Nhà văn Như Bình gây sốt với "Bùa yêu"

22:11 29/08/2021

Tuyển tập gần 30 truyện ngắn được in trong “Bùa yêu” khắc họa rõ nét những thông điệp mạnh mẽ về tình yêu, được soi chiếu dưới góc nhìn nữ tính và dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ và đầy khát khao của nhà văn Như Bình, nhanh chóng tạo nên cơn sốt sau những ngày đầu ra mắt.

Tuyển tập gần 30 truyện ngắn được in trong “Bùa yêu” khắc họa rõ nét những thông điệp mạnh mẽ về tình yêu, được soi chiếu dưới góc nhìn nữ tính và dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ và đầy khát khao của nhà văn Như Bình, nhanh chóng tạo nên cơn sốt sau những ngày đầu ra mắt.

 

Như Bình là nhà văn nữ được độc giả nhớ đến qua 3 tập truyện ngắn “Giông biển”, “Dòng sông một bờ”, “Đêm vô thường”. Chị cũng là một trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất những năm 2000. Văn của Như Bình chải chuốt như thơ, đẫm chất lãng mạn, mơ mộng nhưng ẩn chứa trong từng con chữ là những tâm trạng với sự góc cạnh nhiều bề… Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, văn của Như Bình thường trở đi trở lại mảng đề tài thân phận phụ nữ mà “Bùa yêu” cũng không là một ngoại lệ. Tập truyện cũng đánh dấu sự trở lại của chị sau 10 năm im lặng, chuyên tâm cho công việc làm báo tại Báo Công an nhân dân. 

 

 

Những truyện ngắn của Như Bình được kết cấu theo cách riêng biệt. Khi thì chị kể chuyện người xưa bằng giấc mơ tâm linh như trong truyện “Chợ Âm phủ”. Khi thì chị kể thẳng chuyện đời éo le như trong truyện “Cô Huệ”. Khi khác lại đắm đuối dìm câu chuyện vào mang mang siêu thực như truyện “Đêm vô thường”. Nói chung là vẫn xót xa, là vẫn có éo le thành cái tạng văn chương của nữ tác giả này như truyện “Tiếng gọi câm”, “Lửa trên sông”. Có lúc lại mờ mờ nhân ảnh liêu trai như truyện “Đêm hội Chen”. Có lúc lại thắt nghẹn cay đắng nhân tình thế thái giữa hạnh phúc nhỏ nhoi gia đình với quyền lực tàn nhẫn khủng khiếp như truyện “Ám ảnh”. Có lúc thương cảm muốn òa khóc trước phận người tàn tật vẫn liều mình vượt thoát để tận hưởng giây phút ái ân như truyện “Đêm nguyệt thực”.

 

 

“Bùa Yêu” là truyện ngắn mà tên truyện được lấy để đặt cho cả tuyển tập. Câu chuyện tưởng giản dị chỉ kể về chuyện yêu đương tình cờ ở biển của chàng và nàng khi gặp gỡ. Với giai điệu thủ thỉ tinh tế, truyện đã lôi kéo người đọc vào những day trở thầm kín nhất tận đáy tâm hồn, tựa như một tiếng thở dài não nuột của phận người trớ trêu như câu thơ của những người vạn chài hát cuối truyện: 

 

“Đừng thả nỗi buồn vào sóng
Ơi con sóng bạc đầu khơi xa
Đừng dệt nỗi buồn lên tấm lưới
Người sẽ có gì ngoài nỗi khổ đau”

 

Mơ hồ đến bối rối khi đã lạc vào “Bùa yêu”. Các nhân vật trong truyện ngắn Như Bình cứ tràn trề xô dạt trong giọng văn trắc ẩn của chị. Nào là chú lính đảo vụng về bày tỏ tình cảm thô tháp của mình khiến cô phóng viên ngây thơ không đón nhận được, để lại trong lòng mãi một niềm ân hận theo thời gian qua “Hoa mua trắng”. Nào là bà mẹ khắc kỷ tạo ra một cuộc sống quá hoang tàn trong “Mùa thu”. Nào là sự cô đơn tận cùng ý nghĩ thấp thoáng nhân vật trong “Ông già biển cả” của E – Hemingway qua “Người gác hải đăng”. Nào là sự lươn lẹo, luồn lách giữa tình và quyền của nhân vật Đăng qua “Mùa nhẹ dạ”. Nào là cách ẩn dụ để bày tỏ sự bí mật của nghệ thuật mà có thể suốt đời chẳng ai làm tri kỷ qua “Vườn trăng”.

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: Suốt hai mươi năm, Như Bình không thay đổi cách lựa chọn nhân vật, không thay đổi tình yêu với những số phận thiệt thòi, bất hạnh, không thay đổi niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, không thay đổi những giấc mơ da diết, không thay đổi thái độ đối với cái ác, không thay đổi cả nỗi đa cảm của mình... Như Bình là một người đàn bà luôn hòa vào những nơi chốn bình dị, luôn lắng nghe những thân phận vô danh để rồi tìm thấy từ những nơi chốn ấy, từ những con người ấy vẻ đẹp lấp lánh của cuộc đời này. Giọng kể của Như Bình giống như những tiếng thì thầm của những người đàn bà trong những làng thôn còn nghèo khó, những khu phố bình dân sau một ngày tất bật và vất vả với trăm thứ việc, giờ ngồi xuống nói cho nhau nghe chen lẫn tiếng thở dài về chính cuộc đời của họ và những người quanh họ. Tiếng thì thầm ấy như một giọng chủ đạo của Như Bình cho dù những câu chuyện được kể không ít dày vò, không ít cay nghiệt, không ít đau đớn và không ít nổi giận. 

 

Mạch văn của Như Bình dễ đọc, trau chuốt, ngôn ngữ giàu chất thơ, điều đó chứa đựng tâm hồn lãng mạn và nữ tính của chị… Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, đọc giả sẽ thấy một Như Bình thật mãnh liệt khi đi đến tận cùng cảm xúc của những yêu thương, của những khát khao. Qua đó, người đọc sẽ tìm thấy được bản thân của chính mình, sự đồng cảm và những thông điệp sẻ chia làm cho những ai cầm quyển sách cảu Như Bình trên tay không thể buông xuống được.

 

Vào ngày 15/6 vừa rồi, nhà văn Như Bình cũng đã tổ chức lễ ra mắt sách ấm cúng với bạn đọc. Chị đã bán 150 cuốn sách là số sách nhuận bút chị đươc nhận để lấy tiền ủng hộ các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo như một cách tri ân cuộc đời.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích