Lý Tiểu Long - Ông vua của phim võ thuật

22:11 29/08/2021

"Chỉ với tay không, đôi chân và những động tác kỳ ảo, Lý Tiểu Long đã biến con người nhỏ bé của anh trở nên vĩ đại" đó là lời tạp chí Time đã dành nói về Bruce Lee - Lý Tiểu Long. Thế giới sẽ còn lâu lắm mới biết đến kungfu, lâu hơn nữa để biết đến những Thành Long, Lý Liên Kiệt...

LÝ TIỂU LONG –

 

ÔNG VUA CỦA PHIM VÕ THUẬT

 

 

 

 

 

“Chỉ với tay không, đôi chân và những động tác kỳ ảo, Lý Tiểu Long đã biến con người nhỏ bé của anh trở nên vĩ đại” đó là những lời Tạp chí Time đã dành để nói về Bruce Lee – Lý Tiểu Long. Thế giới sẽ còn lâu lắm mới biết đến kungfu, lâu hơn nữa để biết đến những Thành Long, Lý Liên Kiệt hay rất nhiều ngôi sao võ thuật khác nếu không có người Châu Á khổng lồ ấy…

 

 

Tháng 7 là tháng có một ngày kỉ niệm của những người hâm mộ võ thuật. Ngày 20/7/1973 là một ngày khó tin đối với các fan của phim võ thuật trên khắp thế giới khi các báo Hồng Kông giật tít: “Ngôi sao Kungfu Lý Tiểu Long đã đột quỵ tại nhà riêng hồi 11 giờ 30’ đêm qua”. Hàng chục ngàn người hâm mộ đã đổ về dự đám tang của Lý Tiểu Long, và đó là đám tang lớn nhất thời điểm bấy giờ trên thế giới. 38 năm sau ngày Lý Tiểu Long qua đời, hình ảnh của anh vẫn ngập tràn các trang web, đồ chơi, game, các bộ phim nói về cuộc đời anh đều cháy vé, đâu đó trên thế giới vẫn có những võ sinh thủ thế giống như anh, vẫn gào thét đầy khí thế mỗi khi ra đòn… đó là câu chuyện về một người Châu Á huyền thoại, người mang kungfu ra giới thiệu với thế giới.


Ngay cả những ngôi sao võ thuật lớn thời nay như Lý Liên Kiệt, Thành Long cũng chưa bao giờ vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm. Những ngôi sao võ thuật sau này đều không dám đi theo con đường mà bậc tổ phim võ thuật đã đi qua. Có lẽ họ đều mang tâm tư giống như Thành Long: “Tiểu Long tung những cú đá sấm sét rất cao, nên tôi chỉ còn một lựa chọn là đá thấp chân. Mỗi lần phóng ra một quả đấm, Tiểu Long lại thét lớn ... còn tôi tiếp sau những cú thụi là một gương mặt nhăn nhở cười".

 

 

 

Những ngôi sao trẻ không dám đi lại con đường mà Lý Tiểu Long đã đi, phần vì bậc tổ võ thuật có ảnh hưởng quá lớn, một phần vì những cú đòn của Tiểu Long quá hiểm, khó mà bắt chước. Võ công mà Lý Tiểu Long sử dụng được anh đặt tên là “ Triệt quyền đạo” (Jeet Kune Do). Tương truyền tháng 3/1961, năm 21 tuổi, Lý Tiểu Long trở về Mỹ để vào học khoa Triết học của Đại học Washington. Khoảng thời gian này anh đã mở lớp dạy Kungfu cho sinh viên của trường, vừa nghiên cứu tìm cách dung hợp kĩ thuật của các võ phái để phát triển một đường hướng riêng. Cuộc đời của Lý Tiểu Long cũng đầy thử thách, cạnh tranh với vô số những màn tỉ võ giống như trên phim của anh.

            


Chính vì luôn quyết đấu với rất nhiều cao thủ, Lý Tiểu Long tự nghiên cứu và nghiên cứu riêng một môn võ thuật của riêng mình. "Nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương" đã được ra đời. Triệt Quyền Đạo là một môn võ bao gồm đòn thế của nhiều môn phái như quyền Anh phương Tây, quyền Thái, Karate Nhật Bản, Taekwondo Hàn Quốc, võ Trung Hoa - Hồng Gia Quyền, Vịnh Xuân Quyền trong đó đặc biệt nhấn mạnh các kỹ thuật của Vịnh Xuân Quyền, môn võ công mà Lý Tiểu Long từng được dạy bởi danh sư Diệp Vấn, chưởng môn hệ phái Vịnh Xuân quyền Hồng Kông.

 

 

Ở Lý Tiểu Long có khí thế của người trượng phu, một người tài năng nhưng cũng rất hiếu thắng. Với khả năng thiên phú của mình, Lý Tiểu Long luôn hăng hái khi tham gia các hoạt động mang tính cạnh tranh cao. Năm 18 tuổi, với vũ điệu cha-cha-cha, anh giành giải quán quân trong một cuộc thi khiêu vũ vào năm 1958, cũng năm đó anh tham gia giải quyền Anh và đánh bại người vô địch 3 năm liền là David Kefield.


Đam mê võ thuật, nhưng điện ảnh mới là mong ước lớn nhất của Lý Tiểu Long. Anh muốn thông qua điện ảnh để giới thiệu với thế giới những nét đặc sắc của kungfu Trung Hoa. Rủi thay, ở Hollywood, một diễn viên gốc Hoa như Lý Tiểu Long không thể nổi tiếng và có thể mãi mãi sẽ là như vậy, cho đến một ngày đầu năm 1971, ông Trâu Văn Hoài - tổng giám đốc của hãng phim Gia Hoà (Golden Harvest) ở Hong Kong - cử đại diện sang Mỹ mời Lý Tiểu Long về để đảm nhận vai chính trong một phim của hãng. Cuộc đời Lý Tiểu Long bước sang trang mới, anh trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhanh nhất với chỉ … bốn phim rưỡi đã đóng trong suốt cuộc đời của mình.

 

 

Bộ phim giới thiệu tên tuổi Lý Tiểu Long chính là Đường Sơn Đại Huynh (The Big Boss) – 1971. Phim do đạo diễn nổi tiếng La Duy (Lo Wei) thực hiện tại Thái Lan chỉ với kinh phí ít ỏi là 400 ngàn đô la Hong Kong, trong đó thù lao của Lý Tiểu Long là 15 ngàn USD. Hong Kong lúc ấy đã là một cường quốc về phim võ thuật, nhưng chính họ cũng kinh ngạc trước những gì được thấy trong Đường Sơn đại huynh. Những cảnh đấm đá thật sự bằng hàng loạt những động tác liên hoàn mạnh mẽ dứt khoát, kèm theo những tiếng thét áp đảo đối thủ bắt đầu gán mác thương hiệu của Lý Tiểu Long. Đặc biệt, trong phim này biệt hiệu Lý Tam Cước của anh ra đời sau khi khán giả được chứng kiến thật sự trên màn ảnh những cú “tam cước” trứ danh mà trước nay chỉ được đề cập trong sách vở. Đường Sơn đại huynh đã phá kỷ lục doanh thu tại Hong Kong với 3,2 triệu đô la Hongkong, thổi bùng một “cơn bão vé” trên khắp châu Á. Chỉ sau một đêm, Lý Tiểu Long trở thành cái tên đứng đầu trong làng phim võ thuật.

 

 

Tinh Võ Môn (Fist Of Fury) – 1972, được xem là phim thành công nhất của Lý Tiểu Long với nội dung mang tính thúc đẩy lòng tự hào dân tộc của Hoa Kiều trên thế giới với câu nói bất hủ của nhân vật Trần Chân “ Người Trung Quốc chúng tao không phải là Đông Á bệnh phu”. Tinh võ môn đã đẩy sự hưng phấn của khán giả lên đến cực điểm, với món vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh: Chiếc côn nhị khúc. Có thể nói Lý Tiểu Long là người đã thổi hồn và đưa thứ vũ khí rất khó sử dụng này lên ngôi. Cho đến bây giờ, dù đã xuất hiện đủ loại vũ khí lạ mắt trên màn ảnh, nhưng chiếc côn nhị khúc trong tay Lý Tiểu Long vẫn là ấn tượng hấp dẫn và đẹp mắt nhất. 

 

 

Cuộc đời huyền thoại của Lý Tiểu Long còn gắn liền với những màn song đấu cực kì ấn tượng. Cảnh quyết đấu cuối cùng giữa 2 cao thủ Lý Tiểu Long với Chuck Norris - 7 lần vô địch Karate thế giới, lần đầu tiên đóng phim - tại đấu trường La Mã cổ đại Colosseum trong bộ phim Mãnh Long Quá Giang (1972)  đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem và đã trở thành một khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử phim hành động võ thuật. Ngoài ra có thể kể đến cảnh trong phim Long Tranh Hổ Đấu (1973), cuộc chiến giữa Lý và Hàn trong căn phòng treo đầy gương. Lý không vũ khí, trong khi Hàn có một bàn tay thép đầy móng vuốt sắc bén, hay cảnh Lý Tiểu Long tỷ thí với Kareem Abdul-Jabbar - một ngôi sao bóng rổ cao trên 2m - lừng lững như một ngọn tháp (ngoài đời Kareem chính là học trò của anh) trong Tử Vong Du Hí (1978).


Lý Tiểu Long cũng là cái tên đảm bảo cho những doanh thu kỉ lục của các bộ phim. Với kinh phí vỏn vẹn 1,3 triệu đô-la Hong Kong, Mãnh Long Quá Giang đại thắng với doanh thu toàn cầu là 85 triệu USD, khiến cả thế giới biết tên anh. Kinh đô điện ảnh Hollywood rúng động, ngay lập tức hãng Warner Bros đã tìm đến và mời Lý Tiểu Long cộng tác. Anh rất phấn khích trước lời mời này nên đã tạm gác lại bộ phim đang thực hiện là Tử vong du hí để bay sang Mỹ bàn bạc kế hoạch.

 

 

Trong lúc khán giả hâm mộ trên khắp thế giới đang háo hức chờ xem cuộc “hôn nhân” đầu tiên của Lý Tiểu Long với Hollywood như thế nào, thì 3 tuần trước khi bộ phim chiếu ra mắt – ngày 20-7-1973, cả thế giới bàng hoàng trước hung tin: Lý Tiểu Long đột ngột qua đời! Khi Long tranh hổ đấu công chiếu, sự thương tiếc của khán giả với ngôi sao yểu mệnh đã khiến bộ phim ăn khách nhất thế giới thời bấy giờ với 3,3 triệu đô-la Hong Kong ở Hong Kong, 25 triệu ở Mỹ, và tổng cộng 90 triệu USD trên toàn thế giới.


Lý Tiểu Long ra đi khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, để lại bao tiếc nuối trong lòng khán giả khắp thế giới, nhưng dù ngắn ngủi, nhưng những gì anh đã làm được đã trở thành bất tử, một tượng đài điện ảnh huyền thoại của người Châu Á.

 

 

 

Bài: Hoàng Hưng
 


 


 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích