Ma cà rồng - mỏ vàng của thế giới điện ảnh

22:11 29/08/2021

Từ lần đầu xuất hiện vào năm 1922 đến nay, hình tượng ma cà rồng đã tồn tại trên màn ảnh cả lớn lẫn nhỏ được 89 năm. Với “tuổi thọ” này, những con ma hút máu đang dẫn đầu danh sách những hình tượng điện ảnh có sức sống lâu bền nhất.

MA CÀ RỒNG – MỎ VÀNG CỦA THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH

 

 


Khi Eclipse, phần 3 của phim Twilight mang về cho hơn 30 triệu USD chỉ với hai suất chiếu nửa đêm và 3 giờ sáng, cả thế giới một lần nữa được chứng kiến sức hút của hình tượng ma cà rồng. Không chỉ khuấy động các phòng vé, “những kẻ hút máu” thậm chí còn đi sâu vào đời sống đến mức, một fan nữ đã thốt lên rằng: “Twilight đã hủy hoại cơ hội tôi có được một mối tình thực tế vì nó đã cấy vào tôi mong muốn phi thực tế về đàn ông”.

 

Từ những câu chuyện kể lúc nửa đêm


Tại châu Âu, ma cà rồng được người ta biết đến như một câu chuyện về những xác chết sống lại và tồn tại bằng cách hút máu người. Đôi khi chúng cũng được li kì hóa, và dần trở thành những câu chuyện kể kinh dị trong nền văn hóa châu Âu. Trong sách Những câu chuyện của giới cung đình (Contes des courtisanes) phát hành năm 1180, tác giả Cautier Map kể nhiều chuyện về ma cà rồng rất ghê rợn, như chuyện một người hung ác xứ Galles đã chết từ lâu bỗng đêm đêm sống lại trở về gọi tên từng người quen và hút máu họ đến chết.

Năm 1746, Dom Augustin Calmet xuất bản quyển sách bàn về Những hiện tượng ma quỷ và ma cà rồng cho biết ở nhiều nước như Hungari, Moravie, Silesie, Ba Lan... nhiều người được mục kích những xác chết từ lâu bỗng đội mồ trở về, cắn xé, hút máu những người thân của chúng.


Năm 1776, một nhà văn Pháp có tên là Antoine Augustine Calmet cho ra đời một tập truyện tập hợp tất cả các mẩu chuyện, sự kiện có thật về hiện tượng ma cà rồng mà ông sưu tầm được và được nghe kể lại. Liên tiếp sau đó, một loạt các hiện tượng kỳ lạ có liên quan đến ma cà rồng xuất hiện khiến các nhà khoa học buộc phải vào cuộc.

Năm 1963, một bác sĩ người Anh tên là Lee Illis đã cho ra đời cuốn sách nói về những căn bệnh liên quan đến hiện tượng mà nhiều người gọi là ma cà rồng. Trong đó, ông đưa ra một loạt các phân tích dựa trên những tài liệu mà ông đã thu thập và ghi chép lại về các hiện tượng ma cà rồng do những người trực tiếp chứng kiến kể lại.

Theo bác sĩ Lee, những hiện tượng này tuy còn nhiều bí ẩn nhưng có thể liên quan đến một số căn bệnh di truyền có tên gọi là porphyria và một số bệnh rối loạn hormon khác. Trung bình cứ 200.000 người, thì lại có một người bị mắc porphyria. Trong trường hợp một người bị mắc bệnh, thì con trai ông ta có nguy cơ bị di truyền căn bệnh này với tỷ lệ là 25%. Giống như hầu hết những căn bệnh liên quan tới gen khác, những đứa trẻ được sinh ra bởi những cặp vợ chồng có huyết thống gần nhau sẽ có nguy cơ mắc phải dạng bệnh này khá cao, nhất là các gia đình mang dòng máu hoàng tộc.

Người mắc chứng bệnh này thường có cảm giác sợ ánh sáng và luôn lẩn trốn trong bóng tối bởi khi tiếp xúc với ánh sáng, họ có thể sẽ phải chịu những đau đớn về thể xác do hemoglobin trong máu sẽ bị phân hủy dưới tác động của tia tử ngoại. Ngày nay, porphyria có thể được chữa trị dễ dàng hơn nhờ phương pháp biến đổi gen. Song nhiều năm về trước, nó là một trong những căn bệnh đáng sợ của con người. Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh phải đối mặt với những rối loạn về hormon dẫn đến tình trạng móng tay, chân mọc dài ra và quăn lại, lông mọc ra trên toàn cơ thể, lớp da quanh môi và lợi trở nên mỏng và co hơn khiến cho răng lộ ra như những chiếc nanh sói.


Cũng chính vì da và lợi bị tổn thương như vậy, nên bệnh nhân cũng rất dễ bị chảy máu ở miệng. Hình ảnh những con ma cà rồng chuyên đi hút máu trong tâm trí nhiều người cũng chính từ căn bệnh này mà ra. Tuy nhiên, những giải thích của các bác sĩ vẫn chưa thể lý giải một cách đầy đủ hết những câu chuyện về ma cà rồng và những hiện tượng kì lạ đã xảy ra trên thực tế.


Đến “mỏ vàng” của điện ảnh


Kể từ năm 1897, khi xuất hiện cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi "Dracula" của văn sĩ Ireland Bram Stoker, mô tả một dạng "người - thú" chuyên hút máu đồng loại, đã khởi sự cho "cơn sốt" ma cà rồng lan tràn trong nền văn hóa Âu - Mỹ. Tính đến nay "Dracula" đã phát hành được 22 triệu bản qua gần 40 thứ tiếng, song song là hơn 200 bộ phim thuộc đề tài "quỷ hút máu đội lốt người" đã được trình chiếu.

Lẽ dĩ nhiên giới diễn viên điện ảnh phương Tây "cộm cán" nhất cũng không thể đứng ngoài cuộc trong "cơn sốt" chung. Để thêm phần nổi tiếng, họ đã không ngần ngại thủ những vai "người - thú" độc ác, biến mình thành những "người hùng khát máu bất tử". Như Klaus Kinski chẳng hạn, anh đã tìm được "chỗ đứng" tại kinh đô điện ảnh Hollywood bằng chính vai diễn rùng rợn trong phim "Nosferatu, bóng ma buổi đêm", một "tuyệt phẩm màn bạc" của năm 1972 với nhân vật quận công – ma cà rồng Werner huyền hoặc.


Hai thập niên sau, đạo diễn gạo cội Francis Ford Coppola mang lại "phong thái mới" cho ma cà rồng. Đoạn tuyệt với lối phục sức đen tuyền cố hữu, ma cà rồng tái xuất hiện trong lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ bảy, hay chính xác hơn là cuốn phim thứ 154 về mình, dưới trang phục... "vàng ròng" có họa tiết theo lối Vizantin cổ, đính kèm là lượng đá quý trị giá 4 vạn USD! Gary Oldman, một diễn viên vô danh bỗng chốc được "cả thiên hạ biết đến" nhờ vào thứ phục sức mới.

 


Bộ phim "Phỏng vấn Dracula" trình chiếu dạo năm 1994, là một trong những tác phẩm điện ảnh "sắc sảo" do Neil Jordan đạo diễn, khiến chàng tài tử đẹp trai Tom Cruise càng thêm nổi danh qua vai trò "đao phủ của các thiếu nữ". Để hoàn thiện vai diễn man rợ này, Tom phải kiêng khem để sút đi cả chục ký trọng lượng cơ thể, cũng như tập cách... hút máu sao cho thật điêu luyện.


Tom thậm chí đã bỏ công xem hàng giờ những thước phim tư liệu về đời sống của nhiều loài thú dữ. Cẩn trọng quan sát giây phút loài hổ ngoạm cổ con mồi ra sao, nhằm tìm ra tư thế tối ưu phù hợp với vai diễn, một cuộc chiến sinh tồn của tạo hóa mà phần thắng luôn thuộc về kẻ mưu lược hơn".


 
Ma cà rồng hiện đại


Nếu những ma cà rồng “đời đầu” sống lại, hẳn họ sẽ bất ngờ với những “hậu duệ” của mình như chàng ma cà rồng trẻ tuổi đẹp trai Edward Cullen trong Twilight (Robert Pattinson đóng) hoặc chàng ma cà rồng suy tư Bill Compton trong True Blood. Giờ đây, ma cà rồng không còn đơn giản là một sản phẩm kinh dị dùng để “hù dọa” khán giả yếu tim mà đã trở thành những biểu tượng đầy ám ảnh về chính những “bản năng gốc”. “Con người chúng ta có một mối quan hệ đặc biệt với những quái vật này. Nếu bạn là một người yếu đuối và có phần ngốc nghếch thì việc bị một ma cà rồng cắn và sau đó trở thành ma cà rồng cho phép bạn làm bất cứ điều gì bạn muốn. Điều đó giải thoát bạn ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt thường ngày. Ma cà rồng là một sự trả thù tuyệt vời” – giáo sư Lynne Edwards, người nghiên cứu về hiện tượng ma cà rồng trong nghệ thuật ở trường cao đẳng Ursinus phân tích.

 


Các ma cà rồng “thế hệ mới” không phải là ma quỷ mà là những con người với khuynh hướng sống khác biệt nhưng luôn cố gắng để hòa nhập vào thế giới loài người. Và hai yếu tố mang tính người nhất trong hình tượng ma cà rồng đang được khai thác triệt để là tình yêu và kèm với điều đó, tất nhiên, là tình dục. Ma cà rồng là những con quái vật luôn có sức hấp dẫn đặc biệt từ khi nó ra đời. Chúng ẩn chứa sự trái ngược giữa sự sống và cái chết, giữa bất tử và trạng thái tê cứng, bất động. Chúng có sức mạnh và quyền năng giúp trẻ đẹp vĩnh viễn. Trung tâm của những câu chuyện về ma cà rồng luôn là một tình yêu siêu thực giữa một ma cà rồng đẹp trai, cao ráo và một phụ nữ xinh đẹp bị lôi cuốn bởi vẻ hấp dẫn của anh chàng. Nó cho người đọc cảm giác là tình yêu này có thể cứu rỗi cả hai dù nguy cơ người nữ trở thành một ma cà rồng mới là rất cao.
Từ lần đầu xuất hiện vào năm 1922 đến nay, hình tượng ma cà rồng đã tồn tại trên màn ảnh cả lớn lẫn nhỏ được 89 năm. Với “tuổi thọ” này, những con ma hút máu đang dẫn đầu danh sách những hình tượng điện ảnh có sức sống lâu bền nhất.

Bài: Hoàng Hưng

 

 

Nội dung bài viết thuộc sở hữu của Hansae Yes24 Vina Co.,Ltd

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích