Làng nghề cá khô

22:11 29/08/2021

Những con cá khô mặn mòi, phơi qua một nắng hai sương, sau khi đạt chuẩn sẽ sẵn sàng chu du từ Nam chí Bắc. Làng làm khô rất dễ nhận biết, chỉ cần lần theo mùi tanh nồng lẫn trong gió, lần dò cũng sẽ tìm được đến đúng làng khô trứ danh.

Những con cá khô mặn mòi, phơi qua một nắng hai sương, sau khi đạt chuẩn sẽ sẵn sàng chu du từ Nam chí Bắc. Làng làm khô rất dễ nhận biết, chỉ cần lần theo mùi tanh nồng lẫn trong gió, lần dò cũng sẽ tìm được đến đúng làng khô trứ danh.

 

Con khô trong ẩm thực Việt công bằng mà nói, có cái gì đó dung dị, chứa đựng cả hồn quê và cũng ngon lành quá đỗi. Cá ăn không hết trữ làm khô. Không muốn ăn cá tươi, muốn đổi vị, chuyển sang làm khô. Hoặc lắm lúc, chán ngán những món sơn hào hải vị, người ta lại quay về với bữa cơm chỉ đơn thuần có vài con khô mặn mòi rồi chan canh húp sột soạt.

 

Ở những vùng cá tôm dồi dào thì làng khô từ đó cũng mọc lên, mùi khô tanh nồng ấy đã đượm vào hơn thở, cuộc sống của bà con làng nghề. Thông thường, làng khô thường tập trung nhiều ở các tỉnh miền Tây – nơi có “vựa” cá sông, cá đồng dồi dào. Điểm qua một vài làng nghề làm khô nổi tiếng để bạn hiểu thêm về món ăn quê hương nhé.

 

Làng khô cá đồng Khánh An

 

Làng làm khô này thuộc huyện An Phú, An Giang, ngay sát biên giới Campuchia. Đây được xem là “vựa khô” lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long. Từ cá sặc, cá lóc, cá kìm, cá mè tho đến cá kèo, cá rô, không thiếu loại nào. Ngoài ra, ở đây người ta còn làm cả khô rắn. Thông thường, vào mùa lũ, cá dâng theo con nước cũng là lúc làng làm khô rộ hơn bao giờ hết. Cảnh làm cá, đánh vảy, ướp gia vị rồi đem phơi ở các sề ngoài sân cứ tấp nập như hội. Những ngày nắng to, cá phơi chừng độ một nắng là đã có thể yên tâm. Cá phơi càng lâu, càng khô thì càng trữ được dài ngày.

 

 

Nghề làm khô huy động lao động ở đủ mọi lứa tuổi

 

 

 

Khô cá lóc – đặc sản ở làng khô Khánh An

 

 

Người ta còn có cả khô rắn

 

Làng nghề cá khô Bình Thắng

 

Bình Thắng thuôc huyện Bình Đại, Bến Tre nổi tiếng với làng cá khô tương đối lâu đời. Nhờ giáp với cửa biển, có nhiều sông rạch, Bình Đại vẫn là vùng cá tôm dồi dào so với các huyện khác ở Bến Tre. Từ cá nước ngọt, nước lợ đến nước mặn đều có đủ. Ở đây, có một loại khô đặc sản là khô cá ngát, rất ngon và hiếm có khó tìm. Cá được xẻ tươi, ướp gia vị rất vừa, phơi xong cá trong, đỏ au, ăn rất ngon. Ngoài ra, cô khá đù một nắng, khô mực, khô cá đuối cũng là những đặc sản của làng. Trước đây, làng nghề vốn chỉ tập hợp những hộ làm khô nhỏ lẻ, lâu dần phát triển rộng, cung cấp khô cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Khô được phơi thủ công, tự nhiên dưới nắng nên rất ngon và được nhiều nơi ưa chuộng. Vào những ngày gần Tết, làng nghề càng nhộn nhịp để có thể cung cấp khô đủ và kịp cho thị trường.

 

 

Khô cá đù

 

 

Khô cá ngát

 

Làng cá khô Vàm Láng

 

Thị trấn Vàm Láng là nơi có cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công, gắn với làng nghề làm cá khô truyền thống. Trước đây, việc làm khô chỉ xuất phát từ ăn cá tươi không hết nên làm khô dự trữ để dùng trong những ngày mưa bão. Dần dà, những cư dân đi làm ăn xa, mang theo con cá khô quê nhà đến những vùng khác. Nhiều người ăn, thấy ngon, lại đặt làm, từ đó hình thành làng nghề cho đến giờ. Ở đây có khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá lù đù…

 

 

Chợ cá tấp nập ở Vàm Láng

 

 

Làm cá khô ở Vàm Láng

 

Làng nghề tôm khô Rạch Gốc – Cà Mau

 

Mùa làm tôm khô ở Rạch Gốc bắt đầu rộ từ tháng 11 âm lịch, khi mà những con tôm tích, tôm chì bắt đầu rộ, thị trường Tết cũng đang sôi động. Tôm khô ở đây rất ngon, có hương vị, màu sắc khác hẳn các vùng khác. Tôm trước khi phơi được luộc chín, nêm muối vừa tay rồi đem tôm đi phơi sấy. Khi phơi, phải liên tục sàng sảy cho tôm khô đều, sau đó giã tách vỏ mới “ngọt”. Sau đó, tôm được đóng gói, vô bao cẩn thận rồi đi khắp mọi miền.

 

 

 

 

Những con tôm khô ở Rạch Gốc đỏ au

 

Thời điểm sắp Tết, làng khô càng trở nên nhộn nhịp, tất bật để kịp cho ra những lô hàng đi từ Nam chí Bắc. Làng nghề làm khô cứ thế thêm khấm khá.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích