng: “Con xấu xí như một cái bô vậy, cưng à. Nhưng con vẫn là một đứa con của Chúa!”.

 

Những gì bà Queenie mang đến cho Benjamin thật giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Như cái cách bà nắm lấy bàn tay nhăn nhúm của Benjamin rồi thì thầm trìu mến “Good night baby”, như lúc bà giàn giụa nước mắt vì tưởng rằng Benjamin đã đi lạc mất, lúc bà ôm chầm lấy thằng bé tóc bạc mắt mờ đang khóc thút thít vì bị người khác dè bỉu. Bằng tình yêu thương vĩ đại của mình, Queenie dạy Benjamin biết rằng cậu bình đẳng với thế giới, rằng tâm hồn cậu quyết định cậu là một đứa trẻ ngoan và sẽ là một con người tử tế chứ không phải là là một lão già như bề ngoài lụm cụm, xấu xí. Vậy đấy, triết lý của một người phụ nữ bình thường thật giản đơn mà sâu sắc, thấm thía: tâm hồn và thái độ là điều quyết định rằng bản thân chúng ta là ai, chứ không phải là vẻ ngoài mà mọi người nhìn thấy.

 

 

Thật ngạc nhiên là cuộc sống ở viện dưỡng lão tưởng như buồn tẻ và tuổi già đến quá sớm đã dạy cho Benjamin biết về giá trị của lòng vị tha, bao dung và sự nhẫn nại, như cách mà anh tha thứ cho người cha đã bỏ rơi mình khi mới lọt lòng.

 

Ở viện dưỡng lão có rất nhiều những bữa tiệc sinh nhật, những bữa tiệc mà những người khác thực sự vui mừng và thấy biết ơn vì năm nay họ vẫn còn nhìn thấy bạn ngồi đó dù yếu ớt, bệnh tật. 

 

Ở viện dưỡng lão, người ta biết cách phải đối mặt với nỗi đau khổ khi mất đi một người thân như thế nào vì thần chết đã trở thành một người khách quen vẫn thường đến gõ cửa.

 

Ở viện dưỡng lão, nơi ở của những người đã làm tất cả mọi chuyện ngu ngốc, vô lý trong đời mình. Họ không còn bận tâm về những thứ vô bổ như thời tiết, nhiệt độ phòng tắm mà chỉ tập trung đến những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân mình. Như một vị đại tướng về hưu sáng sáng vẫn ra chào cờ dù trời nắng hay trời mưa, như một bà lão từng là ca sĩ Opera vẫn thường cất cao tiếng hát, như một bà lão khác vẫn ăn diện đẹp đẽ, đeo hết trang sức mà mình có mỗi ngày dù chẳng ai buồn ghé thăm,…

 

Và cũng từ viện dưỡng lão, Benjamin may mắn gặp được Daisy- tình yêu của đời mình…

 

 

Năm đó, Benjamin 12 tuổi trong thân hình 70 tuổi gặp được Daisy 9 tuổi với màu mắt xanh tuyệt đẹp. Một tình bạn trong trẻo và hồn nhiên được khắc họa chỉ trong vài cảnh khi hai đứa trẻ nắm tay nhau trốn đi giữa đêm khuya, một già nua ngây ngô và một non nớt nhưng luôn ra vẻ biết tuốt. Hai đứa trẻ trốn dưới gầm bàn, thắp một ngọn nến và thì thầm bí mật của mỗi người. Hạnh phúc đôi lúc giản đơn như thế, hạnh phúc là khi có một người nhìn thấu tâm hồn ta và quý trọng nó hơn là vẻ bề ngoài.

 

 

Thời gian xô ngã Benjamin và Daisy trôi về những hướng khác nhau nhưng giữa họ vẫn có mối liên kết bền vững. Khi Daisy chuyên tâm tập luyện múa ba lê với đam mê, sốc nổi của tuổi trẻ và dần trở thành một diễn viên múa nổi tiếng thì Benjamin đã đi khám phá thế giới và khám phá bản thân mình. Benjamin có được công việc đầu tiên trên tàu đánh cá, đi đến nhiều vùng đất mới, tìm được người phụ nữ tri kỉ đầu tiên yêu anh, phục vụ cho hải quân rồi sở hữu một công ty sản xuất khuy áo,… Suốt những biến chuyển trong đời mình, Benjamin và Daisy luôn viết thư cho nhau nhưng điều gì đó ngăn cản họ đến gần nhau hơn để yêu nhau. Nhưng với số phận là thuộc về nhau, họ ở bên nhau trong khoảng giữa của cuộc đời, khi Daisy 43 tuổi và Benjamin 49 tuổi- đúng về diện mạo và tâm hồn.

 

Hạnh phúc trọn vẹn hơn khi Benjamin và Daisy có con với nhau nhưng đó lại cũng là lúc Benjamin phải quyết định từ giã hạnh phúc, tình yêu của đời mình…

 

 

Sau cái chết đầy xúc động và sự kết thúc tình yêu của Benjamin, sự kiện về một chiếc đồng hồ đếm ngược bị dở bỏ mà tôi tiếc rằng không thể tiết lộ ở đây, bộ phim kết lại bằng sự chiêm nghiệm về cuộc sống trong giọng đọc trầm ấm của nam diễn viên Brad Pitt (vai Benjamin):

 

“Một số người được sinh ra để ngồi bên cạnh những dòng sông, một số bị sét đánh, một số có khiếu âm nhạc, một số là nghệ sĩ, một số có thể bơi, một số làm khuy áo, một số biết kịch của Shakespeare, một số là những bà mẹ, một số khác thì múa…”

 

Mỗi người được sinh ra trên cõi đời này với một diện mạo riêng, một cá tính riêng, một sở trường riêng. Đôi lúc cuộc đời mình bị người khác mang ra phán xét và dè bỉu nhưng nếu ta biết cách sống đúng với bản thân mình, sống xứng đáng với những gì mình có và miệt mài với công việc của ta, ta hoàn toàn có quyền tự hào về cuộc đời đó. Dẫu cho lắm lúc số phận có ném vào ta những thiệt thòi, những thất bại hay đau khổ, ta cũng không nên oán trách, bi quan như lời một cụ già ở viện dưỡng lão:

 

“Tôi bị sét đánh 7 lần. tôi bị mù một mắt và nghe rất kém. Tôi co giật và run rẩy, mất hết tri giác. Nhưng cậu có biết điều gì không? Chúa đã nhắc tôi rằng tôi vẫn may mắn sống sót”

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích