Mẹo khử mùi tanh của một số loại thực phẩm

22:11 29/08/2021

Mỗi loại thực phẩm dùng chế biến thức ăn đều có một mùi đặc trưng riêng biệt. Đó có thể là mùi thơm, cũng có thể là mùi tanh hôi, nhất là thực phẩm tươi sống như thịt cá.

Mỗi loại thực phẩm dùng chế biến thức ăn đều có một mùi đặc trưng riêng biệt. Đó có thể là mùi thơm, cũng có thể là mùi tanh hôi, nhất là thực phẩm tươi sống như thịt cá. Để mùi của chúng không bám quá nặng và tạo cảm giác “khó ngửi” khi ăn, có một số mẹo vặt cơ bản sẽ giúp tống khứ những mùi khó chịu này.

 

Trong số các nguyên liệu dùng khử mùi, chanh, giấm và gừng là ba nguyên liệu phổ biến, thông dụng và có hiệu quả nhất với các mùi tanh.

 

Khử mùi của cá

 

So với cá nước mặn, cá nước ngọt có một số loài rất tanh như các loại cá da trơn, cá chép, cá lóc… Đành rằng, chính mùi tanh sẽ giúp “phân định” giữa cá này với cá kia nhưng đa phần các mùi này đều rất khó ngửi, thậm chí gây “dị ứng” cho một số người. Bạn có thể áp dụng một trong những cách sau đây để phần nào làm giảm mùi tanh của chúng.

 

Dùng nước vo gạo: Nước vo gạo vốn có rất nhiều tác dụng: có thể dùng ngâm rau để loại bỏ bớt chất độc, giúp làm sạch chén bát mà không cần dùng nước rửa chén. Ngoài ra, nếu ngâm cá trong nước vo gạo một lúc rồi vớt ra, cá sẽ bớt tanh. Thông thường, khi làm bếp tay bám mùi tanh, bạn cũng có thể rửa lại bằng nước vo gạo.

 

 

Nước vo gạo tỏ ra khá hữu dụng với mùi tanh ở cá

 

Dùng chanh hoặc giấm: Dùng nước cốt chanh hoặc giấm chà xát trực tiếp lên mình cá cũng sẽ rất hiệu quả trong việc loại bỏ mùi tanh. Nếu không, bạn có thể dùng muối hoặc rượu trắng pha loãng.

 

 

Chanh, giấm cũng giúp khử được mùi tanh ở cá

 

Khi chế biến món cá, việc kết hợp nhiều loại gia vị thơm cũng rất có ích trong việc làm giảm bớt mùi tanh như: tiêu, hành, ớt, gừng, rau cần, rau răm. Bên cạnh đó, các loại gia vị, rau có vị chua như mẻ, me, sấu, khế… nấu với cá cũng giảm mùi tanh.

 

 

Cá khi nấu với các gia vị thơm nồng, cũng giảm thiểu mùi tanh

 

Lưu ý với món cá, để tránh cảm giác “nhờn nhợn” khi ăn thì nên thưởng thức ngay khi món ăn còn nóng.

 

Khử mùi hôi lông của vịt

 

So với gà, vịt có mùi hôi lông “đậm đặc” hơn, nhất là với những con vịt còn non tơ, đang trong giai đoạn thay lông. Khi này, để khử đi mùi khó chịu đó, bạn có thể dùng muối hoặc gừng đã giã nhuyễn chà xát lên mình mình, để độ 5 phút, sau đó rửa sạch lại rồi mới chế biến. Khi nấu, vịt rất thích hợp khi đi kèm với gừng. Do đó, cho thêm gừng khi nấu món vịt vừa hợp vị, vừa giúp vịt bớt tanh.

 

 

 

Để “trị” được vịt cần có gừng

 

Khử mùi của thịt bò

 

Thịt bò thường không quá tanh nhưng nặng mùi hơn thịt heo. Do đó, với nhiều người, thưởng thức món bò khi chưa sử dụng thủ thuật giảm tanh nào cũng có vẻ rất khó khăn. Cách tốt nhất để khử mùi là rửa thịt lại với rượu. Sau khi rửa sạch thịt qua nước, nên ngâm thịt bò trong rượu trắng, để khoảng 10 phút rồi vớt ra, rửa lại lần nữa, mùi hôi của thịt sẽ giảm đáng kể. Còn muốn thịt bò chế biến mau mềm, đồng thời thơm hơn, có thể ướp một ít nước cốt thơm (dứa) vào thịt trước khi nấu.

 

 

Khử mùi ngai ngái của thịt dê

 

So với thịt bò, thịt dê có phần nặng mùi hơn, đồng thời mùi của nó cũng ngai ngái, rất khó chịu. Do đó, nếu không khử mùi tanh trước thì với nhiều người, thưởng thức thịt dê là nỗi ám ảnh lớn.

 

Để khử mùi, sau khi rửa sạch và cắt thịt thành từng miếng, bạn bạn cho vài lát dưa leo mỏng vào bóp đều trong vài phút. Nhựa tiết ra từ dưa có thể giúp khử được mùi này. Bên cạnh đó, có thể trụng sơ thịt dê trong nước sôi có vài tép sả hoặc 1, 2 khúc mía. Ngoài ra, nếu sử dụng dê để nấu món nhiều nước sau khi cắt thịt thành từng khối xong, cho vào nồi nước sôi có ít giấm. Khi sôi, bạn hớt bỏ lớp huyết đọng bọt phía trên đi. Đặc biệt, khi chế biến dê, phải sử dụng các loại gia vị mạnh để át mùi như gừng, sả.

 

 

Thịt dê vốn cũng cần những loại gia vị “mạnh” đi kèm

 

Khử mùi của rong biển

 

Rong biển có mùi tanh như cá. Do đó, người ta cũng tìm cách khử bớt mùi của nó đi. Khi chế biến rong biển, người ta hay nêm thêm dầu mè. Dầu mè vừa tạo mùi thơm, vừa át đi mùi tanh vốn có của rong. Còn khi sơ chế, để rong bớt tanh, có thể ngâm sơ qua với nước và gừng băm nhuyễn. Ngoài ra, việc kết hợp nguyên liệu khi nấu rong cũng rất quan trọng trong việc làm giảm mùi tanh của nó. Người ta thường nấu rong biển với thịt bò hoặc hải sản thay vì thịt heo hoặc gà.

 

 

Rong biển cũng có mùi tanh nên cần khử mùi khi nấu

 

 

Mè hay dầu mè cũng thường được cho vào nấu cùng với rong biển

 

Trên là mẹo khử mùi tanh một số loại thực phẩm phổ biến. Hy vọng bạn có thể áp dụng để chế biến những món ăn vừa ngon, vừa thơm.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích