Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

22:11 29/08/2021

Chuyển thể từ siêu phẩm đình đám Miss Granny của Hàn Quốc, Em là bà nội của anh – có thể trở thành một ví dụ điển hình cho phim chuyển thể của điện ảnh Việt Nam vốn đã bộc lộ khá nhiều yếu kém trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

Share social

Chuyển thể từ siêu phẩm đình đám Miss Granny của Hàn Quốc, Em là bà nội của anh – có thể trở thành một ví dụ điển hình cho phim chuyển thể của điện ảnh Việt Nam vốn đã bộc lộ khá nhiều yếu kém trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Với sự ưu ái từ “giờ vàng phim Việt” của các đài truyền hình, điện ảnh Việt Nam mà cụ thể là các phim truyền hình có động lực để bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước áp lực chạy theo doanh số, kịp chỉ tiêu, cộng với việc nguồn kịch bản chưa dồi dào, một số đơn vị đã chọn cách chuyển thể phim hay còn gọi là “Việt hóa” một số tác phẩm đình đám của Hàn Quốc để “làm nhanh, thắng nhanh” và hậu quả là có những “đứa con lai” không giống ai.

 

Chúng ta đã từng có Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt, rồi Người mẫu, Lối sống sai lầm, Anh em nhà bác sĩ v.v… những bộ phim nhanh chóng lấp đầy khung giờ phim Việt trên sóng truyền hình để rồi khiến khán giả lắc đầu, luyến tiếc và tìm phim gốc của xứ sở kim chi để xem lại… cho đỡ tức. Hệ quả của việc chuyển thể thiếu nghiêm túc, cộng với việc chạy đua theo thời gian phát sóng đã tạo ra một loạt các phim chuyển thể như phim nước ngoài nói tiếng Việt theo phong cách… xứ khác. Và thế là, phim chuyển thể đã chịu ảnh hưởng xấu từ một thời làm việc “ăn xổi ở thì” như thế, cho đến khi phim Miss Granny với cái tên Việt hóa là Em là bà nội của anh ra đời đã gỡ gạc lại phần nào danh dự cho dòng phim chuyển thể.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) là hiện tượng phòng vé Hàn Quốc khi ra mắt vào năm 2014 với doanh thu 61 triệu đôla, và đứng thứ 18 trong danh sách phim ăn khách nhất mọi thời đại nước này. Phim kể về một bà lão 70 tuổi đang gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống chung với gia đình con trai, đã được “cải lão hoàn đồng” nhờ một cơ duyên kì lạ mà trở lại thành thiếu nữ 20 tuổi. Với cơ hội thứ hai này, bà quyết định tận hưởng cuộc sống trẻ trung, tình yêu, cũng như theo đuổi ước mơ ca hát.

 

Trước khi đến với Việt Nam, đã có hai bản làm lại từ Trung Quốc và Nhật Bản, với các tựa đề 20 Once Again và Suspicious Girl. Với phiên bản Việt mang tên Em là bà nội của anh – đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chứng minh tài năng của mình khi không những giữ được cái duyên, cái thần của cốt truyện gốc mà còn biến nó trở nên gần gũi, thân quen với chính văn hóa, tinh thần của người Việt.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

    

Tinh thần chính của Miss Granny là âm nhạc của kí ức, vì vậy, chất hoài cổ của Em là bà nội của anh cũng chính là gu âm nhạc đậm chất cũ kỹ của một bà già tuổi 70. Theo chân bà Đại (Miu Lê thủ vai) trẻ trung tuổi đôi mươi trong phim là những Diễm Xưa, Ô My Lê, Tiểu đoàn 307, là cải lương, là nhảy bolero, là tất cả những gì huy hoàng một thời của một Sài Gòn rêu xanh, yêu kiều mà hoa lệ…

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Có thể thấy sự dũng cảm của những người làm phim khi để chính diễn viên Miu Lê hát những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Mặc dù là một ca sĩ, nhưng phong cách của Miu Lê khiến người ta không khỏi hoài nghi việc cô thể hiện cái hồn của nhạc Trịnh, nhưng rồi tất cả đã lặng im, thổn thức khi cô hát ca khúc Còn tuổi nào cho em

 

“ Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

 

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài…”

 

Không ma mị, liêu trai như giọng Khánh Ly, không sâu thẳm, từng trải như giọng của Hồng Nhung, Miu Lê hát hồn nhiên mà sâu lắng, nó không hẳn là hay nhưng người ta cảm nhận được cái tình của người ca sĩ, cái trong veo, nỗ lực của lứa trẻ khi hát tình ca của thập kỉ trước… một cảm giác mới mẻ với những người yêu nhạc Trịnh và là một ca khúc không thể hợp hơn cho chính nội dung của phim: tuổi thanh xuân của người phụ nữ.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Tuổi thanh xuân như một cơn gió nhẹ, nhẹ nhàng trôi đi theo cơm áo gạo tiền, theo từng cơn sốt, cơn đau của con cái, của chạy vại từng bữa cơm để rồi bất ngờ nhận ra mình đã là một bà già 70 tuổi… Bà Đại cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác đã để cơn gió tuổi xuân của mình trôi qua như thế, đến cuối đời bỗng chốc lại được sống tung tăng, trẻ trung lại quãng đời đã mất… thế mới có “tuổi nào vừa thoáng buồn” của tuổi già, lại có chút “ngơ ngác tìm gió heo may” của tuổi trẻ, một ca khúc không thể hợp hơn cho bộ phim.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Sự tinh tế của phim Em là bà nội của anh không chỉ đến từ nhạc phim mà còn là những chi tiết rất nhỏ như chi tiết làm bà Đại trẻ lại. Người thợ chụp ảnh trong tiệm Thanh Xuân lúc bà Đại đến chụp hình cũng chính là con của cố nghệ sĩ Thanh Nga, người mà nhân vật bà Đại nhất mực thần tượng và đã bắt chước kiểu tóc lẫn cái tên ấy cho mình khi trở về tuổi 20. Chỉ riêng chi tiết này đã cho thấy sự kỹ càng, tinh tế của đạo diễn và biên kịch trong khâu chọn vai, sắp đặt tình huống và Việt hóa những chi tiết mấu chốt của phim, một điều mà không phải phim chuyển thể nào cũng làm được.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Nếu kĩ tính, khán giả có thể bắt gặp tình yêu của đạo diễn dành cho Sài Gòn ẩn hiện trong toàn bộ phim. Nó là một dạng âm hưởng không rõ ràng, không rành mạch nhưng ta có thể cảm vui nếu bắt gặp từng chi tiết vụn vặt hiện lên, để rồi khi ráp nối lại những mảnh nhỏ đó là một Sài Gòn hoài cổ mà bạn từng biết. Đó là Sài Gòn của những con người hào sảng chỉ đường, của chú tài xế xe buýt lái xe nghe bolero, của những con hẻm rất đặc trưng, quán nhậu lề đường v.v… Đó là một cách sáng tạo để Việt hóa một tác phẩm, nhẹ nhàng mà sâu lắng của một ê-kip làm việc chuyên nghiệp và có tâm.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Mặc dù bị bó hẹp phải giữ nguyên tắc khi chuyển thể nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã phá cách trong vài phân cảnh rất nhỏ như hình ảnh chú chó con bơ vơ chạy lạc lõng giữa những người già. Trong phiên bản gốc, nhân vật bà Xuân (“tình địch” của bà Đại) không gắn liền với chú chó, nhưng ở phiên bản Việt, việc làm ẩn ý này đã tạo hình ảnh xúc động, một kiểu kể chuyện nhẹ nhàng mà đượm buồn hơn về cái chết của bà Xuân… Vốn dĩ “cái chết” là nỗi sợ lớn nhất của người già, nhưng vốn dĩ họ không sợ mình biến mất trên cõi đời này, họ chỉ sợ những mảnh tình thân của họ, con cháu họ, những “đứa trẻ mãi mãi” trong tim họ sẽ không ai chăm sóc, bảo ban… Hình ảnh chú chó lon ton chạy một cách ngơ ngác, bơ vơ là một hình ảnh rất gợi tình cho nỗi lo rất đời thực của người già, một chi tiết đắt giá, phá cách nhưng không phá truyện…

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

Có rất nhiều thứ để chúng ta thưởng thức trong một câu chuyện đẩy tính gợi mở như Em là bà nội của anh, từ những suy ngẫm về người già, mâu thuẫn giữa các thế hệ, sự tôn vinh của văn hóa cũ, sự hy sinh của người già, sự tiếc nuối của những năm tháng tuổi xuân, những năm tháng giang dở… tất cả đan xen vào nhau, hòa lẫn thành một bộ phim vừa có tiếng cười, vừa có nước mắt xúc động, trong một bộ phim “vỏ Hàn nhưng hồn Việt” chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho cả đại gia đình khi thưởng thức tác phẩm này.

 

Em là bà nội của anh - Phim chuyển thể hoàn hảo

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan