Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

22:11 29/08/2021

Sức mạnh của Hollywood trong thế giới điện ảnh là không thể bàn cãi khi nắm giữ 90% doanh thu của điện ảnh toàn cầu.

Share social

PHIM ĐỘC LẬP – KẺ THÁCH THỨC CÁC QUY TẮC

HOLLYWOOD

 

 

 

Sức mạnh của Hollywood trong thế giới điện ảnh là không thể bàn cãi khi nắm giữ 90% doanh thu của điện ảnh toàn cầu. Với sức mạnh ấy, “gã khổng lồ” Hollywood có thể đặt ra các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực của riêng mình mà gần như tất cả “thần dân” của điện ảnh thế giới đều phải phục tùng nếu muốn thành công, chỉ duy nhất một kẻ nhỏ bé, nhưng đủ khả năng kháng cự lại sức mạnh ấy, đó là phim độc lập.

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Sự ra đời của kẻ thách thức “gã khổng lồ” Hollywood

 

Cụm từ “phim độc lập” vốn xuất phát từ nước Mỹ và thật ra, nó lại là một phần của lịch sử hình thành Hollywood. Kể từ khi Edison phát minh ra các máy ghi hình và chiếu bóng, ông cũng khai sinh ra nền điện ảnh của nhân loại, qua đó trở thành ông chủ độc quyền các công nghệ, thiết bị liên quan tới ngành công nghiệp điện ảnh. Người Mỹ nhận thấy tiềm năng to lớn của nền công nghiệp điện ảnh này, nhưng đa phần đều phải chịu phí thuê đắt đỏ từ thiết bị cho đến trường quay hay tất cả những gì thuộc sở hữu của Edison. Thế là vào những năm 1909-1915, một nhóm người quyết định tách ra hoạt động độc lập, và tìm kiếm một mảnh đất mới, nơi có thể thỏa sức sáng tạo điện ảnh mà không còn lệ thuộc vào Edison nữa. Nhóm các hãng phim này chính là những thành viên đầu tiên đến khai phá mảnh đất Hollywood, sau này, chính họ cũng nên kinh đô điện ảnh Hollywood ngày nay.

 

Như vậy, cụm từ “độc lập” trong điện ảnh vốn dĩ chỉ một hành động nhằm tránh sự kiểm soát của những người độc quyền. Và khi Hollywood lớn mạnh, họ tự biến mình thành những người độc quyền và cũng vô tình tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai của những hãng phim độc lập lại ra đời.

 

Đế chế Hollywood được hình thành bởi 6 hãng phim lớn (hay còn gọi là Big Six), gồm: Warner Bros., Paramount, Walt Disney, Columbia, 20th Century Fox và Universal Pictures. Doanh thu từ phim ảnh của nhóm này chiếm đến 90% doanh số hàng năm của điện ảnh toàn thế giới, và cũng chính họ đã đưa ra những công thức cố định mà chúng ta thường thấy như: phim bom tấn, ngôi sao hàng đầu, quảng bá thật rộng v.v… thì mới có doanh thu cao. Và điều tối kị của Hollywood là không bao giờ dùng tiền của chính mình để làm phim mà chủ yếu nhờ vào các mối quan hệ, mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào. Vì vậy, các nhà sản xuất luôn có những đặc quyền nhất định khi có thể tham gia vào tất cả các khâu từ chọn diễn viên, viết kịch bản cho đến chiến lược quảng bá. Và các nhà đầu tư cũng là những người đặt tiền là mục tiêu cao nhất, vì vậy tính cá nhân, sự sáng tạo và mạo hiểm là điều tối kị, hầu như không được áp dụng tại Hollywood. Do đó, đôi khi chúng ta sẽ được xem những phim bom tấn theo những kiểu cách giông giống nhau, những khung hình, tình tiết câu khách đôi khi nhàm chán nhưng vẫn được lập đi lập lại theo cái được gọi là “quy tắc vàng” của Hollywood. Và như thế, phim độc lập đi ngược lại hầu hết các quy tắc của Hollywood, bỏ qua sự tác động của các nhà đầu tư, phim thường hướng tới sự sáng tạo, tính cá nhân của riêng tác giả đã tạo nên luồng gió mới cho điện ảnh.

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Liên hoan phim Sundance – Liên hoan dành cho phim độc lập tại Mỹ

 

Có thể hiểu một cách chung nhất rằng những nhà làm phim độc lập là những người không thuộc hệ thống của Hollywood, luôn đổi mới, sáng tạo, đối đầu với mọi khuôn mẫu cũ kỹ của Hollywood, không bị Hollywood chi phối về kinh tế. Mặt khác, vì quyền lực của Hollywood quá lớn, nên khi đặt cạnh họ có thể coi tất cả phần còn lại của thế giới đều đang làm phim độc lập.

 

Cụm từ “Phim độc lập” thực ra chỉ có ý nghĩa phân biệt đơn vị sản xuất, không khẳng định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, tuy nhiên, vì khi làm phim độc lập, các nhà làm phim không hoặc ít bị áp lực thu hồi doanh thu chi phối nên họ được tự do thể hiện ý tưởng, được đề cao cái tôi sáng tạo của mình. Với Hollywood, nhà sản xuất luôn có quyền chi phối định hướng của bộ phim chứ không phải đạo diễn. Cho nên, phim độc lập thật sự là một chân trời rộng mới cho các đạo diễn thỏa sức vẫy vùng nên phim làm ra thường có được ấn tượng mạnh cho các phá cách và thể nghiệm mang tính nghệ thuật thuần túy

 

Trong lịch sử, dòng phim Loại B của Roger Corman là cú hích đầu tư khiến Hollywood buộc phải nhìn nhận lại mình. Dòng phim B ra đời khi mà các thiết bị quay phim đã được cải tiến gọn nhẹ hơn, rẻ hơn và không nhất thiết phải đầu tư lớn mới làm được phim. Những người tiên phong như nhà làm phim Roger Corman đã sử dụng những hình ảnh đậm đặc chất bạo lực và kinh dị – việc mà Hollywood chưa dám làm lúc đó – để lôi kéo khán giả đến rạp, nhất là khán giả trẻ. Và Hollywood thật sự đã phải giật mình nhận ra những bộ phim nuột nà của họ, thiếu hấp dẫn như thế nào trong mắt của phân khúc khán giả trẻ tuổi, khi đối tượng có nhu cầu xem phim nhất này tò mò và thích thú với những phim Loại B. Nhưng phim Loại B thật ra là gì? là các bộ phim có những sáng tạo đặc biệt (nhất trong về kỹ xảo), nhưng phần lớn chỉ là những cảnh máu me vô lối, gây shock lộ liễu, trên nền các câu chuyện chắp vá tạm bợ.

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Trên thực tế, Hollywood đã từng có thời lao đao khốn đốn vì có quá nhiều các bom tấn biến thành bom xịt trong những năm 60, và họ phải vời đến các nhà làm phim độc lập như Goerge Lucas, Francis Ford Coppola, Steven Spielberg để giúp hồi sinh lại kinh đô điện ảnh. Họ đã dạy lại cho Hollywood không chỉ một vài bài học quý giá về kinh doanh như làm phim phần kế tiếp (sequels), thương mại hóa các sản phẩm ăn theo như đồ chơi, sách truyện, album nhạc phim.

 

Bài học quan trọng nhất chính là phải luôn nắm bắt được nhu cầu liên tục thay đổi của khán giả, và khán giả thì ngày một đa dạng về yêu cầu thưởng thức. Ngay cả những bộ phim thử nghiệm những đề tài “khó nuốt” nhất cũng có khán giả riêng. Hệ quả, tất cả các hãng phim lớn đều đã “đẻ ra” ít nhất một chi nhánh chuyên trách về đỡ đầu và phát hành phim độc lập như Warner Independence của Warner Bros, Focus Feature của Universal…

 

Pananormal Activity – câu chuyện về bộ phim lãi nhất mọi thời đại

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Tác giả của phim, Oren Peli (sinh năm 1971) đến Mỹ lập nghiệp từ năm 19 tuổi. Oren Peli đặc biệt sợ ma trong suốt cuộc đời mình, thậm chí anh còn sợ cả những bộ phim kinh dị hài. Peli cho rằng khi đang ngủ say vào ban đêm, ta không thể biết có vô vàn những hiện tượng kỳ lạ xảy ra tương tự như hộp bột giặt, hoặc thậm chí còn ghê gớm hơn, đó là lúc ta dễ bị tổn thương nhất. Anh quyết định sẽ tự làm một bộ phim ma theo kiểu của mình, và câu chuyện Paranormal Activity ra đời.

 

Oren Peli bỏ ra một năm để sửa sang lại ngôi nhà của chính mình để làm bối cảnh quay phim. Vì không có tiền, nên Oren Peli cố gắng tập trung câu chuyện vào cảm giác của người xem hơn là những hành vi bạo lực máu me. Peli quyết định tự quay phim bằng camera cầm tay rẻ tiền, loại dùng cho gia đình. Anh dùng cách thức đơn giản và tĩnh nhất: để máy quay một chỗ với một góc máy! Peli lập luận rằng điều này sẽ giúp khán giả tập trung cho câu chuyện và nhân vật hơn. Nhưng thực chất quay kiểu đó để khỏi cần thuê một ê-kíp camera cho đỡ tốn tiền, chỉ một mình anh là đủ!

 

Peli cũng kiêm luôn cả việc casting và anh chọn được hai diễn viên vô danh Katie Featherston và Micah Sloat. Mỗi người được trả thù lao là 500 USD cho vai diễn. Tên Katie và Micah của họ cũng là tên ở trên phim. Tổng cộng có 8 diễn viên được mời đóng phim, nhưng sau này bản phát hành ở rạp đã được cắt bớt chỉ còn có 5 nhân vật (2 chính, 3 phụ). Do quá ít tiền, một lịch quay ngặt nghèo đã được đặt ra trong 7 ngày, làm việc căng thẳng suốt từ sáng đến tối mịt. Peli cắt dựng và áp dụng các hiệu ứng hình ảnh vào bộ phim ngay trong lúc quay. Cuối cùng bộ phim đã hoàn tất trong thời gian 10 ngày, tốn kém của các nhà sản xuất từ 11.000 đến 15.000 USD  kể cả tiền sửa nhà.

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Oren Peli – tác giả phim Pananormal Activity

 

Sau khi phim hoàn tất, bộ phim ra mắt lần đầu tiên tại LHP kinh dị Screamfest (Mỹ) vào ngày 14/10/2007, và phát DVD cho bất kỳ ai sẵn sàng phát hành. Nhưng chẳng ai đoái hoài tới bộ phim, thế là Peli bắt đầu lang thang mang DVD đến chào hàng từng hãng phim cho đến khi nó được giám đốc sản xuất của Dream Works - Ashley Brooks xem thử.

 

Brooks bị bộ phim gây ấn tượng đến mức cô kiên quyết yêu cầu sếp của mình là Adam Goodman phải xem cho bằng được dù bận tới đâu. Đến lượt Goodman mang bộ phim tới đề nghị Stacey Snider, lãnh đạo hãng DreamWorks, phải xem. Cả hai đều bị bộ phim thuyết phục và đi đến quyết định, đưa DVD cho “ông trùm” lừng danh Steven Spielberg xem thử!

 

Spielberg rất thích, nhưng lại bật đèn xanh cho một bộ phim làm lại với kinh phí lớn hơn, giao cho Jason Blum sản xuất và để Oren Peli đạo diễn. Tuy nhiên bước ngoặt quan trọng đã xảy đến trong khi Blum và Peli đưa ra đề nghị: trước khi quay phiên bản mới, phải đưa bản gốc ra chiếu thử vài buổi để xem khán giả thật sự phản ứng ra sao. Adam Goodman đồng ý và mời một vài nhà biên kịch tới buổi chiếu bản gốc, để họ có ý tưởng viết thêm hay bỏ bớt cái gì trong kịch bản của bộ phim làm lại.

 

Tại buổi chiếu, khi mọi người bắt đầu bước ra, Goodman sợ rằng mình đã phạm sai lầm khi cho chiếu bản gốc… Nhưng ngay lập tức ông phát hiện ra rằng, tất cả bỏ ra ngoài là vì bộ phim làm cho họ quá sợ hãi và khiếp đảm! Chính vào lúc này, Goodman đưa ra một quyết định cực kỳ táo bạo và liều lĩnh: Không làm lại phiên bản mới với kinh phí lớn nữa, mà sẽ phát hành bản gốc 15.000 USD của Oren Peli ra rạp!

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Oren Peli và Katie Featherston, Micah Sloat 2 diễn viên chính trong Pananormal Activity 1

 

Sau bao tháng ngày “hành hạ” khán giả trong rạp phim, những câu rỉ rai, truyền miệng trên các mạng xã hội bắt đầu tạo nên hiện tượng Pananormal Activity. Tổng cộng doanh thu toàn cầu của bộ phim đã lên tới 193,8 triệu USD. Như vậy Paranormal Activity đã thu được lợi nhuận gấp 645,8 lần, so với kinh phí sản xuất ban đầu là 15.000 USD! Đó mãi mãi là một tượng đài đầy kiêu hãnh của phim độc lập, cho những giá trị nghệ thuật chân chính.

 

Phim độc lập ở Việt Nam

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Bi ! Đừng sợ - phim độc lập gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam

 

Dù còn khá mới mẻ, nhưng những đạo diễn trẻ cũng đã mạnh dạn đầu tư cho những bộ phim của chính mình mà không thông qua bất kì sự tài trợ nào. Thực tế, đã có khá nhiều phim độc lập “made in vietnam” đã gây tiếng vang trên thế giới, có thể kể đến : Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng từng đoạt giải César 1993, Ba mùa của đạo diễn Tony Bùi (Mỹ) giành được ba giải thưởng: hai giải khán giả bình chọn và giải của giám khảo tại LHP Sundance (LHP độc lập của Mỹ) năm 1999 hay Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di từng nhận được giải thưởng Dự án nổi bật châu Á của PPP (Pusan Promotion Plan) tại LHP quốc tế Pusan 2007.

 

Các nhà làm phim độc lập Việt Nam, cũng như nước ngoài, thường phải đối đầu với những vấn đề như tự tìm kinh phí làm phim, tự xin tài trợ, quảng bá và công chiếu phim… Đối với Việt Nam, một vấn đề đau đầu không kém chính là… khán giả. Đơn cử trường hợp gần đây nhất là “Bi, đừng sợ!” của Phan Đăng Di, trước khi ra rạp thì kiểm duyệt, cắt xén, sau khi ra rạp thì bị những phản ứng khá gay gắt từ phía người xem và cả một số nhà phê bình. Thậm chí người ta còn đặt câu hỏi về giải thưởng quốc tế của phim. Đơn giản thôi, bởi đó là một cách tiếp cận mới, cách kể chuyện mới mà không phải ngay lập tức những khán giả vốn quen với Hollywood nhung lụa có thể tiếp nhận được. 

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

Dành cho tháng 6 – Phim của Nguyễn Hữu Tuấn

 

Nguyễn Hữu Tuấn lại là một trường hợp khác. Dành cho tháng 6 là sản phẩm đầu tay của anh chàng sinh năm 1984 này và toàn bộ kinh phí hoàn toàn do đạo diễn tự lo, dù xét về mặt quy mô chỉ bằng khoảng 50% so với các dự án phim nhà nước.

 

Ý tưởng kịch bản Dành cho tháng 6 hình thành từ năm 2006, đến năm 2007 đạo diễn mới chính thức viết kịch bản nháp đầu tiên, dự kiến năm 2008 sẽ bấm máy, nhưng do có nhiều điều chưa thật sự thuận lợi về pháp lý và kỹ thuật nên phải dừng lại đến năm 2010 mới tái khởi động, cuối cùng thì phim cũng ra rạp trong hè này và có những lời khen tích cực từ giới phê bình.

 

Có thể thấy rằng phim độc lập ở Việt Nam rất có tiềm năng, rất nhiều đạo diễn đã ấp ủ nhiều ý tưởng lạ, sáng tạo nhưng thông thường phải tạm ngưng sản xuất vì… kinh phí. Cha và con và những chuyện chưa kể (Big father, small father and other stories...) của đạo diễn Phan Đăng Di là dự án châu Á duy nhất trong số 15 dự án được mời tham dự Paris Project thuộc Festival Paris Cinema nhưng hiện tại phim vẫn nằm trên… giấy vì vẫn phải đang loay hoay tìm kinh phí. Rất nhiều dự án trong số đó là những tác phẩm chuyển thể, cụ thể như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Thuần), Mưa ở kiếp sau của Phan Gia Nhật Linh và Vũ Quỳnh Hà (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Minh Phượng), Sầu trên đỉnh Puvan của Aaron Thành (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư) hứa hẹn sẽ trình làng, nhưng lúc nào thì… chưa biết.

 

Phá bỏ các quy tắc, mở lối đi riêng cho mình bao giờ cũng là con đường chông gai và khó khăn, nhưng với tình yêu nghệ thuật, các nhà làm phim độc lập trên thế giới vẫn đang miệt mài, chăm chút cho đứa con tinh thần mang dấu ấn riêng của mình

 

Phim độc lập - Kẻ thách thức các quy tắc Hollywood

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan