Stranger Than Fiction: khám phá cuộc đời bản thân mình

22:11 29/08/2021

Nếu cuộc đời mình trở thành một cuốn sách, bạn muốn nó trở thành thể loại nào? Siêu anh hùng, cổ tích, ngôn tình hay hài hước, trào phúng? Nhưng bạn có biết ai là người viết nên cuốn sách cuộc đời bạn, người quyết định cuộc đời bạn không?

STRANGER THAN FICTION: KHÁM PHÁ CUỘC ĐỜI

BẢN THÂN MÌNH!

 

 

 

Nếu cuộc đời mình trở thành một cuốn sách, bạn muốn nó trở thành thể loại nào? Siêu anh hùng, cổ tích, ngôn tình hay hài hước, trào phúng? Nhưng bạn có biết ai là người viết nên cuốn sách cuộc đời bạn, người quyết định cuộc đời bạn không? Có thể bạn sẽ tìm ra đáp án cho mình khi ta cùng cảm nhận chút hoang đường, chút giằng xé và cả chút lãng mạn, dung dị trong bộ phim Stranger than fiction (2006).

 

 

Đó là một ngày thứ tư kì lạ khi chiếc đồng hồ thân thuộc của Harold Crick đột nhiên chập mạch, khi Harold đột nhiên được thông báo rằng mình đang đối diện với một cái chết gần kề…

 

Trước ngày thứ tư lạ lùng đó, Harold- một nhân viên thuế vụ gương mẫu vẫn sống khoa học, lành mạnh từng phút từng giây nhờ chiếc đồng hồ thân yêu của mình.

 

Mỗi ngày trong trong tuần, suốt 12 năm, Harold đánh hàm răng của mình đúng 76 lần. 38 lần từ sau ra trước, 38 lần lên xuống.

 

Mỗi ngày trong tuần, suốt 12 năm, Harold thắt cà vạt theo kiểu Winsor thay vì thắt nút đôi vì tiết kiệm được 43 giây.

 

Mỗi ngày trong tuần, suốt 12 năm, Harold chạy với tốc độ 57 sải chân suốt 6 khu nhà để vừa kịp đón chuyến xe buýt lúc 8h17’.

 

Mỗi ngày trong tuần, suốt 12 năm, Harold sẽ xem lại 7 134 hồ sơ thuế vì anh ta là một nhân viên lâu năm của Cục thuế thu nhập.

 

 

 


Mẫn cảm với các con số là một đặc điểm giúp Harold trở thành nhân viên xuất sắc ở Cục thuế. Harold có thể nhanh chóng trả lời đáp án của một phép tính nhân giữa hai số có 3 chữ số, mọi thứ lướt qua anh ấy đều được ghi nhận dưới dạng các thông số. Nếu mỗi sáng bạn huýt sáo một điệu nhạc vui vui khi đi qua vạch vôi cho người đi bộ, thầm nghĩ tới vài câu chuyện phiếm lát nữa sẽ nói ở bàn cà phê thì Harold chỉ đơn thuần đếm xem có bao nhiêu vạch vôi tất cả. Nếu bạn bước vào một căn phòng, lặng người nhìn ánh nắng xuyên qua rèm cửa màu xanh biển, tạo nên những mảng màu loang lỗ trên nền gạch thì Harold cũng chỉ bận tâm xem gạch lót trong phòng có tất cả bao nhiêu tấm. Và nếu may mắn có được một giờ thư thả khi không bị công việc cơ quan, công việc nội trợ bóp nghẹt, không phải lo nghĩ cho bất kì một ai khác mà là chính bản thân mình, một giờ để ta mơ mộng một chút với đủ thứ chuyện vặt vãnh nhưng thú vị trong đầu thì có lẽ Harold cũng chỉ nghĩ về số lần chải răng trong ngày của anh ấy thôi.

 

May mắn thay, ngày thứ tư đó cũng đến. Ngày mà Harold được phán quyết rằng mình sẽ chết bất đắc kì tử, cũng là ngày Harold ngừng việc chú tâm vào những con số vô nghĩa.

 

 

Tiếng các bìa hồ sơ cọ vào nhau cũng giống hệt như tiếng sóng vỗ vào bờ cát. Và khi Harold ngẫm nghĩ, anh ta đã nghe quá nhiều tiếng sóng mỗi ngày để có thể hình dung về một đại dương bao la, sâu thẳm.

 

Đó là chút xao động tâm tư vô cùng sâu kín của Harold lẩn khuất trong vẻ điềm tĩnh đến khó gần bề ngoài, chút mơ mộng về cuộc sống đời thường ngoi ngóp giữa hàng triệu dữ liệu dưới dạng con số mà Harold cập nhật. Những suy nghĩ sâu kín ấy không phải do Harold nói ra mà là từ một giọng nói đột ngột văng vẳng bên tai anh.

 

 

Nếu lý luận theo kiểu tâm linh, người duy nhất có thể hiểu thấu tâm trí ta cũng như có thể phán quyết về cuộc đời ta chỉ có Thượng Đế. Tuy vậy, Thượng Đề của Harold lại là nữ nhà văn Karen Kay Eiffel gầy gò, xanh xao và hút thuốc điên cuồng. Bởi lẽ, kì lạ thay, Harold chính là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đang viết dở dang của nhà văn Karen Eiffel. Và bằng cách nào đó, từng dòng bà Eiffel gõ ra trên trang giấy đều trở thành giọng nói văng vẳng bên tai Harold kể từ ngày thứ tư hôm ấy. Không phải là đối thoại mà là độc thoại, cảm giác như bạn đang nghe người khác bình luận về từng giây từng phút trong cuộc đời mình. Mà đáng sợ hơn, giọng nói bảo rằng Harold đang tiến dần đến một cái chết gần kề.

 

 

-Ta nên xác định dứt khoát anh đang ở trong một câu chuyện hài kịch hay bi kịch. Bởi vì ý nghĩa sau cùng của mọi chuyện luôn có hai mặt: đó là cái chết không tránh khỏi hay là sự tiếp nối của sự sống. Nếu là bi kịch: anh chết, hài kịch: anh chỉ bị kẹt lại tạm thời. Phần lớn những nhân vật truyện vui yêu những người mà ban đầu được giới thiệu là vô cùng ghét nhân vật chính. Nhưng tôi lại không hình dung được ai có thể ghét anh cả, Harold

 

-Thưa giáo sư, tôi là nhân viên Cục thuế, mọi người đều ghét tôi mà. Gần đây lại có một cô gái ghét cay ghét đắng tôi nữa.

 

-Nghe có vẻ vui rồi đấy!

 

 

 

Vậy là Harold tìm đến Ana Pascal , một chủ tiệm bánh đóng không đủ thuế hàng năm để xem mình đang ở trong một câu chuyện bi kịch hay hài kịch, dựa vào thái độ của Ana đối với anh.

 

“Tôi rất ủng hộ nhà nước thay nắp cống, làm công viên cho trẻ em, xây nhà cho người nghèo,.. Chỉ có điều tôi không đồng ý với tỷ lệ mà nhà nước sử dụng vào quốc phòng, mua lại các công ty và vận động tranh cử. Vì vậy tôi đã không đóng thuế.”

 

Trong vòng vài ngày ngắn ngủi lui tới tiệm bánh nướng, Harold và Ana yêu nhau. Không phải Harold là một tay săn gái cao thủ mà vì Harold là một anh chàng khờ khạo chân tình, hai tay ôm mấy gái bột bánh làm quà và miệng thì chỉ biết ấp úng: “I want you”. Không phải chỉ vì Ana là một nhân tố có thể làm thay đổi đoạn kết chết chóc được báo trước của Harold mà vì cô mang đến chút tươi mới cho cuộc sống của anh.

 

“Em biết có nhiều cách làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cảm giác trốn thuế mới vui chứ!”

 

Nếu như không làm tổn hại đến bất kỳ ai, đôi lúc những việc làm vô bổ, những việc không đúng đắn lắm mới thực sự làm nên niềm hạnh phúc của chính bạn. Harold cảm nhận được điều đó từ Ana. Mặt khác, anh lại cũng nhận ra rằng, khi anh hành động khác đi thì những dòng văn về cuộc đời anh vẫn luôn văng vẳng bên tai anh cũng thay đổi theo. Nói đúng hơn, Harold có thể tác động vào diễn biến trong câu chuyện của bản thân mình.

 

 

Khám phá ra được điều đó, Harold và giáo sư Jules Hilbert lại tiến tới một giả thiết khác. Nếu Harold không làm gì cả, nghỉ làm, ru rú trong nhà trên chiếc ghế sofa thì anh ấy có tránh được cái rủi ro hay không?

 

Kết quả là hoàn toàn không. Dù chỉ nằm bẹp xem ti vi ở nhà, Harold cũng đã suýt mất mạng vì xe cần cẩu đến phá hỏng cả một mảng tường chỉ vỉ nhầm lẫn nhà anh với nhà khác. Thế đấy, đôi lúc ta sợ hãi và trốn tránh nguy hiểm, nguy hiểm vẫn tìm đến ta và dù ta có cẩn thận thế nào, không ai có thể quản lý được định mệnh của bản thân mình.

 

 

-Anh có thể đúng. Người này có thể giết anh đó. Vì vậy mà tôi thành thật khuyên anh nên quên hết mọi chuyện này và sống tiếp đời mình thôi.

 

-Tôi đang sống đời mình đó chứ.

 

-Harold, anh có đi phiêu lưu một chút, phát minh ra cái gì đó hay là đọc cho hết cuốn “Tội ác và hình phạt” hoặc là chỉ ăn bánh nướng trong suốt phần còn lại cuộc đời.

 

-Tôi đâu có muốn ăn bánh nướng, tôi chỉ muốn sống.

 

-Harold, nếu nghĩ kỹ anh sẽ thấy câu trả lời gắn chặt với cách sống mà ta chọn, như là gắn với chết lượng bánh nướng vậy…

 

Và rồi Harold xin nghỉ phép, anh không đeo cà vạt và do đó không còn lo lắng về thời gian đeo cà vạt nữa. Harold học đàn guitar như ước mơ ngày bé và mỗi ngày cố gắng làm cho Ana hạnh phúc. Đôi lúc anh thận chí còn quên mất chiếc đồng hồ thân tín của mình.

 

Nhưng khi Harold đang mở lòng mà sống một cách nồng nhiệt nhất lại là lúc anh tìm ra và gặp được nhà văn Karen Eiffel. Bi kịch thay, bà Eiffel vốn luôn để cho nhân vật chính của mình chết trong khi đang yêu đời nhất. Họ lại rơi vào một vướng mắc mới, rằng nên tồn tại một tác phẩm văn học để đời và để Harold chết hay là để Harold thoát chết và đứa bé Harold cứu trong truyện phải thiệt mạng?

 

 

Harold đọc cuốn tiểu thuyết cuộc đời của bản thân mình

 

Đối với cuộc đời Harold trước đây, không hề có giây nào là lãng phí, mỗi giây đều được tận dụng một cách hữu ích, khoa học và kiểu mẫu. Với cách sống đó, Harold vẫn có thể giữ được công việc ổn định cho mình, sống khỏe mạnh và sống lâu thật lâu. Nhưng mà chúng ta có cần thiết phải sống quá lâu không?

 

Bạn có chắc rằng mình đang thực sự sống cho bản thân mình? Hay là bạn đang sống một cuộc đời mà người khác cho nó là đúng? Có quá nhiều cuốn sách về cách sống hạnh phúc và thành công, có quá nhiểu diễn giả nói về bí quyết đạt được điều gì đó nhưng đôi khi họ lại vuợt quá nhiệm vụ gợi mở của mình. Quá nhiều người, quá nhiều sách, quá nhiều lời nói, chữ viết muốn dạy đời tất cả chúng ta, muốn chúng ta phải làm điều này điều kia nhưng đôi lúc họ lại quên mất việc hỏi ta rằng ta thấy hạnh phúc nhất là khi nào? Và nếu xét đến giá trị tận cùng, đôi lúc một ngày được sống với đam mê, sở thích lại làm ta hạnh phúc gấp trăm lần so với một năm sống no đủ, an nhàn nhưng buồn tẻ. Giống như lời hát của nhóm nhạc Bon Jovi ngày nào:

 

“I ain’t gonna live forever

I just want to live while I’m alive

It’s my life!”

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích