Những món ăn gọi tuổi thơ ùa về

22:11 29/08/2021

Đó là tuổi thơ của thế hệ 8X, cũng không xa xưa lắm nhưng có những món vặt mà giờ nhắc lại, chúng chỉ còn trong ký ức nhiều người. Nếu nhớ những món này, ắt hẳn bạn đã có một phần tuổi thơ đáng nhớ.

Đó là tuổi thơ của thế hệ 8X, cũng không xa xưa lắm nhưng có những món vặt mà giờ nhắc lại, chúng chỉ còn trong ký ức nhiều người. Nếu nhớ những món này, ắt hẳn bạn đã có một phần tuổi thơ đáng nhớ.

 

Cà rem

 

Nhớ những buổi trưa hè, cả lũ nhóc túm tụm ngồi canh xe cà rem. Cứ đúng giờ, chú bán cà rem cứ cọc cạch xe đạp tới, từ xa đã nghe tiếng chuông và giọng rao lanh lảnh. Lúc ấy, một cây cà rem cắt khúc dài cỡ ngón tay có giá 200 đồng, đứa nào có tiền ăn “sang” thì mua 500. Còn nếu múa 1 nghìn đồng thì sẽ được cây cà rem dài đáng ganh tị. Đó là loại cà rem béo, có đậu, nước cốt dừa. Ngoài ra còn có cà rem si rô tẩm màu xanh đỏ, hút rột một cái hết si rô, chỉ còn đá trơ trọi, nhai rau ráu. Ấy thế mà món ấy từ trường học đến về nhà, thấy lúc nào cũng có con nít mê. Mà khi ăn, có đứa “hà tiện” không dám cắn, chỉ mút từ từ cho lâu hết.

 

 

Xe cà rem được tái hiện trong phim

 

 

Cà rem nguyên cây dài, mua bao nhiêu, cắt bấy nhiêu

 

Sinh tố

 

Ngày xưa không nhiều nhà có tủ đá, tủ lạnh nên người ta làm sinh tố phải để trong thùng đá hoặc thùng xốp rồi rắc muối hột, cho đá phủ lên,cho sinh tố đông lại rồi giữ lạnh để bán cho học trò. Sinh tố có nhiều loại, nào đậu xanh, đậu đỏ, sinh tố cà phê, sinh tố trái cây: mãng cầu, mít, sơ ri... Người bán đôi khi mang cả thùng đá đi dọc các lớp học hoặc ngồi cố định đâu đó, chờ đến giờ học sinh ùa ra mua. Mà khi ăn, ít đứa nào chịu mở dây thun buộc ở miệng mà cứ nhè đít bịch cắn rồi ăn từ từ, đôi khi ê cả răng. Ngày xưa yaourt làm thủ công người ta cũng cho vào bịch thế này chứ không có những hũ sữa chua ngon lành, đẹp mắt, có thương hiệu như bây giờ.

 

 

 

Sinh tố mát lạnh

 

Đậu phộng da cá

 

Giờ đậu phộng da cá vẫn được bán đầy nhưng đa phần là các quán ăn, quán nhậu mua, dọn ra để khách nhâm nhi khi chờ món chính. Nhưng ngày xưa, con nít xem phộng da cá là món thích lúc nào ăn lúc đó, đi học cũng mua ăn được, về nhà ghé tiệm mua ăn cũng được. Nhưng đậu phộng thường được người bán mua bịch to, xong chia nhỏ ra thành từng bịch nhỏ, bán cho học sinh, mỗi bịch đâu 100, 200 đồng. Cũng không biết có phải do cảm giác không mà lúc ấy, ăn đậu phộng da cá thấy béo thơm hơn đậu phộng bây giờ nhiều.

 

 

Bọn học sinh còn “sáng tạo” bằng cách cho đậu phộng vào ly si rô uống, vừa uống vừa nhai.

 

Kẹo kéo

 

Không biết ai “sáng chế” ra món kẹo kéo mà phải công nhận, món ấy vừa độc vừa ngon. Khi xưa, các xe kẹo kéo bao giờ cũng thòng thêm trò chơi “đỏ đen”, quay ô may mắn. Nếu may, có thể quay vào ô trúng gấp đôi, gấp 3, không may thì giá trị y như cũ hoặc cùng lắm là không có kẹo (nhưng hiếm). Thế là, bọn học trò đứa nào cũng quay khí thế, trúng được thì mừng như bắt được vàng. Sở dĩ gọi là kẹo kéo vì khi ăn, phải kéo ra từng khúc. Bên ngoài là lớp mạch nha giòn thơm, trong nhân là đậu phộng rang béo ngậy, ăn tuy hơi dính răng nhưng rất khoái. Bây giờ, xe kẹo kéo cũng còn, thường thấy là mấy anh vừa bán vừa hát rong ở các quán nhậu nhưng cam đoan rằng, kẹo ấy không thể ngon bằng khi xưa.

 

 

 

Kẹo kéo, khi ăn phải… kéo

 

Bánh ống

 

Khi nghe những xe máy bánh ống từ xa là trẻ con lại vòi cha mẹ mang gạo, mang đường đi “đổi” bánh. Có người còn sáng tạo cho thêm mì tôm, đậu phộng vào để khi bánh đúc ra có vị thơm, màu vàng. Không nhớ giá cho mỗi lần thục một lít gạo là bao nhiêu nhưng thấy hễ nhà nào đi đổi bánh là y như rằng sẽ vác về cả bao, ăn dần. Bọn con nít chúng tôi còn lấy bánh ra, bánh dài ngoằng, vừa ăn vừa chơi trò đánh kiếm rất vui.Thỉnh thoảng ở Sài Gòn, bạn vẫn có thể thấy cảnh tượng này nhưng khác là, người ta chỉ dừng mua bánh chứ không mang gạo đi đổi như xưa.

 

 

Chỉ cần cho gạo vào máy là bánh sẽ “ra lò” thế này

 

Bánh lỗ tai heo

 

Có nơi gọi là bánh tai mèo. Chiếc bánh nhỏ xinh, có vân hình cung đẹp mắt. Ăn bánh nhiều thì sẽ rất nóng nhưng vẫn cứ thích ăn. Thích cái cảm giác bỏ chiếc bánh cưng cứng, giòn giòn vào miệng nhai lia lịa, xong đi tìm nước uống đã đời. 

 

 

Mứt chùm ruột xỏ xâu

 

Cũng là mứt chùm ruột thôi nhưng khác là khi bán, người ta xỏ thành từng xâu dài, mỗi xâu khoảng chừng 10 trái giống như kẹo hồ lô vậy. Khi ăn, cho vào mồm rồi “tuốt” một hơi là xong. Ngày nay, mứt chùm ruột không hiếm nhưng không ai đem xỏ xâu thế này nữa, chắc tại người ta cảm thấy mất công và không được vệ sinh cho lắm.

 

 

 

Ngày xưa, mứt được xỏ xâu như thế này

 

Bấy nhiêu món đấy, chưa thể gọi là hết cả tuổi thơ nhưng chắc chắn, bạn sẽ tìm được một phần tuổi thơ của mình trong đấy.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích