Nhật ký kẻ mị tình

22:11 29/08/2021

Nếu bạn là người yêu văn học Thụy Điển chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với tác giả Soren Kierkegaard. Và chắc có lẽ bạn sẽ vui mừng biết chừng nào, khi biết được tác phẩm Nhật Ký Kẻ Mị Tình của ông đã được dịch sang Tiếng Việt.

Share social

Nếu bạn là người yêu văn học Thụy Điển chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với tác giả Soren Kierkegaard. Và chắc có lẽ bạn sẽ vui mừng biết chừng nào, khi biết được tác phẩm Nhật Ký Kẻ Mị Tình của ông đã được dịch sang Tiếng Việt.

 

Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo vô song. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Một tự truyện hư cấu, có vẻ là vậy. Trong lời giới thiệu hiện đại cho Nhật Ký này, nhà văn lừng danh John Updike  nhận xét: “Trong nền văn chương bao la của tình yêu, Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một kỳ thư mê lộ - một vận dụng trí tuệ cuồng nhiệt để tái dựng một thất bại sắc tình thành một thắng lợi giáo huấn, một thương tích đeo lấy mặt nạ của một niềm kiêu hãnh”.

 

Với Nhật Ký Kẻ Mị Tình, độc giả sẽ lạc vào một thế giới phong nhiêu của huyền thoại, thẩm mỹ, tâm lý, triết lý… với một văn phong đầy biến hóa, đầy khơi gợi, ám ảnh. Từ tiêu đề, ta biết rằng ta đang tiếp xúc với một kẻ mị tình. Dần dần, ta biết rõ hơn, đó là một kẻ mị tình thông minh và tài ba. Anh ta không chỉ quyến rũ nàng Cordelia mà còn đẩy nàng tới chỗ nàng tự quyến rũ mình, tự mị mình.        

 

Và ta, người đọc, cũng bị Johannes quyến rũ, đẩy ta tới chỗ tự mị mình, chẳng khác gì nàng Cordelia ngây thơ kia. Trong mắt nàng, anh ta hiện ra “rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian” như có thể thấy trong lá thư của nàng:

 

Anh Johannes của em,

 

Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu lớn nhỏ không kể xiết. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ có độc nhất một con cừu non mà nó tự tay cho ăn, cho uống. Anh là người đàn ông giàu có đó, rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian; em là đứa con gái tội nghiệp đó, cả tài sản có được thì không gì khác ngoài tình yêu của em thôi. Anh đã nắm lấy tình yêu đó, đã vui hưởng nó. Rồi dục vọng vẫy gọi anh, và anh liền hy sinh ngay cả chút ít tài sản mà em có đó --- nhưng anh chẳng hy sinh chút gì từ của riêng anh. Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu đông đúc. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ sở hữu một tình yêu của mình.

 

Cordelia của anh  

 

Nhật ký kẻ mị tình   

 

Nàng đã ý thức được mình là nạn nhân và tình yêu tội nghiệp của nàng đang bị hy sinh vô tội vạ. Vậy đó, mà nàng vẫn tiếp tục bị lừa mị. Trong mấy câu thôi, tâm lý của nạn nhân trong tình yêu được thể hiện tột bực, lóe sáng như một lằn chớp khi Kierkegaard đưa ngòi bút của mình lướt ngang tâm hồn Cordelia. Con cừu non của nàng đã bị Johannes hiến sinh trong đền thờ Lạc thú của anh ta!

 

Và kẻ mị tình sẽ chạy đến một cô gái khác cũng chỉ sở hữu một con cừu non thôi để “hồi khởi” một lạc thú vừa cũ vừa mới, một trải nghiệm hiếu sắc khác:

 

“Tôi không muốn nhớ lại mối quan hệ của mình với nàng; nàng đã mất đi mùi hương trinh nữ, và người ta không còn ở vào cái thời mà nỗi buồn rầu của một cô gái bị người tình không chung thủy bỏ rơi biến đổi nàng thành cây hoa hướng dương.” (Quế Sơn dịch)

 

Kẻ mị tình sẽ “hồi khởi” lạc thú tận hưởng mùi hương trinh nữ ở một cô gái khác cho đến khi chính bản thân anh ta rã rời, tuyệt vọng. Chân dung kẻ mị tình và nạn nhân của nó được soi chiếu qua nhiều góc độ khác nhau: từ tự sự đến trữ tình triết lý, từ thơ ca đến huyền thoại, từ cái bi đến cái hài, từ cái phổ quát đến chủ thể tính… Chính vì thế mà Nhật Ký Kẻ Mị Tình của Kierkegaard có tầm vóc của một huyền thoại trong nền văn chương vô tận của Tình.  

 

Nhật ký kẻ mị tình        

 

Nhật Ký Kẻ Mị Tình là tác phẩm đầu tiên của Kierkegaard được dịch sang tiếng Việt và ấn hành ở Việt Nam, hy vọng mở đầu cho nhiều bản Việt dịch khác từ tác phẩm của triết gia-thi sĩ này.        

 

Nhật Ký Kẻ Mị Tình do Quế Sơn chuyển ngữ. Trong dịch thuật, ông đã từng tạo dấu ấn thành công với các tiểu thuyết “Lụa” của A.Baricco, “Người Đẹp Ngủ Mê” của Y.Kawabata, và “Nắng Tháng Tám” của W.Faulkner.

 

Văn Kierkegaard khó dịch. Nhưng qua ngòi bút của Quế Sơn, tác phẩm trở nên dễ đọc và đáng đọc. Thế nhưng tôi vẫn khuyến cáo với những bạn thích đọc vội và muốn đọc những tác phẩm nhẹ nhàng, giải trí đơn thuần thì Nhật Ký Kẻ Mị Tình chưa chắc sẽ phù hợp với bạn.

 

Nhật ký kẻ mị tình

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan