Finding Dory – hành trình của kí ức

22:11 29/08/2021

Finding Dory giống như một lời hồi đáp tuyệt vời cho thông điệp mà Finding Nemo gợi ra hơn mười năm trước, đó là một chuyến phiêu lưu đầy tính nhân văn của quy luật nhân – quả, mà ở đó, cả Dory lẫn khán giả đều có một hành trình thú vị.

Finding Dory giống như một lời hồi đáp tuyệt vời cho thông điệp mà Finding Nemo gợi ra hơn mười năm trước, đó là một chuyến phiêu lưu đầy tính nhân văn của quy luật nhân – quả, mà ở đó, cả Dory lẫn khán giả đều có một hành trình thú vị.

 

 

Năm 2003, Finding Nemo ra đời, tạo thêm một cú hit nữa cho Pixar trong việc khẳng định vị trí ông vua làng phim hoạt hình thế giới. Hơn 800 triệu doanh thu toàn cầu so với hơn 90 triệu USD chi phí, Pixar đã cho cả thế giới thấy, khi người ta tạo ra một tác phẩm hay, bất kể là thể loại nào thì vẫn có giành thắng lợi ở phòng vé. Finding Nemo thời điểm đó là một tuyệt tác về hình ảnh, một câu chuyện đầy nhân văn về tình cha con chú cá hề và những nhân vật không thể quên như cô cá xanh mắc chứng hay quên Dory.

 

 

Hơn 10 năm sau, Dory một lần nữa tái xuất hiện để cứu vớt ngai vị có chút lung lay của Pixar/Walt Disney. Với những khán giả ruột của Finding Nemo, câu chuyện của hơn 10 năm trước vẫn là một câu chuyện còn dang dở. Cha con Nemo đã đoàn tụ, nhưng còn những động vật trong bể cá cảnh đã giúp Nemo có số phận ra sao? Còn Dory, một cô nàng hay quên có một quá khứ như thế nào?

 

 

Finding Dory (2016) là một món quà tuyệt vời mà Pixar/Walt Disney dành cho những fan ruột của mình và cả những người yêu thích phim hoạt hình. Thân thế của Dory được gợi mở ngay từ đầu, ngay từ lúc chỉ là một cô cá nhỏ với đôi mắt to tròn, luôn phải lặp lại câu nói “tôi là Dory, tôi bị chứng mất trí nhớ ngắn hạn” như một định mệnh của đời cô. Bố mẹ Dory đã dặn cô lặp đi lặp câu nói đó để cái trí nhớ bé xíu ấy có thể có chút hy vọng mà hòa nhập với thế giới đại dương rộng lớn. Rủi thay, trí nhớ ngắn hạn ấy chỉ đủ cho 2 câu nói đó, để rồi Dory quên mất lời dạy của bố mẹ, lạc vào dòng hải lưu để rồi không cách nào có thể tìm được đường về nhà…

 

Và rồi, cứ thế Dory lang bạt khắp nơi theo năm tháng, đụng đâu hỏi đó, cho tới ngày cô nghe tiếng gọi của bố Nemo, và đó một góc khác của Finding Nemo ngày xưa, được kể dưới góc nhìn của Dory.Finding Dory là câu chuyện của hiện tại, nơi mà bố con nhà Nemo thỉnh thoảng bị gọi dậy liên tục nửa đêm chỉ vì cái tính hay quên + nhiều chuyện của Dory. Bố con Nemo đã tạm yên vị ở bên kia bờ đại dương với một cuộc sống mới, trong khi Dory vốn chả nhớ nổi nhà mình ở đâu cũng đã định cư lại đây, cho đến khi cô vô tình đứng kế bên dòng hải lưu… và bao kí ức tưởng đã lãng quên lại ùa về. Đó là lúc hành trình mới của bộ ba Dory – bố con nhà Nemo bắt đầu: hành trình của kí ức.

 

 

Đó là một chuyến hành trình thú vị bởi… nó đi ngược lại hành trình thú vị cha con nhà Nemo ngày xưa. Họ lại nương theo dòng hải lưu, bơi xuyên qua Đại Tây Dương như chính câu chuyện ngày xưa của Finding Dory, chỉ khác một tí, đây là cơ hội để bố con Nemo trả ơn cho Dory…

 

Sau hơn 10 năm, thế giới dưới lòng đại dương lại thêm kì ảo với đồ họa ngày càng tuyệt vời hơn của Pixar. Không chỉ có một màu xanh mướt, mà từng cọng rêu, rặn san hô, từng gợn sóng cũng lấp lánh thi thoảng ánh nắng… tất cả đều tuyệt đẹp. Hành trình về nhà của Dory là một hành trình dễ ấn tượng với khán giả mới và đặc biệt đầy cảm xúc với những khán giả cũ – những người trải qua hơn 10 năm trưởng thành đang len lỏi trên miền kí ức như chính cô cá Dory – cô cá đãng trí cố bơi ngược bệnh tật của mình để tìm lại gia đình.

 

 

Hành trình của Dory là một hành trình đầy màu sắc đối với trẻ em nhỏ, nơi các em có thể chiêm ngưỡng các loài sinh vật biển thông qua chuyến hành trình từ đại dương đến Viện hải dương học. Nơi mà có những sinh vật tưởng chừng như xa lạ, nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ như hai chú hải cẩu kì quái thích ngồi trên mỏm đá, cô chim có ngoại hình quái lạ, chú bạch tuột hay càu nhàu, cô cá mập cận thị, anh chàng cá heo ngô ngố… Đó là những người bạn cũ có, mới có với Dory và bố con nhà Nemo nhưng tất cả đều đáng yêu, nhẹ nhàng mà cũng gay cấn.

 

 

Lần mò theo những kí ức rơi rớt của Dory cũng là những thông điệp rất hay mà Pixar truyền tải theo đúng tinh thần truyền thống của hãng. Đó là khi bố con nhà Nemo thôi trách móc nhau mà lẩm nhẩm “Dory lúc này sẽ làm gì?”, rồi “cứ thế mà bơi thôi”. Đó là một thông điệp ngầm dành cho giới trẻ. Đại dương hay thế giới loài người vốn là những thứ rộng lớn, đầy bí ẩn, cũng đầy lo toan với những đầu óc non trẻ, nhưng không vì thế mà khép nép, lo sợ, bởi “cứ đi rồi sẽ đến”, bởi “đi một ngày đàng học một sàng khôn” như chính Dory, cô cá đãng trí nhưng tốt bụng cứ thế mà làm. Và thông điệp gia đình vẫn là thông điệp lớn nhất mà Finding Dory đã gởi gắm.

 

 

Ai cũng muốn con cái mình đẹp đẽ, hoàn thiện, nhưng nếu con bạn có một dị tật nhỏ như Dory thì sao? Hoàn hảo cũng tốt, nhưng dị tật cũng chẳng sao, đó là cách mà bố mẹ Dory cố gắng giúp Dory hòa nhập với cuộc sống. Biết con mình hay quên, cả hai đều cố gắng khắc sâu những hình tượng mà Dory thích nhất, để cô biết mà theo cách đó lần mò về nhà. Hình ảnh hàng trăm vỏ sò tím (món mà Dory thích từ bé) được rải khắp các nơi, tất cả mọi hướng đều hướng về ngôi nhà mà bố mẹ Dory đang sống là một hình ảnh tượng trưng cho tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái của mình.

 

 

Với những thông điệp đẹp đẽ, một câu chuyện hài hước và thú vị, chẳng ngạc nhiên khi Finding Dory trở thành phim họa hình có màn ra mắt ấn tượng nhất lịch sử Pixar với 136 triệu USD doanh thu trong tuần đầu tiên. Một câu chuyện phiêu lưu nhưng cũng giàu tính triết lý, có nhiều pha xúc động mà mọi gia đình đều có thể thích thú khi xem cùng nhau.

 

 

Mai Bửu Hoàng Hưng

Theo Báo Người tiêu dùng

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích