Những cuốn sách của Văn học tuổi 20

22:11 29/08/2021

Mới mẻ và cuốn hút, những tác phẩm được giải Văn học tuổi 20 lần thứ năm đang được nhiều người săn lùng. Bởi lẽ, trong các câu chữ được viết bởi những người rất trẻ, độc giả có thể chiêm nghiệm và khám phá nhiều hơn về những góc khác nhau...

Mới mẻ và cuốn hút, những tác phẩm được giải Văn học tuổi 20 lần thứ năm đang được nhiều người săn lùng. Bởi lẽ, trong các câu chữ được viết bởi những người rất trẻ, độc giả có thể chiêm nghiệm và khám phá nhiều hơn về những góc khác nhau của cuộc sống hiện đại.

 

Sau 2 năm phát động, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 5 vừa khép lại với giải Nhất được trao cho tác phẩm "Người ngủ thuê” của cây bút trẻ Nhật Phi. Đây cũng là lần đầu tiên giải Nhất thuộc về một cây bút phía Bắc. Trước đó, Văn học tuổi 20 lần 1 được trao cho Nguyên Hương ở Đắk Lắk, lần 2 trao cho Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, lần 3 trao cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở TP. HCM, lần 4 trao cho Trương Anh Quốc quê Quảng Nam nhưng sống ở TP. HCM.

 

Khoan bàn về “vị trí địa lý” của các giả đoạt giả, có một điều mà ai cũng phải nhìn nhận là mùa giải năm nay ghi dấu nhiều gương mặt mới xuất hiện trên văn đàn. Ngoại trừ, tác giả Nguyễn ngọc Thuần là gương mặt quen thì những tác giả còn lại đa phần là người trẻ.

 

Trước khi trao giải, rất ít người biết Nhật Phi là ai. Bởi lẽ đây là chàng sinh viên rất trẻ của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, chỉ có 1 truyện ngắn đã in báo và 1 truyện dài - chính là "Người ngủ thuê”.

 

 

Người ngủ thuê

 

Lấy ý tưởng từ một câu nói… than thở của người bạn thân về việc không có thời gian để ngủ và lời ước “phải chi có người ngủ giùm”, Nhật Phi (tên thật là Đỗ Minh Quân) bắt tay vào viết câu chuyện vào tháng 10.2013.

 

Ban đầu, tác phẩm chỉ là một truyện ngắn, nhưng sau đó đã được Nhật Phi phát triển thành thể loại truyện dài. Bối cảnh của tác phẩm là một thế giới viễn tưởng, nơi tồn tại một công việc được gọi là ngủ thuê. Cứ ngỡ thế là hay, vì thời gian mỗi ngày tăng lên ít nhất 8 tiếng (vì không phải ngủ), nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như thế. Sự cô đơn xuất hiện nhiều hơn… Qua đó, câu chuyện đã thể hiện hành trình đi tìm lối thoát khỏi sự hoang mang, chán chường của tuổi trẻ, tìm lại ước mơ và một cuộc sống có ý nghĩa thật sự.

 

Trong những tác phẩm đoạt giải, người đọc có thể dễ dàng thấy được những nỗi buồn phảng phất. Như thằng con trai miệt rừng của Lê Minh Nhựt (trong tập truyện Gia tộc ăn đất) suốt ngày leo đọt cây để ngó về chân trời, nơi có ánh đèn thành phố và đứa con gái nó yêu đang sống tàn lụi với chiếc xe kẹo kéo hát bên lề quán nhậu. Và thằng nhỏ, như con thiêu thân cũng lao về phía ánh sáng đó, như bao trai làng gái làng bỏ rừng đi.

 

 

Gia tộc ăn đất

 

Như cô bé Mùa Đông chăn bò trong Charao mùa trăng của Nguyễn Thị Khánh Liên bị bỏ rơi lúc mới sinh, và rồi trường học cũng bỏ rơi cô, bạn thân nhất phải rời đi theo cái chữ, cậu con trai cô yêu mất hút nơi cuối dốc, niềm hi vọng bỏ rơi cô bên mép vực sâu.

 

 

Charao mùa trăng

 

Như trong Thị trấn của chúng ta, Kihmari của Nguyễn Dương Quỳnh miên man kể chuyện với một cậu bạn có biệt danh là Siêu Nhân Đỏ đã bỏ đi, về cách những đứa trẻ trưởng thành, cách đối đầu với tổn thương, kỳ thị, dối trá và mất mát. Cô gái kể, và người đọc chẳng biết cậu bạn đã biệt mù có nghe được cô không, mà giọng cứ như là tự thầm thì.

 

 

Thị trấn của chúng ta

 

Những câu chuyện họ kể “cơ bản là buồn” - như tên cuốn sách của Nguyễn Ngọc Thuần, nhưng văn không u uất, tối tăm, càng không giằng ném, cộc cằn. Có cảm giác họ đã học được cách đối mặt với cuộc đời, nên điềm tĩnh trước vui buồn, không làm quá lên.

 

 

Cơ bản là buồn

 

Với giải Nhất này, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 5 đã khép lại một sân chơi văn chương đã bền bỉ duy trì suốt gần 20 năm qua. Điều thú vị nữa là chưa kỳ nào Ban tổ chức không tìm được người trao giải Nhất. Nỗ lực phát hiện thêm những cây bút mới cho văn đàn có thể coi là sự thành công của sân chơi văn chương này. Vì thế, đúng như một thành viên trong BGK đã nói: "Cơ bản là… mừng”. Bởi như ở kỳ này, ngoại trừ một gương mặt cũ đoạt giải Nhì là Nguyễn Ngọc Thuần với tiểu thuyết "Cơ bản là buồn”, còn lại là những gương mặt mới, những cái tên lạ như: Minh Moon (Hạt hòa bình – giải 3), D. Phương Rong, Nguyễn Thị Khánh Liên, Phạm Bá Diệp…

 

 

 

 

Thông qua giải thưởng này góp phần thể hiện tài năng, bổ sung lực lượng cho nền văn xuôi đương đại của nước nhà. Với hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn, hướng tới chủ đề về con người, cuộc sống, khát vọng của lứa tuổi 20, lứa tuổi đẹp nhất, nhiều ước mơ, nhiều trăn trở và nhiều thử thách nhất, cuộc vận động đã phát huy sức tưởng tượng, sáng tạo đồng thời đề cao tiêu chí trẻ, trẻ trong nhãn quan, trong lối viết, trong thể nghiệm tìm tòi, mỗi tác phẩm đều truyền tải tới người độc những thông điệp khá sâu sắc.

 

Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người từng giành giải nhất của cuộc thi và cũng là thành viên Ban giám khảo của Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này để khép lại bài viết: “Họ, chỉ là thủ thỉ kể những câu chuyện đâu đó, không vui lắm (thời thế giờ bói đâu ra nhiều niềm vui), nhưng nếu có buồn thì cũng chẳng đến nỗi thắt ngực, nhảy lầu. Buồn trong như hơi thở, chỉ biết là có nó, và sống cùng với nó”. Đọc để cảm nhận được những nỗi buồn, và thấy mình trong cô đơn trong cuộc sống hiện đại đầy những bon chen này bạn nhé!

 

Tác giả và tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 5

 

Giải nhất: Người ngủ thuê - Nhật Phi
Giải nhì: Cơ bản là buồn -  Nguyễn Ngọc Thuần
Giải ba: Gia tộc ăn đất - Lê Minh Nhựt và Hạt hòa bình - Minh Moon
Giải khuyến khích: Urem - Người đang mơ của Phạm Bá Diệp, Charao mùa trăng của Nguyễn Thị Khánh Liên, Mất hút bên kia đồi của D, Nhiệt đới buồn của Phương Rong và Lý Hàng Khơi của Phương Nam.

 

Văn học tuổi 20 là giải thưởng văn học do Nhà xuất bản Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức. Trải qua 5 lần tổ chức, cuộc thi đã trao giải cho 49 tác giả cùng 54 tác phẩm thắng cuộc. Năm nay, cuộc thi đã nhận được 328 tác phẩm dự thi (bao gồm 149 truyện dài và 179 truyện ngắn).

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích