Phóng sự "Hà Nội lầm than" của Trọng Lang

22:11 29/08/2021

Nhắc đến phóng sự của làng văn Việt Nam, người ta hay nhắc đến khả năng xét nghiệm chân xác văn hóa đô thị của Vũ Trọng Phụng, mức độ lật tẩy kịp thời hủ tục làng xã của Ngô Tất Tố, hay tài miêu tả chân thực của Tam Lang. Giữa những tiếng nói nổi bật đó, thật thiếu sót nếu không nhắc tới Trọng Lang...

Share social

Nhắc đến phóng sự của làng văn Việt Nam, người ta hay nhắc đến khả năng xét nghiệm chân xác văn hóa đô thị của Vũ Trọng Phụng, mức độ lật tẩy kịp thời hủ tục làng xã của Ngô Tất Tố, hay tài miêu tả chân thực của Tam Lang. Giữa những tiếng nói nổi bật đó, thật thiếu sót nếu không nhắc tới Trọng Lang. Hà Nội, tháng Chín Năm 2015, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc thiên phóng sự Hà Nội lầm than của Trọng Lang.

 

Phóng sự "Hà Nội lầm than" của Trọng Lang

 

Hà Nội lầm than có thể được coi là thiên phóng sự đặc sắc và được nhắc đến nhiều nhất của Trọng Lang. Viết trong những năm 1936-1937 và xuất bản năm 1938, Hà Nội lầm than viết về một Hà Nội của giai tầng dưới đáy, của những hạng người và hạng nghề nghiệp từng bị đặt trong sự dè bỉu, coi thường và phi chuẩn mực của đám đông xã hội. Trong vai một tay chơi có máu điều tra, Trọng Lang đã lần lượt chứng kiến và tái dựng nguyên trạng tình cảnh của những phụ nữ "nô lệ tạm thời" tại các quán bar, tiệm nhảy, nhà thổ…, nơi lui tới thường xuyên của tầng lớp giàu có, và ưa thích thú vui xác thịt.

 

Hà Nội lầm than, vào năm 1938, đã khía rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa: nạn mua bán dâm, sự phát triển thiếu kiểm soát của hệ thống nhà thổ, các địa điểm kinh doanh tình dục trá hình. Những nhân vật cụ thể được tiếp cận; các mánh khóe buôn da bán thịt được phơi bày; thói thực dụng tiền bạc được liệt kê; những ngóc ngách thân phận được chi tiết tường tận; những tàn tạ, nhếch nhác nhân hình được đặc tả…, tất cả, như vết chàm vô phương cứu chữa, đã là bằng cứ thuyết phục cho đời sống đô thị ở khía cạnh thị trường hóa, hàng hóa len vào mọi nơi chốn, mọi mối quan hệ.

 

Đọc Hà Nội lầm than để, bên cạnh những mĩ từ thanh lịch, hào hoa, hào hùng, văn hiến, cần thiết hiểu và cập nhật thêm một Hà Nội, xưa lẫn nay, không thiếu cơ cực, cam chịu và khuất lấp ngoài rìa muôn mặt nhân sinh.

 

VỀ TÁC GIẢ

 

Trọng Lang tên thật là Trần Tán Cửu, sinh năm 1905 ở Hà Nội, con Tuần phủ Trần Tán Bình. Ông viết cho báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn đoàn, chuyên về phóng sự. Tác phẩm đầu tay của ông viết đăng trên báo Đông Dương, Lọ Cổ vào năm 1930 của Mai Duy Lâm.

 

Đặc tính trong văn chương phóng sự Trọng Lang là thực tại xã hội, phong tục, lề lối sống nông thôn cổ hủ, thành thị mại bản thời Tây thuộc lần thứ nhất ở xã hội chúng ta. Nhưng ông cũng không quên đưa cả lề lối, tục quán thô thiển vào văn chương.

 

Trọng Lang hoàn thành văn nghiệp đáng kể của mình ngay trước 1945 với những tác phẩm như Trong làng chạy (1935), Đời bí mật của sư, vãi (1935), Đồng bóng (1936), Làm tiền (1939), Với các ông lang (1941), Làm dân (1942), Thi vị đồng ruộng (1944)…  Năm 1954, Trọng Lang di cư vào Nam, tiếp tục hoạt động văn chương báo chí. Ông mất tại Sài Gòn ngày 29/4/1986.

 

Phóng sự "Hà Nội lầm than" của Trọng Lang

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan