Khi bánh xèo không là của riêng người Việt

22:11 29/08/2021

Bánh xèo. Tên bánh đơn giản chỉ là cách mô phỏng lại âm thanh khi lớp bột chạm đến đáy chảo, đánh xèo một tiếng. Mộc mạc và bình dân lạ lùng nhưng lại khiến bao người nhớ thèm ghê gớm.

KHI BÁNH XÈO KHÔNG LÀ CỦA RIÊNG NGƯỜI VIỆT

Bánh xèo. Tên bánh đơn giản chỉ là cách mô phỏng lại âm thanh khi lớp bột chạm đến đáy chảo, đánh xèo một tiếng. Mộc mạc và bình dân lạ lùng nhưng lại khiến bao người nhớ thèm ghê gớm. Mãi cho đến bây giờ, người miền Trung và miền Nam vẫn tranh nhau nhận bánh xứ mình là nhất. Nhưng phân tranh làm chi khi chiếc bánh mỗi nơi mỗi khác và quan trọng là, đâu phải chỉ ở xứ ta mới có bánh xèo.

Bánh xèo Ta – bánh crepe Tây

Bánh xèo Việt dù của miền Trung hay miền Nam đều giống nhau ít nhiều ở phần bột và bột này nhất định phải có màu vàng của nghệ để khi chiên lên, bánh ươm óng một màu bắt mắt. Cái cảm giác ngồi nghe tiếng bánh đánh xèo, ngửi thấy thơm thèm cũng đủ thú vị rồi. Còn khi thưởng thức thì ôi thôi khỏi nói. Bánh giòn nóng nhân tôm nhân thịt, ăn kèm rau cải đủ loại, chấm đúng thứ nước mắm pha ngon mà quan trọng là phải cuốn bằng tay, mọi giác quan đều được huy động để thưởng thức đúng loại bánh ngon hiếm có. Nhưng ăn bánh xèo đừng quá tham vì nếu cố thì sẽ có nguy cơ ngán ứ vì dầu mỡ. Nhưng cứ như thói quen, hễ ai có dịp ăn bánh xèo là cứ thế đánh cho no căng còn bụng dạ có hạp không thì… tính sau.

Người miền Trung chiên bánh xèo trong chiếc chảo nhỏ có nắp úp mặt với lớp bột dày và giòn hơn. Bánh xèo miền Nam thì to vượt cả cái đĩa lớn, mỏng tang, bên trong là đủ loại nhân nhưng phổ biến vẫn là tôm, thịt, nấm và đặc biệt hơn hết là nấm mối. Người miền Nam dùng rau cuốn bánh xèo còn người miền Trung thì dùng bánh xèo cuốn rau kèm lớp bánh tráng bên ngoài. Dù với loại nào, cách ăn nào thì vốn dĩ, nước chấm cho bánh cũng là quan trọng nhất. Bởi, bánh có ngon hay không là nhờ nước chấm. Nước chấm chỉ đơn giản là nước mắm pha chua ngọt nhưng bí quyết nằm ở tỉ lệ và cái lưỡi của người nêm. Nước mắm ăn bánh xèo không được mặn, hơi nhạt một chút nhưng chua ngọt hài hòa. Ăn bánh xèo phải canh bánh vừa được vít khỏi chảo là lấy ngay. Khi ấy, bánh mới ngon, giòn hết mức.

Bánh xèo của người miền Nam

Bánh xèo của người miền Trung

Bánh xèo Việt ngon lẫy lừng là thế nhưng nếu xét về phương thức làm thì đây không phải là loại bánh “độc quyền” của đất nước hình chữ S dù rõ ràng, nguyên liệu, hương vị của bánh vốn rất khó lẫn. Bởi, nếu cứ theo cách gọi mô phỏng âm thanh thì trên thế giới có rất nhiều loại bánh có khả năng được gọi là bánh xèo. Và thực tế là, bánh xèo Việt có rất nhiều “bà con xa” lẫn “họ hàng gần”. Ở phương Tây mà cụ thể là ở Pháp, loại bánh có cách thức chế biến tương tự bánh xèo được gọi là bánh crêpe. Và, trong rất nhiều tài liệu nghiên cứu ẩm thực khác, người ta gọi bánh xèo là bánh crêpe Việt Nam. Bánh crêpe Pháp được làm từ bột mì, hòa với trứng sữa và cũng được tráng trên chảo nóng. Khi bánh gần vàng, người ta sẽ cho nhân vào kể cả nhân mặn lẫn ngọt. Do đó, không lạ khi người ta cho rằng, người Việt có món bánh xèo do người Pháp từng du nhập bánh crêpe của họ vào trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp đô hộ. Nghe hơi phi lý nhưng cũng không phải không có căn cứ.

Bánh crêpe Pháp

Những người bạn của bánh xèo Việt

Ngoài bánh crepe Pháp thì trên thế giới, có không ít nước cũng có món bánh gần với bánh xèo Việt. Nếu bạn đã từng thưởng thức ẩm thực Nhật Bản thì hẳn biết, loại bánh ấy có tên là  Okonomiyaki mà người ta vẫn quen gọi là bánh xèo Nhật. Đế bánh được làm từ bột khoai nghiền, nước hoặc nước dùng dashi, trứng, bắp cải xắt sợi và thường có thêm các loại nguyên liệu khác như hành lá, thịt, bạch tuộc, mực, tôm, rau củ, kim chi. Khi được đem ra phục vụ, người ta thường rưới lên bánh một lớp xốt trông giống như mayonnaise. Khi ăn, chớ nên so sánh với bánh xèo Việt bởi, như đã nói, hương vị bánh lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu chứ không phải là cách thức chế biến nữa. 

Okonomiyaki trông giống một cái pizza hơn

Người Hàn Quốc cũng có bánh xèo, gọi là pajeon, cũng được chiên từ bột, thêm nhân là mực, tôm và nhiều hẹ hoặc hành. Về độ dày thì rõ ràng hai loại bánh này “vượt mặt” hẳn bánh xèo Việt và vì thế, mức độ giòn tan cũng kém hơn hẳn.

Bánh xèo của người Hàn

Riêng ở Ấn, bánh xèo có phần bình dân hơn và được gọi là Masala Dosa. Bánh này thường không có nhân, được chiên vàng từ hỗn hợp bột loãng và ăn kèm với các món chính, trong đó có cà ri. Thỉnh thoảng, người ta cũng làm bánh có nhân để ăn kèm xốt cà chua và xốt dừa.

Bánh xèo Ấn và các loại xốt hấp dẫn

Ở phương Tây, ngoài bánh crêpe của Pháp thì còn có 1 loại bánh xèo của riêng người Nga, tức bánh blin. Đó không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là vật không thể thiếu được trong ngày lễ Maslenhitxa của người Nga. Món bánh này được làm từ bột kiều mạch, có vị hơi chua rất ngon. Ở Nga, Maslenhitxa được xem là ngày “tưng bừng, say sưa”. Ngày nay thì ngày lễ đã mất đi ý nghĩa nghi lễ của mình và trở thành một nghi thức biểu tượng của việc tiễn đưa mùa đông và đón mùa xuân về. Nhưng những chiếc bánh xèo Nga thì vẫn có mặt trong mỗi căn nhà như trước kia, và không chỉ trong ngày lễ Maslenhitxa.

 

Người Nga còn gọi bánh blin là bánh mặt trời

Một ít so sánh, một ít lien tưởng để bạn thấy được rằng, “bánh xèo” có mặt khắp nơi, còn ngon nhất ở đâu thì tùy bạn cảm nhận.

 

 

Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,Ltd

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích