Kungfu Phở và chuyện phim ẩm thực Việt Nam

22:11 29/08/2021

Kungfu Phở có thể nói là một phim táo bạo khi là phim điện ảnh đầu tiên làm về ẩm thực Việt Nam với một bố cục nội dung nhiều tiềm năng, nhưng sau khi công chúng cứ khiến người ta tiếc nuối khi nghĩ về phim ẩm thực Việt Nam ở thời điểm hiện tại…

Kungfu Phở có thể nói là một phim táo bạo khi là phim điện ảnh đầu tiên làm về ẩm thực Việt Nam với một bố cục nội dung nhiều tiềm năng, nhưng sau khi công chúng cứ khiến người ta tiếc nuối khi nghĩ về phim ẩm thực Việt Nam ở thời điểm hiện tại…

 

 

Bạn nhớ được bao nhiêu phim về ẩm thực Việt Nam?

 

Bao nhiêu bạn đếm được số lượng phim vượt qua số đầu ngón tay ? Đó là một thực trạng đáng buồn cho thể loại phim ẩm thực của Việt Nam, bởi ẩm thực là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng cho điện ảnh. Không chỉ quảng bá tốt về du lịch, phim ẩm thực còn là sự tự hào, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc ẩn trong cách chọn nguyên liệu, chế biến, trình bày món ăn v.v… nhưng đó vẫn còn là “miền đất hoang” chưa được khai phá tốt của điện ảnh Việt Nam.

 

Hẳn rất nhiều người trong chúng ta còn nhớ lại một cảnh được biến tấu rất hay của các nhà biên kịch Hàn Quốc trong phim Boys Over Flowers: cảnh cậu con trai nhà giàu Jun Pyo học cách làm và ăn ngấu nghiến món kim chi.

 

    

Phân cảnh làm kimchi độc đáo trong phim Boy Over Flower

 

Đó là một phân đoạn hay được lồng ghép theo nội dung phim gốc. Chàng trai nhà giàu Jun Pyo sinh ra trong nhung lụa, có cuộc sống thừa mứa vật chất với đầy kẻ hầu người hạ lại đang nở những nụ cười hạnh phúc khi lần đầu tiên, tự tay anh xắn tay vào làm món kimchi và ăn một cách ngon lành. Thông qua phân đoạn này, từng công đoạn của cách làm món kimchi lướt ngang mắt khán giả mà thông qua sự thưởng thức trong hạnh phúc của các nhân vật, nó từ tốn, hằn sâu vào tâm trí của khán giả một cách vô thức mà họ không nhận ra…

 

Boy Over Flower là một phim làm lại, nhưng chính các nhà biên kịch tài năng đã biến đổi nó thành một tác phẩm đậm chất Hàn Quốc mà trong đó không bao giờ thiếu chi tiết quen thuộc trong phim xứ sở nhân sâm: kim chi. Trong rất nhiều phim Hàn Quốc, dù bất kì đề tài gì, chúng ta đều rất dễ bắt gặp món kim chi trên bàn ăn của mọi gia đình, dù nghèo hèn hay cao sang, các nhân vật dù giỏi giang hay nhút nhát cũng đều có cảnh nhâm nhi rượu Shochu một cách vui vẻ bên một quán lề đường… Đó là cách mà các nhà làm phim Hàn Quốc thể hiện niềm tự hào và tôn vinh văn hóa ẩm thực của họ. Phim ảnh mở đường để văn hóa lan tỏa và thu hút mọi người, đó là chiến lược đúng đắn của Hàn Quốc dùng để phát triển kinh tế. Chính từ đó, quần áo, nhà cửa, ẩm thực và cả tư duy Hàn Quốc lập tức lan truyền và được săn đón như những yếu tố thời thượng. Đó là lợi thế của phim ảnh mà bất cứ quốc gia nào muốn lan truyền văn hóa của mình đều cần tận dụng.

 

Không ít người trong chúng ta hăm hở đi ăn thử món kimchi cũng vì những phân đoạn phim ảnh như thế. Nhưng ẩm thực Việt Nam đã bao giờ có được vị trí trang trọng như thế trên phim ảnh chưa?

 

 

Mùi ngò gai – một bộ phim về chủ đề phở

 

Vì vậy, điểm cộng đầu tiên của Kungfu phở chính là sự can đảm khi đi tiên phong trong một lĩnh vực khó nhằn như phim ẩm thực. Trước Kungfu Phở, chỉ có series phim truyền hình Mùi Ngò Gai cũng đề cập đến phở là còn có chút dấu ấn trong lòng khán giả, nhưng phim vẫn chưa đủ tầm với món ăn Việt Nam nổi tiếng thế giới này. Là một phim chiếu rạp, Kungfu Phở chọn cách thức an toàn khi kết hợp giữa ẩm thực và võ thuật để lôi kéo khán giả với một bối cảnh giả tưởng rất tiềm năng.

 

 

Ngay đầu phim, nhà làm phim giới thiệu cuộc chiến không khoan nhượng giữa Cồ gia (Mai Sơn) và Vũ gia (Hoàng Phúc), hai môn đệ của Vân Cù đại sư để giành bí kíp nấu phở gia truyền. Ông có hai cô con gái. Con gái cả là Cô Cô (Mỹ Duyên) tính tình kỳ quái, cô con gái thứ là Vân Nhi (Mỹ Uyên), người mà hai môn đệ tranh giành, và sau trở thành con dâu nhà Cồ gia. Vũ gia giành được bí kíp và phất lên trông thấy với 69 cơ sở, còn Cồ gia làm ăn bi đát nguy cơ sập tiệm. 25 năm sau cuộc chiến lặp lại giữa Trọng, Đoàn nhà Cồ gia và Kenny Sung, Châu Nhi bên nhà Vũ gia.

 

 

Một bối cảnh rất quen thuộc với những fan ruột của phim… Hong Kong. Đó là còn chưa kể những cái tên như Cồ gia, Vũ gia và một bối cảnh, tiết tấu phim, phong cách hài cũng rất đậm nét… Châu Tinh Trì. Nếu không nói tiếng Việt, có lẽ chúng ta cũng khó biết đấy là phim Việt Nam trong một bối cảnh giả tưởng với phục trang ngẫu hứng, không giới hạn không gian và thời gian.

 

Nguyễn Quốc Duy là đạo diễn được chọn mặt gởi vàng bởi anh vốn được mệnh danh là ông vua phim quảng cáo và anh đã làm tốt món sở trường của mình. Những khung cảnh nhúng phở, nấu phở hay đơn thuần là cảnh Châu Nhi bưng tô phở cũng đều rất mượt và đẹp, đủ làm chuẩn mực để quảng cáo nhưng như thế là chưa đủ. Một bộ phim khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả cần nhiều hơn những khung hình đẹp.

 

 

 

Cốt truyện tranh đấu giành giật bí kíp giữa hai nhà Cồ gia và Vũ gia được đan xen bởi chuyện tình mang màu sắc Trọng Thủy – Mị Châu của hai nhân vật Đoàn và Châu Nhi. Đoàn vờ gia nhập Cồ gia để hòng trộm bí cướp, còn Châu Nhi vì rung động trước Đoàn mà ngây thơ đem bí kíp ra dâng cho người yêu. Đó là đúng ra là một tuyến phát triển cốt truyện chính của phim nhưng lại thể hiện quá dễ dãi khi diễn ra chóng vánh khiến khán giả chưa kịp hiểu thì hai nhân vật đã… yêu nhau rồi.

 

 

Một bộ phim ẩm thực thì món ăn phải được đề cao theo một cách rất riêng, nhưng Kungfu phở chưa thật sự làm nổi bật những tinh túy của món phở dù có dành ra… vài phút mô tả cách làm với những khung hình đẹp, nhưng nó nhanh chóng bị chìm sau những màn hài ngắn và tình tiết truyện khá lê thê. Cả câu nói được xem là chủ đề của trailer “ công phu càng cao thì nấu phở càng ngon” vẫn không được thể hiện rõ trong phim khi không liên hệ được giữa việc công phu cao thì nấu phở ngon thế nào.

 

 

Một nút thắt khác khá đáng tiếc khi không được sử dụng để chính là chi tiết: chiếc bát không trong hộp bí kíp nấu phở của Vân Cồ đại sư. Chiếc bát không hàm ý bí kíp thật sự là không có bí kíp gì cả. Chỉ có sự nỗ lực của từng người, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo không ngừng mới có thể tạo ra thứ bí kíp của riêng mình. Đó đáng lẽ là một trong hai điểm đáng được nhấn ở cuối phim nhưng lại được thể hiện một cách lờ mờ. Cũng khó trách đạo diễn khi anh chỉ là lựa chọn thứ hai và phải xử lý phần kịch bản dài lê thê từ đầu…

 

Phần “phở” được triển khai theo cách hơi tiếc, phần “công phu” chỉ ở mức tương đối, đáng tiếc nhất là cả hai phần này đều chìm bởi những tình tiết bất hợp lí, những vụn vặt trong tình huống, độ dài lê thê không cần thiết… tất cả đã khiến một cốt truyện giàu tiềm năng trở nên… đuối, một tô phở lẽ ra rất ngon đã trở thành một tô phở thập cẩm ăn liền không hơn không kém.

 

 

Có rất nhiều điều để nói về phim Kungfu Phở, nhưng khách quan mà nói, nó mang màu sắc đáng tiếc hơn là chỉ trích. Đáng tiếc vì có rất nhiều nguyên liệu để “nấu” thành một tác phẩm hay, nhưng sự nhồi nhét quá nhiều thứ hòng đáp ứng nhu cầu thương mại đã dẫn đến thất bại của phim. Mặc dù vậy, Kungfu Phở vẫn nên được ủng hộ cho sự dũng cảm khi khai phác lĩnh vực khó nhằn này trong điện ảnh. Kungfu Phở cho chúng ta thấy rằng: cái thời chúng ta chép miệng bảo bao giờ khung hình, màu sắc phim Việt mới đẹp, rực rỡ như phim Thái, phim HongKong đã qua đi… Phim Việt giờ đã làm tốt những thứ đó, chỉ chờ những kịch bản hay, có điểm nhấn là có thể sáng ngang với bất cứ phim ảnh đến từ bất kì quốc gia nào. Hy vọng sau phát súng đầu tiên, sẽ có nhiều nhà làm phim khiến mạnh dạn đầu tư hơn cho phim ẩm thực Việt Nam, một thế giới màu mỡ, giàu tiềm năng vẫn chưa được khai phá hết đối với điện ảnh Việt Nam.

 

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích