Independence Day: Resurgence – cuộc tái chiếm bất thành

22:11 29/08/2021

20 năm sau thất bại của lần đầu tiên xâm chiếm Trái Đất, những người ngoài hành tinh một lần nữa được các nhà sản xuất cho tấn công Trái Đất lần hai, nhưng đó tiếp tục là một nỗ lực bất thành của những kẻ xâm lăng lẫn những người muốn đem thương hiệu Independence Day tái chiếm thế giới điện ảnh.

20 năm sau thất bại của lần đầu tiên xâm chiếm Trái Đất, những người ngoài hành tinh một lần nữa được các nhà sản xuất cho tấn công Trái Đất lần hai, nhưng đó tiếp tục là một nỗ lực bất thành của những kẻ xâm lăng lẫn những người muốn đem thương hiệu Independence Day tái chiếm thế giới điện ảnh.

 

 

Đúng 20 năm trước, Independence Day ra mắt khán giả toàn cầu và tạo nên một dư chấn khủng khiếp cho thể loại phim viễn tưởng – thảm họa. Với kinh phí chỉ 75 triệu USD, bộ phim nhanh chóng càn quét các rạp phim với tổng doanh thu toàn cầu hơn 800 triệu USD. Người ngoài hành tinh vốn đã xâm lăng Trái Đất từ lâu trong thế giới điện ảnh, nhưng những hiệu ứng lẫn cốt truyện hấp dẫn đã khiến Independence Day tạo nên một tượng đài vững chắc trong lòng người hâm mộ.

 

 

Independence Day (1996)

 

Independence Day (1996) lần đầu mang đến nỗi khiếp sợ các thế lực vượt xa tầm hiểu biết của nhân loại trên màn ảnh. Nơi có những chiếc tàu mẹ (mother ship) to lớn bằng cỡ vài thành phố, có những sinh vật kì quái, những vũ khí hiện đại đã lấn áp hoàn toàn nhân loại trong cuộc tấn công không báo trước. Ở thập niên 90, lần đầu tiên khán giả cảm thấy áp lực của thảm họa toàn cầu trên màn ảnh rộng, nơi họ gần như cảm nhận được cái nắm tay của toàn nhân loại trong công cuộc chống lại kẻ thù ngoài hành tinh. Bộ phim là nỗ lực không khoan nhượng của nhân loại trước thảm họa diệt chủng, nơi có những người gan dạ như phi công Steven Hiller (Will Smith), nhà bác học David Levinson quái đản nhưng tài ba và đặc biệt là vai trò của tổng thống Mỹ Thomas J.Whitemore.

 

 

Điện ảnh Mỹ thời thương mại rất hiếm phim có “tính chất tuyên truyền”, nhưng Independence Day đã làm quá tốt cả công tác “tuyên truyền” về ngày độc lập của nước Mỹ lẫn doanh thu của một bộ phim bom tấn. Nút thắt cao trào của phim chính là khi các nhà khoa học tìm ra điểm yếu của các tàu chiến ngoài hành tinh và nhân loại quyết định làm cuộc phản công vô tiền khoáng hậu, với bài diễn văn vĩ đại của nhân vật tổng thống Mỹ Whitemore.

 

 

Thomas cầm lấy micro và nói:

 

"Chào buổi sáng...Chào buổi sáng..."
Mọi người chợt bừng tỉnh, như được đánh thức bởi giọng nói quen thuộc - Thomas J. Whitmore tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ bằng xương bằng thịt ở trước mắt họ, không còn gì để mất ông nói...

 

"Trong chưa đầy một tiếng nữa, các phi cơ ở đây sẽ gia nhập với nhiều lực lượng khác trên toàn thế giới. Và các bạn sẽ là một phần trong cuộc không chiến lớn nhất lịch sử nhân loại..."

 

"Nhân loại, từ đó sẽ được chúng ta định nghĩa lại trong hôm nay...Mọi người không thể chìm đắm trong sự khác biệt sắc tộc nhỏ nhoi nữa, ta sẽ đoàn kết lại vì lợi ích chung !"

 

"Có lẽ là định mệnh bởi hôm nay là mùng 4 tháng 7, và các bạn một lần nữa chiến đấu vì TỰ DO của chúng ta. Không phải chống lại sự CHUYÊN CHẾ, ÁP BỨC hay BÓC LỘT...mà là sự HUỶ DIỆT."

 

"Chúng ta sẽ chiến đấu vì QUYỀN ĐƯỢC SỐNG !...ĐƯỢC TỒN TẠI !...Và nếu chúng ta chiến thắng, ngày 4 tháng 7 sẽ không còn được biết đến như một ngày lễ của nước Mỹ...mà là ngày THẾ GIỚI CÙNG CHUNG TIẾNG NÓI !"

 

"CHÚNG TA SẼ KHÔNG IM LẶNG RA ĐI TRONG ĐÊM TỐI ! CHÚNG TA KHÔNG TAN BIẾN MÀ KHÔNG ĐẤU TRANH ! CHÚNG TA SẼ TIẾP TỤC SỐNG ! CHÚNG TA SẼ TỒN TẠI !..."

 

"HÔM NAY ! KỈ NIỆM NGÀY ĐỘC LẬP CỦA CHÚNG TA !!!"

 

 

Bài diễn thuyết ngẫu hứng của Thomas thành công đến độ lọt vào "TOP 10 BÀI DIỄN VĂN CHIẾN TRANH TRUYỀN CẢM HỨNG NHẤT HOLLYWOOD", mọi công dân được nạp dư năng lượng và nỗi khiếp sợ kẻ thù ngoài hành tinh bỗng trở nên nhỏ bé hơn so với bề dày lịch sử của người Mỹ...

 

Lúc bình minh ló dạng, trong khi mọi người chia tay người cha, người chồng, người con, người tình của họ cho một cuộc tử chiến viễn tưởng; Tổng thống Thomas - ông diện trang phục phi công, bước vào buồng lái F18 và sẵn sàng nhả đạn hay phóng tên lửa vì nghĩa vụ của một công dân ĐỊA CẦU. Whitemore có lẽ là tổng thống Mỹ ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, bởi ông là đại diện cho nhân loại lúc này, có mất mát đau thương khi mất đi người thân trong cuộc tấn công đầu tiên, có lo âu, có quyết tâm và còn gì tuyệt vời hơn khi một tổng thống dẫn đầu cuộc chiến !

 

 

Bộ đôi phi công ngông và nhà khoa học hài hước tạo nên thành công của phần đầu

 

Bên cạnh Whitemore là cái ngông ngông của anh phi công Steven, sự láo cá của nhà khoa học David, cùng cuộc tổng phản công toàn diện, hoành tráng đã tạc nên tượng đài huyền thoại cho Independence Day.

 

Tất cả vinh quang mà phần trước đạt được là không kể xiết, nhưng 20 năm sau, nó đã là một câu chuyện khác…
Đúng 20 năm đời thực, thế giới của Independence Day cũng đã trải qua 20 năm, có những người đã mất (phi công Steven), có những người vẫn tiếp tục (David Levision), có những người kế thừa, nhưng điểm chung là nhân loại đã làm hết tất cả để không bị bất ngờ thêm một lần nào nữa trước những cuộc tấn công từ bên ngoài vũ trụ. Nhưng sự trở lại của Independence Day có lẽ sẽ không như ý muốn của các nhà sản xuất.

 

 

Đầu tiên, chính là việc thiếu vắng Will Smith. Cái chất ngông cuồng, gan dạ mà Will Smith thể hiện qua vai diễn của mình đã trở thành một trong ba yếu tố trụ cột của Independence Day. Mặc dù đã được các nhà sản xuất thay thế bằng con trai của nhân vật Steven, cũng là một phi công da màu gan góc, nhưng tất cả chỉ làm khán giả mới và đặc biệt là fan ruột cảm thấy sự thiếu vắng của Will Smith càng lớn thêm.

 

 

Kế đến, chính là tâm lý của khán giả. 20 năm trôi qua, với kĩ xảo tiến bộ vượt bậc của giới điện ảnh, khán giả lần lượt được chiêu đãi đủ loại chiến tranh trên màn ảnh, Trái Đất liên tục “bị xâm lược” hết lần này đến lần khác, kẻ thù của nhân loại cũng đã xuất hiện vô số, đa dạng, đủ mọi cấp độ khủng bố, tàn khốc… Tóm lại, lợi thế của Independence Day ngày xưa đã mất. Mặc dù kĩ xảo của họ cũng hoành tráng không kém, chiếc tàu mẹ của người hành tinh giờ thậm chí đã to thành tầm cỡ một châu lục, nhưng cái choáng ngợp, kinh khiếp đã không còn được như ngày xưa. Independence Day trong ngày trở lại không thể dựa vào những cái cũ, những hình ảnh kĩ xảo cũ bởi khán giả đã quá no nê trước thể loại này.

 

 

Vì vậy, Independence Day – Resurgence cần yếu tố then chốt của một bộ phim thành công: kịch bản tốt, và nó cũng không làm tốt được phần này. Một câu chuyện được viết theo lối kế thừa những gì của 20 năm trước có lẽ chỉ đạt được sự thích thú nho nhỏ cho fan của phần trước, còn khán giả mới hoàn toàn chả mấy ấn tượng. Một kịch bản dễ đoán, cộng thêm các nhân vật mới cũng không độc đáo như phần cũ khiến cho hơn một giờ phim trôi tuột qua tâm trí khán giả mà khó có gì đọng lại, cho dù kết phim để ra một lối mở cho những phần tiếp theo cũng khó mang lại sự mong chờ của khán giả (trừ fan ruột)…

 

 

Independence Day – Resurgence gần như là sản phẩm dành cho fan ruột nhiều hơn bởi nó thể hiện rất nhiều khung cảnh, motip của những dư âm ngày cũ, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu đương đại, thật khó cho thương hiệu này có thể lập lại thành tích của ngày xưa.

 

 

Mai Bửu Hoàng Hưng

Theo Báo Người tiêu dùng

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích