Father of the bride: Cha là đất trời, trời che...

22:11 29/08/2021

Father Of The Bride (1991) là một bộ phim cảm động về tình cảm giữa cha và con gái. Nhưng bạn đừng vội nghĩ rằng kịch bản của nó bao gồm những số phận bi kich, những hoàn cảnh ngang trái hay một biến cố gì có vẻ to tát để toát lên sự hy sinh của người cha nhằm lấy nước mắt của bạn.

FATHER OF THE BRIDE: CHA LÀ ĐẤT CHỞ, TRỜI

CHE…

 

 

 

Father Of The Bride (1991) là một bộ phim cảm động về tình cảm giữa cha và con gái. Nhưng bạn đừng vội nghĩ rằng kịch bản của nó bao gồm những số phận bi kich, những hoàn cảnh ngang trái hay một biến cố gì có vẻ to tát để toát lên sự hy sinh của người cha nhằm lấy nước mắt của bạn. Ở bộ phim này không có những điều đó! Father Of The Bride kể về câu chuyện giữa một người cha bình thường và một cô con gái bình thường giống như bạn hay bạn bè xung quanh bạn, trong một lát cắt cuộc đời của hai cha con là khoảng vài tháng trước khi cô con gái đi lấy chồng.Nếu nói ngắn gọn thì nội dung cả bộ phim dài gần 2 tiếng ấy chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng có một điều lạ lùng là bằng một cách nào đó, nó lại làm ta xúc động và thấm thía tới tận đáy lòng…

 

 

Nếu bạn là nam giới và dù cho bạn chưa lập gia đình, chưa có con gái, bạn cũng có thể hiểu được phần nào tình cảm mà George Banks (Steve Martin) dành cho cô con gái Annie (Kimberly Williams) của mình. Nó giống như tình cảm bạn dành cho con mèo con ở nhà, dành cho đứa em gái nhỏ hay một bạn nữ ốm yếu trong lớp, một thứ gì đó mà bạn muốn hết lòng che chở và bảo vệ, nhưng tình cảm này lớn lao hơn nhiều. Bởi cô bé này là một phần máu mủ của bạn, mang những tính cách giống bạn nhưng ở một điểm nào đó, cô bé là hình ảnh khác của người phụ nữ mà bạn yêu thương nhất cõi đời này.

 

Nếu bạn là phái nữ, bạn sẽ dễ hiểu những tình cảm Annie cho bố George của mình. Dù cho bố là người nghiêm khắc hay dễ tính, là người khô khan hay hài hước, hay bố là người dạt dào tình cảm, bố luôn là một người bạn lớn và luôn đứng về phía bạn trong bất kỳ cuộc tranh luận nào với mẹ, chiều chuộng mọi yêu cầu dù là vô lý của bạn. 

 

 

Có thể nói rằng Steve Martin đã làm nên linh hồn của bộ phim này. Steve làm hình ảnh George trở nên gần gũi và cũng đáng yêu lạ thường. Một ông bố dí dỏm, nói nhiều, đôi lúc hơi hậu đậu nhưng xem Annie là tất cả của mình. Điều đó thật ấm áp và cũng dễ hiểu, nó giống cách bố bạn xem bạn là một công chúa thực sự, là hoa hậu thế giới kể cả khi bạn chỉ là một cô nhóc chưa đầy một tháng tuổi hoặc thậm chí là khi bạn đã là một phụ nữ độc lập, có công việc ổn định. Vì với George, Annie là điều ngọt ngào nhất, đáng yêu nhất nên bất cứ điều gì làm tổn thương, hoặc là có khả năng làm tổn thương cô bé, mang cô bé rời xa vòng tay bảo vệ của mình điều trở nên đáng ghét. Điều đó không ngoại trừ cậu con rể tương lai Bryan Mackenzie (George Newbern).

 

-Con còn quá trẻ để kết hôn!

 

-Quá trẻ? Con đã 22 tuổi rồi bố. Nếu con không nhầm thì vẫn nhiều hơn mẹ một tuổi khi mẹ kết hôn với bố.

 

-Điều… điều đó không ảnh hưởng gì vì thời gian đã thay đổi. Khi đó mẹ con đã trưởng thành và 22 tuổi không từng là…

 

-Thôi mà bố, anh ấy là một thiên tài, rất tử tế và con yêu anh ấy hơn bất cứ điều gì trên đời.

 

-Vậy cậu ta làm nghề gì?

 

-Anh ấy là nhà tư vấn truyền thông độc lập.

 

-Độc lập?

 

-Vâng.

 

-Ừ, đó chỉ là một cách nói hay ho khác của từ “thất nghiệp”. Thật là hoàn hảo, con gặp một anh chàng thất nghiệp và thông minh, tuyệt vời mà bố sẽ phải ủng hộ. Bố cho là bố phải thuê cậu ta và cho sa thải vài anh chàng chăm chỉ làm việc với ba đứa con chỉ vì con rể của mình- nhà tư vấn truyền thông độc lập. Hèn gì mà cậu ta đồng ý sẽ chuyển đến bất cứ đâu con làm việc. Con sẽ không kết hôn, kết thúc!

 

 

Và giữa bữa tối căng thẳng ngày hôm đó, khi hai luồng cảm xúc ngược chiều va vào nhau, một hạnh phúc trong yêu đương cuồng nhiệt, một lo sợ mất đi báu vật của mình một cách bất ngờ, như sét đánh giữa trời quang ấy. Hai cha con lại cùng nhau chơi bóng rổ và lạ kỳ thay, mọi cảm xúc bốc đồng dịu lại hẳn và họ đã chơi bóng rổ với nhau với tất cả niềm hân hoan, hạnh phúc, như thể đó là công việc mà họ có thể làm tốt nhất trên đời này. Những động tác ăn mừng chiến thắng giống nhau, những pha xô đẩy, níu kéo, những động tác giả, những cú đập tay giữa hai cha con,… Không giống như với mẹ, bạn có thể dành ngày này qua ngày khác để làm rất nhiều thứ như tám chuyện, mua sắm, nấu nướng, làm đẹp,… Với bố thì khác, thời gian của bố và con gái thì luôn ít và thường chỉ làm một điều gì đó cố định. Cũng giống như bạn và bố mình cùng trồng cây, cùng chơi đàn guitar, cùng chụp ảnh, George và Annie chơi bóng rổ. Có thể nói rằng những phân cảnh hai cha con chơi bóng rổ trong sân nhà là những cảnh đẹp nhất và bình yên nhất chiều dài bộ phim, hơn cả cảnh đám cưới rực rỡ đèn hoa lấp lánh.

 

Mọi cảm xúc yêu thương, dù là tình yêu hay tình cảm cha con, một khi quá lớn lao thì rất dễ trở nên mù quáng. Vậy nên anh chàng chàng trẻ tuổi mà cô con gái cưng đột ngột giới thiệu là chồng sắp cưới của mình sau khi đi học xa trở về, dù cho có điều kiện và phẩm chất tốt, cũng nhanh chóng trở thành đối tượng điều tra, soi mói của George. Mọi hành động nhỏ nhất của chàng trai trẻ đều là một điểm trừ trong mắt ông bố vợ tương lai. Bryan chạy xe nhanh hơn bình thường cũng là vấn đề, kiểu cười cũng gây mất thiện cảm, mỗi lúc Bryan chạm vào người Annie cũng làm George dị ứng và George ghét cả việc nghe thấy cái tên của chính mình vì nó được phát ra miệng cậu con rể tương lai.

 

 

-Nina, chúng ta còn chưa biết được Bryan thực sự là ai. Ai mà biết được đó có phải là tên thật của cậu ta hay không? Có thể cậu ta đã có vợ, em vẫn đọc về những vụ đó hàng ngày trên báo mà. Cậu ta có thể là một tên lừa đảo chuyên nghiệp, gặp gỡ những cô gái ngây thơ, rồi tặng họ một bài hát, một điệu nhảy rồi chuồn lẹ sau khi lừa họ với tất cả những gì mà họ có. Em đang làm gì vậy?

 

-Em đang chuẩn bị đi ngủ.

 

-Vậy thì anh cho là em cũng không có hứng thú với việc anh nhớ là đã thấy ai đó giống như Bryan trên chương chìnhTruy Nã của Mỹ?

 

Một chút hụt hẫng, một chút lo lắng, tất cả trở thành cơ chế vô hình đẩy ông bố vợ George đến tình cảnh bị stress trước lễ cưới của con gái mình. “Khi đó, tôi nhận ra thời của tôi đã qua. Tôi không còn là người đàn ông của cuộc đời con bé nữa. Tôi giống như một chiếc giày cũ, loại mà chúng ta sản xuất ra và rất thích thú, nhưng rồi sau vài năm thì không thèm dùng nữa”. Nhưng rồi những phút cáu gắt thái quá, đôi lúc là điên rồ ấy cũng chấm dứt và có ai mà ngờ được, khi cặp vợ chồng tương lai tranh cãi đến mức chuẩn bị hủy đám cưới, ông bố vợ hay cáu bẳng sợ mất con gái ấy lại là người đứng ra hòa giải. Tất cả chỉ vì bố George nhìn thấy những giọt nước trong mắt hai đứa trẻ và ước ao được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt con gái mình.

 

 

Ngẫm lại quãng đời đã qua của mình, nếu bạn đếm được bao nhiêu đêm mình mất ngủ vì một sự kiện quan trọng nào đó, hãy nhân đôi nó lên, đó là số lần cha bạn thao thức vì bạn. Tôi thích nhất vẫn là những thước phim vào đêm trước lễ cưới của Annie. Mẹ Nina bận bịu lo toan mọi việc đã ngủ từ bao giờ, cậu em trai Matty sau khi loay hoay với bộ lễ phục cũng đã ngủ say, chỉ có bố George là trằn trọc mãi không thôi. Rồi hai bố con lại đứng bên nhau ở sân bóng rổ trong vườn nhà trong cái đêm quan trọng ấy. Từng hình ảnh của Annie lần lượt hiện ra trước mắt George như một cuốn phim quay chậm, khi cô bé mới chào đời, ngày đầu đi học, rồi tốt nghiệp đại học, đi học xa trở về,… Những phút ấy cho ta cảm giác về điều gì đó bền vững, chắc chắn và vĩnh hằng: tình cha!

 

 

Father Of The Bride có cốt truyện không quá kịch tính, kinh phí đầu tư không thuộc vào loại hàng khủng nhưng vì diễn xuất tự nhiên của các diễn viên, vì kịch bản gần gũi với đời thường đến độ chân thực, nó đã đạt được thành công nhất định và trở thành một bài thơ sâu lắng về tình cảm giữa cha và con gái.

 

 

Sản phẩm liên quan

Thông tin mua sắm hữu ích