JAMES CAMERON - Ông vua của phim khoa học viễn tưởng

22:11 29/08/2021

Con tàu Titanic huyền thoại chìm dưới đáy đại dương sâu thẳm một hôm bỗng bừng thức dậy bởi một câu chuyện tình lãng mạn. Người đánh thức huyền thoại về con tàu ấy không ai khác hơn là James Cameron, người thuyền trưởng dẫn dắt con tàu định mệnh tới kỉ lục 11 giải Oscar...

JAMES CAMERON –

 

ÔNG VUA CỦA PHIM KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG

 

 

 

 

 

Con tàu Titanic huyền thoại chìm dưới đáy đại dương sâu thẳm một hôm bỗng bừng thức dậy bởi một câu chuyện tình lãng mạn. Người đánh thức huyền thoại về con tàu ấy không ai khác hơn là James Cameron, người thuyền trưởng dẫn dắt con tàu định mệnh tới kỉ lục 11 giải Oscar vô tiền khoáng hậu.

 

 

 

James Cameron tên đầy đủ là James Francis Cameron sinh ngày 16.8.1954 tại Kapuskasing, Canada. Năm 1971, ông chuyển sang sinh sống ở Mỹ và đã tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học California. Trong lúc học tại khoa Vật lý tại California, James đã tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận kho lưu trữ phim của trường đại học này. Sau khi tốt nghiệp, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, James chọn học tiếp tục ngành Triết học tại đại học Toronto vào năm 1973, một ngành ít có liên quan đến nền tảng khoa học tự nhiên của ông.

 

Năm 1977, sau khi xem được kịch bản gốc của bộ phim Star Wars, James Cameron quyết định dấn thân vào điện ảnh. Ngay sau đó, ông đã cùng với hai người bạn của mình viết một kịch bản dài 10 phút có tựa đề là Xenogenesis do chính họ bỏ tiền túi ra để thuê máy ảnh, ống kính, các thiết bị chiếu phim để thực hiện. Bộ phim tuy không ra mắt khán giả, nhưng đó chính là bước đầu tiên để James tiến vào thế giới điện ảnh, báo hiệu ông vua của phim khoa học viễn tưởng sắp xuất hiện.

 

 

Sự nghiệp của James Cameron đánh dấu bằng hầu hết những bộ phim khoa học giả tưởng ăn khách với những kĩ xảo được sử dụng một cách tinh tế và gây hiệu ứng tốt đối với giới phê bình phim cũng như đối với khán giả trên toàn thế giới.

 

Bộ phim đầu tiên mà ông tham gia với vai trò chỉ đạo nghệ thuật và phụ trách dựng những mô hình thu nhỏ là phim Battle Beyond the Star (1980) của Roger Corman. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò này ở các phim như Escape from New York, Galaxy of Terror.

 

 

Kinh nghiệm trong những năm tháng này giúp James Cameron có kiến thức nền phong phú về các phim khoa học viễn tưởng, kết hợp với khả năng sáng tạo độc đáo của mình, ông bắt tay vào viết những kịch bản của riêng mình. Năm 1984, ông viết và đạo diễn cho phim Terminator (Kẻ hủy diệt phần I).

 

Bộ phim thành công và góp phần đưa tên tuổi của siêu sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger trở nên quen thuộc với khán giả. Terminator sau này ra tiếp các phần 2,3,4 đều thắng lợi về doanh thu và được xem là điển hình cho thể loại phim khoa học giả tưởng.

      

 

Các bộ phim của James Cameron thường vượt quá giới hạn kinh phí tại thời điểm sản xuất, nhưng kịch bản của James thường thuyết phục được các nhà đầu tư vì doanh thu thường đạt được gấp 3,4 lần vốn bỏ ra. Một trong những thành tựu để đời về doanh thu cũng như nghệ thuật của James Cameron chính là Titanic. James bị quyến rũ bởi những xác tàu đắm, ông thậm chí còn viết riêng một lý giải của mình về nguyên nhân tàu đắm.

 

Ông cho rằng việc làm phim chỉ nhằm làm sống lại trong lòng khán giả một sự kiện lịch sử đã từng xảy ra, những nhân vật đáng yêu như Jack và Rose cùng tình yêu của họ tô điểm thêm tính bi thương cho số phận của con tàu. Để thực hiện bộ phim Titanic, James đã đến gặp hãng 20th Century Fox và thuyết phục họ làm phim dựa trên tính lan truyền của tư liệu bằng cách quay phim chính bản thân xác tàu đắm và bố trí một nhóm thợ lặn thăm dò xác tàu Titanic trong hơn hai năm ròng.

 

 

Trong năm 1995, thợ lặn quay tới mười hai lần liền tại biển Đại Tây Dương, thời gian tiêu tốn cho con tàu còn nhiều hơn với hành khách của nó. Trong khi Cameron xây dựng kịch bản thì các cộng sự của ông bắt đầu công cuộc tái tạo lại con tàu huyền thoại. Công ty Fox khởi công xây dựng một trường quay mới vào ngày 31.5.1996 trên 40 hec-ta hải phận miền Nam của Playas deRosarito ở Mexico. Một bể nước có sức chứa bảy triệu ga-lông đã được xây lên dành cho ngoại hình của con tàu tái dựng, cho phép một góc nhìn trên đại dương rộng 270 độ.

 

 

Con tàu đã được dựng lên với cỡ lớn thật, tuy nhiên nhóm thiết kế đã bỏ đi những phần thừa thải của kiến trước thượng tầng và đưa tầng hầm về phía trước để con tàu có thể nằm vừa trong cái bể, trong khi những phần còn lại được bù bằng các mô hình kỹ thuật số. Bên trong tàu là một sàn nâng cao hơn 15m để cho con tàu nghiêng đi trong loạt cảnh tàu chìm. Hàng triệu ga-lông nước, hàng trăm con người, vật lộn trong các bối cảnh đan xen lúc tàu chìm, một câu chuyện tình lãng mạn như đóa hồng rực lên trong đám tro tàn…

 

James Cameron không chỉ mê hoặc khán giả bởi sự vĩ đại của con tàu mà còn khiến họ lưu luyến màn ảnh bởi cuộc chia ly của hai con người trẻ tuổi. Kết quả, Titanic giành 11 giải Oscar, nhiều giải nhất trong lịch sử Oscar cho một bộ phim và doanh thu gần 1,8 tỷ USD trên toàn cầu, cao nhất mọi thời đại trước khi nó bị Avatar, một phim khác của James Cameron, đánh bại về doanh thu.

 

 

Avatar là bộ phim đánh dấu sự trở lại của James Cameron sau hơn mười năm vắng bóng. Với kinh phí sản xuất 300 triệu USD cùng một bước tiến đáng nhớ về kĩ xảo 3D, mở ra một chương mới trong ngành công nghiệp điện ảnh.

 

 

“ Chúng tôi sẽ thổi bay bạn về nơi mà bạn chưa từng thấy bao giờ”- James nói về bộ phim – “ Mục đích của tôi là khơi lại cảm giác kinh ngạc và thán phục trong mỗi chúng ta, cái cảm giác khi mà thế hệ chúng tôi lần đầu xem A space Odyssey hay Star Wars” . Và James không nói quá khi Avatar gây kinh ngạc cho khán giả không phải về chất lượng hình ảnh 3D mà vì hiệu ứng kĩ xảo quá thật.

 

 Những sinh vật lạ lẫm tại hành tinh Navi được James tạo ra đều khiến khán giả sững sờ về một thế giới lung linh, huyền ảo. Bộ phim gây cơn sốt trên toàn cầu và chỉ sau một tháng công chiếu, bộ phim ghi một dấu mốc mới trong lịch sử điện ảnh: vượt mốc 1,8 tỷ USD trên toàn cầu do Titanic nắm giữ hơn 12 năm, đồng thời,mở ra kỉ nguyên của phim 3D.


Thật ra, công nghệ hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của James. Ông phải tự tạo ra một máy quay cầm tay thế hệ mới, giống như ghép hai máy quay lại. Mỗi máy ghi những hình ảnh khác nhau của cùng một cảnh, với sự hỗ trợ của kính 3D, khán giả sẽ thấy màn hình có độ sâu giống như họ đang ngắm thế giới trên một khung cửa sổ. James Cameron đã ấp ủ dự án Avatar suốt 15 năm, và ông trình làng với thế giới với cách không thử hoành tráng hơn. Sau những thành công vang dội, đạo diễn 57 tuổi này vẫn im lặng, bí mật với những dự án của riêng mình, còn khán giả thì vẫn háo hức chờ đợi những cột mốc kĩ xảo mới mà James sẽ tạo ra.

 

 

 

 

Bài: Hoàng Hưng
 


 
Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,Ltd

 


 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích