Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

22:11 29/08/2021

Walt Disney đã là ông chủ của thế giới hoạt hình 2D, thuở Disney sở hữu những họa sĩ tài năng, những nhà biên kịch đầy sáng tạo cho đến khi hoạt hình 3D ra đời kéo theo một kẻ thách thức đáng gờm mang tên: DreamWorks...

Share social

DREAMWORKS –

 

KẺ THÁCH THỨC VƯƠNG TRIỀU WALT DISNEY

 

 

 

 

Walt Disney đã là ông chủ của thế giới hoạt hình 2D, thuở Disney sở hữu những họa sĩ tài năng, những nhà biên kịch đầy sáng tạo cho đến khi hoạt hình 3D ra đời kéo theo một kẻ thách thức đáng gờm mang tên: DreamWorks.

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

 

Số phận dường như sinh ra DreamWorks để làm đối thủ của Walt Disney. Trong thế giới hoạt hình, quyền lực của Disney là tuyệt đối cho tới khi họ sa thải nhà sản xuất Jeffrey Katzenberg vào năm 1994. Theo lời gợi ý của bạn bè, Jeffrey cùng hai người bạn thân thiết của mình quyết định thành lập xưởng phim riêng. Thế là “Công trường của giấc mơ” (Dreamworks SKG) ra đời, là đứa con cưng của bộ ba tài năng trong thế giới điện ảnh gồm : đạo diễn Steven Spielberg – thương hiệu của những phim đạt doanh thu cao như E.T, Jurassic Park; cựu trưởng bộ phận sản xuất phim của Walt Disney Jeffrey Katzanberg, người đứng đằng sau thành công của nhiều bộ phim nổi tiếng như: The Lion King (Vua Sư Tử), The Little Mermaid (Nàng Tiên Cá), Aladin...; và David Geffen, một phù thủy của kỹ nghệ thu âm với nhãn hiệu Geffen Records lừng danh nước Mỹ. Công ty của họ chính thức ra đời vào ngày 12/10/1994 với khoản vốn ban đầu là 533 triệu USD, trong đó 3 sáng lập viên chỉ có 33 triệu USD. Số tiền còn lại do Paul Allen, đồng sáng lập hãng Microsoft, đóng góp.

 

 

Hoạt động của Dreamworks chia đều ra ở hai mảng chính là: phim điện ảnh và phim hoạt hình. Sản phẩm đầu tiên của Dreamworks là The Peacemaker do George Clooney và Nicole Kidman đóng vai chính. Sự thất bại của phim không làm các nhà sáng lập nản lòng. Họ nhanh chóng gây sự chú ý của dư luận với Mouse Hunt, Amistad, Small Soldiers, Paulie, Deep Impact.

 

Tuy nhiên, chỉ đến khi Saving Private Ryan được phát hành vào năm 1998 và giành luôn nhiều giải Oscar năm đó, Dreamworks mới được coi là ngang hàng với những hãng ra đời trước. Trong 3 năm 1999, 2000 và 2001, DreamWorks liên tiếp ẵm tượng vàng Oscar cho Phim xuất sắc với American Beauty, Gladiator và A Beautiful Mind.

            Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

          

 

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney 

 

Tuy nhiên, thế mạnh thật sự của DreamWorks lại nằm ở mảng phim hoạt hình, gần như là đối thủ duy nhất ngang hàng với Walt Disney ở thị trường này. Thời kỳ đầu thành lập DreamWorks Animation, các nhà lãnh đạo đã dốc hết sức mình để cho ra đời bộ phim Hoàng tử Ai Cập, với tuyên bố lịch sử chấm dứt phim hoạt hình 2D vẽ tay của Walt Disney, đồng thời tạo nền móng vững chắc cho hãng DreamWorks Animation phát triển.

 

Phong cách vẽ của tác phẩm này mạnh mẽ và tinh tế với nguồn cảm hứng đến từ những bức bích họa đầy linh thiêng của Ai Cập, một sự trái ngược hoàn toàn với thế giới cổ tích thần thoại tràn đầy phong cảnh hữu tình lãng mạn của phim hoạt hình trước đây. Về mặt chất lượng, có thể nói Hoàng tử Ai Cập có ưu thế vượt trội hơn so với bộ phim Hercules của Walt Disney được ra mắt cùng thời kỳ. Sự phối hợp xuất sắc giữa phong cách vẽ truyền thống cùng kỹ xảo vi tính đã làm nên một phong cách hoàn toàn mới cho DreamWorks Animation.

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

 

Năm 2002, DreamWorks tung ra bộ phim Spirit: Stallion of the Cimarron cũng là nhắm vào Walt Disney, với mục tiêu đánh bại bộ phim Vua sư tử (The Lion King) danh tiếng của đối phương nhưng thực tế đã không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bộ phim đã đặt nặng vào sự thể nghiệm những kỹ thuật vẽ hoạt hình, sự kết hợp hoàn mỹ giữa màu nước, sơn dầu, cùng hoạt hình 3D. Đây là thời kỳ đầu các hãng phim hoạt hình bắt đầu có sự kết hợp giữa 2D và 3D. Spirit: Stallion of the Cimarron vẫn tạo được chỗ đứng, còn được nhận đề cử Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar nhưng không giành được tượng vàng. Bộ phim kế tiếp đó Sinbad: Legend of the Seven Seas của DreamWorks Animation lại không mấy may mắn, sự thất bại về doanh thu khiến nó cũng trở thành tác phẩm “gác kiếm” đối với phim hoạt hình 2D vẽ tay của hãng DreamWorks.

 

 

Về sau này, cùng với sự ra đời của công nghệ 3D, DreamWorks mới bắt đầu trở nên ngang hàng với Walt Disney và trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực hoạt hình 3D. Kỹ thuật hoạt hình 3D của DreamWorks bắt đầu thuần thục với tác phẩm Shrek được ra mắt vào năm 2001. Đây cũng là bộ phim hoạt hình ăn khách nhất của DreamWorks từ khi ra đời cho đến khi Shrek 2 ra mắt vào năm 2004 với con số doanh thu vượt trội hơn gấp đôi.

 

Sự biểu hiện trên khuôn mặt của các nhân vật đều được xử lý rất tốt, cho đến bối cảnh cũng khá chân thật, khiến DreamWorks tự tin hơn với hiệu ứng 3D của chính mình.  Cho đến Shark Tale, kỹ thuật 3D được vận dụng chuẩn xác hơn. Sắc màu rực rỡ của những chú cá, những rặng san hô, mọi cảnh tượng kỳ lạ dưới đáy biển sâu đã đem đến một sức hút mạnh mẽ về mặt thị giác. 

 

Tiếp sau đó, Madagascar ra đời, tuy có hiện tượng trở về với truyền thống, nhưng kỹ thuật biểu lộ cảm xúc của nhân vật thì có một bước tiến rõ rệt hơn, và bộ bờm với hơn 1,7 triệu cái lông của chú sư tử Alex đã tốn hao không biết bao công sức của các họa sĩ và kỹ thuật viên để đem đến một cảm giác rất thật cho khán giả.


 

                             Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

Hiện nay, Dreamworks phải tạm mượn Uviversal Studio và toà cao ốc kế cận Universal làm nơi làm việc. Bộ phận sản xuất phim hoạt hình của DreamWorks thậm chí còn đặt cạnh bản doanh của Walt Disney ở số 1400 Flower Street, Gl như một minh chứng cho sự cạnh tranh không khoan nhượng của hai ông lớn này.


DreamWorks và Walt Disney dù vô tình hay cố ý, các tác phẩm của họ thậm chí còn “đụng” nhau chan chát về mặt ý tưởng và có không ít lần “so găng” với nhau như các trường hợp sau:

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

Shrek vs Monsters, Inc.

 

Năm 2001, Dreamworks và Walt Disney/Pixar cùng lúc cho ra đời hai tác phẩm với những quái vật khiếp người, nhưng những quái vật trong tác phẩm đều cùng mang chung một tính cách hung tợn bên ngoài, tốt bụng bên trong. Shrek kết hợp cùng với những nhân vật và những câu chuyện cổ tích hòa trộn cũng nhưng tình tiết hài hước gây cười đã chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả và tạo nên một cơn sốt về mặt doanh thu, đó là lý do vì sao mà Shrek sau đó liên tiếp ra phần 2 và phần 3. Còn Monsters, Inc. dù thể hiện sự vượt trội về mặt kỹ thuật, những sợi lông trên người con quái vật Sullivan còn hấp dẫn hơn cả những sợi tóc của những cô người mẫu quảng cáo dầu gội đầu vẫn không thể ngăn được thắng lợi của DreamWorks với doanh thu ngất ngưởng của Shrek.

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

Shark Tale vs Finding Nemo

 

Cùng là câu chuyện sâu thẳm dưới đáy đại dương, năm 2004 hãng Dreamworks cho ra đời tác phẩm Shark Tale đi chậm hơn 1 năm trời so với Finding Nemo của Walt Disney/Pixar được ra đời vào năm 2003. Về cách biệt về trình độ cũng như cách biệt về thời gian được biểu hiện rất rõ ràng. Shark Tale thể hiện các nhân vật của mình sao cho giống với nét mặt của những diễn viên lồng tiếng như Will Smith, Angelina Jolie hay Robert DeNiro, tuy nhiên, ý tưởng tạo hình này không thành công cộng với một cốt truyện đơn giản đã không thể đương đầu được với một Finding Nemo với những thước phim mượt mà, tuyệt đẹp cùng với câu chuyện về tình cha con đầy tính nhân văn. 

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

Madagascar vs The Wild

 

Lúc này đang có một cuộc nội chiến giữa Walt Disney và Pixar, khiến Pixar quyết định dứt áo ra đi.  Mất đi Pixar, Walt Disney vẫn cho ra đời tác phẩm The Wild nhằm cạnh tranh với Madagascar của Dreamworks. Cả hai tác phẩm đều nói về những con thú trong vườn bách thú và có một cuộc hành trì kỳ thú từ New York đến Châu Phi xa xôi. The Wild thất bại hoàn toàn so với Madagascar, bộ phim không được đánh giá cao lại rất tầm thường. Thất bại đó khiến Walt Disney cuống cuồng tìm Pixar, cuối cùng Pixar sáp nhập vào Disney với cái giá kỉ lục 7,4 tỉ USD vào năm 2006.

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

Flushed Away vs Ratatouille

 

Có được sự trợ giúp của Pixar, Walt Disney quay trở lại võ đài. Pixar quyết định dùng Ratatoulille để cạnh tranh lại với Flushed Away của Dreamworks. Nhân vật của cả hai bộ phim đều liên quan đến những chú chuột và đều xa rời với nước Mỹ, Flushed Away đưa khán giả đến với nước Anh còn Ratatouille thì lại là nước Pháp. Flushed Away là câu chuyện về một chú chuột đang được cưng chiều bỗng chốc bị đưa đến với thế giới ngầm của chuột chịu nhiều cực khổ nhưng nhờ đó mà chú có được nhiều bài học trong cuộc sống. Còn Ratatouille kể về giấc mơ ẩm thực về chú chuột Remy, một hành trình vượt bao gian khó để chạm tay vào giấc mơ không tưởng của mình. Cuối cùng, Ratatouille với kĩ thuật 3D của Pixar kết hợp với những cái đầu biên kịch xuất sắc nhất thế giới của Disney đã giành thắng lợi trong cuộc “tỉ thí” này.

 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney

 

Cuộc chiến giữa hai đối thủ “hạng nặng” này vẫn chưa có hồi kết. Sẽ còn nhiều trận “tỉ thí” hơn nữa trong tương lai nhưng người được lợi cuối cùng vẫn là khán giả vì sẽ được xem những bộ phim hoạt hình ngày một hoàn thiện và hấp dẫn hơn.
 

 

Bài: Hoàng Hưng
 

Dreamworks - Kẻ thách thức vương triều Walt Disney


 
Nội dung bài viết trên cafestyle thuộc sở hữu của HansaeYes24 Vina Co.,Ltd

 

 

THÔNG TIN MUA SẮM

Sản phẩm liên quan