James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

22:11 29/08/2021

Có lẽ khi cho ra đời tiểu thuyết Casino Royale vào năm 1953, Ian Fleming cũng không thể ngờ được rằng nhân vật của ông - gã siêu điệp viên của Cơ quan Tình báo Anh MI6 - mang bí số 007 lại có sức sống mạnh mẽ kéo dài đến nửa thế kỉ như thế

Share social

JAMES BOND - CHÀNG ĐIỆP VIÊN KHÔNG TUỔI

 

 

 

Có lẽ khi cho ra đời tiểu thuyết Casino Royale vào năm 1953, Ian Fleming cũng không thể ngờ được rằng nhân vật của ông - gã siêu điệp viên của Cơ quan Tình báo Anh MI6 - mang bí số 007 lại có sức sống mạnh mẽ kéo dài đến nửa thế kỉ như thế.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

50 năm súng ống, xe xịn và gái đẹp

 

Tập mới nhất của điệp viên huyền thoại James Bond 007 mang tên Sky fall đánh dấu cột mốc 50 năm chàng điệp viên người Anh khuynh đảo màn ảnh khắp thế giới. Trong suốt nửa thế kỉ qua, 007 đã sớm vượt mọi giấc mơ điên rồ nhất của tác giả Ian Fleming khi trở thành thương hiệu trị giá 50 tỉ USD từ doanh bán vé các tập phim, các sản phẩm ăn theo, hợp đồng quảng cáo v.v… Nhìn sự huy hoàng ở “cái tuổi 50” của James Bond, ít ai biết rằng chàng 007 đã có một quãng đường đầy gian nan trước khi bước lên màn ảnh rộng.

 

Hơn 50 năm trước Ian Fleming vẽ nên bao cuộc phiêu lưu kì thú trên trang sách cho nhân vật điệp viên của mình, mở ra cho bạn đọc thấy rằng những phát minh mới đang dần mở ra cơ hội để con người khám phá và nắm bắt lấy những cơ hội để tạo ra một cuộc sống ly kì hơn, thú vị hơn. Ian đã ấp ủ giấc mơ đưa nhân vật của mình từ trang sách lên màn ảnh, nhưng đó là một chặng đường mà ông đã vấp phải không ít chông gai. 

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Ian Fleming – cha đẻ của nhân vật James Bond

 

Những năm 1950, Fleming 2 lần cộng tác với các đài truyền hình Mỹ nhưng chỉ để làm những bộ phim điệp viên lấy cảm hứng từ James Bond. Fleming sau đó bán bản quyền điện ảnh của cuốn Casino Royale cho nam diễn viên Gregory Ratoff, nhưng anh đột ngột qua đời trước khi tiến gần tới việc sản xuất bộ phim.

 

Năm 1959 Goldfinger, cuốn thứ bảy trong bộ tiểu thuyết James Bond lên kệ sách nhưng vẫn chưa có bộ phim nào về chàng điệp viên này. Ian Fleming từng đặt hy vọng vào kịch bản James Bond, Secret Agent, một kịch bản mà ông hợp tác cùng Kevin McClory, không dựa trên tiểu thuyết mà là một câu chuyện mới về James Bond. Tuy nhiên, Hollywood lúc đó tràn ngập những bộ phim nhạc kịch Musicals lộng lẫy mà chẳng mấy khi quan tâm đến gián điệp đến mức chẳng ai thèm ghé mắt đến kịch bản James Bond, Secret Agent của ông.

 

Tháng 3/1961, Ian Fleming chấp nhận mức giá 60.000 USD cho Harry Saltzman đặt cọc trong vòng 6 tháng, trước khi quyết định thực hiện một hợp đồng làm phim từ bộ truyện James Bond (trừ cuốn đầu tiên Casino Royale), nhưng 5 tháng trôi qua trong hợp đồng mà Saltzman vẫn chưa tìm ra tiền làm phim thì Broccoli xuất hiện. Broccoli từ lâu đã có tham vọng đưa James Bond lên màn ảnh thế là ông đến gặp Saltzman và kí vào một hợp đồng thỏa thuận, theo đó Saltzman và Broccoli lập ra hai công ty: Danjaq (công ty mẹ giữ bản quyền và thương mại các bộ phim James Bond) và Eon Productions (công ty con chuyên sản xuất các bộ phim James Bond). Mối quan hệ đối tác nồng ấm giữa Broccoli và Saltzman kéo dài đến năm 1975 với 9 phim Bond, thì xảy ra căng thẳng và Saltzman bán hết cổ phần của mình ở Công ty Danjaq cho United Artists.

 

Năm 1961, Broccoli tận dụng các mối quan hệ của mình để có được một cuộc gặp ở New York với Arthur Krim, lãnh đạo hãng United Artists. Krim đồng ý cấp kinh phí chỉ hơn 1 triệu USD cho một bộ phim James Bond, Cuối cùng một thỏa thuận được thực hiện.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Dr.No – phim đầu tiên về 007

 

Khi bắt đầu triển khai sản xuất, do vấp phải vụ kiện bản quyền cuốn với Kevin McClory, cộng sự của Ian khiến họ quyết định chọn cuốn thứ sáu của Fleming, Dr.No (Tiến sĩ No) để làm phim. Dr.No được  viết vào năm 1958, lấy bối cảnh ở Jamaica, miêu tả tiến sĩ No âm mưu phá hoại các cuộc phóng tên lửa của Mỹ từ mũi Canaveral - thật trùng hợp khi cốt truyện này trùng hợp với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (1962), xảy ra đúng vào tháng mà Dr.No sau này được công chiếu đầu tiên tại Anh.

 

Dr.No nhận được những đánh giá khá dè dặt từ các nhà phê bình phim một phần vì diễn viên thủ vai Bond khi đó là Sean Cornery chưa chính phục ngay được khán giả. Nhưng những phần tiếp theo đó, 007 đã khiến ngay cả những nhà phê bình khắt khe nhất cũng không thể phủ nhận được sức sáng tạo của các nhà làm phim Điệp viên 007, trong việc xây dựng hình tượng người hùng Bond, thích nghi theo từng giai đoạn lịch sử và những biến động về địa chính trị trên thế giới.

 

50 năm trôi qua, James Bond biến đổi không ngừng với những thay đổi của tình hình thế giới. Từ cuộc chiến tranh lạnh, các nhà biên kịch và đạo diễn lại đưa James Bond đến tác chiến trong thế giới của những thế lực ngầm thời hậu cộng sản, rồi sau đó James Bond lại chiến đấu với những kẻ khủng bố sau sự kiện 11/9…. Và cứ như thế loạt phim Điệp viên 007 tiếp tục ra đời theo sức tưởng tượng vô biên của các nhà làm phim phản ánh thế giới đầy biến động này.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Sau 23 phần, 6 đời diễn viên thay nhau thủ vai, chàng điệp viên 007 giờ đây thực sự đã trở thành một tài sản văn hóa của Anh Quốc. Nhân vật nổi tiếng đến mức người Anh đã dàn dựng cảnh James Bond đã được đến đón và hộ tống Nữ Hoàng Anh đến khai mạc Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012. Bất kì sản phẩm nào dính dáng đến điệp viên 007 đều hút hàng, mỗi bộ phim mới về 007 đều được các nhãn hàng lớn xếp hàng, chen chúc nhau để được tài trợ, giành giật nhau để sản phẩm của họ xuất hiện trên phim dù chỉ vài giây.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Các kiều nữ gắn liền với hình ảnh James Bond (gọi là Bond girl)

 

Trong suốt hơn 50 năm qua, ngoài những pha hành động nghẹt thở, những bộ đồ, trang thiết bị sang trọng, một phần đã trở thành hình ảnh quen thuộc với 007 đó chính là các Bond Girl. Chỉ riêng trong 20 tập đầu, James Bond đã gắn bó với 52 người phụ nữ xinh đẹp đều là minh tinh quyến rũ nhất của từng giai đoạn. Thông thường, mỗi tập Bond đều gắn bó với 2 mỹ nhân mà một trong hai sẽ phản bội anh còn người kia sẽ hỗ trợ anh hoàn thành nhiệm vụ. Tuy thế, Bond chưa bao giờ tỏ ra thắm thiết với bất kì người đẹp nào trừ Vesper trong Casino Royale (2006). Cứ thế, những người đẹp trở thành phần không thể thiếu cho độ hút khách của các tập phim về chàng điệp viên người Anh. 

 

Tháng 9/2010, cuốn “MI6 - Lịch sử cơ quan tình báo bí mật” của sử gia Keith Jeffery, Giáo sư đại học Queen’s University ở Belfast vén bức màn bí ẩn của lực lượng tình báo nước ngoài của Anh Quốc (MI6), những thành quả và phi vụ bất thành của họ trong suốt khoảng thời gian từ 1909 đến 1949, đây chính là giai đoạn vô cùng phức tạp khi chính trị thế giới luôn đặt trong chảo dầu sôi, và an ninh hòa bình của các dân tộc phụ thuộc nhiều vào những phi vụ tình báo trong bóng tối. Đặc biệt, 007, con át chủ bài của MI6 cũng được hé lộ ra ánh sáng, rằng anh không chỉ là một nhân vật hư cấu mà theo tác giả, 007 được xây dựng từ một nhân vật có thật trong lịch sử tình báo Anh - Wilfred Biffy Dunderdale.  Câu trả lời còn chưa chắc chắn thì cuốn sách này đã “cháy hàng”, một sản phẩm ăn theo James Bond nữa đã thành công.

 

Daniel  Craig – chàng điệp viên đặc biệt

 

Trong Skyfall, tập phim thứ 23 của James Bond, Daniel Craig tiếp tục giữ vai 007, đây cũng là lần thứ 3 anh thủ vai này. Ở thời điểm này chắc sẽ không ai phàn nàn gì, nhưng cách đây 6 năm , trong lần đầu tiên Daniel khoác lên mình vẻ lịch lãm của Bond đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử phim về 007.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Daniel Craig trong Casino Royale

 

Trước khi Daniel Craig được chọn vào vai James Bond, có 5 diễn viên từng thủ vai chàng điệp viên nổi tiếng này. Đó là Sean Connery, George Lazenby, Roger Moore, Timothy Dalton, Pierce Brosnan. Cả 5 người đều rất phù hợp với những gì Ian Fleming đã mô tả về nhân vật con cưng của mình, hào hoa, phong nhã, quyến rũ; bình thường thì cẩn trọng, chậm rãi nhưng trong các tình huống hiểm nghèo lại ứng phó rất linh hoạt. Chính vì thế, những cơ bắp cuồn cuộn, vẻ ngoài lạnh lùng có phần hơi thô của Daniel đã tạo nên những lời chê bai ngay khi bảng phân vai cho Casino Royale xuất hiện. Khi các thế hệ điệp viên 007 đã mặc định hình thành trong suy nghĩ, tưởng tượng của người hâm mộ về sự trang nhã, đa tình, hào hoa, mái tóc đen nối bật…là khí chất riêng và phong cách đặc trưng không thể trộn lẫn của những đặc viên bí mật thì Daniel Craig hoàn toàn khác biệt. Dư luận không ngừng phản đối, các fan trung thành liên tục phủ nhận những nỗ lực mà Daniel Craig đã bỏ ra. Họ đều cho rằng nhà sản xuất đã nhầm lẫn khi lựa chọn một nam diễn viên tóc vàng, chiều cao thấp nhất (1m78) trong tất cả những ngôi sao từng thủ vai 007. Daniel đã gặp vô số sức ép trước khi nhận vai bởi lẽ nếu thất bại anh sẽ khai tử sự nghiệp của mình vừa mới nhen nhóm phát khởi và đặt dấu chấm hết cho giấc mơ điện ảnh đỉnh cao.

 

“Họ không thích tôi hóa thân thành James Bond. Họ nghĩ tôi không phải là người thích hợp để đóng vai thần tượng của họ. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. Họ si mê điệp viên 007 và tôi hiểu cảm giác ấy. Tôi biết rằng tôi phải cố gắng hết sức để họ thay đổi suy nghĩ". Đó là lời Daniel Craig đã nói trong một bài phỏng vấn khi bất ngờ được chọn thay thế lãng tử Pierce Brosnan tham gia phần phim thứ 21 về điệp viên 007 lừng danh. 2005 là thời điểm khó quên, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ngôi sao hạng B – Daniel Craig. 

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Từ một anh chàng chuyên trị những vai phụ, thứ chính trong những bộ phim kinh phí ít ỏi, làng nhàng. Một chàng diễn viên mưu sinh tại Hollywood khắc nghiệt chỉ bằng quả tim bỏng rực ước mơ, khao khát được gói ghém kỹ lưỡng với một ngoại hình trung bình khá, không có nhiều ưu điểm đáng ngưỡng mộ trên khuôn mặt. Sự thiếu hụt về nhan sắc bên ngoài đã được anh bồi đắp và khắc phục bằng những kỹ năng, tài nghệ diễn xuất. Bản sắc của một lối diễn đẹp, thiên về nội tâm với những chuyển hóa xúc cảm rất phức tạp đã thành điểm mấu chốt “hút” khán giả trong hình ảnh điệp viên 007 do Daniel thủ vai. Sự sâu sắc và vị nghệ thuật của hình tượng James Bond được Daniel nâng lên một tầm cao mới. Nếu cứ theo đuổi mãi một hình tượng chàng điệp viên đẹp trai tài hoa, sử dụng vũ khí công nghệ cao, luôn vây quanh bởi những người đẹp thì 007 vẫn chỉ là một bộ phim thần tượng, không hơn không kém. 007 của Daniel được khắc họa như một con người phi thường mà có những nét rất đỗi bình thường. Anh cũng đã yêu hết mình và bị chính người yêu phản bội, anh cũng chủ quan khinh địch mắc bẫy đối thủ để rơi vào trạng thái cận kề cái chết, anh cũng thất bại và định giải quyết thời cục theo cách của riêng mình.

 

Không màu mè, kiểu cách và đặc biệt rất nam tính. Daniel đã thổi một ngọn gió lạ, mang tới một hơi thở mới trong lành và đầy khí chất cho nguyên mẫu James Bond. Phá vỡ những quy tắc hình tượng cổ điển, Daniel đã chứng minh điệp viên 007 đôi khi không cần tóc phải đen, không cần quá cao và sở hữu ánh mắt hút hồn..vẫn có thể thu phục trái tim người khác. Anh là biểu tượng cho vẻ nam tính mộc mạc, thông minh, kiên định – những đặc điểm mới của điệp viên hiện đại.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

Thành công của Daniel chính là sự thể hiện con mắt tinh đời của những nhà làm phim khi hâm nóng lại một hình tượng cũ, phá bỏ sự quen thuộc mà vẫn khiến khán giả bị mê hoặc. Rất có thể Skyfall sẽ là phần cuối cùng mà Daniel thủ vai chàng điệp viên hào hoa và đến lúc các nhà sản xuất lại đau đầu chọn người kế tục sự nghiệp lẫy lừng của 007, tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn bây giờ hãy thưởng thức một 007 của riêng Daniel Craig.

 

James Bond - Chàng điệp viên không tuổi

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan