Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình đi dọc sông Di

22:11 29/08/2021

Tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư được đánh giá là độc đáo, đầy tính thời sự mà cũng giàu chất thơ. Gần 2 năm từ khi gửi đến độc giả câu chuyện ám ảnh về cuộc đời của nhân vật Di ...

Share social

Gần 2 năm từ khi gửi đến độc giả câu chuyện ám ảnh về cuộc đời của nhân vật Di trong tác phẩm Khói trời lộng lẫy (NXB Thời Đại, 2010), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đưa độc giả trở về với mảnh đất của ngọn nguồn phù sa trong tiểu thuyết Sông (NXB Trẻ).

 

Khác với đa số truyện ngắn, tản văn từ trước đến nay của Nguyễn Ngọc Tư, Sông không dính líu gì đến sông nước miền Nam. Nó hoàn toàn là một dòng sông Di hư cấu. Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không muốn người đọc liên tưởng đến những gì dính líu đến những địa danh có thật.  Cô muốn người đọc đến một khung cảnh táo bạo của câu chuyện. 

 

Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình đi dọc sông Di

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Câu chuyện của quyển tiểu thuyết là chuyến du khảo sông Di của ba  người: Ân (khởi xướng và là nhân vật chính của tác phẩm), Bối (bỏ cuộc nửa chừng) và Xu.  Họ không biết nhau trước cuộc đi này.  Tác giả giải thích “Có chút nhẹ nhõm khi người ta không mang quá khứ để đến với nhau”. 

 

Bề ngoài, Ân có đầy đủ những yếu tố để sống một cuộc đời bình lặng, an nhàn: có cha mẹ, có học thức, một công việc được trọng vọng, và có tiền, ngoài ra, là một cậu con trai thư sinh, dễ gây thiện cảm. Chừng đó, đã đủ để có thể sống yên ổn về mặt xã hội. Thế nhưng, nỗi thất vọng với người tình đồng tính, là thời điểm, là cái cớ để Ân làm một cuộc soi lại toàn bộ diện mạo bản thể mình. Một cuộc khủng hoảng toàn diện. Quyết định ra đi, để quên. Hành trình đi ngược sông Di cũng là hành trình đào xới lại tâm thức, lật lại từng kỷ niệm, những “tình tiết” trong cuộc đời.

 

Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình đi dọc sông Di

 

Cuộc đi ngược sông Di ấy, song song với những thước phim trong tâm thức Ân ngược về quá khứ. Những mảnh đời, những kiếp sống, đời người, đời sông, đời của những khúc sông, đời của những huyền kỳ dọc con sông dài dặc... Dòng sông chảy về xuôi, còn những con người thì ngược lại thượng nguồn. Mỗi người đều có những thôi thúc sâu xa mà chính họ cũng không biết chính xác nó là gì.

 

Xu đi để chụp hình hoa dại, thứ hoa không lai lịch, xuất xứ; nhưng đấy chỉ là cái cớ, gã mồ côi lang thang tưởng đã khinh bạc đến tắt rụi mọi khát khao ấy, thỉnh thoảng vẫn lộ ra nỗi cồn cào đau đáu về gốc gác của mình, mà dần đến đầu nguồn thì nỗi đau đáu ấy càng tràn ra không kiềm giữ nổi.

 

Bối – kẻ nổi loạn không chịu được bầu không khí “thiếu kịch tính” trong gia đình thì đi để tìm khoái thú trong những cơn giông với những tia sét kinh hồn. Ông già đồng hành đi để tẩy rửa ký ức chết chóc. Cô gái trẻ đi để giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc với một bản thể khác không phải là mình…

 

Có những người không đủ bứt phá để đi, nhưng gửi theo những tín hiệu đau đáu: ông sếp giám đốc xuất bản khắc khoải về Ánh cũng là nỗi khắc khoải về cuộc sống thực sự mà ông ta tự đánh mất; Tú (người tình đồng tính của Ân) hướng về Ân như nỗi cồn cào về cái mà anh ta đã quyết định từ bỏ trong thẳm sâu con người mình. Chị San không đi nữa vì con người nổi loạn “điển hình” ấy đã tuyệt vọng, đã đầu hàng.

 

Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình đi dọc sông Di

 

Hành trình đi dọc sông Di của các nhân vật phô bày nên những câu chuyện của số phận

 

Dòng sông Di trở thành nơi bấu víu cho những kẻ không còn hy vọng gì ở chính mình. Nhưng chính sông Di cũng mang trong mình những vết thương. Vết thương của sông Di cũng là vết thương của những kiếp người nhỏ bé sống bám dọc con sông ấy. Soi vào dòng tự sự của Ân suốt cuộc hành trình là cuộc sống của những con người ven sông, mang hình bóng của những con người Nam Bộ vốn bao đời sống dựa vào sông. Nghèo khổ, tăm tối, hận thù, yêu đương, phản bội, đĩ điếm, chết chóc…  Đó là thân phận những con người nhỏ bé sống bám lay lắt vào sông, vô tình làm tổn thương sông và phải hứng chịu những trả thù tàn khốc của sông.

 

Nhưng có lẽ số phận của nhân vật chính Ân sau cùng mới để lại nhiều day dứt nhất. Phía cuối hành trình, cậu cũng biến mất giữa dòng sông như thể chưa từng hiện hữu. Một cuộc tìm lại hình hài khắc nghiệt khi cậu không có quyền thay đổi giới tính, không có quyền lựa chọn hạnh phúc và nhen nhóm trong trái tim yêu thương ấy là sự ghen tị, ích kỷ cũng nằm ở đỉnh điểm không thể tách rời. Sông chứng kiến tất cả và cũng cuốn đi tất cả. Mạch chuyện cứ chậm rãi như những dòng chảy nhưng lại có một sức thu hút kỳ lạ, hành trình khám phá Sông không còn là của riêng các nhân vật. Hành trình đi tìm lại con người thật của Ân, khao khát hạnh phúc của Xu, sự nổi loạn của San, vẻ buông xuôi của Tú và niềm riêng của biết bao nhiêu con người trong tác phẩm cũng có thể là của chung cho những thân phận trong thế giới phẳng này.
 


Điểm hấp dẫn của Sông có lẽ là cái duyên riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Sự mộc mạc, chân chất hiện rõ trong từng câu chữ. Dù có cố gắng nổ lực bứt phá để thoát khỏi cái bóng quá lớn của “Cánh đồng bất tận”, song chất “đặc sản” của cô vẫn còn đó. Dù rằng nó không còn là đặc sản của chỉ miền Nam, mà là đặc sản của một thế hệ nhà văn mới, tìm tòi và thử nghiệm, nhưng không phiêu lưu vô lối, bởi cô luôn lấy cội nguồn hồn quê của mình làm nơi bấu víu.

 

Nguyễn Ngọc Tư: Hành trình đi dọc sông Di

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan